Đi tìm cội nguồn điệu xòe

Lai Châu là một tỉnh vùng cao biên giới nằm phía Tây Bắc Tổ quốc, với hai mươi dân tộc cùng sinh sống, vùng đất nhiều danh lam thắng cảnh đẹp này chứa đựng cả một kho tàng di sản văn hóa dân gian quý báu của các dân tộc, trong đó, phải kể đến các làn điệu dân ca, dân vũ của dân tộc Thái.

Chuyến đi của chúng tôi bắt đầu từ thành phố Lai Châu về hướng Tây Bắc, vượt chặng đường hơn 100 cây số là đến xã Lê Lợi, huyện Nậm Nhùn với ý tưởng lãng mạn đi tìm những điệu múa cổ bên dòng Đà Giang hùng vĩ, những điệu xòe ấy không biết có từ bao giờ mà người Thái múa cả đời vẫn cứ say sưa, không chỉ hút hồn những con người xứ mường mà còn níu chân du khách gần xa mỗi khi gặp vòng xòe của dân tộc Thái.

Nơi ngã ba sông Đà không chỉ biết đến là địa danh có phong cảnh sơn thủy hữu tình mà còn là vùng đất đậm đà bản sắc văn hóa Thái được thể hiện qua những nếp nhà sàn đều tăm tắp bên bờ sông hay điệu múa xòe huyền thoại để trai gái xứ Mường giao duyên hò hẹn. Nơi giao thoa của đất trời và sông núi, là mảnh đất chứng kiến biết bao biến cố, thăng trầm của lịch sử. Và vẫn còn đó phế tích dinh thự của Vua Đèo Văn Long, ghi dấu một thời dòng tộc họ Đèo làm vua xứ mường và tỉnh trưởng Lai Châu cai trị 12 xứ Thái. Đây cũng chính là một trong những nơi khởi nguồn điệu múa, xòe của dân tộc Thái.

Một trong hai người đẹp còn lại trong đội xòe của vua Đèo Văn Long  – “Xao xè” Lò Thị Chăm

Trước khi đi tìm một số nhân chứng biết được những điệu xòe từ thời vua Đèo Văn Long, chúng tôi có dịp lướt qua vết tích cầu Hang Tôm cũ từng nổi tiếng một thời là loại cầu dây văng đẹp nhất Đông Dương vào cuối thập niên 1960 và cũng là niềm tự hào của đồng bào các dân tộc Tây Bắc. Ngày nay, cầu cũ đã được tháo dỡ và thay vào đó là cầu Hang Tôm mới bằng bêtông được xây dựng cách vị trí cũ khoảng 600m về phía thượng nguồn nối liền hai tỉnh Điện Biên và Lai Châu.

Nơi hợp lưu của ba con sông: sông Đà từ Mường Tè, Lai Châu đổ xuống; sông Nậm Na bắt nguồn từ cửa khẩu Ma Lù Thàng, Lai Châu chảy qua và sông Nậm Lay từ các con suối thuộc địa phận tỉnh Điện Biên chảy về. Những địa danh quý từ ngày xưa như: ‘hát khoái đón” nghĩa là thác trâu trắng nơi dân mường cúng tế Nàng Han hay “Tón út tắng cang nặm pák Lay – Tẹ – Na” nghĩa là hòn đá thiêng nằm giữa ngã ba dòng nước là nơi cầu may trước khi binh lĩnh ra trận, nay đã chìm sâu dưới thủy cung.

