Đồng đội

Mùa khô ở Tây Bắc. Trung đoàn Trưởng Sùng A Khúa nhận nhiệm vụ dẫn theo ba Đại đội trong Trung đoàn tham gia truy quét thổ phỉ. Đã quen với thời tiết khắc nghiệt núi rừng Tây Bắc: mùa mưa những con đường mòn rất khó đi vì trơn trượt, mùa khô chẳng tìm đâu ra vài giọt nước. Trước lúc hành quân, các đồng chí ở chốt trên đã nghiên cứu bản đồ chỉ cho Trung đoàn Trưởng Sùng A Khúa con đường có thể đi qua các con suối nhỏ chảy về sông Đà, song từ sáng đến chiều dọc theo bạt ngàn rừng chúng tôi hành quân chẳng có lấy một con suối, một vũng nước nào. Ông Khúa ngoảnh lại nhìn những gương mặt lính trẻ măng, cảm thấy mỗi người đều mỏi mệt quá rồi, thậm chí trong ánh mắt họ đã lẩn khuất sự hoài nghi, thất vọng. Ông kiên quyết:

– Không thể cứ đi thế này mãi được. Các đồng chí quay lại, đoàn chúng ta đi đường khác.

Giọng nói của ông Khúa vang lên mà ông cũng không nhận ra vì tai đã ù, mắt đã mỏi. Chỉ đôi chân là phăm phăm dẫn ông bước tiếp bởi ông hiểu chỉ có thế anh em mới đi theo mình, ánh mắt tin cậy, trung sĩ Tẩn Sìn Heng bước đi ở bên tay trái tôi là người tỏ ra hăm hở nhất.

***

Đối với trung sĩ Tẩn Sìn Heng thì đồng chí Trung đoàn Trưởng có gương mặt phúc hậu đang đi rất đúng đường, có thể bằng kinh nghiệm cá nhân, đồng chí Khúa đã nhận thấy có một con suối quanh đây chăng? Nhưng trung sĩ Heng không cho phép mình hoang mang, bởi anh hiểu rằng các chiến sĩ trong đoàn đã thấm mệt. Chỉ cần tinh thần của một người lung lay sẽ ảnh hưởng đến tất cả mọi người. Nhìn người Trung đoàn Trưởng bằng tuổi cha mình lầm lũi đi trước, anh thầm ví ông cũng giống như chàng Đan – Kô dùng ánh sáng phát ra từ trái tim của mình rọi chiếu cho anh em đi tiếp. Ông đã tiếp thêm niềm tin để những người lính bước xuyên qua màn đêm tĩnh lặng cho dù vận tốc của cả đoàn đã chậm lại dần. Cứ thế, họ đi suốt một đêm, cho đến khi những ánh nắng đầu tiên của ngày rọi xuyên qua tán lá khọt già thì một không gian rượi mát mở ra trước mắt. Có lẽ trong đời lính của Trung sĩ Heng, đó là buổi bình minh tươi đẹp nhất: khi đang khát cháy cổ, rã rượi hết đôi chân thì bắt gặp một con suối. Con suốt tuy đã khô cạn, song những vũng nước trong leo lẻo đọng lại quá đủ cho đoàn binh nghỉ chân. Chẳng kịp nghĩ gì, Trung sĩ Heng và đồng đội nhào tới, dùng mũ cối cố sức vục nước uống. Ngụm nước mát lành chưa kịp đến miệng thì nghe tiếng ông Trung đoàn Trưởng quát:

– Dừng lại, không ai được vội vàng uống. Bỏ xuống mau!

Kỷ luật nghiêm minh khiến những người lính ngưng lại ngay lập tức. Chưa kịp hỏi vì sao ông đã nói tiếp:

– Các anh chẳng có kinh nghiệm đường xa gì cả. Có biết là nếu đang khát mà uống quá nhiều nước ngay sẽ bị ách bụng, có thể còn gây chết người không?

Rồi nhỏ nhẹ, ông dặn họ phải uống từ từ từng ngụm một cho bớt cơn khát mệt. Ánh mắt đôn hậu của ông chiếu khắp người binh lính. Trong phút ấy Trung sĩ Heng nhớ quá người cha hiền lành, thuần hậu dân tộc Dao ở nhà của mình, mỗi khi nhường cho con cái từng miếng ăn ngon, ánh mắt ông cũng hệt như vậy…

***

Đêm giữa rừng. Người chỉ huy ngủ ở võng mắc cách toán lính một đoạn khá xa. Loáng thoáng tiếng những người lính thì thầm:

– Đi cùng Trung đoàn Trưởng Sùng A Khúa lâu ngày tôi biết, ông ấy kinh nghiệm chiến đấu dày dạn lắm! Biết nơi nào có địch đi qua, biết chỗ nào có suối để đến.

