Đôi điều về thơ dân tộc thiểu số

Thống nhất trong đa dạng” – khẩu hiệu chính thức của Liên minh châu Âu mở đầu thế kỉ XXI, khá tương thích với sinh hoạt văn học dân tộc thiểu số (DTTS) hôm nay. Ở đây, xin dẫn thể loại thơ ra phân tích. Câu hỏi: Đa dạng thế nào? Khác đi, chúng ta hiểu gì về nhau để nhận diện và chấp nhận sự đa dạng kia? Cụ thể hơn, đâu là bản sắc các DTTS ở trong thơ?

Thơ, có phải hiện đại thì không thể bản sắc?

Thơ không phải thể loại chuyển tải kiến thức, tuy nhiên thiếu tri thức về văn hóa dân tộc – như lối nghĩ, lối nói – thì khó mà hiểu thơ của người dân tộc đó, đúng và đủ. Hỏi, chúng ta hiểu biết về nền văn hóa của nhau chưa, và hiểu tới đâu? Hiểu – bạn mới có thể nhận định đúng mức, bằng không – tùy tiện và cảm tính là khó tránh.

Năm 1996, Lò Ngân Sủn nhận định về Tháp nắng: “Tôi muốn biết thơ anh có cái gì thật bản sắc, thật độc đáo mang đậm phong vẻ, cốt cách Chăm của anh hay không nhưng hơi khó. Vì thơ anh là thơ hiện đại, lại rất gần với thơ Việt từ giọng điệu, ngôn từ, cách thể hiện” – (Tạp chí Văn, số 70, 8-1997).

Câu hỏi: Bạn chưa biết văn học Chăm thế nào, thì làm sao biết thơ Inrasara thiếu bản sắc Chăm? Một khi đã hiện đại thì thơ phải đánh mất bản sắc sao?

Tiếng Việt của thơ dân tộc thiểu số có nên ngô nghê ngọng nghịu?

Trên Vanvn.net, 6/8/2016, Nguyễn Hòa lặp lại y hệt ý của Lò Ngân Sủn 20 năm trước: “Đọc tác phẩm của một số cây bút trẻ, ngoài họ và tên hay đôi dòng tiểu sử giúp nhận biết xuất thân dân tộc thiểu số, lại thấy cách cảm, cách nghĩ, lối diễn đạt, cách thức xây dựng hình ảnh… trong thơ của họ có điều gì đó gần gũi với cách cảm, cách nghĩ, cách diễn đạt, cách xây dựng hình ảnh, giọng điệu… trong thơ của tác giả người Kinh!”.

Hỏi, tác giả trẻ DTTS nào đã như thế? Không tên tuổi nào cụ thể cả, mơ hồ vậy thôi! Đa phần nhà thơ trẻ DTTS làm thơ tự do không vần, mà thể này là kho trời chung của nhân loại, đâu phải độc quyền người Việt, sao nhà thơ DTTS không thể vận dụng!

Và tại sao tiếng Việt của nhà thơ DTTS cứ phải ngây ngô, ngọng nghịu?

Thơ DTTS ở đâu?

Để biết thơ người DTTS ở đâu, cần đến cái nhìn quán xuyến ba thế hệ thơ. Từ thế hệ đầu như Nông Quốc Chấn sang thế hệ Y Phương đến thế hệ trẻ đương đại. Nhìn quán xuyến, ta mới có thể thấy thơ trẻ DTTS hôm nay đã thay đổi và “tiến bộ” thế nào.

Tiếp đến là hiện tượng chuyển di “tài năng” mang tính địa lý. Quan sát của tôi: Thời đổi mới ở các tỉnh phía Bắc, xuất hiện nhiều

tên tuổi sáng giá: Y Phương, Lò Ngân Sủn, Mai Liễu, Pờ Sảo Mìn, Dương Thuấn… Lạ là dường như chưa có khuôn mặt thơ nữ sáng giá góp mặt.

