Đọc tiểu thuyết “Khát” để thêm khát đọc

Tôi gặp tác giả Bùi Thị Sơn lần đầu trong một trại sáng tác của Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh Lai Châu. Sau vài câu chào hỏi làm quen tôi thấy quý mến bà bởi phong cách, lời nói dung dị của bà. Sau này, tôi được biết bà đã từng bị tai biến mạch máu não. Mặc dù đến tuổi nghỉ ngơi, đã vượt qua “cửa tử” nhưng tình yêu văn chương của bà chưa bao giờ lắng dịu. Điều đó được thể hiện trong việc bà thường xuyên có tác phẩm mới đăng tải trên các tạp chí, báo Trung ương và địa phương, có tác phẩm được đăng trên các kênh youtube…

Lần thứ hai gặp tác giả Bùi Thị Sơn tại Hội trường lớn của tỉnh Lai Châu nhân một hội thảo về văn học, nghệ thuật, tôi được bà tặng cuốn tiểu thuyết Khát tập I, Nhà xuất bản Văn học phát hành. Tôi đọc “ngấu nghiến” cuốn sách gần hết đêm. Những câu chữ dung dị, không cầu kỳ lôi cuốn tôi vào câu chuyện của nhân vật chính. Vài năm sau, với sức viết mạnh mẽ, tác giả tiếp tục xuất bản tiểu thuyết Khát tập II, Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Cũng như tập I, tôi thấy thú vị trong cách kể chuyện cũng như các đoạn tả cảnh, tả tình về miền núi. Sáu trăm trang sách của Khát đem đến cho người đọc khung cảnh thơ mộng, giàu chất trữ tình vùng núi rừng Tây Bắc nửa sau thế kỷ hai mươi. Đọc Khát tôi bỗng thấy mình thêm khát đọc hơn bao giờ hết. Có lẽ sự khát đọc vốn tiềm ẩn trong tôi, giờ đây được những trang viết của tác giả thổi bùng lên thông qua nhân vật chính – Ái Lâm.

Nhân vật Ái Lâm chăm chỉ, ngoan ngoãn, hiếu thảo, biết nghe lời bố mẹ và người lớn. Cô bé có nhiều ước mơ, ham học hỏi. Điều đặc biệt, Ái Lâm khát chữ, ham đọc sách. Cô bé dành tất cả thời gian có thể, nhặt nhạnh tất cả những gì có chữ để đọc. Từ tờ giấy gói bánh rán của mẹ đến những tờ sách bị xé rời mà mẹ xin của các anh chị học trường Y mang về làm giấy vệ sinh; hay những quyển sách giáo khoa, cuốn truyện… đều được cô bé ngấu nghiến đọc như người ta ngấu nghiến ăn một bữa no nê khi bị đói dài ngày. Cô bé đọc ở bất cứ đâu, bất cứ chỗ nào có thể. Đã có lần Ái Lâm trốn trong nhà vệ sinh hoặc “nằm tơ hơ giữa thảm cỏ lún phún sau bệnh viện” để được tự do thỏa sức cùng con chữ trong sách. Những lúc ấy, “các con chữ hiện ra đủ màu sắc tím, vàng, xanh,…” trong đôi mắt giàu trí tưởng tượng của cô bé.

Ái Lâm ngây thơ, hồn nhiên, vui, buồn trong veo như dòng suối nơi gia đình gắn bó. Ái Lâm luôn mang cảm giác nhẹ nhàng cho những người xung quanh cô bé dẫu rằng cuộc sống nhiều khó khăn thiếu thốn. Điều đó khiến Ái Lâm luôn mọi người yêu quý. Ở lớp học, khi vào hầm tránh bom, dù hầm chật chội, bức bối nhưng chính trong thời điểm khắc nghiệt (máy bay Mỹ gầm rít trên đầu) ấy, Ái lâm đã giúp các bạn quên đi khó khăn nguy hiểm. Vì vậy mà bạn nào cũng mong được chung hầm với Ái Lâm “…Bọn ở hầm bên kia…, xin cô giáo: Lần sau, nếu có kẻng báo động thì cô cho bạn Ái Lâm ngồi chung hầm với chúng em…”. Chăm học, chăm làm, biết nghe lời người lớn, luôn khắc ghi và làm theo năm điều Bác Hồ dạy ở mọi nơi, mọi lúc nên Ái Lâm nhận được món quà đặc biệt có ý nghĩa. Kết thúc năm học, Ái Lâm được “thay mặt lớp đi đự Hội nghị Cháu ngoan Bác Hồ toàn khu vực”.

