Đôi bàn tay thô ráp

Đi qua gần nửa đời người, tôi – người đàn bà có đôi bàn tay mềm, ấm áp thấy yêu hơn đôi bàn tay thô ráp, tảo tần.

Đôi bàn tay thô ráp của bố thường vuốt đôi má phúng phính căng tròn của đứa con gái nhỏ. Nựng nịu yêu thương dù cô nàng bé nhỏ dằn dỗi khóc: “Đau con, ứ thích bố vuốt má, tay bố làm đau con”. Cô ấy thường kêu lên như thế mỗi lần. Đôi bàn tay thô ráp ấy, cặm cụi nhặt từng chiếc áo, chiếc quần tuột chỉ của lũ con, mang theo bên mình trong những chuyến ra khơi lênh đênh trên biển. Thả lưới buông câu xong là ngồi khâu khâu vá vá. Đàn ông quê tôi, dù lênh đênh trên biển vẫn biết khâu từng đường kim mũi, biết chế biến những món ăn chẳng kém vợ mình. Sau chuyến đi biển trở về, quần áo của những đứa con lại lành lặn y nguyên – nhờ những đôi bàn tay chai sần mà mềm mại.

Cũng là đôi bàn tay thô ráp ấy, những luống cây trĩu quả ngọt mọc lên xanh mát cả khu vườn cạnh nhà. Nào bưởi, nào na, nào ổi, nào chuối, nào thị… mùa nào thức ấy, lũ trẻ chả bao giờ lo thiếu những đồ ăn vặt. Trái với đôi bàn tay thô ráp của bố, những quả ấy quả nào cũng thơm tho, ngọt ngào căng mẩy. Từ đôi bàn tay thô ráp ấy, lũ trẻ đứa nào cũng mũm mĩm đáng yêu, tròn xoe bóng bẩy để rồi lớn lên với những bước đi vững chãi. Đôi bàn tay ấy thì ngày càng thô ráp hơn, gân guốc, đen nhẻm hơn. Đôi bàn tay ấy cũng không còn nhanh nhẹn cuốc đất trồng rau, chăm cây cối nữa khi bố về già, run run mỗi lần ôm đứa cháu trong tay, đôi bàn tay ấy lại như một thói quen đưa tay lên ve vuốt cái má bầu bĩnh. “Ông làm cháu đau rồi đấy. Tay ông, sao xước nhiều vậy?”.

Đôi bàn tay mẹ cũng là đôi bàn tay thô ráp. Nó chẳng hợp với cái nghề giáo viên mà mẹ đã chọn. Cô giáo trên bục giảng, bàn tay với những ngón thon dài mềm mại, cầm viên phấn viết những nét chữ dạy học trò. Bàn tay mẹ lại chai sần thô ráp chẳng như bài giảng mẹ giảng mỗi ngày.

Mẹ sẽ vẫn giữ được bàn tay mềm mại nếu như mẹ không phải tất tả lo cơm áo cho năm đứa con tuổi trứng gà trứng vịt, ăn bao nhiêu cũng không đủ, áo mặc hôm nay ngày mai đã bung chỉ.

Mẹ sẽ vẫn giữ được đôi bàn tay mềm mại, nếu như sau mỗi buổi tan trường mẹ không bươn chải ngoài biển với thúng mủng mua từng con cá mang ra chợ bán để mua gạo cho lũ con đang ngóng mẹ ở nhà.

Mẹ sẽ vẫn giữ được bàn tay mềm mại nếu như mẹ không phải tăng gia cuốc đất trồng khoai, trồng lúa, trồng lạc, trồng đỗ; không phải dậy sớm ra đồng làm muối, nắng chiều bỏng rát vẫn cặm cụi chẳng có ngày hè.

Tay mẹ sẽ mềm mại lắm nếu mỗi tối không phải chăm đứa này ốm, lo đứa kia nóng khó ngủ, rồi buông màn, kéo chăn cho những đứa con nên giấc ngủ cứ chập chờn.

