Giấc mơ chim sẻ

Vượt qua những đụn mây tỏa mù mịt sau rặng núi cuối cùng, dù đã choãi cánh cho bớt mỏi nhưng sẻ nâu vẫn loạng choạng rơi. Rướn nốt từng ngụm sức, đôi cánh nhỏ cố bay đến một cái đích không đoán trước.

Lượn thêm một vòng trước khoảng sân trồng những cụm hoa trắng, sẻ nâu tiếp tục bay. Chuyến vượt biên phải được tiếp tục khi nó khỏe lại. Chòm lông dưới cổ sẻ nâu rung rung như lời chào từ biệt, mường tượng cảnh cô bé ủ rũ buồn khi đi học về không còn nghe tiếng chim tãi khắp sân nhà. Sẻ nâu dứt khoát đập cánh.

*

*     *

Trong ngôi nhà sàn to giữa rừng, Lễ nhẹ nâng bàn tay Bun Mi lên. Bàn tay với từng ngón nứt rạn mai rùa, ram ráp xơ mướp từng cày xới những khoảng ruộng cỗi cằn đá núi quê nhà. Tia mắt vằn vệt lửa, Bun Mi gay gắt chĩa cái nhìn soi mói vào Lễ – người của phía đối lập. Nhìn lại những Ngụy quân Lào bị bắt trong trận đánh này, Bun Mi càng thấm thía nỗi nghiệt ngã khi buộc phải quay mũi súng vào chính dân tộc mình…

Chiến dịch Xiêng Khoảng năm 1953.

Lô cốt hơn một trăm lính Ngụy Lào án ngữ trên quả đồi trọc – chắn đúng con đường độc đạo từ Việt Nam sang Xiêng Khoảng. Cùng quê với Bun Mi còn có Ài – A- Thít. Hai đứa cùng tầm tuổi, ruộng nương hai nhà sát gần nhau. Ài -A – Thít có lần nói với Bun Mi:

– Nếu có dịp tao sẽ trốn trại về với bố mẹ làm nông dân thôi!

Bun Mi ủng hộ và hứa nếu nó đi, Bun Mi cũng sẽ đi cùng với nó.

Chập tối hôm đó là đêm kinh hoàng nhất trong đời Bun Mi, chỉ nghe từng tiếng bom nổ vỡ những mảnh trời, liền đó, ánh mắt Bun Mi lóa lên hàng trăm chùm ánh sáng chói. Bun Mi tưởng như xác mình đã tung lên, từng mảnh, từng mảnh rồi rơi xuống, nát bầm màu huyết. Mở choàng mắt giữa mịt mờ tro bụi xám đen, Bun Mi thầm cười tính nhát chết cố hữu của mình và vơ vội lấy khẩu súng trường. Bỗng lạnh buốt da vì mũi súng đằng sau, chợt Bun Mi hiểu những người quân nhân Việt đã dùng hỏa lực khống chế toàn bộ doanh trại Ngụy Lào.

Đó là một đêm sương lạnh, cái lạnh quê hương buốt rứt da cứa thịt, nghe nói cái lạnh ở miền Bắc Việt Nam cũng vậy. Những người quân nhân Việt canh giữ quân ngụy Lào, bên ngoài bộ trang phục chỉ khoác thêm một chiếc áo trấn thủ cộc tay và hết thảy họ đều xuýt xoa mỗi khi lớp sương mỏng ngoài trời rắc từng sợi rét len vào mép áo, luồn thấu tận xương. Họ chất giữa nhà một đống lửa to, những thanh củi khô cháy bùng, nổ lộp bộp. Trong ánh lửa hắt lên ấy, Bun Mi thấy Lễ trịnh trọng dẫn một người mới đến. Dáng to cao của ông hắt bóng lên tường:

– Đây là ngài Khăm Phoỏng – Phó Bí thư Tỉnh ủy Xiêng Khoảng – đại diện Chính phủ kháng chiến Lào và Mặt trận yêu nước Lào. Chúng tôi mời ngài đến để chủ trì lễ phóng thích thả ngụy quân các ông trong đêm nay.