Bằng giọng văn nhẹ nhàng, tác giả dẫn dắt người đọc đi từ câu chuyện này đến câu chuyện khác theo tuyến tính thời gian. Có chuyện vui, chuyện buồn, có chuyện hết sức ngây ngô của cô bé được mệnh danh là “ngẫn ngờ”. Nhưng cũng có những chuyện khiến người đọc rùng mình, lo sợ cho tính mạng của Ái Lâm. Đó là đoạn tác giả kể lại cảnh gia đình Ái Lâm đi sơ tán trong hang. Vì Ái Lâm ngủ say nên anh Quyền thương em để em ngủ một mình trong hang lúc bố mẹ đi làm. Khi quay trở lại hang, anh Quyền hốt hoảng thấy Ái Lâm “vẫn ngủ say như chết, bên cạnh là con trăn to bằng bắp chân người lớn đang cuộn tròn, chắc nó cũng đang ngủ. Thu Thảo sợ quá, hét lên thất thanh: “… Con rắn to quá!”. Con trăn thấy động, trườn qua mình Ái Lâm,…” – (Khát, tập I, tr183).

Cũng có những đoạn truyện khiến người đọc rơi nước mắt thương cảm bé Ái Lâm. Đó là đoạn bố mẹ đi công tác xa nhà, mấy chị em tự chăm sóc nhau. Các em bị chấy trên đầu. Em Thủy bị mò đốt, bị dị ứng vì ăn nhộng ong. Cũng may, giữa lúc gay go nhất thì bố xuất hiện. Bố đi công tác qua nhà, tranh thủ ghé thăm các con. Sự xuất hiện của bố khiến người đọc vỡ òa cảm xúc, giống như trong câu chuyện cổ tích người lương thiện gặp khó khăn được bụt hiện lên giúp đỡ. “Bố cúi xuống hôn vào má Ái Lâm, miệng bố thơm mùi quả lạc tiên. Và giọng nói của bố mới ngọt ngào êm dịu làm sao!”. Chính Ái Lâm cũng tưởng: “Chắc tại mình nhớ bố quá nên mới ngủ mơ thấy bố đây! Ái Lâm dùng bàn tay phải cấu vào cánh tay trái của mình, thấy đau nhói… Ái Lâm dụi dụi mắt, nhìn thấy bố, nó bỗng tủi thân trào nước mắt”.

Dù được mệnh danh là “ngẫn ngờ”, nhưng khi được đặt vào tình huống có vấn thì Ái lâm lại tỏ ra thông minh, khéo léo. Cụ thể trong một lần bố mẹ đi học, đi công tác xa nhà, Ái Lâm phải thay bố mẹ chăm nuôi hai em Hùng, Thảo. Dù đang ở cái tuổi ăn chưa no lo chưa tới nhưng Ái Lâm đã khéo léo sắp xếp công việc, giờ giấc chỉn chu. Không phải đứa trẻ nào mới chín tuổi đầu đã làm được một việc lớn lao như một trụ cột để hai em dựa vào những ngày bố mẹ xa nhà. Đọc đến đoạn này tôi tin chắc bất cứ độc giả nào cũng như tôi đều có chung một niềm thương cảm, mến yêu cô bé Ái Lâm. Có lẽ Ái Lâm làm tốt công việc vượt quá độ tuổi của mình như vậy là bởi cô bé luôn khắc ghi năm điều Bác Hồ dạy thiếu niên nhi đồng.

