Đời tằm

Làng nằm cạnh bãi sông. Hàng năm vào mùa lũ, nước sông dâng cao, những mái nhà ngập ngụa trong biển nước dềnh dàng. Nước rút, dân trong làng lại kéo nhau ra bãi bồi làm đất trồng hoa màu. Riêng nhà Lập lại trồng dâu. Phù sa ngồn ngộn màu mỡ, những bãi bắp xanh tốt bời bời. Bãi dâu nhà Lập cũng vậy, lá xanh mướt vươn lên trong nắng. Hàng ngày, mỗi khi chiều xuống Lập lại theo mẹ ra bãi hái lá dâu về cho tằm ăn.

Năm nay, kén tụt giá, bán như cho, mẹ vuốt nước mắt sụt sùi:

– Tao lấy ông ấy hơn ba chục năm, cũng ngần ấy năm cả nhà ta sống nhờ con tằm. Chưa bao giờ khó khăn như bây giờ! Không nhẽ bỏ tằm!…

Mẹ than rồi lập cập úp cái nón rách tướp lên đầu, nách cắp chiếc bao tải gai, tất tưởi đi ra bãi dâu.

Quê ngoại, nằm ven sông cái. Giữa sông có bãi bồi, dân trong làng kéo nhau ra chia khoảnh, mỗi nhà một khoảnh, trồng dâu nuôi tằm. Từ ngày theo cha về làm dâu, mẹ chưa một lần về thăm quê. Họ hàng bên ngoại cũng bặt tin từ ngày đó.

Nhiều lần theo mẹ ra bãi hái dâu. Lập được nghe mẹ kể lại chuyện ngày xưa. Ngày mẹ mới theo cha về làm dâu vùng đất ven bờ sông Yên này. Khi đó, bãi sông còn ngập ngụa lau sậy, lục bình giăng kín hai bên bờ sông. Vào mùa hoa, hai bên bờ sông nhuộm một màu tím biếc. Sẵn có nghề trồng dâu, cả nhà kéo nhau ra bãi bồi, sớm chiều cặm cụi phát lau sậy, vỡ đất trồng dâu. Cha chặt tre nứa đan nong, đan phên, đóng giá nuôi tằm.

Từ ấy cả nhà sống nhờ con tằm.

Sau thời gian ăn rỗi, tằm cho kén, những tổ kén phổng phao được quấn quanh bởi sợi tơ óng ả, có khi những sợi tơ ấy bám đầy trên mặt nong. Thu hoạch kén xong, mẹ kêu chị Nhàn vào mua kén. Chị Nhàn chỉ nhỉnh hơn Lập vài tuổi nhưng trông già như ngoài ba mươi. Có lần cha và mẹ hỏi chị chuyện gia đình.

– Số em buôn tơ cho người ta, nhưng duyên mình lại chẳng ai mua. Nhà bác có cô con gái đẹp như tiên, sau này chỉ cần ngồi rỗi mà ăn.

Chị Nhàn đánh mắt về phía Lập, thủng thẳng, mẹ im lặng nhìn cha.

Câu nói của chị Nhàn làm Lập chột dạ, đưa mắt len lén nhìn cha rồi quay sang nhìn mẹ. Dẫu không nói ra, nhưng Lập biết trong lòng cha vẫn mong mỏi có con trai nối dõi. Có lẽ vì thế mà Lập còn được mọi người trong nhà gọi bằng tên khác. Nhỡ.

Một dạo cha hay vắng nhà, chị Nhàn cũng ít vào mua kén hơn. Mỗi khi cần bán kén, mẹ phải đèo bằng xe đạp ra bán ngoài phố. Có lần, sau buổi chợ, mẹ lẳng lặng dựng xe ngoài hiên lao vào nhà nằm gục xuống giường, khóc rưng rức.

Im lặng mãi, cuối cùng tin đồn cha có tình cảm với chị Nhàn và hai người đã có một thằng con trai kháu khỉnh, cũng đến tai mấy chị em Lập. Mẹ lặng thinh như một cái bóng. Mấy chị em nhìn nhau, mỗi đứa một góc nhà, khóc sụt sịt. Ngôi nhà nhỏ ven bờ sông Yên của gia đình Lập vốn đã tẻ nhạt bây giờ càng tẻ nhạt hơn, khi cha quyết định đưa hai mẹ con chị Nhàn về ở cùng gia đình.

Chiều muộn, mẹ cùng mấy chị em vừa đi hái lá dâu về đã thấy thằng út chơi tha thẩn ngoài sân. Trong nhà, chị Nhàn đang cặm cụi dọn dẹp nhà cửa, cha ngồi uống nước trên bàn, thỉnh thoảng lại vớ chiếc điếu cày hút xoành xoạch, ngửa cổ lên trời nhả khói, miệng đằng hắng liên tục. Trông thấy mẹ và mấy chị em Lập về, thằng út ngước mắt nhìn ngơ ngác.

– Em, em… chào chị, chào…!

Chị Nhàn ngừng tay chổi, ấp úng. Đáp lại tiếng chào của chị là ánh mắt căm giận cùng sự im lặng của mẹ và chị em Lập.