Tay mẹ sẽ chẳng chai sần đâu nếu mẹ không phải bươn bả buôn thúng bán mẹt, tranh từng chỗ ngồi ở chợ để bán được tí hàng mua cho con tấm áo mới ngày tết, cho con đủ sách vở đến trường.

Đôi bàn tay mẹ, nắm chặt tay đứa con gái ngày về nhà chồng dặn dò “Sống cho tốt con nhé, ở xa có muốn cũng ít về lắm, liệu đường mà ăn ở”. Bàn tay ấy, dấm dúi cho con chút tiền dành dụm của mình vì thương cái út ở xa.

Đôi bàn tay mẹ, bảy mươi tuổi rồi vẫn trồng rau nhặt cỏ, trồng cây táo ngọt, nuôi con gà để gửi cho các con, các cháu. Đôi bàn tay ấy, gói ghém từng sợi yêu thương gửi cho các con. Đôi bàn tay ấy, dù run run nhưng luôn nắm chặt tay đứa cháu nhỏ mỗi khi qua đường. Đôi bàn tay ấy, vỗ về giấc ngủ cho con giờ lại ru tròn giấc cho cháu. Đôi bàn tay ấy mở ra cả một kho những điều mà lũ trẻ chưa bao giờ thấy được. Tối tối, đôi bàn tay thô ráp trở nên tuyệt vời khi biến hình thành con thỏ, ốc sên, con cua, con rùa khiến những đứa cháu không rời mắt. Trong vòng tay bà, chúng tìm được sự bình yên, ấm áp.

Đôi bàn tay thô ráp của những người lao động, làm ra những công trình vĩ đại, hay đơn giản là làm ra lương thực nuôi sống con người. Đôi bàn tay ấy dù không mềm mại trắng hồng nhưng thật đáng trân trọng và biết ơn.

Những đôi bàn tay mềm mại, khỏe khoắn bỗng trở nên thô ráp sau những ngày hết lòng giúp người dân khắc phục hậy quả mưa lũ. Không ngại khó khăn, không ngại hiểm nguy, những đôi bàn tay nắm lấy đôi bàn tay, dắt nhau vượt qua nỗi đau, làm nên những điều kỳ diệu. Những đôi bàn tay thô ráp dựng ngôi nhà trên nền đất ngổn ngang, san sẻ nỗi đau lại dựng xây cuộc sống.

Có những đôi bàn tay thô ráp của các thầy giáo vùng, cao nắm chặt tay học sinh của mình vượt qua con suối đến trường. Đôi bàn tay ngày hôm qua cầm phấn, ngày hôm nay kéo xe, vượt lũ đến các điểm trường, mang con chữ đến với các em, để mong ngày mai cuộc đời các em sẽ sang một trang mới. Con đường mùa mưa xe không tài nào đi nổi, đôi tay kia, dẫu mềm mại cũng sẽ trở nên thô ráp mà thôi. Đổi lại là gì ư? Con chữ vượt lũ băng rừng, cho những trẻ em vùng cao tiếp cận văn minh, đi trên con đường tri thức. Những vất vả kia, sẽ không làm cho thầy cô chùn bước, học sinh đến trường, niềm vui đầy trong ánh mắt thầy cô.

Đôi bàn tay, dẫu không mềm mại mà thô ráp, sần chai, nhưng vẫn được yêu thương, được biết ơn và được bao nhiều người biết đến. Như đôi bàn tay mẹ cha, dẫu chai sần vì nắng gió, vẫn mềm mại nhất trên đời với những đứa con xa. Đôi bàn tay, yêu lắm, thật mà! Yêu từ trong tim đôi bàn tay chả bao giờ trắng hồng, thon dài đẹp đẽ. Tay thô ráp nhưng muôn phần đẹp đẽ. Vì đôi bàn tay mang đến sự ngọt ngào.

Nguyễn Chanh


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.