Bộ tiểu thuyết Khát không chỉ là kể, tả về những câu chuyện xoay quanh cuộc đời Ái Lâm. Mà Khát con cho người đọc thấy tình yêu quê hương đất nước, sẵn sàng hy sinh bảo vệ quê hương, đất nước khi bị giặc ngoại xâm của nhân dân ta. Từ chuyện của bạn Nguyễn Bá Ngọc ở Thanh Hóa anh dũng hi sinh cứu em nhỏ đến chuyện anh hùng Nguyễn Văn Trỗi mà Ái Lâm được nghe. Hay chuyện ông bà ngoại Ái Lâm sẵn sàng cho người ta phá sập ngôi nhà hai tầng cả đời ki cóp để thực hiện nhiệm vụ “tiêu thổ kháng chiến”… đến những việc làm hằng ngày của bố, mẹ, cậu Anh, các cô chú trong cơ quan bố mẹ mà Ái Lâm được chứng kiến. Ái Lâm rất chịu khó quan sát. Trong mắt cô bé, ai ai cũng sẵn sàng hi sinh lợi ích cá nhân để phục vụ cách mạng, phục vụ kháng chiến.

Trong gia đình, Ái Lâm thương mẹ cặm cụi vất vả, thương các em bé nhỏ. Còn bố là người Ái Lâm kính phục nhất. Bố hoạt động cách mạng, đi công tác triền miên. Thời gian ít ỏi ở nhà, bố hay kể chuyện cho các con nghe. Đó là chuyện, các anh bộ đội Cụ Hồ gắn bó với dân như cá với nước, không được lợi dụng lòng tốt của dân, không tơ hào của dân từ những vật nhỏ nhất.

Dọc theo chiều dài câu chuyện của cô bé Ái Lâm “ngốc xít” đều gắn với những câu chuyện lịch sử của đất nước trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ cứu nước. Những tên bản, tên làng xã; tên trường học (Trường Phổ thông cấp II Quyết Thắng – Sơn La, Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Sơn La, Trường cấp II Tô Hiệu…; tên người thân quen, thầy cô và bạn bè cô bé Ái Lâm nhắc đến đều gắn với những lần cô bé cùng gia đình đi sơ tán. Những bản Mòng, bản Nà Đanh, bản Tát…, được tác giả đưa vào trang viết giúp người đọc có cái nhìn khá toàn cảnh về Tây Bắc trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ở trên vùng Tây Bắc ấy có những chàng trai, cô gái đang tuổi thanh xuân, họ sẵn sàng xếp bút nghiên đi vào vùng chiến, vai vác ba lô, súng đạn mà lòng phơi phới một niềm tin tất thắng. Họ là những cán bộ cách mạng luôn thực hiện khẩu hiệu “mỗi người làm việc bằng hai”, “tất cả cho tiền tuyến”, “tất cả cho miền Nam ruột thịt”. Họ sẵn sàng hi sinh hạnh phúc cá nhân cho công việc chung mà không một chút đắn đo suy tính. Bố Ái Lâm, người được mệnh danh là: “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Vợ ông sinh nở sáu bận thì cả sáu bận ông đều đi công tác xa nhà. Nhà neo người, cho nên dù mùa đông buốt giá, nước đóng băng hay mùa hè nóng lực, mẹ sinh hôm trước thì hôm sau phải tự giặt giũ tã lót, cơm nước cho các con, không được kiêng khem lấy một ngày. Vợ của người chiến sĩ cách mạng ngày ấy âm thầm lo toan xốc vác công việc gia đình, chăm lo đàn con thơ dại mà vẫn vẹn toàn công việc cơ quan. Thật khâm phục và tự hào biết bao những người con ưu tú của cách mạng Việt Nam. Họ đã sống, làm việc phục vụ cách mạng đến hơi thở cuối cùng.

