Ghi trên “cái nôi” cách mạng Tả Ngảo

“Bao phen tôi đã đối diện với họng súng kẻ thù, lúc ấy chỉ kịp nghĩ khi thân mình ngã xuống, sẽ quyết chiến đến viên đạn cuối cùng. Và rồi may mắn vẫn đến khi tôi như con dúi tìm thấy ngách thoát thân, may nhờ thông thạo địa hình. Tôi lại thở phào, trong gang tấc bản thân mình đã biến nguy thành an…”. Đó là một phần câu chuyện của người chiến sĩ du kích Vừ A Chư, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Tả Ngảo (huyện Sìn Hồ), đội viên đội du kích Tả Ngảo năm xưa trong câu chuyện kể lại với chúng tôi.

Dịp cuối năm, trong cái gió rét như xé vải của mùa đông vùng cao Tả Ngảo, chúng tôi có dịp trở lại mảnh đất lịch sử, nơi đánh dấu những ngày hoạt động của Đội du kích Tả Ngảo vào những năm 50 của thế kỷ trước. Cùng với thầy và trò học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS xã Tả Ngảo, chúng tôi tới thăm nhà lão thành cách mạng Vừ A Chư nhân ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam 22/12, nhằm ôn lại truyền thống vẻ vang của lịch sử địa phương cho thế hệ hôm nay. Được biết, hằng năm vào những ngày truyền thống, ông vẫn dành thời gian lên trường, trực tiếp nói chuyện với các thầy cô và học sinh về lịch sử vẻ vang, hào hùng của du kích Tả Ngảo về những chiến công một thời…

Ông Vừ A Chư, đội viên du kích Tả Ngảo năm xưa nói chuyện lịch sử địa phương với các thầy cô giáo và học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS xã Tả Ngảo.

Bên ấm chè cổ thụ nóng hổi, ông Chư bồi hồi nhớ lại những tháng ngày thống khổ khi Sìn Hồ chưa được giải phóng. Tuổi thơ của chàng thanh niên người Mông Vừ A Chư và chúng bạn là những ngày khốn khó chạy loạn, chứng kiến giặc Pháp càn quét, tàn sát, bóc lột bản làng, nỗi căm thù giặc Pháp và tay sai ngày càng lớn trong anh. Năm 1950, phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp ở Sìn Hồ ngày càng có nhiều chuyển biến mạnh mẽ. Người dân xã Tả Ngảo đã thành lập đội du kích, họ đánh giặc bằng dao găm, cung nỏ và súng kíp. Những trận đánh du kích bất ngờ góp phần tiêu hao sinh lực địch, kiểm soát được một số khu vực quan trọng trên tuyến tỉnh lộ 128, tạo thuận lợi cho bộ đội chủ lực tiến vào giải phóng Sìn Hồ ngày 19/12/1953. Nhấp chén chè xanh, mắt ông nhìn chăm chú vào những cánh rừng xa, nơi ấy một thời đã in dấu chân ông và đồng đội. Hôm nay, đồng đội ông đã yên nghỉ hết, chỉ còn lại ông như một chứng nhân lịch sử. Xuân này, ông đã ngót nghét 85 mùa nước đổ, ở cái tuổi “gần đất xa trời”, nhưng mỗi khi có dịp ôn lại những mốc son lịch sử, trong ông lại rạo rực tự hào.

Theo cuốn Lịch sử Đảng bộ huyện Sìn Hồ, do Nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành tháng 5 năm 2009, tại trang 42, 43, 44 dẫn: “…Các đội bước vào hoạt động từ cuối tháng 5 năm 1953. Do cán bộ chiến sĩ trong các đội đoàn kết một lòng dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, đồng cam chịu khổ, biết cách tổ chức vận động nên đã gây dựng được một số cơ sở cách mạng và giác ngộ được nhiều đồng bào theo cách mạng, xây dựng được lực lượng ta trong vùng địch, tạo điều kiện thuận lợi khi bộ đội giải phóng quê hương… Ở phía Nam của huyện, ta đã củng cố lại khu du kích Tả Ngảo và mở rộng xuống Tủa Sín Chải, Làng Mô, sang Sà Dề Phìn hoạt động ở đây gồm các đồng chí: Hoàng Tám, Hoàng Định, Hoàng Lâm, Nguyễn Văn Nguyên, phát triển được 10 du kích ở Chung Chải, 6 du kích ở Séo Sáng, tổng số du kích ở khu này là 40 người, được trang bị 34 khẩu súng…”. Được biết, đội du kích Tả Ngảo dưới sự chỉ huy trực tiếp của bộ đội nhiều lần chiến đấu đánh chặn địch trên đường Sìn Hồ đi Tô Cu Phìn, cắt đường giao thông của địch từ Lai Châu lên Sìn Hồ. Bị đánh chặn nên địch phải tiếp tế lượng thực cho quân lính bằng máy bay. Phong trào nhân dân cùng đội du kích đấu tranh ngày càng mạnh mẽ. Tiêu biểu trận đánh tháng 5 năm 1953, ta đánh một trận tại bản Làng Hấu (xã Sà Dề Phìn), kêu gọi được 17 tên lính dõng, thu 11 khẩu súng, sau khi giáo dục đã cho về bản làm ăn, đi canh gác bảo vệ nhân dân, hứa không đi lính cho Pháp nữa.

