Du ngoạn trên hồ Nậm Mu

 

Trong chuyến tham gia thực tế sáng tác cùng Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh đến huyện Than Uyên, tôi cùng đoàn có dịp đến thăm một đoạn hồ thủy điện Nậm Mu thuộc xã Mường Kim. Trên đường đi, hầu hết anh chị em trong đoàn tuổi cao, sức khỏe có hạn, đi giữa ngày nắng có người thấm mệt. Nhưng sự mong đợi, hào hứng và cảm xúc trước cảnh vật nơi đây khiến lòng người phấn chấn, chộn rộn. Khi xe dừng, anh chị em nhanh chóng xuống xe, đón làn gió mát từ mặt hồ thổi vàoá. Phong cảnh hồ nước mênh mang, phía bờ xa lau xanh ngát. Trước mắt chúng tôi là những lồng cá, thuyền bè… Vùng đất trời, mây nước trù phú hiện ra trước mắt tôi. Bắt đầu là Làng cá Thẩm Phé – một cơ sở nuôi cá lồng trên hồ. Bên bờ nam, một dãy nhà nổi lớn rộng dài đồ sộ có cả hội trường, sân khấu, tiếp đến phòng làm việc, phòng ở, nhà bếp… lừng lững trên hồ. Một chiếc tàu thủy nội địa cỡ trung bình đậu ven bờ cũng tăng thêm vẻ đẹp và tầm vóc. Vật liệu chính xây dựng nơi này là tre vầu và sắt thép vững chắc. Ven bờ hồ bên phải, bên trái cũng có nhà nổi và các cụm lồng nuôi cá.

Tiếp nhà nổi lớn phát triển ra phía lòng hồ là các lồng nuôi cá nối tiếp nhau từng ô bằng nhau cạnh chừng năm mét có lưới sắt chìm, khoảng cách giữa các lồng rộng chừng một mét tạo thành lối đi, hàng chục lối đi trên lồng cá dọc ngang tiến ra hồ như một bàn cờ khổng lồ. Ngoài cùng là một số căn nhà nổi dùng làm phòng nghỉ, để dụng cụ… và quan trọng là bảo vệ. Tôi đã ra dãy nhà này ngoài hồ nhìn vào. Ôi, đẹp quá! Phía ngoài sát mái lợp chỗ hội trường là tấm biển rộng, hướng ra mặt hồ dài cả chục mét, màu hồng, rực rỡ mang tên “Làng cá Thẩm Phé”. Cảm xúc của tôi đây không chỉ là tấm biển mà còn chứa đựng thông điệp từ mảnh đất này. Tôi lại nhớ câu thơ của nhà thơ Xuân Tửu: “Đất nước đã dựng lên những tấm biển chữ vàng/ Như cô gái trăng tròn biết tự điểm trang/ Trên những nẻo đường ngày xưa…”. Nhưng đây không chỉ là một làng cá đơn thuần mà còn là điểm phát triển dịch vụ du lịch của địa phương. Tuy mới mẻ nhưng cũng đã có tiếng, thu hút hàng nghìn lượt khách du lịch tham quan trong, ngoài tỉnh đến trải nghiệm, tác nghiệp, vui chơi… cho thấy dấu hiệu về vùng đất này nay đã thực sự khởi sắc.

Diễn xướng Then trên hồ Nậm Mu. Ảnh: Tùng Giang

                    Mọi người đi xuống nhà nổi ngắm bè lồng cá, sự mệt mỏi dần tiêu tan. Sau phút nghỉ ngơi, mọi người tản mát quan sát và cảm nhận. Mỗi người có cách nhìn và hứng thú theo suy nghĩ của mình, rồi họ ghi chép vào sổ, thu vào ống kính… những điều mắt thấy tai nghe ở đây, cũng có người đã bật lên cảm hứng thành một bài thơ. Sân khấu trên hội trường nhà nổi bỗng vang lên tiếng hát dân ca Thái của một người, rồi đến làn điệu dân ca dân tộc: Thái, Dao, Khơ Mú… Tiếng hát sôi động bên hồ, những người lao động vệ sinh lồng cá, cho cá ăn, người quăng chài, câu cá ngoài hồ dừng tay nghe ngóng. Chuyện này thỉnh thoảng cũng diễn ra khi có đoàn khách du lịch là thanh thiếu niên học sinh, trường học, cơ quan… đến thăm quan nơi đây.

