Diện mạo mới ở vùng dân tộc Mảng

Bản Nậm Xảo 1, xã Trung Chải, huyện Nậm Nhùn có 100% đồng bào dân tộc Mảng sinh sống. Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực vượt khó của nhân dân, Nậm Xảo 1 hôm nay đang khoác lên mình một diện mạo mới.

Con đường bê tông phẳng lỳ, sạch đẹp, hai bên đường trước mỗi cửa nhà có treo cờ Tổ quốc trang trọng đưa chúng tôi vào bản, Bí thư Chi bộ bản Nẩm Xảo1,  Lò Me Thơ người Mảng trẻ tuổi năng nổ, nhiệt tình với công tác thôn bản phấn khởi cho biết: “Bản Mảng mình đã đổi thay rồi, có điện, có đường, có trường mới rồi, con trẻ vui lắm. Bây giờ xem ti vi, bà con nắm được chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, học thêm được nhiều kinh nghiệm làm ăn. Đường giao thông đi lại thuận lợi, nên cuộc sống cũng khá hơn, ai cũng muốn thoát nghèo, cố gắng lao động”.

Công tác tuyên truyền các Chỉ thị, Nghị quyết Đảng, Nhà nước được bà con đồng bào Mảng xã Trung Chải (nậm Nhùn) hào hứng đón nhận.

Con đường bê tông hóa sạch đẹp làm cuộc sống đồng bào Mảng bản Nậm Xảo 1 thuận lợi hơn.

Mỗi khi nông nhàn, đồng bào Mảng (xã Trung Chải) lại thể hiện những bản sắc văn hóa được lưu truyền.

Nghe người già trong bản kể, trước năm 2012, bản Nậm Xảo 1 thuộc xã Nậm Ban (huyện Sìn Hồ), địa danh “nổi tiếng” với nhiều hủ tục lạc hậu như: nghiện rượu, hôn nhân cận huyết thống, tảo hôn… Những năm qua, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng ủy, các cấp chính quyền, cùng với ban phát triển bản thực hiện phong trào: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư”, tranh thủ uy tín của những người cao niên, già làng, người có uy tín, ban lãnh đạo bản thảo ra quy ước chung của bản; trong đó có thực hiện nghiêm việc cưới, việc tang theo tinh thần đời sống mới. Nếu như trước đây, trong bản có người chết thường để 3, 4 ngày, nơi chôn cất thì không quy củ. Sau khi thống nhất quy ước, thực hiện đời sống văn hóa, trong bản nhà nào có người chết không được để quá 24 giờ và mỗi gia đình phải cử 1 người đến giúp. Việc chôn cất phải tại một địa điểm chung của bản. Việc hôn nhân cũng được quy định anh trong dòng họ phải 3 đời trở lên mới được kết hôn, không tổ chức cưới hỏi khi chưa đủ 18 tuổi…

Nở nụ cười tươi rói, chị Lò Me Lưởng trước đây thuộc diện nghèo nhất xã. Nhớ lại cách đây hơn 10 năm chị vẫn ngán ngẩm: “Nhắc đến cảnh nghiện rượu giờ này mình vẫn thấy chân tay bủn rủn. Ngày trước chẳng khi nào thấy ông chồng tỉnh táo cả. Mình không nghĩ anh ấy lại bỏ được thứ “ma men” kia. Nhiều lần được chính quyền, đoàn thể xã, bản tới động viên bỏ rượu tập trung làm ăn. Có đận, anh ấy bảo: “bỏ rượu thôi! Nhìn con đói, vợ khổ, tao chán lắm rồi!”. Nói là làm cùng với sự giúp đỡ của chị anh đã cai rượu thành công. Hai vợ chồng chị mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi, trồng trọt. Đến nay, gia đình chị Lưởng đã có gần 20 con trâu, bò, hơn 15 con dê và hơn 100 con gia cầm các loại. Ngoài phát triển chăn nuôi, chị còn trồng thêm 2.000m2 nghệ đen, 0,5 ha nương ngô, sắn và hơn 3 sào lúa nước 2 vụ. Hàng năm, từ chăn nuôi và trồng trọt đem lại cho gia đình chị thu nhập trên 100 triệu đồng. Từ một hộ khó khăn trước đây, nay gia đình chị Lường là tấm gương điển hình của đồng bào Mảng vươn lên thoát nghèo, có của ăn của để nhất nhì bản.

Nhờ áp dụng khoa học vào chăn nuôi cuộc sống đồng bào Mảng (Nậm Nhùn) ngày càng ấm no.

Áp dụng khoa học – kỹ thuật đưa các giống mới vào canh tác giúp bà con người Mảng thoát nghèo.

Ngôi trường tiểu học xã Trung Chải (Nậm Nhùn) khang trang đầy đủ phương tiện giúp con em vùng dân tộc, đặc biệt trẻ em người Mảng được học tập tốt hơn.