Trong căn nhà gỗ truyền thống thưng ván của dân tộc Mông xã Tả Ngảo, ông Vừ A Páo, nguyên Bí thư Đảng ủy xã, con trai cả của ông Vừ A Chư kể lại câu chuyện về cha mình về những bậc tiền bối du kích năm xưa, khi ông còn tham gia công tác Đảng, chính quyền và được nghe các cao niên kể trong những ngày kỉ niệm: Thời điểm đó, có một tiểu đoàn của quân thực dân Pháp đóng quân tại Sìn Hồ, ngoài các vị trí Sà Dề Phìn, Noong Hẻo, Pa Há, Pu Sam Cáp, Pa Tần, Nậm Mạ… còn có một đại đội đóng ở trung tâm huyện lỵ, hai đại đội đóng ở các xã Nậm Cuổi, Nậm Mạ. Hàng ngày, thực dân Pháp và tay sai vào các bản bắt dê, trâu, ngựa, ai cản là chúng bắn chết. Nhiệm vụ của Vừ A Chư và các đội viên du kích là làm liên lạc chuyển thư cho bộ đội mình, dẫn đường chỉ lối cho bộ đội đánh vào sào huyệt của thực dân Pháp. Khi ấy Chư mười lăm tuổi, trong đội du kích của ông có người chỉ mới mười ba tuổi. Để đưa thư liên lạc cho bộ đội, Chư đã phải băng qua những khu rừng già, đi bộ hàng tuần, tránh bị địch phát hiện. Trong suốt thời gian làm du kích, Vừ A Chư và đồng đội nhiều lần đối diện với họng súng kẻ thù, lúc ấy chỉ kịp nghĩ, nếu chẳng may ngã xuống cũng phải quyết chiến đến viện đạn cuối cùng. Đó chỉ là một trong vô vàn những tình huống khi anh Chư và đồng đội nhận nhiệm vụ chuyển thư, tải lương thực cho bộ đội.

Cuối năm 1953, toàn huyện Sìn Hồ được giải phóng, anh Chư xung phong tham gia dân quân hỏa tuyến tại biên giới Pa Tần. Sau đó, Chư về huyện làm liện lạc cho Huyện ủy Sìn Hồ rồi được đồng chí Hoàng Tám, Bí thư huyện ủy Sìn Hồ động viên đi học văn hóa. Học hết lớp bốn, Vừ A Chư xin về Tả Ngảo tham gia lớp “bình dân học vụ” dạy chữ cho bà con bản mình. Hoàn thành chương trình “bình dân học vụ”, Chư tham gia công tác đoàn và đảm nhiệm chức danh Bí thư Đoàn xã Tả Ngảo (từ 1961 – 1967). Chư tham gia công tác đoàn thể, rồi cán bộ thống kê tổng hợp, được dân tín nhiệm bầu làm Chủ tịch UBND xã, rồi Bí thư Đảng ủy xã… Ở vị trí nào, ông cũng được Đảng tin, dân quý, năm 1989 ông nghỉ hưu. Trở về với cuộc sống đời thường, ông Chư được bà con dân bản tin yêu, quý trọng, bất kể công to việc lớn của bản, của gia đình, mọi người đều hỏi ý kiến ông, họ coi ông như niềm tự hào của người Mông vùng cao Tả Ngảo. Nhưng năm trước, có nhiều hộ dao động, nghe theo lời xúi giục của kẻ xấu, nhiều đêm ông Chư cùng với các ban ngành trực tiếp đến từng nhà động viên, thăm hỏi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, bằng phương pháp “mưa dầm thấm lâu”, bằng uy tín của người cách mạng, dần dần bà con đã nghe theo. Đến nay, người dân Tả Ngảo yên tâm công tác xây dựng bản làng, thực hiện nghiêm nội quy, giao ước, hương ước của bản làng. Người già làm gương giáo dục người trẻ, người dân trong xã đồng lòng,  không tin, không nghe theo kẻ xấu tuyên truyền đạo trái pháp luật, di cư tự do. Niềm tin theo Đảng được giữ vững là tiền đề cho các thế hệ tương lai kế tục phát huy và phát triển