Giọng Lễ lập cập vì lạnh. Ngài Khăm Phoỏng gọi mấy người quân nhân Việt lại và nói nhỏ điều gì. Một lúc sau, Lễ tới nói với quân ngụy Lào:

– Do trời lạnh quá và cũng tối rồi nên chúng tôi thống nhất ngày mai sẽ thả các ông sớm. Bây giờ mọi người đều đã mệt nên cứ đi nghỉ đã.

Vậy là cơn mưa rừng bất chợt cùng cái lạnh sắt se đến từng lỗ chân lông đã phá hỏng buổi lễ. Ánh mắt hoài nghi, những người lính ngụy Lào nhìn nhau. Kể từ khi bị bắt cho đến phút này, phía đối lập chưa từng trói họ bằng bất kỳ loại dây nào mà chỉ để ý canh gác. Phía đối lập đã hứa đêm nay sẽ để cho quân ngụy Lào đi và giờ thì thời gian đó lại chuyển sang ngày mai. Ông quan Hai Pháp chỉ lớn miệng mang lá gan chuột nhắt đã sớm mang gia đình chạy trốn bằng cửa sau. Số phận lính Ngụy sẽ được quyết định thế nào đây? Ánh mắt người nào cũng in đậm dấu hỏi ấy, họ mang nỗi phân vân vào những giấc ngủ không thể trọn vẹn trong đêm sương dài và lạnh. Những quân nhân Việt đều đã ngủ sau những mệt mỏi trên chặng đường dài hành quân. Quân ngụy Lào đành phải đếm khắc thời gian, chờ cho đến rạng sáng ngày mai. Quá mệt mỏi với cuộc sống không một phút thanh thản trong ngẫm suy nên Bun Mi đã lập kế hoạch cho mình khi được tự do. Đó là một cuộc sống lương thiện trong tương lai với ruộng đồng, gia đình, làng xóm… Bun Mi thiêm thiếp trong những dự định, đã sắp chợp mắt song ánh lửa loé lên làm Bun Mi bừng tỉnh, thằng Ài – A- Thít đang dùng chân khều một thanh củi cháy to. Bun Mi giả bộ húng hắng ho. Nó rụt vội chân lại, ý định manh nha trong đầu Bun Mi cũng là điều mọi người nghĩ đến chăng? Đống súng chất cao cuối góc nhà mà quân ngụy Lào nộp cho đại đội Việt Nam hầu hết đều còn đạn. Bun Mi biết nguỵ quân Lào nhiều người chưa ngủ. Phút giây phản trắc này…

Bun Mi he hé mắt. Lễ nằm ở đống lửa gần sát, ông Khăm Phoỏng nằm ở phía đối diện với đống lửa, Bun Mi không dám thở mạnh. Nhưng sao Lễ và các ông bên đó lại ngủ ngon và yên lành thế? Những nhịp thở rất hiền, những ánh mắt khép hờ ngon giấc, như thể ở đây chưa từng có tiếng súng, bom dội qua. Bun Mi muốn truyền đến họ một tín hiệu nguy hiểm khi thấy vị trí nằm của anh em bên Bun Mi đã xa dần đống lửa và gần đống súng trường hơn. Nếu lật lại thế cờ, có thể ngụy quân Lào sẽ được trọng thưởng vì bắt được cả một đội quân… Nhưng họ đã một lần phản bội Tổ quốc, lẽ nào sai lầm thêm một lần nữa? Song nếu đêm nay trôi qua, liệu đội của Lễ có giữ đúng lời hứa, có tha cho họ về lại quê hương làm những người dân thường? Có lẽ cùng suy nghĩ với Bun Mi, một số anh em cũng lật người, trở trăn, thở dài. Tuyệt đối không thấy điều ấy ở đội của Lễ, họ tin tưởng ngụy quân Lào vậy sao? Họ không canh giữ ngụy quân Lào như người thắng cuộc canh giữ tù nhân. Họ đã ngủ bên nhau yên bình như thể ngụy quân Lào là bạn bè, anh em trong cùng một nhà, sinh cùng cha, cùng mẹ. Từ tiếng thở đều đều đến từng sợi mi mắt, hàng lông mày của Lễ đều thể hiện sự thư thả, như một người anh trai sau một ngày làm việc nặng nhọc trở về nhà, ngủ ngay bên cạnh Bun Mi…

*

*     *

          Chim sẻ nâu nghiêng đầu nghe ngóng, cơn mưa bất chợt táp nó vào hiên, bộ lông xù lên, đôi mắt mở to khi thấy dáng người nhỏ bé bước vào một ngõ hẻm. Lưng người đó đã còng nhưng dáng đi thì vẫn như ngày ấy, như thời gian chưa từng lọt qua kẽ tay. Chim sẻ nâu lượn thêm vòng, mắt đã hoa lên hình bong bóng xanh, bong bóng đỏ. Nghiêng đầu vào cửa kính, con chim sẻ già cố nghe cho được đoạn đối thoại trong nhà.

