Đồng người rơm rạ

Đã một năm rồi con mồ côi mẹ. Một mình con bơ vơ trong ngôi nhà quạnh quẽ. Những lúc nhớ mẹ, những cánh đồng cứ hiện hữu trong con. Mẹ nhớ không, lúc con chừng ba, bốn tuổi, con ngồi xổm nép vào mẹ đợi cái mỏ tí xíu mổ dần, mổ dần vỏ trứng. Gà mẹ cứ đi vòng quanh canh chừng quả trứng. Đó là quả trứng cuối cùng trong cái ổ đầy vỏ.

– Tôi đi mót nhặt được chị ở ngoài đồng.

Mẹ đã nói thế khi con nhìn con gà con ướt át, run rẩy lăn ra khỏi vỏ trứng và luôn mồm hỏi:

– Mẹ, con ở đâu chui ra?

Từ đó đến giờ, mỗi khi đi qua cánh đồng, mỗi khi đứng trước cánh đồng, con đều nghĩ mẹ vừa ở đó… Mẹ đang ở đâu đó quanh đây. Vì sao? con luôn tự hỏi. Cuộc sống của mẹ con mình luôn gắn với rơm rạ, ruộng đồng dù nhà ta không có một mảnh ruộng bao giờ. Cánh đồng trong suy nghĩ non nớt của con ngày ấy chỉ là tưởng tượng qua lời mẹ kể. Làng mình ở ngoài đê, năm nào cũng lụt nên chỉ có đồng đay, đồng mía, đồng khoai. Đồng lúa với con khi ấy là cái ổ rơm trong góc nhà cột tre trát đất nhà mình. Ổ rơm là cánh đồng của con. Ổ rơm nuôi trí tưởng tượng, nuôi những giấc mơ của con. Ổ rơm là chiếc bè nổi lênh trên mặt nước đưa con đi qua những bãi đay rực rỡ hoa vàng; những bãi mía xào xạc gió sông. Ổ rơm nhẹ bay lên đưa con đi xem phía sau những vì sao chi chít ấy là có cái gì… Nhà chỉ có duy nhất đôi dép cao su của mẹ được làm từ lốp ô tô cũ. Mẹ có nhớ, tối tối, chị em con ra cầu ao rửa chân, lấy giẻ lau khô đợi mẹ bế từng đứa thả vào ổ rơm. Nhà mình không có giường cũng chẳng có chăn. Bốn mẹ con đắp một chiếc chiếu tã. Mẹ phải nối cọng rơm thay sợi cói luồn vá những chỗ chiếu rách. Có nhiều đêm mưa phùn gió bấc chiếu đắp không đủ ấm. Mẹ phải lấy thêm rơm rải dầy lên trên mặt chiếu. Chiếc chiếu này mùa hạ thì trải luôn xuống nền đất nằm ngủ.

Khi con chưa tròn bốn tuổi, mẹ gánh gồng rời quê, đưa chị em con lên núi. Mẹ làm công nhân giao thông nhưng hay đùa “Tôi là phu lục lộ”. Nhà mình, hai gian tập thể cột tre bưng cót ở Cung 96, đầu Bản Đán. Mẹ con mình khai phá được khu vườn rộng bên bờ suối Nậm Lay. Bên kia suối là cánh đồng của Bản Chi Luông. Lần đầu tiên con biết thế nào là cánh đồng lúa. Lúa đang vào đòng xanh mươn mướt. Gió thung lũng đưa thoang thoảng mùi hương cốm non. Con nhon nhỏn chân trần theo mẹ đi bắt cua. Mẹ dạy con lựa đặt bàn chân giữa hai hàng lúa.

– Đừng làm hỏng gốc lúa. Dân bản sẽ không cho mình bắt cua nữa đâu.

Con cua đầu tiên bắt được, mẹ dạy con:

– Cầm chặt hai bên mai, tay bỏ vào giỏ, miệng nói: xô xốc… xô xốc… xin cho con hôm nay bắt được đầy giỏ.

