Gia đình truyền thống của người SiLa

Người Si La quan niệm, trên đời từ muôn loài động vật và cỏ cây đều có đực và cái. Con người cũng phải có trai – gái, có đôi có lứa, có gia đình để sinh con đẻ cái, phát triển giống nòi; con người cũng phải có gia đình để nương dựa vào nhau  mà sinh tồn.

Nếu như người Thái quan niệm “người già như ngọc trong nhà”  thì người Si La cũng cho rằng “ Người già (bố mẹ già) là của quý trong gia đình”. SiLa là tộc người, trong quá khứ triền miên du canh, du cư. Theo trường ca Thiên Di của họ thì: Đất tổ của người Si La là ở Na Sa (vùng đất thuộc Tây Tạng – Trung Quốc). Trong quá trình hàng nghìn năm thiên di, họ đi dần về phương Nam. Đến vùng Vân Nam sống vài đời. Họ lại rời xuống vùng đất giáp danh Trung Quốc –  Lào. Rồi lại di cư sang vùng đất Mồ U của Lào. Từ đó, một nhóm người lại di cư đến vùng giáp danh Lào – Việt Nam.  Sang đến Việt Nam, họ cũng di cư lập bản ở nhiều nơi rồi mới định cư ở địa bàn hiện nay (xã Kan Hồ, Huyện Mường Tè). Đi tới đâu, họ cũng ở những địa bàn hẻo lánh. Cuộc sống vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Do điều kiện sống khó khăn, dịch bệnh thường xuyên nên cách đây khoảng hai chục năm về trước, tộc người Si La sinh đẻ nhiều nhưng không phát triển về dân số. Cho đến nay, Tộc người SiLa ở Lai Châu cũng chỉ có hơn 800 người. Chính vì vậy, gia đình đối với người SiLa rất quan trọng. Tâm lý mong con cái lập gia đình và sinh nhiều con rất phổ biến. Ngày từ khi đứa trẻ ra đời bà ru cháu cũng mong “ Cháu yêu ơi… lớn  nhanh nhé… / lớn lên lập gia đình, sinh con đẻ cái như bụi giềng gió to nhé/ Bụi càng to thì càng nhiều mầm/ càng nhiều mầm thì bụi càng to nhé…”  Không chỉ vậy, với đặc tính canh tác nương là chính. Nên con cái  mới lập gia đình cũng cần cha mẹ già trong coi, chăm sóc con cái nhà cửa khi đi làm nương xa hàng tháng. Đến khi cha mẹ già yếu, ốm đau thì con cháu có trách nhiệm phụng dưỡng cho ông bà cha mẹ. Người Si La có câu:

Nghệ nhân Hù Chà Khao và Hù Cố Xuân với cây đàn truyền thống của dân tộc Si La

« Dá ứm tà mê mà chớ/ Kà chè pu mê cọn chớ ê » –Làm ăn không đúng thời vụ thì không được ăn/ Lấy vợ,lấy chồng muộn thì cha mẹ không được nhờ. »

Từ góc độ tín ngưỡng, người Si La cho rằng : Thần linh và Trời sinh ra con người, mỗi người đều có một số phận. Mỗi người đều có một nhân duyên đã được đặt định cho ai đó. Vợ chồng cũng là nhân duyên trời định nên trong cộng đồng người SiLa xưa không bao giờ có chuyện ly hôn. Cũng vì thế, người Si La xưa không bao giờ lấy hai vợ hoặc bỏ vợ lấy vợ hai. Họ cho rằng, như vậy là lấy người mà thần linh định số cho người khác. Sẽ bị phạt. Cũng như nhiều tộc  người khác, gia đình truyền thống của người Si La rất bền chặt. Dù vợ (chồng) không thể có con, họ cũng nhận con nuôi và ở với nhau đến hết đời. Vợ (chồng) tàn phế hoặc vừa lấy nhau chưa được bao lâu thì vợ (chồng) bị bệnh nặng cũng yêu thương chăm sóc nhau đến khi người đó qua đời. Có những trường hợp người ốm lại sống lâu, sống thọ hơn người chăm sóc. Dẫu thì họ cũng bằng lòng. Người Si La có lý cho rằng trời sinh ra chỉ cho phép lấy một vợ ( chồng). Vậy nên người Si La trước khi lấy nhau, trai gái tìm hiểu nhau phải chọn rất kỹ. Truyền đời là vậy và đã được đúc kết trong kho tàng dân ca, tục ngữ SiLa thành những  câu răn dạy đầy tính nhân văn:

« Khà mê mà mừ thừ txí/Do chúy mà mừ thừ chù » – Vợ không tốt thì cũng sống với nhau hết kiếp/ chồng không tốt thì cũng sống với nhau cả đời »

Hay :

« Txí phù mà tố mừ nê/Cô tô i xạ ế cơ ơ tố kho nhị – Rượu không ngon thì cũng do vợ  mình nấu/ chồng phải uống hết rượu vì vợ mình đã tự tay nấu ».