– Ông ấy còn rất thương anh em nữa! Gần gũi với từng cậu lính trẻ mới nhập ngũ, chưa có kinh nghiệm chiến đấu nơi chiến trường hiểm nguy.

Trung sĩ Heng thiếp đi trong những tiếng rủ rỉ ấy, thấy yên lòng hơn. Sớm hôm sau, chúng tôi chia lẻ ra và tiếp tục lên đường. Trung sĩ Heng được phân công ở toán quân đi đầu, Trung đoàn Trưởng đi ở tốp sau chỉ huy, ba đại đội nhằm hướng toàn quân hẹn gặp ở bản Chậu truy quét địch. Theo làn gió, cảm nhận được mùi khen khét, Trung sĩ Heng giật mình vội quay lại tuyến sau báo cáo với chỉ huy, chuẩn bị sẵn tinh thần để quay trở lại vì phía trước chắc chắn là ổ phục kích của địch nên ai nấy đều bất ngờ khi nghe giọng nói rành mạch, dứt khoát và mạnh mẽ vang rền của ông:

– Làm gì có ổ phục kích, ở đây chỉ có địch thôi! Tất cả cùng hô xung phong, toàn quân triển khai chiến đấu.

Trung sĩ Heng rụng rời cả chân tay, ở toán quân của anh đi chỉ có khoảng ba chục người, làm sao có thể đụng độ với địch bây giờ được. Không gian lặng ngắt sau tiếng nổ mìn của địch, bấy nhiêu con người đều căng thẳng đến độ nín thở. Cứ thế khoảng ba mươi phút. Rồi Trung đoàn Trưởng Sùng A Khúa thở phào:

– Chúng tưởng ta lực lượng đông đảo nên sợ hãi và đã bỏ đi rồi!

Chúng tôi ai nấy đều hú vía, bởi nếu đi tiếp, thế nào cũng rơi vào ổ phục kích gây hao tổn lực lượng khi ta chưa chủ động tấn công. Lần ấy, sự nhanh trí của ông không khỏi khiến anh em thán phục.

***

Đó là trận đánh đáng nhớ đối với Trung đoàn Trưởng Sùng A Khúa. Bị tổn thất từ những trận đánh trước, quân địch như rắn mất đầu, tỏ ra hung hãn hơn bao giờ hết. Ông tổ chức cho trung đoàn truy kích địch từ Hồ Luông đến bản Chậu. Để cổ động tinh thần cho toàn quân, Trung đoàn Trưởng tiên phong xông lên và bị bắn trúng bắp chân bên trái. Vì là chấn thương phần mềm nên ông không đứng vững nổi, đành nằm xoài trên đất ôm chân trái đã loang đầy máu. Ngoảnh lại thấy Trung sĩ Heng ở gần bên, ông Khúa thều thào:

– Gọi y tá băng bó lại cho tôi. Tìm một chiếc võng khiêng tôi theo để chỉ huy anh em tiếp.

– Không được, ông bị thương rồi, cần phải chữa trị đã.

– Chỉ cần cầm máu tạm thời thôi! Đây là vết thương thứ mười bảy trong đời lính của tôi. Trận này nhất định phải thắng mới được.

Trung sĩ Heng hết sức sửng sốt nhìn người chỉ huy trán lấm tấm mồ hôi. Nhìn thái độ kiên quyết của ông, anh ta chợt hiểu và lập tức ôm súng can đảm xông lên. Trung đoàn Trưởng bị thương nằm trên võng được hai đồng chí khác khiêng vừa đi vừa chỉ đạo các cánh quân tiến công. Địch bỏ chạy toán loạn, quân ta thừa thắng xông lên và thu được chiến lợi phẩm là hai khẩu súng B40, một khẩu B41, sáu khẩu AK và một số quân dụng cá nhân khác…

***

Bốn mươi năm sau.

