Đi trong hương sắc của chè

Khi sắc xuân xanh biếc ngời ngợi khắp non ngàn, khi những hạt mưa xuân dịu dàng trải trên đồi nương như một tấm voan mỏng, khi những cánh hoa đào hoa mận bắt đầu rụng và những triền hoa ban rạng rỡ những triền núi xa xa thì chính là khi mùa chè xuân đã đến. Những nương chè đã được đốn phẳng phiu, nay chuyển từ màu xám ngắt của những thân cành mốc thếch và những tán lá già xám đen sang màu xanh mỡ màng mát mắt nhanh một cách lạ kỳ. Những búp chè xuân non tơ mơn mởn đã khép nép ngủ suốt cả mùa đông, nay bỗng như bừng hết cả dậy. Ta như nghe tiếng cựa mình của búp, tiếng tôm cá nhảy tí tách trong sương sớm long lanh, ấy là tiếng của những mầm chồi thức giấc.
Tân Uyên, mùa chè đã đến.
Từ mấy hôm nay, chiếc xe máy do một cậu thanh niên điều khiển chạy dọc các con đường thôn bản, tiếng loa réo rắt: “A lô a lô! Nhà máy chè Tân Tiến sẽ thu mua chè tươi từ ngày mùng một tháng ba. Tiêu chuẩn chè một tôm hai lá non. Hân hạnh chào mừng bà con đến bán cho nhà máy! A lô! A lô!”. Ở một địa bàn khác, chỉ cách vài cây số, ông giám đốc công ty chè Hồng Đức cho mời tất cả bà con làm chè trong vùng nguyên liệu đến gặp mặt động viên và ấn định ngày nhà máy bắt đầu thu mua nguyên liệu với những tiêu chí rõ ràng. Ở một nhà máy khác, những bảng thông báo được treo lên niêm yết giá mua, tiêu chuẩn chè… Nhiều quá! Mỗi công ty, mỗi nhà máy có một cách làm, một chiêu thức riêng để mời gọi, để thu mua được nhiều nguyên liệu tốt cho nhà máy của mình. Trong suốt những ngày nghỉ đông của chè, các nhà máy tập trung sửa chữa, nâng cấp nhà xưởng, máy móc để chuẩn bị cho mùa chè mới. Trước đây, cả vùng Than Uyên, Tân Uyên chỉ có một công ty chè Than Uyên với gần năm trăm ha chè kinh doanh, đa số trồng từ những năm 1968 đến 1978 của thế kỷ trước. Chè của công ty chè Than Uyên giờ đã già cỗi, công ty cũng không còn giữ mãi được thế độc tôn về chè và đang dần chuyển đổi giống cây trồng. Trên địa bàn Tân Uyên giờ đã có đến gần chục nhà máy chè, diện tích cả vùng chè đã gần con số bốn ngàn héc ta, nghĩa là gần gấp mười lần diện tích chè của công ty chè Than Uyên cuối những năm 2000. Đó là những công ty, những hợp tác xã chè trẻ trung và năng động, với những con người có tâm huyết làm giầu cho mảnh đất quê hương bằng cây chè chủ lực.
Vùng chè mở rộng và biết bao thay đổi đến cùng những bản làng có những nương chè bát ngát. Những tên đất thân quen như Phiêng Phát, Phúc Khoa, Mường Khoa, Pắc Ta… bây giờ gắn thêm một chữ chè đằng trước thật đáng yêu. Thế độc canh của cây lúa không còn. Bây giờ ở Tân Uyên có một bức tranh toàn cảnh khá hoàn hảo: Trên đồi cao là chè, giữa là khu dân cư và dưới thấp là lúa. Những bức ảnh, thước phim flycam chụp tầm tháng năm, tháng sáu đã ghi lại những tấm hình, những clip với màu sắc ngắm mà mê mẩn. Đó là sắc xanh mướt mát của chè, sắc vàng như lụa của đồng lúa và sắc ngói đỏ cùng muôn màu hoa trái của những khu dân cư. Thật hiếm những miền đất có được phong cảnh hài hòa đến thế. Vùng chè mở rộng đến đâu thì những con đường cũng được mở rộng đến đấy để những chiếc xe tải vận chuyển vật tư, sản phẩm vào ra thuận tiện, để những nhà máy mọc lên và đời sống nông dân ngày càng no ấm. Công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới đang ngày ngày hiện hữu một cách đầy thuyết phục. Người nông dân theo nghiệp chè ở Tân Uyên giờ đã và đang có nhiều ngôi nhà đẹp, hiện đại, tiện nghi đắt tiền, chẳng hề thua kém gì cuộc sống ở các miền đất nước.