Là thế hệ con cháu, sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Tả Ngảo, nay đã trưởng thành và nối tiếp bước ông cha xây dựng và phát triển Tả Ngảo hôm nay, đồng chí Sùng A Binh – Chủ tịch UBND xã Tả Ngảo chia sẻ: “Thế hệ các lão thành cách mạng của Tả Ngảo nay chỉ còn mình ông Chư. Thời nhỏ tôi nghe bố và ông nội kể, ngày trước làm cách mạng gian khổ lắm, vũ khí thô sơ, tự rèn dao, rèn súng bám bản giữ đất. Sau này bộ đội về giác ngộ, thế là theo bộ đội, theo Đảng đánh đuổi giặc pháp giữ bản, giữ mường”. Còn với Bí thư Đảng ủy xã Tả Ngảo Nguyễn Thế Tuấn, mỗi khi có ai hỏi về truyền thống và con người của vùng đất cách mạng Tả Ngảo, anh lại phấn khởi và vinh dự lắm, anh chia sẻ: Từ lâu Đảng bộ, chính quyền và bà con nhân dân các dân tộc xã Tả Ngảo luôn tự hào được sống, xây dựng và phát triển trên vùng đất một thời là cửa ngõ huyện vùng cao Sìn Hồ. Bằng lòng quả cảm, tình yêu quê hương được người dân xã Tả Ngảo hun đúc, kế thừa qua nhiều thế hệ. Để ngày hôm nay họ lại được tự hào vì đã làm đúng lời dạy của Bác Hồ “Dân quân du kích ta có truyền thống rất vẻ vang: già trẻ, gái trai đều anh dũng đánh giặc, cứu nước cứu nhà; tài giỏi mưu trí, lấy ít thắng nhiều…”.

Theo lời mời của đồng chí Bí thư Đảng ủy xã, chúng tôi đi thăm bản làng, thăm các mô hình kinh tế, thăm những mái nhà ăn nên làm ra. Tả Ngảo hôm nay khác xưa nhiều, niềm vui phấn khởi trên mỗi người dân khi thu hoạch hàng tấn củ sâm đương quy, sâm khoai, đỗ trọng… Nhìn những vườn thảo dược lấp lánh trong sương sớm mới thấy được tiềm năng thiên phú ban tặng cho bà con Tả Ngảo. Tả Ngảo hôm nay là những ngôi nhà gỗ, nhà sàn, nhà trình tường lợp tôn, prôximăng san sát; điện lưới quốc gia được kéo đến tận bản xa; trường học, trạm y tế được đầu tư, xây dựng khang trang; đường bê tông nông thôn mới dải nhựa, bê tông hóa phẳng lỳ đến từng ngõ bản. Đến nay, Tả Ngảo có 13 bản với hơn 4.700 nhân khẩu, gồm 3 dân tộc: Mông, Dao, Kinh. Những năm qua, xã được Đảng, Nhà nước quan tâm xây dựng cơ sở hạ tầng như, hệ thống điện, đường, trường, trạm, hỗ trợ phát triển kinh tế thông qua các chương trình dự án như: chương trình 134, 135/CP, 30a/CP, xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ phân bón các loại, giống lúa, máy cày bừa cho người dân; xây dựng tuyến kênh mương, phát triển các loại cây công nghiệp, dược liệu, giúp các hộ nghèo trên địa bàn vay vốn, đầu tư vào sản xuất phát triển kinh tế. Tất cả những điều đó đã góp phần đưa xã Tả Ngảo thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 5%, bình quân lương thực đầu người 600kg/năm.

Chúng tôi chia tay người du kích già và bà con Tả Ngảo khi nắng chiều đã xế, những làn sương mù của vùng cao Sìn Hồ bắt đầu bủa vây. Tuy nơi đây thời tiết khắc nghiệt, nhưng cũng là đặc trưng để Tả Ngảo được mệnh danh vùng đất dược liệu. Và Tả Ngảo hôm nay là những con người mới, họ được hun đúc, kế thừa những truyền thống hào hùng cha ông. Những chiến sỹ du kích năm xưa giờ đây đã già, người còn, người mất, nhưng các thế hệ cháu con của họ nay đã trưởng thành, được hưởng những thành quả mà cha ông bao năm gìn giữ, giờ họ là những cán bộ trẻ, năng động cốt cán, là người có uy tín cao… Đó là một trong những nhân tố then chốt góp phần quan trọng vào việc gìn giữ, phát huy truyền thống cách mạng, góp sức xây dựng phát triển Tả Ngảo thắng lợi các nhiệm vụ trong thời kỳ mới.

Bài, ảnh: Hà Minh Hưng

 

 

 


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.