Bà đã ngoài tám mươi nhưng mắt vẫn còn tinh anh chán, tay nhặt rau, miệng lầm bầm:

– Ông vào viện ra viện như con thoi còn muốn xuất ngoại gì nữa! Con Nga đến là rỗi việc, bảo vệ tiến sĩ chưa xong còn bày đặt bay về đưa ông sang thăm chiến trường xưa…

– Thì cháu nó đã hứa với tôi rồi! Tôi cũng chỉ đi nốt lần này. Do sức khỏe tôi yếu nên mới mong được nhìn nơi đó lần cuối

– Thôi thì tùy ông. Tôi chả can.

Bà buông tiếng thở dài, cắm cúi nhặt rau tiếp. Tóc mai bà bạc cả rồi! Ông xót xa. Ông cứ đi cứ về, nằm viện này viện nọ, con cháu một tay bà chăm bẵm nên người. Rồi cũng rời vòng tay bà, chúng du học nước này nước khác, học hàm học thức tử tế khiến ông bà cũng mở mày mở mặt với người ta. Ông ngẫm ngợi, nhìn lên mảng trời biếc. Thoáng có tiếng chim se sẻ. Ông nhắm mắt, ngỡ mình chiêm bao.

Đêm. Mọi nhà tắt điện ngủ cả, chỉ còn ngọn cao áp gần cây xà cừ to hắt ánh sáng qua tán lá xuống lòng đường của phố nhà binh. Sẻ nâu thao thức theo mỗi nhịp thở, theo dáng người lật qua lật lại, trở trăn trên chiếc giường đôi kê ngay ở tầng một.

– Ông lại không ngủ được à? Sao ngày mưa, ngày nắng đều trở mình giữa giấc thế!

Tiếng vợ ông càu cạu. Đã giữa đêm, đôi mắt răn reo của Lễ tuy khép hờ nhưng hình ảnh Vông Đươn rướn thân mình tròn lẳn hứng đạn chắn che cho ông vẫn hiện về. Cô gái tuổi trăng tròn hẳn tóc đã bạc, dòng máu Việt ngày nào ông truyền sang cô chắc vẫn đang chảy như chính trái tim ông luôn đập những mạch thao thức nhớ mong nơi ấy. Đêm và tiếng kêu của chim se sẻ trôi vào ngẫm suy của người già, với những dự tính đã vài chục năm trôi qua vẫn chưa thực hiện được…

*

*     *

          Thủ đô Viêng Chăn.

Bình minh. Bà No Khăm mừng rỡ thấy hàng lông mi chớm bạc của ông Bun Mi rung rung. Bà khóc òa khiến các bác sĩ ở bệnh viện lo lắng chạy tới. Ông Bun Mi ấm ớ mở choàng mắt:

– Tôi đã… hóa kiếp sẻ nâu đi tìm ông ấy. Tôi đã… nằm trong nấm mồ làm một con chim chết. Tôi… sống ngay trên mái nhà dãy phố nhà binh Việt Nam và đã nhìn thấy ông ta.

– Ông nằm viện cả tuần rồi! Già cả lú lẫn, người sao lại là sẻ nâu được chứ, lại cả Việt Nam nữa! – bà No Khăm lầm bầm.

