Ghi chép ở trại sáng tác Đà Nẵng

Đoàn đi trại sáng tác Đà Nẵng năm nay của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Lai Châu có 15 người. Mọi năm các đoàn trước đã đi trại sáng tác: Tam Đảo, Đại Lải, Nha Trang, Đà Lạt… Nhưng năm nay tin trại sáng tác mở ở Đà Nẵng khiến mọi người háo hức. Trưởng đoàn là bà Đỗ Thị Tấc – Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật (Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh). Cả đoàn chỉ có ba người trên năm mươi tuổi, còn lại là văn nghệ sỹ 8X, 9X nên được xem là trẻ hơn so với các đoàn của tỉnh khác.

Trại sáng tác mở vào đầu tháng tám, khi mà Ngành Giáo dục Đào tạo đang chuẩn bị cho năm học mới, để các giáo viên tham gia trại được thật không dễ dàng gì. Ở các Chi hội huyện, Ban Tuyên giáo Huyện ủy đã đề nghị Phòng Giáo dục – Đào tạo tạo điều kiện cho một số giáo viên được tham gia nên các văn nghệ sỹ chuyên ngành văn học, mỹ thuật mới có cơ hội tham gia đoàn lần này.

Đà Nẵng đón chúng tôi bằng ánh sáng lấp lánh của thành phố vào đêm, nhìn từ trên máy bay, ánh điện giăng như sao lấp lánh. Ra khỏi máy bay, cảm nhận tiết trời Đà Nẵng cuối mùa hè khá nóng.

Nhà sáng tác Đà Nẵng cách sân bay gần mười lăm cây số. Tuy đã hơn tám giờ tối nhưng cán bộ Nhà sáng tác vẫn chờ đón đoàn bằng một bữa cơm ngon miệng. Qua một đêm nghỉ ngơi vì hành trình xa xôi, chỉ sáng ngày tiếp theo, sau khi khai mạc, đoàn bắt đầu khám phá Đà Nẵng với những địa điểm: Bảo tàng văn hóa Chăm, ngắm sông Hàn với Cầu Rồng, cầu Tình yêu, cầu Trần Thị Lý… Những ý tưởng về tác phẩm mới bắt đầu hình thành trong tâm trí. Các văn nghệ sỹ háo hức tìm hiểu, cảm nhận và lắng cảm xúc của mình.

Văn nghệ sỹ Lai Châu tác nghiệp tại thánh địa Mỹ Sơn. Ảnh: Hải Yến

Ấn tượng nhất phải kể đến hôm đoàn tổ chức thực tế sáng tác tại thánh địa Mỹ Sơn (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam). Sáu giờ sáng, văn nghệ sỹ đã đến nơi để đi xe điện vào trong rồi đi bộ khám phá từng khu tháp. Văn nghệ sỹ ở mỗi chuyên ngành có rất nhiều cảm xúc, ngạc nhiên và ngưỡng mộ tài năng điêu khắc và kiến trúc của người xưa. Những dấu tích về khu tháp đổ, phù điêu vũ nữ Áp-sa-ra nghiêng nghiêng trong nắng sớm, tượng bán thân hộ pháp với đường nét nghiêm nghị, dũng mãnh, cái nhìn như xoáy vào người xem. Các con đường lát đá, từng ngôi tháp với hàng ngàn viên gạch xây không mạch vữa khiến chúng tôi tò mò, những viên đá ong to bản và cây cỏ rêu phong, các linh vật trong tín ngưỡng Chăm-pa được điêu khắc nguyên khối bằng đá với nhiều hoa văn ở chân đế vô cùng phong phú… Quả thật hệ thống tháp Chăm ở thánh địa đã dẫn các văn nghệ sỹ đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Cỏ rất xanh, cây ven đường rợp bóng mát. Dòng suối nhỏ trong vắt chảy qua cầu. Trong lòng tôi bỗng ngân lên câu hỏi “Liệu có vũ nữ nào đã từng tắm trên dòng suối này chăng?”. Hệ thống tháp và lăng mộ ở khu trung tâm thánh địa Mỹ Sơn khiến chúng tôi ngỡ ngàng bởi những nét giao thoa tín ngưỡng và văn hóa cụ thể trên những hoa văn điêu khắc. Đó là dấu vết của Ấn Độ giáo và Phật giáo trên các phù điêu, trên bia chữ Phạn, trên linga… dấu tích đền đá với những trụ cột to lớn, những bậc và bệ đá nguyên khối khiến chúng tôi hình dung ra một ngôi đền đá đồ sộ thuở nào… Mọi người tìm hiểu, lựa chọn góc nhìn, lựa ánh sáng để chụp ảnh khu Thánh địa. Tôi và họa sỹ Hà Minh Hưng (Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh) thì mò mẫm soi ngó từng viên gạch, từng hoa văn… với sự ngưỡng mộ không tả hết. Tôi đã mơ ước đến nơi này từ khi còn nhỏ, những trang sách lịch sử khiến tôi tưởng tượng về vẻ đẹp kiến trúc, mỹ thuật của người Chăm cổ. Những câu thơ đầu tiên về Mỹ Sơn ra đời ngay khi tôi ngắm nghía từng khu tháp ở thánh địa: Lật giở những rêu phong/ Tôi trở về thánh địa/ Nghe thầm thì chuyện kể/ Từ huyền tích bao đời… Hà Minh Hưng thì chọn một góc nhìn xong bảo tôi:

– Em định vẽ thánh địa trong bình minh, chị xem em chọn góc này này.

