Đông về trên rẻo cao

Những cơn gió tê tái liên tiếp đuổi theo nhau, rít qua khe núi sâu hun hút, len lỏi qua từng tấm vách nứa mỏng manh vào nhà. Vậy là mùa đông đã đến với rẻo cao xa xôi này.
Ở vùng cao, mùa đông dường như luôn đến sớm và kéo dài, chen lấn tất cả. Trong Thu đã thấy Đông, trong Xuân vẫn còn Đông. Mùa đông rẻo cao lạnh lùng thu gom hết ánh nắng rồi đẩy cái buốt giá, u ám lan tràn, len lỏi qua khắp ngả. Càng lên cao, nhiệt độ càng xuống thấp.
Ngoài kia, cảm giác không còn thanh âm của sự vận động nào. Thú vật im lìm, trốn mình trong hang. Chim chóc đã bay về phương nam tránh rét tự bao giờ. Cây cối cũng chẳng buồn mở những mắt lá xanh tươi mà thu mình, lá tàn trong sương muối. Những chiếc lá cuối cùng rơi xuống, cây đứng bên nhau giữa rừng mà vẫn cảm giác chơ vơ. Không còn màu xanh, màu vàng của lá. Không còn sắc hồng, sắc đỏ của hoa. Quang cảnh trở nên hoang vu, vắng lặng với những gam màu xám lạnh, buồn thương. Chỉ ít hôm nữa thôi, sương muối sẽ chuyển thành sương giá, băng tuyết. Một màu trắng lạnh bao trùm lên hết thảy. Sương mù dày đặc, mở cửa ra chỉ thấy sương, thấy tiếng gió heo hút che hết tầm mắt. Và dường như thế giới thu hẹp lại chỉ ở trong ngôi nhà nhỏ chênh vênh nơi sườn núi này.
Trời lạnh thấu xương. Bố ra khép kín lại cánh cửa gỗ, lắc đầu “sắp đóng băng cả rồi”. Những cây đào trước cổng sù sì, khẳng khiu lặng im trong giá rét. Những luống rau cải phủ một lớp sương trắng. Cả lá và những bông cải vàng như ướp thạch, trong veo trong lớp nước đá. Thế nhưng, chỉ khi lớp băng ấy tan ra thì cỏ cây sẽ rũ xuống, tàn úa sau những ngày đông giá rét. Cảnh băng giá đi qua cũng thê lương không kém gì so với lúc nó mới đến.
Mẹ lấy thêm củi, đốt một đống lửa to giữa nhà, rồi bế con bé út vào lòng ủ cho ấm trong cái chăn thổ cẩm nhỏ. Nhà có bao nhiêu chăn, bao nhiêu khăn áo, mẹ đều mang ra dùng hết rồi. Thế mà vẫn không ngăn được cái lạnh thấu đến từng khớp xương. Củi đốt mãi cũng sắp hết mà mùa đông như vẫn cứ dừng chân trước cửa. Cho nên, mỗi năm, từ mùa hè, bố đã phải vất vả chuẩn bị một đống củi rất to ở chái nhà để đối phó với cả mùa đông dài sắp tới. Mẹ và chị khâu dệt thêm nhiều đệm chăn, khăn, áo mới. Chạm vào nước đá, đôi bàn tay vốn chai sạn của mẹ đỏ ửng lên, lạnh cóng, cứng ngắc và chỉ mấy hôm đã thấy những khớp ngón tay, ngón chân của mẹ tấy đỏ. Vì quá lạnh, anh em chúng tôi cũng không còn được chơi đùa, lê la như bình thường. Tôi không thay quần áo nhiều nữa, để mẹ không phải giặt. Với cả, ở nhà trên đỉnh núi này cũng không còn nước để có thể hoang phí. Mùa đông là mùa mà những con suối ít nước, cạn khô. Mẹ đã phải đi rất xa đến con thác nhỏ để gùi nước về.
Bố làm lán che cho mấy con trâu, chỉ mong mẹ con nhà nghé vượt qua được mùa đông khắc nghiệt này. Không còn nhiều cỏ tươi để ăn, trâu mẹ nằm nhai lai rai ít rơm rạ cũ. Mặt bố đầy vẻ lo lắng, ngày ngày bố vẫn khoác chiếc áo mưa cũ ra xem chuồng trâu ở góc vườn. Sự khắc nghiệt của mùa đông rẻo cao khiến mọi thứ chậm lại. Người bản không thể cấy hái, không thể xuống đồng hay lên nương. Ở nhà có ngô ăn ngô, có sắn ăn sắn. Có cái ăn là tốt rồi. Lũ trẻ miền cao đi qua những mùa giá rét như thế . Mùa đông cũng là mùa mà nhiều người già từ biệt cháu con để về nằm ngủ yên trong lòng núi lạnh. Mùa đông vì thế mà càng đượm buồn.