– Hai mẹ con thằng út về đây, hai chị em cùng mấy đứa nhường nhịn nhau mà sống cho êm cửa êm nhà, tôi già rồi sống được mấy hồi nữa đâu.

Cha nói qua làn khói thuốc.

Từ bữa đó, mấy chị em Lập gọi chị Nhàn bằng dì. Mọi thứ trong nhà cũng được chia làm đôi; cha và dì Nhàn cùng thằng út sống một gian buồng, gian buồng còn lại giành cho mẹ và Lập, hai chiếc giường ở phòng ngoài giành cho các chị, duy chỉ có bãi dâu và mấy nong tằm là vẫn nguyên như cũ. Mọi người sống cùng nhà, ăn cùng mâm, làm cùng mảnh ruộng, đêm nằm nghe tiếng khóc của thằng út cùng tiếng ngáy của cha vọng lại từ buồng bên, mẹ lại cựa mình, thở dài. Và, tiếng tằm ăn rỗi vẫn cất lên sột soạt từ phía đặt mấy nong tằm. Mỗi lần ra bãi hái lá dâu, mẹ và dì Nhàn mỗi người chọn một góc ruộng đối diện nhau, lẳng lặng, len lén nhìn nhau; tiếng lá dâu bị bứt khỏi cành như mạnh hơn, nghe bựt bựt, sào xạo nhưng mùi lá dâu vẫn thơm nồng dịu, nhen lên trong gió. Giữa bãi dâu hoang hoải ấy, Lập thấy khóe mắt mình cay cay, thoáng chốc mà cả bãi dâu xanh mơn mởn bỗng nhòe đi trong trước mắt.

Lập chưa một lần về quê ngoại. Nghe cha, mẹ kể lại, quê ngoại trong Lập là ngôi làng nhỏ có nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa. Theo năm tháng, Lập càng lớn thì những ký ức về quê ngoại càng mai một dần. Vì tuổi tác của cha, mẹ ngày một cao, trí nhớ về quê ngoại mỗi ngày một kém. Thỉnh thoảng mẹ lại nhắc về quê ngoại, nhưng cũng chỉ là những kỷ niệm của ngày mẹ theo cha về làm dâu. Nhớ quê, mẹ kể rõ từng nhà trong xóm; nhà ai trồng cây gì; tính tình mỗi người ra sao? Lập hiểu, so với hồi mẹ ra đi, quê ngoại giờ đây đã khác trước nhiều. Lập nghĩ thế! Vì Lập so sánh vùng quê nghèo mà gia đình Lập sinh cơ, lập nghiệp ngót ba chục năm nay cũng đang thay đổi từng ngày. Nhiều lần họ hàng bên nội cũng gợi ý mẹ nên về quê một chuyến, xem ai còn, ai mất? Mẹ ậm ừ, chậm rãi đưa mắt nhìn mọi người, vén gấu áo lên lau nước mắt, tiếng thở dài nén sâu trong lồng ngực teo tóp khô gày.

– Bây giờ về quê, mẹ cũng không nhận ra nhà ngoại đâu nhỉ?

Đáp lại câu hỏi của Lập, mẹ với đôi đôi tay chai sần thoăn thoắt hái lá dâu cho vào bao tải.

Một năm, lũ lớn đổ về, nước sông dâng cao, những thân cây lớn từ thượng nguồn bị lũ cuốn trôi lổng chổng giữa biển nước. Cha hì hục chống bè ra vớt gỗ. Số gỗ ấy, ông chọn loại gỗ tốt, kỳ cạch cả tháng trời cặm cụi đóng ba cỗ áo quan.

– Đời người ai chẳng một lần! Tao chuẩn bị trước, chẳng may có nằm xuống, chúng mày đỡ phải lo một khoản!

Cha nói, tay vỗ bộp bộp lên tấm áo quan rồi cùng bảo cả nhà xếp ngay ngắn trong góc buồng. Hằng đêm, mỗi khi thức dậy cho tằm ăn, nhìn ba chiếc áo quan qua ánh đèn nhờ nhợ, dẫu đã quen mắt nhưng Lập vẫn cảm thấy gai gai trong người.

Dạo này trông mẹ già sọm, hai hốc mắt nhăn nheo trũng sâu trên khuôn mặt khắc khổ in rõ vết da cháy nắng chạy theo hình vành nón. Trước đây, mỗi lần đi hái dâu, mẹ còn đội được cả một bao tải lèn chặt lá dâu. Năm tháng qua đi, bao lá dâu của mẹ ngày một vơi dần. Mỗi lần đi hái dâu cùng mẹ, nhìn dáng gầy gò, héo quắt thấp thểnh trên bờ ruộng, Lập giật mình nghĩ về mẹ, về đời mẹ và những con tằm. Đời mẹ, khổ đủ đường, tình yêu thương mẹ giành cho cha, cho Lập, cho chị cả, chị hai… cho những đứa con nheo nhóc, tong teo như củ khoai rãi. Thân mẹ như con tằm, tối ngày rút ruột, rút gan nhả ra những sợi tơ trắng óng trong quãng đời ngắn ngủi của mình.