Tôi nhìn theo hướng Hưng chỉ, những tòa tháp cổ nâu mộc nhuộm nắng sớm, xung quanh là màu cỏ và những rặng cây xanh biếc.

– Thánh địa là những thành tựu văn hóa Chăm cổ xưa, dù đã có phần đổ nát nhưng chúng ta đang bảo tồn những giá trị của nó. Em muốn vẽ để thể hiện lòng trân trọng, ngưỡng mộ của em với công trình vĩ đại này.

Tôi thấy dường như Hưng đã nói lên suy nghĩ của tất cả mọi người trong đoàn khi đến đây. Lúc nghỉ ngơi bên những bàn, ghế đá quanh các gốc cây, chúng tôi đều tranh thủ chụp bức ảnh kỷ niệm. Trước khi rời thánh địa Mỹ Sơn, chúng tôi được thưởng thức một chương trình văn nghệ ngắn với các điệu múa Chăm và tiếng kèn Saranai. Hình ảnh các điệu múa trên phù điêu tháp cổ hiện ra uyển chuyển, thanh thoát trong từng động tác của các nghệ sĩ Chăm trên sân khấu gợi trong lòng văn nghệ sỹ Lai Châu nhiều cảm hứng. Rời thánh địa, mỗi nghệ sĩ theo đuổi một suy nghĩ và cảm xúc khác nhau nhưng có lẽ tài năng của các nghệ nhân Chăm cổ là điều khiến chúng tôi khâm phục nhất.

Rời khỏi khu di tích thì chúng tôi đến nhà họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ  ngay ở đầu đường vào Mỹ Sơn. Họa sĩ  Hỷ  đón đoàn chúng tôi với nụ cười rạng rỡ. Nhà ông – một ngôi nhà kiến trúc Việt cổ, bằng tre, gỗ, có vườn, có mương nước bao quanh nhà thả cây bon, bèo tây, những giỏ hoa treo trước cửa sổ, mọi thứ gần gũi với thiên nhiên và mát mẻ vô cùng. Bữa trưa thật vui vẻ và ấm áp với câu chuyện thân mật giữa mọi người. Mùi vị mít vườn nhà họa sỹ Hỷ tiếp đãi chúng tôi thật khó quên. Những câu chuyện tản mạn về nghệ thuật bên ấm trà mạn dường như không dứt. Ông Hỷ nói “tên tôi có nghĩa là người chuộng niềm vui” – và những câu chuyện say sưa về ngôn ngữ của người Quảng Nam, về thánh địa Mỹ Sơn, về kiến trúc, về thơ… được ông chia sẻ.

Ngày hôm sau, nhóm mỹ thuật, nhiếp ảnh tiếp tục khám phá cảng, làng chài, bán đảo Sơn Trà. Họ gửi vào nhóm chat facebook, zalo những bức ảnh đẹp về đất và con người Đà Nẵng. Nhóm văn học ở nhà viết nhưng vẫn được thưởng thức cảnh đẹp qua ảnh nên tâm hồn cũng rất vi vu. Mọi người còn tranh thủ khám phá chợ quê và những làng nhỏ ẩn sau những rặng tre ven sông Hàn.

Chiều thứ bảy, Đà Nẵng mưa. Trận mưa ào ạt, từ nhà sáng tác nhìn ra sông Hàn thấy con sóng lớn và dài, gió thổi mạnh, mọi người chỉ lo đêm nay không được ra Cầu Rồng xem rồng phun nước, phun lửa. Nhưng mưa to nên mau tạnh, chúng tôi thuê xe máy đi ra Cầu Rồng, lựa chọn những vị trí đẹp nhất, thoáng nhất để ngắm Cầu Rồng và để nhóm nhiếp ảnh tác nghiệp trong đêm. Trên dưới, xa gần khu vực cầu Rồng chật kín người. Du khách khắp nơi đến đây vì vẻ đẹp của biển và cảnh quan thiên nhiên nhưng có lẽ họ còn mong chờ điều riêng biệt này của Đà Nẵng, thế nên họ mới chọn lựa đến vùng đất này vào dịp cuối tuần. Chín giờ đêm, Cầu Rồng bắt đầu phun lửa, sau đó là phun nước, du khách hò reo thích thú, họ quay phim, chụp ảnh lưu giữ kỷ niệm đặc biệt về Đà Nẵng mà không phải nơi nào cũng có. Chủ nhật, các thành viên trong các nhóm bắt đầu trao đổi về ý tưởng tác phẩm, nhóm nhiếp ảnh bắt đầu lựa những tác phẩm ưng ý. Nhóm mỹ thuật căng toan, pha màu. Nhóm văn học gửi nhau những tác phẩm mà mỗi người thấy ưng ý. Ngoài việc mang đi trại sáng tác nhiều bản thảo để chỉnh sửa hoàn thiện thì ai cũng muốn viết, vẽ… thật nhiều về đất và người Đà Nẵng, về những gì mọi người cảm nhận được trong đợt tham gia trại sáng tác này.