Mùa thu hoạch chè ở Tân Uyên diễn ra sôi nổi, rộn ràng và mỗi năm một khác. Mấy năm trước đây, khi các máy cắt chè chưa phổ biến như bây giờ thì từ khi trời còn mờ sương, từng đoàn, từng tốp người với đủ màu váy áo đã tấp nập lên nương. Có những hợp tác xã, có những công ty không thuê được người ở gần, còn phải đưa xe đến các bản xa năm bảy cây số đón thợ hái chè về nương của mình. Vì vậy, họ phải đi từ tầm năm giờ sáng. Bà con mang theo cơm nước cho bữa ăn trưa để làm việc cả ngày trên đồi. Bây giờ, cảnh ấy chỉ diễn ra ở những khu chè tầng, chè thưa, còn đa số đã cơ khí hóa khâu hái chè. Một máy cắt với sáu lao động, chỉ cần hai đến ba ngày là thu hoạch xong một ha chè kinh doanh. Những chiếc xe tải lên các điểm cân chè trên đồi thu mua và vận chuyển chè nguyên liệu về nhà máy. Buổi trưa và buổi chiều, từng đoàn xe máy, ô tô rộn rã chở chè chạy ngược xuôi trên đường, đến các điểm thu mua chè tạo nên một không khí rộn ràng, sôi động mà những vùng khác không có được.
Đi dọc những con đường của Tân Uyên vào mùa chế biến chè, chúng ta sẽ ngây ngất bởi hương chè thơm ngạt ngào quyện vào trong gió. Cái cảm giác ấm áp, đê mê, xao xuyến giữa một miền quê trù phú lâng lâng thật khó tả. Nó làm cho người ở lâu rồi như bị thấm vào da thịt, chỉ đi xa ít ngày đã nhớ. Người ở xa đến bị quyến rũ, đam mê, chẳng nỡ xa rời.
Tân Uyên đất mát trời lành mùa nào cũng dễ chịu. Nhiệt độ Tân Uyên ở mức trung bình của các miền trong cả nước. Mùa đông ở nơi đây không quá lạnh, mùa hè không quá nóng. Từ năm 2009, khi hồ thủy điện Bản Chát dâng nước đầy thì những cơn gió địa hình đã mất hẳn. Tân Uyên không còn là vùng chịu ảnh hưởng của “Gió Than Uyên” nữa, quanh năm chỉ còn những cơn gió dịu dàng miên man cho thêm thắm tình cây, tình đất, tình người.
Đến Tân Uyên mùa chè, vào những sớm bình minh, gặp những cô sơn nữ trên nương chè, trong ta lại vang lên lời thơ của ai đó: “Sương mai lóng lánh búp xanh/ Gió xuân vấn vít đùa cành chè tơ/ Bóng em nhấp nhóa sương mờ/ Em đi hái sớm, chẳng chờ nắng lên/ Một tôm hai lá không quên…”. Rồi vào những đêm trăng, sương dịu dàng giăng trên phố nhỏ, gặp những cô gái áo xanh thoăn thoắt bước chân vào cổng những nhà máy chế biến chè, thì lòng ta lại ngân nga: “Anh đi trong đêm mờ sương/ Nhẩn nha dạo bước trên đường/ Gặp em vào ca vồi vội/ Hương chè trong gió vấn vương”.
Tân Uyên vẫn còn một nắng hai sương như bao miền quê khác. Nhưng với những con người đã từng sống ở nơi đây nhiều năm, thì Tân Uyên đã biết bao thay đổi. Có thể nói Tân Uyên có đủ cái mà người ta thường gọi là “Tam hợp” ấy là: Thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Hương chè, hương lúa Tân Uyên hoà quyện vào nhau như mời gọi thiết tha.

THANH PHƯƠNG


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.