Cha sống với hai người đàn bà, vui vầy cùng một bầy con. Cả nhà vẫn sống dựa vào bãi dâu cùng mấy nong tằm, đêm đêm tiếng tằm ăn rỗi vẫn vọng lên sột soạt. Một lần tình cờ Lập nghe câu được, câu mất lẫn trong tiếng khóc tỉ ti của dì Nhàn, kèm theo đó là tiếng than thở của mẹ.

– Đàn bà như hạt mưa sa. Chẳng trách được, chỉ trách phận mình!

– Chị hiểu cho… em có hơn gì chị!

Xuân qua, hạ tới, thu sang… thời gian bao giờ cũng theo quy luật tự nhiên ấy. Cũng như con sông vẫn to ra vào mùa nước lũ và hào phóng trải lòng qua những doi đất vào mùa khô.

Mùa đông tràn về, mùa đông đem cái lạnh lẽo vãi trên cánh đồng dâu. Lá dâu héo úa. Đồng dâu heo hắt. Mùa đông rải cái lạnh ngăm ngăm xuống dòng sông. Dòng nước trôi thõng thượt, miệt mài mài nhọn doi đất ven sông, lòng sông như gầy ra, xương xẩu như thân hình người có tuổi. Mỗi khi đông về, lòng mẹ lại buồn, nỗi buồn se sẽ, lắng sâu trong tiếng thở dài buông thõng sau tiếng chép miệng hụt hẫng. Có khi, nỗi buồn đìu hiu như những cơn gió vi vút vờn trên những vạt dâu xơ xác. Có lúc nỗi buồn như những vết khô úa, xám ngoét đậu chơi vơi trên những cánh hoa lục bình ru rũ héo hai bên bờ sông. Lập đã đứng lặng giữa đồng dâu trước những cơn gió ngăm ngăm như muốn cứa vào da thịt khi mẹ đội bao tải lá dâu bước xiêu vẹo như cơn gió chiều phơ phất. Qua đôi mắt mọng nước của đứa con gái như Lập, bóng mẹ hiện lên nhòe nhoẹt như chiếc tăm tòe ba vẫn giắt trên vành tai sau mỗi bữa ăn. Để rồi chiều nay, gió mùa đột ngột tràn về. Đầu tiên là những chiếc lá héo rũ khẽ khàng rơi sau trận gió hanh hao lướt trên triền đê. Lạnh giá của mùa đông len lỏi theo những vết nứt nẻ trên đôi bàn tay chai sần vì quanh năm vặt lá dâu của mẹ. Cuối cùng, nó nhẫn tâm cướp đi chút hơi tàn trên cơ thể gầy gò như ánh đèn cầy leo lét. Trước khi nhắm mắt, mẹ nhìn Lập, ánh mắt rìn rịn yêu thương, đôi tay chai sần, gầy guộc ôm lấy Lập, rồi lôi dưới gối ra một gói nhỏ được bọc giấy nilon cẩn thận.

– Mẹ để làm của hồi môn khi mày lấy chồng, giữ lấy làm của hồi môn con ạ!

Mẹ nói thều thào, rồi chìm vào im lặng.

Những ngày tiếp theo, cha chạy đôn chạy đáo lo công việc; dì Nhàn cùng mấy chị em ngồi ủ phục bên quan tài; thằng út tha thẩn chơi bên cạnh, thỉnh thoảng nó ngước đôi mắt ngơ ngác nhìn mọi người. Gió vẫn miên man vuốt dọc triền đê và cồn cào mài mòn ánh nến lập lòe trước khói hương nghi ngút. Hôm đưa mẹ ra đồng, gió vẫn mải miết vun những cọng rơm nát ven đường thành từng đám và hào phóng vuốt dọc những rặng phi lao ngoài nghĩa địa. Nghĩa trang hoang hoải giữa buổi chiều đông. Lo sợ tằm phải “sài” vì dính phải “hơi lạnh”, cha kêu chị em Lập nhen một đống lửa, “Đánh sài” cho tằm mày ạ! Chị cả nói, mắt nheo nheo bởi khói trấu ngun ngún quện cùng mùi bồ kết cháy toả khắp nhà. Phía gian trong, nơi để sẵn ba chiếc áo quan, giờ còn lại một đôi, khoảng không gian còn lại vẫn đặt những nong tằm. Lập giật mình chợt nghĩ đến một ngày, những chiếc áo quan không còn ở đó nữa, đồng nghĩa với việc Lập sẽ mất đi những người thân yêu bên cạnh mình. Lập nhớ những lần ra bãi hái lá dâu về cho tằm ăn, nhớ dáng mẹ tất tưởi in trên bãi dâu xanh mướt mát và mùi lá dâu non thơm nồng dịu nhen lên trong gió.

Từ chỗ những nong tằm, tiếng tằm ăn lá sột soạt cất lên, thế là lại sắp đến một lứa tằm mới.

Trịnh Hồng Hải


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.