Chiều muộn, thuyền cập bến Bản Chang thuộc xã Lê Lợi, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu, chúng tôi rảo bước qua cổng tam quan rồi vượt hơn trăm bậc thang lên viếng đền vua Lê Thái Tổ và bia Lê Lợi trên sườn núi có tên Đồi Tháp. Quần thể di tích có kiến trúc truyền thống bằng gỗ thiết kế từ thấp đến cao bao gồm: sân đại lễ, nhà bia, đền chính giữa cánh rừng thật thanh tịnh. Theo sử sách, nhân sự kiện tù trưởng Đèo Cát Hãn làm phản, cấu kết với quân giặc tung hoành ngang dọc, quấy nhiễu nhân dân nơi biên ải mà vị anh hùng dân tộc Lê Thái Tổ đã thân chinh đi trừng phạt. Sau khi dẹp xong đám giặc cỏ, cùng với việc khẳng định chủ quyền lãnh thổ và để răn dạy các tù trưởng cai quản nơi biên giới Tổ quốc, tháng chạp năm Tân Hợi (1432), vua Lê đã làm bài văn bia ghi nhớ sự kiện này và cho khắc trên vách đá núi Pú Huổi Chỏ bên bờ bắc sông Đà. Do nằm trong vùng ngập thủy điện Sơn La nên văn bia được di dời đến núi Đồi Tháp, cách nơi cũ khoảng 500m và cao hơn vị trí cũ 150m. Đây là một trong những ngôi đền linh thiêng để dân chúng muôn phương về sinh hoạt văn hóa tâm linh.

Rời ngôi đền vua Lê Thái tổ, chúng tôi đến UBND xã Lê Lợi và được lãnh đạo xã giới thiệu những người am hiểu về nhạc cụ dân tộc và các làn điệu dân ca dân vũ dân tộc Thái trong đó, có ông Lù Văn Choi ở bản Nậm Na. Theo bước chân ông Lò Văn Choi chúng tôi đến thăm khu phế tích dinh thự của vua Đèo Văn Long là nơi diễn ra các điệu múa xòe cổ của dân tộc Thái. Đứng trước khu phế tích dinh thự, ông chỉ cho chúng tôi xem từng chi tiết và kể rằng: “ngày ấy tôi mới 12 tuổi, là học sinh của trường Cố đạo nên đã nhiều lần được xem múa xòe ở đây. Đội múa xòe có bao nhiều người thì không nhớ lắm, nhưng đây là những mỹ nhân người Thái múa xòe giỏi nhất vùng được Vua Đèo tuyển chọn vào đội xòe. Hai người đánh tính tẩu rất điêu luyện nên tôi cũng học được và biết chơi, biết làm tính tẩu từ thời đó đến giờ. Còn nói về khu dinh thự của vua Đèo Văn Long, toàn bộ diện tích rộng chừng hơn một ha, bên ngoài có tường bao xây bằng đá, cao hơn 3m, dày khoảng 50cm. Ngôi nhà của Vua Đèo hai tầng, sàn làm bằng gỗ, tường xây gạch đỏ nung, mái lợp bằng đá phiến. Có pho tượng hình con gà và hai con sư tử đứng canh trước cổng. Phía trước khoảng sân rộng là nơi để múa xoè mỗi khi vua Thái tổ chức tiệc tùng, tiếp khách hay lễ, tết. Phía giáp với Sông Đà có hai bến đò, các bậc cầu thang lên xuống được xây kiên cố, các “Xao xè”, “Báo khỏa” ở bên kia mường thường qua lại sông Đà. Phía giáp với dòng sông Nậm Na là trường học. Tất cả những công trình ở đây được xây từ gạch, vôi và đường mật nên rất chắc, bền và đây là nơi múa xòe vui nhất thời bấy giờ…”

Ngược dòng Đà Giang khoảng 30 cây số, chúng tôi đến bản Nậm Dòn, xã Nậm Hàng, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu và tình cờ gặp cụ Điêu Chính Mển. Năm nay, cụ tròn 100 tuổi, với dáng vóc to cao, khỏe mạnh, ông vẫn còn minh mẫn và vui mừng chia sẻ với chúng tôi: “trước đây, tôi sống ở bản Chợ gần cung vua Đèo nên tôi cũng biết đội xòe Thái lúc bấy giờ. Người đánh tính tẩu là ông Lường Văn Han và Lường Văn Hào ở Mường Lay, Điện Biên, đội xòe có 12 người, họ mất hết rồi. Hiện chỉ còn hai bà duy nhất ở xã Lê Lợi và Mường Lay. Người Thái yêu múa xòe lắm, ông vua Thái ngày xưa còn chia ruộng cho “Xao xè” và “Báo khỏa” tức là người múa và đánh đàn, có ruộng cho người nhà canh tác để họ chuyên tâm vào đội xòe…”.