Bữa cơm ngày nào ở trại cũng vui. Cái sự ăn cơm thì thật đặc biệt, giờ giấc chuẩn theo lịch. Các món ăn thì rất nhiều đồ biển được chế biến hợp khẩu vị mọi người. Ai cũng khen nhà bếp thực đơn phong phú. Những giây phút căng thẳng chỉ được trút hết khi cả nhóm ra biển. Biển Đà Nẵng đẹp, hàng dừa xanh biếc, bờ cát trắng mịn, nước biển ấm áp với những làn sóng nhỏ vỗ về. Biển bằng, thoai thoải chứ không dốc, lội ra xa bờ mấy chục mét mà nước cũng chỉ ngang ngực.  Rồi còn tìm cảm hứng bằng việc đi xe máy men theo bờ biển, theo đường Hoàng Sa rồi lên cầu Thuận Phước, ngắm Đà Nẵng trong đêm, nhóm nhiếp ảnh thì chụp phơi sáng. Mỗi người theo đuổi một ý tưởng khác nhau. Đêm đến lại tranh thủ sửa bản thảo và hoàn thiện sáng tác mới.

Chúng tôi đã có một buổi chiều để gặp gỡ nhóm văn nghệ sỹ thành phố Đà Nẵng, cảm nhận được sự hồ hởi, chân thành của con người nơi đây trong cái bắt tay, trong nụ cười ánh mắt của họ. Hai đoàn giới thiệu, giao lưu và trao đổi kinh nghiệm sáng tác, đọc tác phẩm, hát… Các nhà thơ Đà Nẵng ngâm nhiều bài thơ hay về mẹ, về quê hương. Đặc biệt ấn tượng với chúng tôi là nhạc sĩ Nguyễn Văn Tám hát những ca khúc ông viết về Tây Bắc. Văn nghệ sỹ Lai Châu cũng đọc các tác phẩm của mình. Chúng tôi được tặng tập san Non Nước của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Đà Nẵng và một số tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ. Thời gian giao lưu tuy không nhiều nhưng rất ấn tượng và tạo thêm nhiều động lực sáng tác cho các nghệ sĩ Lai Châu.

Nhóm nhiếp ảnh sau khi đi Sơn Trà và không chụp được ảnh voọc, cứ ngỡ không còn cơ hội để chụp loài linh trưởng đặc biệt này. Vậy mà một buổi chiều, các bạn nhiếp ảnh theo chân cô Thủy – chủ nhiệm Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Đà Nẵng đi Sơn Trà quyết tâm chụp vọoc, các bạn ấy gọi về báo đoàn là chụp được voọc rồi, ai cũng mừng. Buổi tối hôm đó, cả đoàn được chiêm ngưỡng tác phẩm về gia đình voọc đẹp mê ly của Ngọc Thắng… Nhóm vẽ thì tập trung vẽ chân dung, cuộc sống sinh hoạt, quang cảnh thiên nhiên…. Nhóm văn liên tục trao đổi về tác phẩm mới và tứ thơ, nhân vật và tư tưởng. Cứ thế, những câu chuyện về cuộc sống, về tác phẩm của anh chị em cứ ngấm dần vào chúng tôi. Các nghệ sĩ đều cố gắng để sửa các bản thảo và sáng tác thêm nhiều tác phẩm mới. Chúng tôi đang chuẩn bị nước rút, hoàn chỉnh để nộp cho Trại sáng tác Đà Nẵng và Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Lai Châu những tác phẩm tâm huyết. Thật tự hào vì trong buổi bế mạc, chúng tôi được lãnh đạo Nhà sáng tác đánh giá đã làm việc với tinh thần hăng say, nghiêm túc.

Mười lăm ngày trải nghiệm sáng tác tại Đà Nẵng đem lại nhiều cảm xúc trong mỗi người. Cảm ơn những tình cảm của người Đà Nẵng và các thành viên trong đoàn, những kỷ niệm sẽ còn giữ mãi trong tôi. Chắc chắn những điều đã học hỏi và chia sẻ, những điều đã cảm nhận và trải nghiệm ở trại sáng tác sẽ theo chúng tôi trên những chặng đường sau này. Hẹn gặp lại, Đà Nẵng thân yêu!

Đinh Hồng Nhung


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.