Móc vào hang, thấy con gì đó trơn trơn, nghĩ là lươn, con túm chặt lôi ra lại là rắn. Văng con rắn ra, con hét lên thất thanh rồi khóc không thành tiếng. Mẹ chạy đến nhấc con lên bờ ruộng ôm chặt con vào lòng, vừa xoa ngực cho con vừa gọi:

– Hú hồn con tôi. Hú ba hồn chín vía con tôi. Không sợ. Không sợ, con… rắn nước đấy mà. Nó cắn thì chỉ đau và ngứa thôi. Không chết đâu, đừng sợ.

Đó là bài học sinh tồn đầu tiên mẹ dạy con, trên cánh đồng. Rồi cũng đến ngày, con dẫn các em ra đồng dạy chúng bắt cua. Cua, ốc là thức ăn suốt tuổi thơ của chị em con.

Cả cuộc đời, nỗi sợ hãi thường trực của mẹ là đói. Vậy nên ước mơ duy nhất của mẹ là được ở gần cánh đồng.

– Phải sống sót. Mẹ đã ăn cỏ. Mẹ đã ăn đất. Mẹ đã ăn cám lợn. Mẹ đã ăn… để sống sót. Cái năm bốn nhăm (1945), năm Dậu ấy. Bao nhiêu người chết đói. Ông ngoại, bà ngoại, bá con cũng chết. Chỉ mẹ sống sót…

Mẹ ơi, con hiểu nỗi sợ hãi của mẹ. Con hiểu vì sao đói – không đói là hai tiêu chí mẹ cân nhắc để quyết định mọi thay đổi lớn của nhà mình. Đói hay không đói cũng là lý do duy nhất mẹ buông bỏ mọi thứ, kể cả đó là thù hận. Nhà mình mẹ góa, con côi yếu thế. Năm ấy, người ta tìm mọi lý do để đẩy mẹ vào chốn thâm sơn cùng cốc cách thị xã hơn hai mươi cây số. Con không quên, mẹ đã cắp nón đến từng nhà: Đoạn trưởng, Hạt trưởng, Cung trưởng cầu xin họ cho mẹ ở lại, chỉ một lý do “để các con tôi được học hành tử tế”. Mẹ chống lệnh. Cả tháng trời chúng con sống trong hoảng loạn. Suốt ngày mẹ khóc, mẹ nguyền rủa:     – Chúng bay cậy quyền cậy thế… Chúng bay đẩy mẹ con tao vào chỗ chết. Chúng bay gieo gió thì sẽ gặt bão…

Con nghe cô Viết vợ chú Sơn lái xe to nhỏ với mẹ:

– Chị chuyển đi, lão hạt trưởng sẽ dựng nhà trên nền đất nhà chị đấy. Lão bảo thế khi nhờ chồng em đi chở gỗ.

Đến một buổi sáng, mẹ nắm cơm gói vào lá dong bỏ vào túi vải, khoác lên vai:

– Các con ở nhà trông nhau. Mẹ đi có việc. Tối mẹ về.

Sau hôm đó, mẹ thành người khác hẳn. Có lúc đang nằm thiu thiu trên võng, mẹ bật dậy đi quanh vườn ngắm trước, nhìn sau. Mẹ đuốt đả đi bộ ra cửa hàng thực phẩm Bản Xá mua cả yến muối đội về. Mẹ xăm xăm cầm cuốc xẻng ra vườn đánh gốc rau muống, gốc ngót, gốc riềng bó lại. Mẹ tất bật đi chào các cô, các chú trong cung. Rồi bên mâm cơm mẹ nói:

– Các con, ăn cơm xong xếp dọn đồ đạc. Mai nhà mình chuyển. Mẹ đã nhờ mấy cô chú đến giúp rồi. Trong cái rủi có cái may. Mẹ con mình không chết đói đâu. Vào đấy, các con chịu khó đi học xa vậy.