Chương cuối của Khát tập II, người đọc bâng khuâng thương tiếc người chiến sĩ cách mạng – bố Ái Lâm. Ông bị xuất huyết não sau một đêm thức trắng hoàn thành diễn văn đọc trước mít tinh kỷ niệm hai mươi năm Chiến thắng Điện Biên Phủ do Khu ủy phân công. Giọng văn của tác giả chùng xuống. “Dù Trung ương có cho máy bay lên tận Sơn La đón bố về Hà Nội cấp cứu nhưng không kịp…”. Đọc đến đây, tôi có cảm nhận: khi viết những dòng chữ này, tác giả hòa nhịp đập cùng nhân vật của mình. Cố nén cơn nức nở, nghẹn ngào khi nhớ về người cha đáng kính ra đi đột ngột. Bố Ái Lâm đã đi trọn một đời cùng với sự nghiệp cách mạng mà đảng giao phó.

Khi nói đến sự hi sinh của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, tác giả đã khéo sắp đặt “lý tưởng của thanh niên” vào những trang viết trong Khát thông qua nhân vật anh Quyền và các bạn học của anh. Anh Quyền được thừa hưởng nền giáo dục lý tưởng của bố. Bố thật sâu sắc khi tặng con trai cuốn tiểu thuyết Thép đã tôi thế đấy của Nhi-ca-lai A-xtơ-rốp-xki, với lời nhắn: “Quyển sách này là sách gối đầu giường không chỉ của thanh niên Liên Xô mà còn của bao thế hệ thanh niên tiến bộ khắp nơi trên thế giới… Các con đang ở lứa tuổi thanh niên – lứa tuổi đẹp nhất của đời người. Hãy cố gắng học tập, tu dưỡng để trở thành những công dân có ích”.

Những câu chuyện được tác giả kể hoàn toàn phù hợp với bối cảnh câu chuyện là vùng núi rừng Tây Bắc hùng vĩ và thơ mộng còn nhiều thiếu thốn nửa sau thế kỷ hai mươi. Điều đó cũng cho thấy những trải nghiệm hết sức quý báu nhà văn tích lũy được trong thời gian sinh sống, học tập, công tác tại Tây Bắc.

Cách xây dựng tuyến nhân vật của tác giả cũng hết sức hợp lý với dung lượng của bộ tiểu thuyết. Có nhân vật chính diện, nhân vật phản diện. Nhân vật chính diện chiếm đa số; nhân vật phản diện ít nhưng cũng đủ để lại những dấu ấn trong lòng độc giả. Điển hình cho nhân vật phản diện trong Khát là chú Tuấn lái xe của bố. Lúc mới quen, Ái Lâm tưởng chú là người lịch lãm. Chú hát hát, biết pha trò để làm dịu cơn đau sốt của Ái Lâm do amiđan sưng tấy.  “Trời ơi, cơ man là hoa gạo… Suốt hai bên dọc đường hợp tác xã khai hoang Ninh Thuận, những hàng mía vàng ươm nối đuôi nhau chạy dài tưởng chừng như bất tận.”. Con đường đến bệnh viện trong mắt cô bé rất thơ mộng mặc dù đang đau ốm. Nhưng rồi “Bỗng nhiên, trời tối sầm tối sì lại và một cơn mưa như trút nước bất ngờ ập tới.”. Đây là dấu hiệu và cũng là thủ pháp nghệ thuật để tác giả “lật mặt” kẻ cơ hội là chú Tuấn. Tác giả khéo đặt nhân vật vào tình huống có vấn đề để nhân vật bộc lộ bản chất vô lương tâm, cơ hội.