Còn với Lý A Dô đảng viên dự bị, Chi bộ bản Nậm Xó 1, trước đây cũng bươn trải khắp nơi, vậy mà, chưa khi nào bồ thóc được “ngủ quên” sang vụ sau cả. Nhà có 7 miệng ăn, chưa tới giáp hạt đã phải “rồng rắn” xếp hàng trước cổng UBND xã chờ gạo cấp của Nhà nước cấp. Làm lụng quanh năm chẳng đủ ăn, cám cảnh, Dô về Hà Nội làm đủ nghề, từ phụ hồ, bốc vác, nhưng cuộc sống xa nhà, biết bao chi phí, có lúc hết việc thế là đi tong cả tháng lương cho chi phí sinh hoạt chờ việc.

Nhiều đêm trăn trở cảnh thất nghiệp, Dô quyết ngược núi về bản, anh được Hội nông dân tập thể xã giúp đỡ tham gia lớp tập huấn, dạy nghề, chuyển giao kĩ thuật chăn nuôi, và tiếp cận nhiều mô hình kinh tế điển hình của địa phương. Như cởi được “nút thắt” bấy lâu. Sẵn lợi thế địa phương với nhiều bãi chăn thả, nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào, thuận lợi cho việc phát triển chăn nuôi đại gia súc. Với 50 triệu đồng vay vốn ngân hàng, anh Dô cùng gia đình bắt tay vào “giải bài toán” kinh tế khó khăn bấy lâu. Nhờ áp dụng chuyển đổi cây trồng vật nuôi phù hợp với khí hậu địa phương gia đình Dô đã có của ăn của để. Anh phấn khởi: “Được sự quan tâm của Chi bộ, chính quyền xã, bản luôn quan tâm dành những chính sách ưu tiên nhất cho đồng bào Mảng, nên hướng phát triển kinh tế gia đình có nhiều thuận lợi. Và điều quan trọng nhất vẫn là nghị lực vươn lên, bởi nếu mình không tự mình nỗ lực, vượt khó thì sự quan tâm, giúp đỡ của cộng đồng rất uổng phí…”.

Dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy, các chi bộ, thôn bản đã tích cực tuyên truyền, vận động các thế hệ đi trước truyền dạy lại cho thế hệ trẻ nhiều nét đẹp trong văn hoá như phục dựng và truyền dạy nhiều làn điệu dân ca, dân vũ, phát huy vai trò đội văn nghệ bản trong công tác tuyên truyền, giữ giàn bản sắc văn hoá truyền thống. Đến nay, bản duy trì đội văn nghệ thường xuyên đi tham dự biểu diễn trong các sự kiện của huyện, tỉnh…

Qua câu chuyện với lãnh đạo thôn bản và lãnh đạo cấp ủy, chính quyền xã cùng người dân nơi đây, chúng tôi thấy hiện rõ niềm vui lan tỏa, khi cái ăn cái mặc với bà con không phải lo như trước. Chi bộ đảng bản Nậm Xảo 1 có 7 đảng viên, toàn bản có 41 hộ, 290 nhân khẩu, bản có 2,8ha, trong đó (9ha đất lúa, 12ha ngô, 6,7 ha sắn), 1,5 ha quế, 0,5ha diện tích mặt ao nuôi cá, cùng hệ thống tưới tiêu vô cùng thuận lợi cho phát triển kinh tế. Bà con tích cực đưa giống lúa mới vào canh tác như giống lúa: Thái xuyên, Phúc Thái… nhờ vậy hiệu quả kinh tế mang lại khá cao. Không chỉ tích cực trong chuyển đổi cây trồng, việc chăn nuôi cũng được người dân chú trọng, đặc biệt là chăn nuôi đại gia súc. Tư duy đổi mới trong phát triển kinh tế đã giúp đời sống người dân từng bước được nâng lên rõ rệt…

Với sự đầu tư của Nhà nước về cơ sở hạ tầng, giảm nghèo bền vững, người dân đã mạnh dạn tập trung phát triển kinh tế, đời sống người Mảng ở Nậm Nhùn ngày càng được nâng cao, tỷ lệ hộ đói nghèo ngày một giảm, các hủ tục lạc hậu đang dần được xóa bỏ. Đồng chí Cao Duy Đam – Bí thứ Đảng uỷ xã Trung Chải chia sẻ: Đảng ủy xã quán triệt sâu rộng tới chi bộ và quần chúng nhân dân, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 09 –CT/TU, ngày 6/4/2022 của ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với việc giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong nhân dân đặc biệt là đồng bào Mảng. Cùng với đó là ưu tiên những chương trình đề án giúp bà con xóa đói, giảm nghèo, như: Chương trình 135, 30a, Nông thôn mới… đặc biệt là Đề án 1672 “Phát triển kinh tế – xã hội các vùng dân tộc: Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao”…

Từ sự nỗ lực vượt khó, với sự chỉ đạo định hướng của đảng, chính quyền các cấp, đến nay đời sống của bà con người Mảng bản Nậm Xảo 1 ngày càng khởi sắc.  Nậm Xảo 1 là bản điển hình tiên tiến trong thực hiện nếp sống mới, nhiều năm liền bản đạt danh hiệu “thôn bản văn hóa”.

Bài, ảnh Hà Minh Hưng

 


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.