Bước sang thế kỉ XXI, là các tác giả Chăm ở miền Trung, để rồi 15 năm sau khi sáng tác của các cây bút thơ Chăm thoái trào, các khuôn mặt thơ trẻ ở các tính phía Bắc lại nổi lên – đồng đều cả nam lẫn nữ. Từ Ngô Bá Hòa đến Phùng Hải Yến, từ Hoàng Chiến Thắng đến Thèn Hương…

Để biết thơ người DTTS ở đâu không thể không đặt nó trong dòng chảy chung của thơ Việt hiện đại. Việt Nam là đất nước đa dân tộc với nhiều ngôn ngữ và nền văn hóa khác nhau, trong đó có văn học – các nền văn học sáng giá nhưng chưa được biết đến nhiều. Riêng nhà thơ và người làm phê bình không thể bỏ qua các dòng phụ lưu này.

Đâu là các dòng văn học ngoại vi, cụ thể hơn: thể loại thơ? Thơ miền Nam trước 1975, thơ Việt hải ngoại, các tập thơ in ngoài luồng, nhà thơ chưa (hay không muốn vào) Hội Nhà văn Việt Nam, thơ DTTS và các cây bút vùng sâu vùng xa, thơ đăng mạng, và cả nhà thơ Việt sáng tác bằng ngoại ngữ.

Thơ trẻ có giống nhau?

Ở Hội nghị Văn trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam tại Đà Nẵng tháng 2/2022, nhà thơ Hữu Thỉnh nói đại ý: Hạn chế của thơ trẻ hiện nay là giống nhau quá.

Tôi nhìn nhận khác. Thành phố Hồ Chí Minh, cùng địa phương và cùng thế hệ, Nguyễn Hữu Hồng Minh khác Lê Thiếu Nhơn khác Phan Trung Thành; cùng hệ mĩ học hậu hiện đại: Phan Bá Thọ khác Lý Đợi khác Bùi Chát. Về nữ, thơ Phan Huyền Thư khác Vi Thùy Linh khác Ly Hoàng Ly – khác cả vực thẳm!

Để nhận diện đúng, cần đọc – gần close reading với thao tác đối sánh cần thiết, điều mà tôi định danh là “phê bình đi vào trong”. Đi vào trong nền văn hóa dân tộc để hiểu thơ

của người dân tộc, đi vào trong hệ mĩ học sáng tạo để hiểu thơ viết theo hệ mĩ học đó.

Khía cạnh khác, không thể không đặt thơ Việt trong chuyển động của thi ca thế giới. Các trào lưu, từ Thơ Mở rộng đến thơ Tân hình thức, thơ Hậu hiện đại đến thơ Tân Cổ điển, Thơ Dự phóng (Projective Verse), Thơ Ngôn ngữ (Language Poetry), Thơ Trình diễn (Performance Poetry)… Và cả các tư tưởng phê bình đang được vận hành ở các nền văn học tiên tiến. Hiểu, không phải bắt chước, mà thâu thái để sáng tạo, bên cạnh biết thơ Việt đang đứng ở đâu trong dòng chảy bất tuyệt đó.

Kết

Nhà thơ DTTS làm gì, ngày mai? Từ làng bản xuống phố thị, bản sắc và hiện đại, đi đến tận cùng dân tộc để vươn ra thế giới. Ta hiểu ta bản sắc, ta hiểu ta là một bộ phận đa dạng trong thống nhất. Nhưng dù bản sắc thế nào đi nữa, vẫn cần đến thái độ Nhập cuộc về hướng Mở. Xin được dùng bài thơ Theo nước đi của Dương Thuấn đại biểu cho tinh thần mở ấy, kết thúc cho bài

viết này:

Người làm nương ăn theo lửa

Người làm đồng ăn theo nước

Sinh ra tắm nước thơm

Mới là con của mẹ

Lớn lên tắm nước sông

Mới thành người của làng

Đóng con tàu đi ra bể

Tắm giữa đại dương

Mới thành người của muôn nơi.

Khi “thành người của muôn nơi”, ta có mất hút giữa cộng đồng nhân loại? Chắc chắn là không rồi. Sau khi ra biển lớn, nhà thơ làm cuộc trở về nguồn, với tâm thế khác. Như cá nhân tôi, cũng đã đi “muôn nơi”, để trở về làng Chakleng quê nhà.

Nhà văn là kẻ lưu giữ kí ức dân tộc, để kể câu chuyện dân tộc mình đến với thế giới ngoài kia.

                                             INRASARA

>>> Xem thêm: Tạp chí Văn nghệ Lai châu


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.