Ra viện được hai ngày, giấc mơ chim sẻ nâu lặp lại đến lần thứ ba, Bun Mi lật đật trở dậy từ rất sớm. Ông tin vào sự hiển linh của giấc mơ. Cẩn thận thay đồ, ông gọi một chiếc xích lô máy đến chở ra tháp Bà Đen. Ông vừa đi thì bà bạn thủa ấu thơ của bà No Khăm tới. Hai bà lấy ghế mây ra ngồi bên bậu cửa hàn huyên tâm sự chuyện gia đình, con cháu, thân thiết như ngày họ mới hai mươi. Chuyện đến khi mặt trời leo thẳng tắp thì Bun Mi về, bên ông còn một cụ già đi rất chậm chạp. Bà bạn của No Khăm ngẩng lên, cơ mặt căng cứng, bà ngắc ngứ, rồi một giọt nước mắt rất to ứa vỡ trên khóe mi bà. Ông Bun Mi ngạc nhiên nhìn vị ân nhân đi bên cạnh mình. Vông Đươn nhìn đôi mắt sẻ nâu của Bun Mi vụt nhớ chuyện đứa cháu nhỏ mất chú chim tuần trước. Lễ đã dừng chân bước, miệng ông há hốc y như khoảng thời gian cách đây một tiếng, khi ông thấy Bun Mi sụp xuống lạy tạ ông ngay giữa chợ Viêng Chăn tấp nập. Đã quá nhiều nếp thời gian trên gương mặt khắc khổ của Vông Đươn, nhưng hàng lông mày ấy, khóe môi run run khóc khi ông cùng đại đội về nước… hàng ngàn  năm có trôi, ông cũng không quên được.

*

*     *

Đêm khác mọi đêm. Bun Mi tâm sự với Lễ:

– Sau trận đánh đồn Noong Hẹt, chiến dịch Xiêng Khoảng năm 1953, khi được tha chết, tôi đi tu ba tháng và trở về lập gia đình với cô gái đã luôn thủy chung chờ tôi trong hờn giận khi tôi bị bắt đi làm Ngụy…

Cũng trong đêm ấy, Lễ được nghe Bun Mi kể về cái đêm kỷ niệm bập bùng bếp lửa với trở trăn ấy. Ông chợt hiểu rằng cái anh thanh niên Bun Mi ngày nào đã nhiều lần mơ thấy cảnh gặp lại ông để tâm sự những điều anh luôn canh cánh bên lòng. Đã nhiều lần anh nghĩ đến lúc nhắm mắt xuôi tay không gặp lại được gương mặt Lễ ngủ bên bếp lửa ngày nào. Đã nhiều lần anh kể chuyện cho con cháu nghe về đời mình, luôn thấp thoáng có bóng hình Lễ và giấc ngủ trên nhà sàn to năm ấy. Khắc rõ gương mặt ông trong ký ức của anh đến mức thời gian đã trôi qua, năm tháng mang đêm sương của mấy chục năm trước đi quá xa, riêng Bun Mi vẫn nhớ từng đường nét trên gương mặt đã răn reo vì tuổi tác của ông. Khi biết điều này, trái tim Lễ đã trải qua một cơn xúc động về tình cảm sâu sắc trong lòng người dân nước Lào. Lắng sâu trong trí nhớ của ông thì Bun Mi cùng tất cả anh em nguỵ quân Lào được thả hôm ấy đều giống nhau. Ông nào có nhớ rõ đặc điểm từng người, từng người một. Ông chỉ ghi dấu trong tim là họ đều có những bàn tay sần chai, cục mịch của nông dân, cũng củ mỉ cù mì như người dân đất Việt, cũng chất phác thật thà như hạt lúa, củ khoai. Ông và các đồng đội như đã yên lành ngủ bên họ, xem họ như người mình và hiểu rõ có một trận đánh ngầm đã diễn ra trong lòng ngụy quân Lào: Cuộc chiến thiện – ác. Trong trận đánh ấy, chính họ là người thắng cuộc, chính họ cũng đã tha cho những người canh giữ họ bằng rất nhiều trăn trở cộng hưởng từ tiếng thở dài sâu trong lồng ngực lẫn với tiếng loạt xoạt của những bóng áo Nguỵ quân Lào tiến dần về đống súng góc nhà, tiến dần về phía những thanh củi lớn đang bốc cháy. Họ đã kiềm giữ cái thời khắc dễ dàng phản trắc ấy cho đến khi than tàn, những nòng súng đều đã lên đạn vẫn nằm im. Và họ canh chừng nhau, gác cho quân nhân ngủ. Họ gác lẫn nhau, họ gác chính góc có cái ác trong tâm mình để giữ cho đội của Lễ yên lành đến tận sáng hôm sau. Lễ không nhắc lại với Bun Mi về kế hoạch hai của ông nếu ngụy quân Lào hôm ấy phản trắc bởi vì sau cái đêm im lặng mà giông tố ấy, hừng đông hôm sau, những quân nhân Việt đã phóng thích quân ngụy Lào. Trong thanh âm trong trẻo buổi sớm mai, quân nhân Việt đều hiểu rằng đêm hôm trước chính quân ngụy Lào đã phóng thích cái tâm của bản thân mình để quyết tâm trở về con đường thiện lương – con đường của những người tin theo đạo Phật.