Thì ra mẹ đã đi bộ hơn hai mươi cây số để tận mắt xem nơi nhà mình bị chuyển đến ra sao. Vừa cho quần áo vào bao tải, mẹ vừa nói:

– Nhà mình gần đường, vườn rộng ngay bên suối mát mẻ, ai chả thích. Mẹ chỉ tiếc cái vườn. Còn nền nhà thì nằm trên đất tập thể. Mẹ đuối lý rồi. Đi thôi, trong ấy đất rộng. Ruộng của dân bản cũng nhiều. Chịu khó đi mót, mỗi năm, mẹ con mình cũng có cơm ăn vài tháng.

Thì ra là ở đó có cánh đồng. Quanh năm ăn độn sắn lát, bo bo, ngô xay. Bát cơm không độn là ước mơ hàng ngày của chúng con. Cái may của mẹ là đó – cánh đồng.

Hai năm sau, khi nương sắn đã cho củ, khi thóc mót cũng đủ ăn chừng hai tháng mỗi vụ, mẹ nói với con:

– Mẹ cứ chửi rủa người ta. Nhưng công bằng mà suy xét thì cũng nên cám ơn họ. Vào đây mẹ con mình được ăn no hơn.

Cung linh hai (102)  nằm bên thung lũng. Thung lũng tuy hẹp, cánh đồng không rộng nhưng dài hun hút vài cây số. Rồi mùa gặt cũng đến. Chị em con được mẹ đưa ra đồng dạy mót. Những cây lúa còn sót chân bờ ruộng thì tách bông ra khỏi thân như thế nào. Những bông lúa vương trên mặt ruộng gom thành bó nhỏ cắt bớt rơm, bỏ vào bao ra sao. Những bông đã nẩy mầm vẫn nhặt, không để sót hạt nào “thóc mầm còn hơn sắn mốc”, mẹ dặn thế. Mót lúa là bài học sinh tồn thứ hai mẹ truyền cho chúng con…

Mẹ ơi! giờ con đã đi gần hết kiếp người, đã hiểu được vì sao, dù ngủ mơ hay đời thực, mẹ luôn hiện hữu trong con cùng những cánh đồng. Mai là ngày giỗ đầu của mẹ. Con nhớ mẹ, mẹ ơi! Và con không bao giờ quên cánh đồng Mường Tùng. Cái cánh đồng quay cuồng, hỗn loạn, mù mịt trong cơn cuồng nộ của bão lốc. Cái cánh đồng có cây nấm khổng lồ cao đến đỉnh trời. Nó vươn cái vòi rồng khua dọc ngang thung lũng hút từng mái nhà, cây cối, rơm rạ vào họng nó… Mẹ ơi, mẹ nhớ không? Ngày ấy, con đang chờ xin việc nên ngày ngày cùng các em lớn lên rừng chặt củi. Cuối chiều kéo củi về không thấy mẹ. Em út nói mẹ đi mót lúa. Cơn dông bất ngờ kéo đến. Con hô các em chạy vào nhà, chui xuống gầm bàn rồi giật vội mảnh áo mưa lao ra đồng tìm mẹ. Tìm khắp cánh đồng mà không thấy mẹ đâu. Gió quật như xé vải. Gió cuộn mây đen ràn rạt trên đầu. Gió nhổ mọi thứ, hút mọi thứ trong luồng nó đi rồi cuốn thành cây nấm khổng lồ lừ lừ, vòng vèo trong thung lũng. Con quỳ lê đầu gối bò ép vào bờ ruộng. Tay túm chặt gốc rạ cố đưa mắt tìm mẹ. Con cố nhìn xem trong cây nấm khổng lồ kia có mẹ không. Con khào khào khấn phật che chở cho mẹ. Mắt con dõi tìm, miệng con lập bập:

–  Sống sót… sóng sót… mẹ phải sống sót… mẹ làm được… mẹ sẽ làm được… mẹ sẽ sống sót…

Con cuống cuồng gọi mẹ nhưng gió cướp lời con đi. Mặt trời chưa lặn mà trời mù mịt, tối sầm. Đến khi mây đen loãng dần, mọi vật rõ dần. Mưa ào ào dội xuống. Con thấy mẹ. Con đã nhìn thấy mẹ. Con chạy ngã dúi xuống bùn rồi lại vùng đúng lên chạy về phía mẹ.  Mẹ nằm phủ phục giữa thửa ruộng. Một tay giữ nón trên đầu, một tay quàng ôm bao lúa. Con rũ mảnh áo mưa đã bê bết bùn cố lựa gió phủ lên lưng mẹ rồi nằm xuống quàng tay ấn lưng mẹ xuống. Mẹ run bần bật, nghiêng mặt nhìn con cười.