Đêm trước khi đi Đà Nẵng dự buổi gặp mặt đồng đội tham gia chiến đấu, Trung sĩ Heng không ngừng lật mình, trăn trở. Vì ông là thương binh hạng 4/4 nên bà Seo Mẩy không lấy gì làm ngạc nhiên bởi ngoài những vết thương đã được điều trị và lên sẹo, có một viên đạn hiểm hóc găm ngay ở giữa khớp đùi và bắp chân ông, không một bác sỹ nào dám gắp ra vì sợ để lại thương tật. Cũng từ đó ông sống với vết thương này, có lúc ngay cả việc đặt bàn chân xuống đất cũng hết sức khó khăn vì cảm giác như dẫm lên hàng trăm ngàn mảnh chai cứa, song ông vẫn cố gắng đứng lên tập đi để không bị liệt. Sự kiên trì đã có kết quả khi lâu dần, vết thương se khít lại và trở thành một phần trong con người ông. Ngoài những ngày trái gió trở trời thì ông vẫn đi lại lành lặn như những người khác… Chợt ông quay sang thì thầm với bà Seo Mẩy:

– Mình ơi, anh rất hồi hộp khi nghĩ đến ngày mai… Anh sẽ gặp lại người bố thứ hai của mình.

– Em chưa nghe anh kể khi nào cả?

Với giọng đều đều, hồi ức lần lượt được tua lại qua lời kể của Trung sĩ Heng. Lần đầu tiên, bà Seo Mẩy được biết đến những trận đánh một thời của chồng mình:

– Đó là lần anh chẳng may bị thương trong trận tập kích tại suối Nậm vào ban đêm. Mười một vết thương lớn nhỏ găm trên người anh đều bị mưng mủ, hoại tử nên anh được điều chuyển bằng trực thăng về bệnh viện thuộc tỉnh. Anh không thể quên hai tiếng cuối cùng ở bên Trung đoàn Trưởng Khúa trước khi chuyển thương. Thời gian chờ máy bay đến mới dài làm sao bởi anh không chỉ chịu đựng sự đớn đau thân xác mà còn mỏi mệt bởi cái nóng phả ra từ chang chang nắng. Trung đoàn trưởng (mà lúc này anh đã xin phép được thân mật gọi là bố Khúa) mở bi – đông nước và dốc ngược cho anh uống nốt những giọt cuối cùng. Rồi cũng chính bàn tay ông đi chặt từng tấm tranh rồi giục anh em lợp tạm một cái mái nhỏ. Lợp xong ông bế anh vào giữa khoảng râm mát đó. Anh quên cả vết thương, chỉ muốn nghẹn ngào cảm ơn mà không thốt thành lời được. Khi máy bay hạ cánh, anh thấy mình nằm trong vòng tay rắn rỏi của người chỉ huy ấy. Ông bế anh lên máy bay, cẩn thận đặt anh nằm trên băng – ca rồi mới quay đi. Thậm chí anh còn chẳng kịp nói lời từ biệt, chỉ nhớ ánh mắt chan chứa ân tình sâu nặng của ông. Ánh mắt như còn dõi theo anh mãi những ngày sau này…

***

Trong căn nhà đất giản dị, ông già tóc bạc ngồi giữa, xung quanh là mười hai người tầm tuổi trung niên. Bữa cơm gặp mặt giữa mảnh đất chiến trường xưa, nay hòa bình đã đem đến khung cảnh hoàn toàn khác. Đó là cuộc sống dựng xây, là những tháng ngày ấm êm với niềm vui, nỗi buồn đời thường.

Sáu người lính đã dạn dày kinh nghiệm binh đao lửa đạn bỗng trở lại như thời trai trẻ. Trung sĩ Heng nói giọng đùa đùa:

– Đố các con dâu biết trên người bố Khúa có bao nhiêu vết thương tất cả đấy? Rồi ra chiều bí mật, anh tiếp tục: “Mười chín. Mỗi vết thương là những kỷ niệm chiến trường không quên”.

Ông già gầy guộc ngoảnh lại nhìn sáu đứa con là lính của ông thời trận mạc, sáu đứa con dâu mới nhận khi theo chồng đến thăm ông, rồi dõng dạc quát chúng bằng chất giọng oai nghiêm như vị Trung đoàn Trưởng ngày nào:

– Bố bị các con giỡn mà sao cả mười hai đứa đều ướt rượt nước mắt thế này hả?

Tử Vân


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.