Tìm hiểu thêm, tôi được biết Thẩm Phé là cơ sở sản xuất, kinh doanh và làng nghề kết hợp với phát triển dịch vụ du lịch. Đây là Hợp tác xã của bà con nông dân xã Mường Kim huyện Than Uyên do bà Lò Thị Dung làm chủ nhiệm. 97 hộ dân tham gia với 457 khẩu gồm các dân tộc Khơ Mú, Mường, Kinh. Về kinh doanh, nuôi 240 lồng cá, hàng năm thu trên 9 tấn cá lăng, cá trắm… từ 5kg – 6 kg/con chủ yếu phục vụ du lịch. Hoạt động sản xuất nơi này khá sôi nổi, xã viên gắn bó với công việc. Người vệ sinh lồng bè, người cắt cỏ, cho cá ăn, người tiếp khách, bếp nấu ăn cho khách du lịch…

Cùng với chăn nuôi, ngành du lịch của Hợp tác xã đã chiếm ưu thế, dịch vụ du lịch phát triển nhanh. Thẩm Phé có sức hấp dẫn mới. Tôi đặc biệt chú ý đến tàu thủy chở khách màu xanh lam đậu khiêm tốn ở bến hồ cạnh nhà nổi, lọt vào mắt du khách vừa đến như mời chào quyến rũ. Tàu sắt có chiều dài 22m, rộng 5m, có 9 hàng ghế đôi cố định và chỗ cho gần một trăm du khách. Tàu có mái sắt rộng, phẳng, có lan can che chắn thuận lợi cho các hoạt động ngoài trời.

Tổ lái và phục vụ trên tàu có ba người, anh Hoàng Văn Khóm là tổ trưởng đang loay hoay chuẩn bị cho tàu xuất bến Thẩm Phé đưa đoàn văn nghệ sỹ hội văn học nghệ thuật Lai Châu lên vịnh Pá Khôm. Con tàu  quay đầu lao ra mặt hồ rẽ sóng, mang theo bao tâm sự của mỗi người. Thời tiết thuận lợi, nắng nhẹ thỉnh thoảng có bóng mây râm mát. Đôi bờ những dãy núi thấp xen lẫn rừng thưa, cũng có lúc nhìn thấy xa xa nương ngô, lúa và những người dân canh tác. Đồng bào mình, quê hương yêu dấu của mình là đây – tôi nghĩ vậy, tâm trạng như mơ, niềm tự hào nhung nhớ mông lung ập đến… Trên nóc tàu rung lên nhè nhẹ những bước chân múa then cùng lời hát then vang lên huyễn hoặc vun vút bay hòa vào không gian…

Buổi biểu diễn hát then, đàn tính do nghệ nhân ưu tú Lò Văn Sơi làm chủ sự. Họ mặc trang phục lễ hội lộng lẫy, ông Sơi đội mũ thiên tào, bốn thiếu nữ múa hầu then trong bộ váy lụa cúc bạc rạng rỡ (đó là 4 nghệ sỹ dân tộc Thái: Vàng Thị Ngoạn, Lò Thị Phào, Vàng Thị Anh, Điêu Thị Ngải). Hình bóng họ lấp lánh in trên mặt nước hồ Nậm Mu xanh ngát. Tổ lái cũng vui lây, tôi ngồi nói chuyện, anh Khóm cho biết làng Thẩm Phé được sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền địa phương đang dần ổn định, thu nhập đời sống của  xã viên ngày được nâng lên.

Con tàu đến vịnh Pá Khôm, đây là điểm du lịch mà hôm trước đoàn chúng tôi đã đến, tác nghiệp và giao lưu tại đây. Điểm view chụp ảnh mang tên “Chốn bình yên” và các trò chơi mạo hiểm: đu dây, tàu lượn… thuộc xã Pha Mu. Tôi tượng sâu sắc về một xã vùng xa có nhiều thành tựu trong xây dựng nông thôn mới, về một đội ngũ cán bộ lãnh đạo xã trẻ tâm huyết, năng động, đang có những hoạt động thiết thực để phát triển du lịch ở địa phương…

 

Các văn nghệ sỹ Lai Châu thực tế sáng tác tại Vịnh Pá Khôm. Ảnh: Minh Hưng

            Du ngoạn trên hồ Nậm Mu là một hoạt động đầy ấn tượng trong đợt đi thực tế sáng tác của đoàn văn nghệ sỹ người cao tuổi Lai Châu. Ra về rồi nhưng tôi sẽ nhớ mãi đến vùng đất và người thân thiện, cảnh vật nên thơ, để thương, để nhớ trong các tác phẩm văn học nghệ thuật của chúng tôi sau này…

HUỲNH NGUYÊN

 


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.