Yêu cuộc sống thanh bình, yêu đất nước, yêu rừng, yêu bộ đội, yêu Bác Hồ nên khi được kết nạp vào Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, ngày mười chín tháng năm năm một ngàn chín trăm bảy mươi hai, để lại trong Ái Lâm niềm vui khôn tả. Chính sự kiện này khiến Ái Lâm nghĩ mình đã “trưởng thành và ngày càng xứng đáng là con của bố mẹ” – Khát, tập II, Chương 20. Nuôi khát vọng vươn lên, Ái Lâm tin tưởng vào chính mình sẽ suốt đời học tập thật tốt theo câu nói của Lê-nin: Học, học nữa, học mãi!

Tôi tin rằng, qua Khát, nhà văn muốn truyền tải tới người đọc thông điệp khát khao đọc sách của Ái Lâm. Tác giả mong muốn, bức thông điệp của mình được lan tỏa bằng cái kết có hậu cho cuộc đời cô bé. Có thể nói, từ việc khát khao đọc sách, khát khao được sống là chính mình và học tập những điều tốt đẹp trong sách vở mà Ái Lâm được hưởng thành quả tốt đẹp. Tôi bỗng nhớ tới một câu nói nổi tiếng: “Sách là ngọn đèn sáng bất diệt của trí tuệ con người”. Có lẽ, nhà văn Bùi Thị Sơn đã thấm nhuần và hiểu một cách sâu sắc giá trị của sách cho nên tác giả đã nhẹ nhàng truyền đạt thông điệp về sự thành công cũng như giá trị của sách tới người đọc thông qua bộ tiểu thuyết Khát. Trong thực tế, sách là kho tàng lưu trữ khối kiến thức khổng lồ của nhân loại được tích lũy theo thời gian. Và câu nói, “Sách là chiếc chìa khóa vàng mở cửa tòa lâu đài tráng lệ chứa đựng vô vàn điều kì diệu”, điều này hoàn toàn không thể phủ nhận.

Kết thúc tập II bộ tiểu thuyết Khát, Ái Lâm trở thành cô giáo của vùng Tây Bắc. Tháng lương đầu tiên “Ái Lâm cẩn thận gói ba mươi bảy đồng vào giấy báo, nâng niu trao tận tay mẹ”. Sau đó, Ái Lâm là một trong số ít giáo viên của trường được “theo trường về Hà Nội” công tác. Noi gương bố, thương mẹ, thương các em, yêu núi rừng Tây Bắc nên Ái Lâm đã “lên phòng Giám đốc xin ở lại Sơn La”. Việc tình nguyện ở lại vùng núi rừng Tây Bắc công tác của cô giáo trẻ khiến nhiều người cho là cô dại dột: “chốn phồn hoa đô thị không muốn mà cứ chúi mũi mãi nơi rừng xanh núi đỏ”. Những nhận xét đó không làm Ái Lâm thay đổi quyết định. Cô giữ vững bản lĩnh người con của vị một vị lãnh đạo xuất sắc Khu, kiên định đi theo con đường đã chọn. Chấp nhận gian nan, gắn bó với núi rừng Tây Bắc. Quyết định ấy với nhiều người là rất khó khăn nhưng với Ái Lâm nó thật nhẹ nhàng như chính con người cô. Trong thực tế cuộc sống, ai đó vì một quyết định bồng bột của tuổi trẻ mà sau này họ ân hận. Nhưng với Ái Lâm, hơn bốn mươi năm sau cô vẫn không một lần phải ân hận vì quyết định này.

Gấp lại bộ tiểu thuyết Khát với sáu trăm trang giấy của tác giả Bùi Thị Sơn là những bồi hồi trong tôi về âm thanh vang vọng của núi rừng Tây Bắc đại ngàn mấy chục năm trước. Phải chăng đó là những âm thanh vang vọng từ những nhân vật khát khao đọc, khát khao cống hiến cho sự nghiệp giải phóng quê hương đất nước, khát khao làm giàu để hôm nay Tây Bắc – vùng biên viễn xa xôi của đất nước mỗi ngày thêm tươi đẹp.

THANH TÁM

 


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.