*

*     *

          Chính giữa nhà sàn đặt tháp cao chừng một mét được tạo thành bởi lá chuối hun khói. Tháp được đặt trong một chiếc noong to, chân tháp bày xôi, oản, thịt gà, thịt lợn luộc, các loại quả chín, có gài thêm những cành hoa chăm – pa mới hé nở. Mùi thơm dịu nhẹ gợi trong Lễ rất nhiều kỷ niệm thân thương ở nơi này. Tháp được trang hoàng rực rỡ, óng ánh sắc màu hơn bởi những sợi trang kim vòng chéo, điểm xuyết xung quanh. Lễ buộc chỉ cổ tay mà Bun Mi gọi hàng xóm, họ hàng đến tổ chức cho Lễ long trọng như thế! Ông cụ già trong nhà đọc trọn bài kinh cầu phúc cho sức khỏe, cho cuộc sống của Lễ. Thời kỳ chiến đấu ở nước Lào, Lễ có sống trong chùa nên cũng hiểu được ít nhiều nội dung của bài kinh. Sau bài kinh, ông nhẹ nhàng nắm cổ tay trái, khẽ buộc một sợi chỉ tơ màu trắng vào và mỉm cười độ lượng với Lễ. Vòng trong, vòng ngoài, từng người họ hàng, làng xóm; từng mẹ già, em gái, cậu trai, chú, bác. Mỗi người đều tới buộc chỉ cầu phúc cho Lễ. Ánh mắt người nào cũng rạng ngời, hồn hậu. Cái xiết tay nào cũng nhẹ nhàng, tình cảm. Trong Lễ bỗng hiển hiện lại ánh mắt của những ngụy quân Lào trong buổi sớm chia tay, có một chút sương ướt của đêm lạnh rơi trong mắt họ. Ông đâu có ngờ sau ngày hôm ấy, đời ông có dịp hội ngộ xúc động thế này.

Khi vợ chồng Bun Mi, No Khăm và Vông Đươn buộc xong chỉ tay. Lễ nâng cườm tay trái với những sợi tơ mỏng mảnh màu trắng ngang mày, mắt nhòa lệ. Từng sợi tơ tình cảm cầu phúc riêng cứ chặp lại, chặp lại, trắng đầy cườm tay.

*

*      *

    …Nằm thêm một lát, Lễ cố lắng tai nghe tiếng se sẻ vẳng đầu hè, không gian lặng câm, tiếng sẻ đã bặt tiếng. Ông cố nhỏm dậy, cơ thể nặng nhọc rơi khỏi chiếc giường, ông không thể cất tiếng gọi bà từ tầng ba xuống đỡ dậy được nữa. Thanh thản nhắm mắt. Lễ để mặc trái tim mình lang thang thăm đất nước quá nhiều nỗi nhớ mà đến cuối đời, ông cũng chỉ gặp lại trong mơ.

Cô bé vận áo vàng tất tả ra gốc cây đại, dùng một cái xẻng nhỏ lật khẽ từng lớp đất. “Đây rồi!” chiếc hộp gỗ nhỏ đựng xác sẻ nâu vẫn nằm im lìm. Mở cửa hộp, cô bé choáng váng, trong chiếc hộp tuyệt nhiên chẳng có nắm xương sẻ nâu. Đằng sau cô bé, mờ ảo bóng bà Vông Đươn. Bà không kịp thực hiện chuyến viếng thăm gia đình bạn No Khăm vào tuần tới như dự định. Hoàng hôn ngày hôm trước, bà tắt thở trong không gian vẳng tiếng sẻ nâu chiêm bao…

Phùng Hải Yến


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.