Mùa đông ở vùng cao đẹp nhất là mây. Mây lững thững theo nhau, nằm ngủ rất lâu trong thung lũng như biếng lười vì quá lạnh. Mây trắng xoá, dày đặc, cuộn tròn, quấn quýt vào nhau, tạo thành biển mây, đại dương mây. Phải chờ mãi, cho đến khi nắng ấm lên cao, gió miên man thổi nhẹ qua vạt lau vào thung lũng, thì mây mới chầm chậm rủ nhau ngao du giữa nền trời trong vắt. Ánh mặt trời loé sáng và soi chiếu muôn màu sắc vào đám mây ngũ sắc.
Mùa đông, lau lách trắng xoá cả vạt đồi và theo suốt những con đường mòn ven theo sườn núi. Đìu hiu, hoang dại nhưng cũng tình như một miền cổ tích. Mùa đông, còn là mùa những con suối trở nên bé nhỏ trong khe núi, những viên đá cuội lặng yên trơ mình phơi sáng bên bờ suối. Nước trong vắt, bình yên và phẳng lặng, như quên hết những cơn lũ xối xả đục ngầu mùa mưa trước, như tĩnh tại để hồi sinh một nguồn sống mới.
Dẫu đã có lúc mùa đông như một vị thần khó tính, nhăn nhó tức giận đi rải hết những u ám, buồn thương lên mọi thứ. Thì cũng có những ngày đất trời mùa đông nơi biên ải này bỗng trở nên tươi sáng. Thật lạ, những triền tam giác mạch, càng lạnh lại càng bung nở rực rỡ. Những bông hoa bé li ti nhưng đầy sức sống. Hoa đứng cạnh nhau, nhẹ nhàng xô nhau theo từng cơn gió mơn man dọc sườn đồi. Sắc hồng, sắc trắng lẫn vào nhau, nhắc nhớ truyền thuyết về một thứ hạt cứu đói cho bản làng khi mùa cũ đã qua, mùa mới còn chưa tới. Hoa tam giác mạch còn gắn liền với những sự tích về tình yêu thuỷ chung của những chàng trai, cô gái nơi núi rừng Tây Bắc.
Vạn vật vẫn trú ngụ trong mùa đông, những mạch nguồn sống vẫn âm thầm chảy trong mùa đông. Con người cũng vì thế mà tự nhắc mình thuận theo lẽ tự nhiên. Bao khó khăn, gian khổ qua đi, rồi những điều đẹp tươi sẽ đón chờ phía trước. Những hạt mầm ngủ suốt mùa đông, giờ cựa quậy để chuẩn bị cho một sức bật nảy mầm mới. Những mắt lá hé mở những mầm chồi đón chào mùa xanh rực rỡ. Sau mùa hoa bạt ngàn khắp núi rừng này là mùa quả sinh sôi. Vạn vật có quy luật của mình. Đông qua rồi đông lại tới. Đông nơi này dẫu có khắc nghiệt nhưng thật sự hùng vĩ và khác biệt. Đông ươm mầm cho những sự vững chắc, bền bỉ, sức sống mãnh liệt của con người và vạn vật nơi đây. Đông lặng lẽ ươm mầm những hi vọng tươi sáng vào mùa xuân tới. Mùa đông còn là lúc ban tặng cho con người phẩm cách biết đợi chờ và tin tưởng.
Mùa đông khiến con người cần thêm hơi ấm, cần xích lại gần nhau. Bởi vậy mà mùa đông trên rẻo cao là mùa của ân tình, ân nghĩa. Người núi lớn lên, già đi qua bao nhiêu mùa đông là mang theo bấy nhiêu nghĩa tình. Một chén rượu ngô bên bếp củi bập bùng, một bàn tay chung sức dựng nhà, một manh áo thổ cẩm dệt dày, một bắp ngô mới nướng, một cốc trà nóng mỗi sớm mai… Tất cả đã làm ấm lên xứ sở biên ải xa xôi này. Những ngôi nhà, những bếp củi, những bàn chân, những trái tim đã giữ đất quê mình, đã bên nhau qua tháng năm.
Mùa đông đến và lặng lẽ ở lại thật lâu. Đến nỗi, người dân nơi rẻo cao này đã quen với khuôn mặt của mùa. Cho đến một ngày, bỗng chợt thấy những cành đào, cành lê, cành mận đầu bản hé những nụ hồng mới, thì mọi người đều biết mùa đông sắp qua đi, mùa xuân xinh đẹp sắp tới.

Thùy giang

 


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.