Dìu dặt khèn Mông

 

Những bản Mông cheo leo núi cao, mùa xuân dường như đã ghé đến sớm hơn các vùng khác. Đỏ thắm hoa đào, bừng trắng mận, lê nở rộ sườn đồi và dìu dặt tiếng khèn Mông âm vang vách đá… là đặc trưng riêng của núi rừng.

Không chỉ trong dịp tết, tiếng khèn Mông có mặt trong sinh hoạt đời thường của dân tộc: tiếng khèn là nhạc cụ được thổi trong dịp lễ hội, là niềm vui khi tết đến, là sợi dây nối gọi hồn người đã khuất, là lời thổ lộ tình cảm của chàng trai với người thương… điệu khèn lúc trầm, lúc bổng, cứ ngân nga, lơ lửng khiến hồn người say theo, chơi vơi theo.

Khi nghe tôi nhắc đến tiếng khèn Mông, một người cao tuổi đáng kính nhìn tôi đăm chiêu rồi vẻ mặt lộ ra vẻ vui hẳn. Ông nói với tôi, và cũng hoài niệm về thời mình còn là một thanh niên trẻ ở xã Sà Dề Phìn: “Thổi khèn Mông đã khó, còn khó hơn khi phải vừa thổi vừa múa. Chàng trai Mông tài ở chỗ vừa nhảy, vừa quay, chân đưa nhịp nhàng, rồi vắt chân, xoay gót, thậm chí khom người vừa nhảy vừa thổi, có lúc còn vờn khèn và lộn vòng trên mặt đất… Các cô gái Mông kén người yêu cũng thường ở những dịp hội xuân, thấy các chàng trai có tài thổi khèn, cô nào cũng xúng xính váy áo hoa tìm đến nghe và thổi lá hòa cùng. Thế hệ chúng tôi, nên duyên đôi lứa phần lớn là nhờ điệu khèn Mông ấy… Đến giờ, nhà nào có chiếc khèn được lưu giữ qua nhiều thế hệ thì giữ như vật quý”. Cũng theo ông thì người làm khèn giỏi phải có âm điệu réo rắt, trầm bổng, ngân nga. Khèn được lựa chọn từ trúc, gỗ, tre tốt nên để được lâu năm.

Chiếc khèn nhìn thì đơn giản nhưng để làm ra chiếc khèn có giai điệu hay, tiếng khèn mê đắm lòng người lại đòi hỏi người làm khèn phải có bàn tay tài hoa, tai nghe tốt để chỉnh âm cho chuẩn. ống trúc để làm khèn phải là loại trúc lâu năm, cứng cáp, thân thẳng, ống cũng phải được lựa chọn từ loại tre tốt. Bầu khèn được làm từ gỗ pơ mu. Trúc, tre gỗ được gác bếp, hong khói một thời gian dài rồi mới đem ra đẽo, gọt, bào nhẵn. lưỡi gà làm từ đồng tán mỏng lắp trên ống trúc, ống tre để tạo âm thanh cho cây khèn. Ống tre to và ngắn nhất để giữ nhịp điệu, các ống còn lại để điều chỉnh âm thanh trầm bổng. Nghe thì đơn giản thế, nhưng để làm hoàn chỉnh mỗi chiếc khèn phải mất hơn một tuần.

          Điệu khèn Mông hay phải là điệu khèn có âm thanh thể hiện điệu dân ca của dân tộc quyện với những bước nhảy, múa khèn của chàng trai. Ở các xã vùng cao, nay chỉ còn một số người trung tuổi nổi tiếng về “tài khèn”. Tiếng khèn không đơn thuần chỉ là món ăn tinh thần quen thuộc mà còn là một phần văn hóa không thể thiếu của người Mông. Nghe khèn Mông, mọi người thường liên tưởng đến sự mạnh mẽ, dẻo dai như đá tảng của người con trai vùng cao. Các chàng trai Mông trên mười bốn tuổi đã biết mang khèn trẩy hội và gửi nỗi lòng mình vào tiếng khèn. Người thổi khèn Mông giỏi phải dành nhiều thời gian học khèn, còn phải luyện khèn thường xuyên. Thế hệ đi trước cũng rất thích gửi gắm, truyền dạy các bài khèn cho con, cháu bởi một chàng trai thổi khèn giỏi luôn nhận được sự thán phục của mọi người làng xa, bản gần. Trong ngày hội, có thể thấy người ta thổi khèn một mình, thổi khèn đôi, thậm chí ba, bốn chàng trai cùng thổi khèn. Mỗi cú xoay, nhẩy vắt chân, đá chân trước, đá lăng sau… của các chàng trai đều hết sức khéo léo, nhịp nhàng như đã tập dượt hàng trăm nghìn lần trước khi phô diễn tài nghệ cho đám đông thưởng thức.

          Tiếng khèn là văn hóa vật thể được người Mông gìn giữ đã từ lâu lắm! Truyền mãi muôn đời cho tới tận mai sau. Ở các phiên chợ, người ta nhắn nhủ nhau: “Hãy nghe tiếng khèn một ngày, để nhớ tiếng khèn một đời”.

Đến bản Mông trong ngày hội văn hóa hôm nay, du khách được mời uống rượu ngô hạ thổ, ăn thắng cố. Và khi rượu đã ngà ngà say, tiếng khèn lại được cất lên trong điệu nhảy xoay xoay tròn khiến du khách nhớ mãi chuyến du lịch về miền quê ấy. Đó là giai điệu của thiên nhiên, là tinh hoa núi rừng, là xúc cảm sâu lắng từ phía núi…

PHÙNG YẾN


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.