Con vừa khóc vừa nói như quát:

– Mẹ. Mẹ còn cười à?

Mẹ càng cười to hơn. Chắc mẹ mừng là đã có con bên cạnh. Nhưng con đã nhầm. Mẹ ngồi dậy gạt lớp rơm:

– Đây. Thóc đây. Họ chạy mưa đổ vội… vãi bao nhiêu là thóc đây này… Sợ gió cuốn mất. Mẹ phủ rơm rồi đè lên đây…

Con gắt lên:

– Thóc. Thóc. Thóc cái gì? Mẹ không thấy cái vòi rồng nó khua khắp nơi à? Con tưởng nó hút mẹ vào đấy rồi.

Mẹ tròn mắt:

– Thế à. Mẹ tưởng bão bình thường như mọi khi. Sợ cây que đập, mẹ úp mặt xuống đống rơm, có ngẩng lên đâu.

Con trải mảnh áo mưa cùng mẹ vét thóc vào. Vừa vốc từng vốc thóc mẹ vừa lẩm bẩm:

– Giời ơi, thóc mẩy thế này. Hoài của. Vét nhanh lên con…

Mưa tuôn xối xả. Nước chảy ròng ròng trên hai cánh tay mẹ rồi trườn vào vốc thóc. Con lặng câm nhìn mẹ. Con muốn hét lên:

– Tại sao? tại sao bao cơ cực, bất hạnh trên đời này lại đổ hết lên đầu mẹ tôi thế này.

Khi đã vét hết thóc. Mẹ túm mảnh áo mưa, buộc lại, ngẩng lên nhìn con cười. Con không thể quên được nụ cười và anh mắt đó của mẹ. Ánh mắt, nụ cười ẩn chứa một năng lượng mãnh liệt. Con như có luồng điện ấm nóng chạy dọc cột sống rồi lan ra khắp cơ thể mình. Nụ cười và ánh mắt ấy đã theo con suốt đời. Nụ cười và ánh mắt ấy như câu thần chú linh nghiệm: “Ta phải sống sót…  Ta sẽ làm được… ta đã làm được…” vang lên trong mỗi tế bào sống của con trước mọi biến cố của cuộc đời. Con biết đó là sức mạnh mẹ trao truyền cho con. Câu thần chú đã vang lên trong óc tủy con khi con bị nước vùi, sóng đập sặc sụa bùn, nước giữa dòng lũ quét… Và con sống sót. Mẹ ơi! trận bão lốc ấy, cái vòi rồng ấy và cánh đồng ấy là biến cố thay đổi cuộc đời con khi con quyết định: “Con sẽ đưa cả nhà ra khỏi cái thung lũng chết chóc, đầy bất trắc này. Sẽ không để mẹ và các em phải đói rét. Con sẽ suốt đời cộng nghiệp để trả bớt nghiệp cho mẹ”. Con đã làm được. Cho đến khi tiễn mẹ về cõi lành, con biết là con đã làm được. Mẹ có thấy thế không?

Bây giờ, nhà con ở ngay mép cánh đồng rộng. Mùa gặt, hoàng hôn, mặt trời đỏ sậm trên đỉnh núi. Ráng chiều vẫn trải ánh vàng ấm áp trên đồng. Đồng chiều vẫn bời bời rơm rạ. Mẹ đang ở đâu? Mỗi khi nhắm mắt lại là con thấy mẹ đầu đội chiếc nón mê, khom lưng nhặt từng bông lúa sót, nhón từng hạt thóc rơi, nuôi chúng con khôn lớn thành người. Mẹ ơi… con nhớ mẹ!

Đỗ Thị Tấc

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.