Mặc dù những cuộc thiên di trước đây  của người SiLa thường đi theo nhóm nhỏ trên dưới mười người. Nhưng luật tục của tổ tiên được họ giữ gìn rất nghiêm ngặt. Đặc biệt là tục lệ về hôn nhân và gia đình. Đối với người SiLa, dòng họ có vai trò quan trọng và quyết định khi các cặp vợ chồng trong dòng họ nẩy sinh mâu thuẫn. Việc lập gia đình là của cá nhân. Nhưng nếu vợ chồng vì lý do nào đó muốn bỏ nhau thì ông mối (người làm mối cho đôi vợ chồng đó lấy nhau) và dòng họ đứng ra giải quyết. Đây là điều khác biệt giữa người SiLa và các tộc người khác. Đặc biệt, nếu lý do bỏ nhau vì vợ (chồng) ngoại tình thì phạt rất nặng. Đây là việc làm xấu thậm chí làm ô nhục và gây nghiệp cho cả dòng họ. Vì vậy, trong cộng đồng người SiLa rất hiếm có chuyện này. Nếu có thì  bị nộp phạt một con lợn nái chừng 50 đến 60kg để làm lý rửa họ. Lễ này được thực hiện trong sự có mặt của người lớn đại diện tất cả gia đình trong họ.  Tại buổi lễ này, ông mối và trưởng họ sẽ phân tích sai trái của người mắc lỗi ; nói lại luật tục của tổ tiên, hòa giải đôi bên, bắt hai người ngoại tình phải đứng lên xin lỗi cả họ và hứa sẽ chấm dứt quan hệ. Không bao giờ có chuyện giải quyết cho đôi vợ chồng bỏ nhau. Sự việc giải quyết xong thì không được kể lại cho con cháu nghe. Vài chục năm lại đây, cuộc sốngvật chất của người SiLa đã có nhiều thay đổi tích cực. Nhà nước đã có những chương trình dự án cho những dân tộc đặc biệt khó khăn, trong đó có tộc người Si La. Sau chương trình di dân tái định cư thủy điện Lai Châu. Cuộc sống của người SiLa đã được cải thiện tốt lên nhiều. Nhưng vấn đề gia đình thì lại nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp. Gia đình hai thế hệ chiếm đa số trong một bản. Tỷ lệ gia đình truyền thống ba thế hệ chung sống trong một nhà giảm. Vậy nên vai trò dẫn dắt, dạy bảo con trẻ của người cao tuổi trong các gia đình hai thế hệ hạn chế.  Sự tác động của những tiêu cực trong xã hội và từ mặt trái của cơ chế  thị trường đã tạo cho con người tâm lý trọng vật chất. Vì vậy,mối quan hệ giữa các thành viên trong dòng họ, gia đình đã không còn được gắn bó như trước đây. Tình trạng ly hôn đã ngày càng tăng. Văn hóa truyền thống, đặc biệt là văn hóa ứng xử trong cộng đồng, gia đình bị mai một và có nhiều biến đổi. Để giả quyết thực trạng đó, những năm gần đây, các cơ quan chức năng, các tổ chức chính trị – xã hội đã phối hợp vào cuộc tích cực và đã có những kết quả nhất định. Đặc biệt, ngành văn hóa đã có những chương trình, dự án đồng bộ nhằm nâng cao ý thức, nhận thức của cấp ủy, chính quyền và người dân về giá trị tích cực của di sản văn hóa của tộc người trong việc xây dựng bản làng văn hóa. Mà ở đó, đối tượng được quan tâm là gia đình và vai trò của gia đình.  Kế hoạch nâng cao chất lượng  đời sống văn hóa ở cơ sở được Phòng Xây Dựng Nếp Sống Văn Hóa Và Gia Đình, Sở Văn Hóa – Thể Thao và Du Lịch cụ thể bằng các hoạt động : Tổ chức các lớp tập về công tác gia đình ; Lớp tập huấn các hoạt động truyền thông về gia đình ; Tổ chức các lớp phòng chống bạo lực gia đình…   Đồng thời, sở cũng tổ chức nhiều hoạt động sưu tầm, nghiê cứu,  phục dựng bảo tồn nhằm  nhằm khơi dậy niềm tự hào về các di sản văn hóa dân tộc, đặc biệt là tinh thần đoàn kết, trọng tín nghĩa trong cộng đồng, chung thủy, hiếu thảo trong gia đình của người Sila./.

Đỗ Thị Tấc.

 

 

 

 

 

 


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.