Miên man qua câu chuyện, điều may mắn và quý giá nhất trong chuyến công tác là chúng tôi được gặp hai người đẹp còn xót lại của đội xòe vua Đèo. Đó là cụ Lò Thị Chăm, ở xã Lay Nưa, thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên. Năm nay cụ 94 tuổi, mái tóc bạc như cước, nhưng niềm đam mê yêu múa xòe vẫn luôn cháy bỏng trong tim cụ. Hôm chúng tôi đến gặp cụ đang truyền dạy cho đội văn nghệ của xã chuẩn bị diễn cho ngày hội đại đoàn kết toàn dân. Các điệu múa cổ nhẹ nhàng, uyển chuyển cụ vẫn nhớ từng động tác và hướng dẫn cho con cháu một cách thuần thục. Vẻ đẹp nghiêng nước, nghiêng thành của “Xao xè” ngày xưa vẫn còn hiện hữu trên khuôn mặt và cốt cách con người cụ. Cũng có lẽ sự nhiệt huyết say mê múa xòe đã làm cho tâm hồn cụ luôn thỏa mãi để có tuổi thọ sống vui, sống khỏe quây quần bên con cháu. Trao đổi với chúng tôi về các làn điệu múa xòe cụ cho biết: “ngày ấy, tôi mới có 15 tuổi được chọn vào đội xòe, không có trường lớp nào dạy đâu mà chỉ có những người đi trước truyền dạy cho người đi sau và chủ yếu là tập buổi tối. Các cuộc xòe mừng xuân mới hay tiệc tùng phục vụ khách ở dinh thự vua Đèo Văn Long trước kia thường diễn ra triền miên, có bao nhiêu làn điệu tôi cũng không nhớ hết nhưng mỗi đêm xòe hay phục vụ khách thì có các điệu múa khác nhau. Nhất là trang phục và đạo cụ phải phù hợp với từng điệu múa xòe như múa nón phải mặc áo dài và tay cầm nón Thái hay bài múa hái rau mặc áo cóm và có chiếc giỏ hoặc bài múa tính tẩu có cả nam và nữ…”

Người thứ hai còn lại trong đội xòe từ thời vua Đèo Văn Long là “Xao xè” Lù Thị Vơn, ở bản Nậm Na, xã Lê Lợi, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu, cụ là người đạt giải Á Hậu từ thời vua Đèo, năm nay cụ gần 100 tuổi, lưng đã còng nhưng giọng nói vẫn sang sảng, đôi mắt tinh nhanh, lúc chúng tôi đến nhìn thấy cụ đang ngồi cặm cụi thêu thùa những chiếc gối của người Thái đường nét hoa văn tinh xảo mà không phải đeo kính. Nói về câu chuyện múa xòe, cụ chia sẻ: “Múa xòe Thái đẹp lắm, có rất nhiều bài: Mở đầu là bài chào khán giả, tiếp theo là điệu chèo thuyền, xòe khăn, xòe nón, xòe quạt, xòe “má hính” tức xóc nhạc, múa hái rau, xòe “khắm khăn mơi lẩu” – nâng khăn mời rượu, xòe “tính tẩu phá xí” là múa tính tẩu xẻ bốn và nhiều điệu múa khác, bây giờ tôi già rồi không nhớ hết được. Mỗi bài múa đều có làn điệu nhạc riêng, có bài vừa múa vừa hát, ca ngợi cuộc sống, ca ngợi quê hương, bản mường. Ngày xưa, tôi múa xòe phục vụ cung vua Đèo. Sau ngày giải phóng, tôi được đi múa xòe ở Mường Lò – Yên Bái, Tuyên Quang, Hà Nội và nhiều nơi khác, được gặp cả Bác Hồ.…”. 

Mặc dù đã ở cái tuổi xưa nay hiếm có nhưng cụ vẫn giữ được phong thái thùy mị và tâm hồn phóng khoáng của “Xao xè” ngày xưa. Nói đến múa xòe như tiếp thêm tinh thần cho cụ và cụ vẫn giữ bầu nhiệt huyết truyền văn hóa, văn nghệ và thường xuyên truyền dạy cho con cháu những điệu múa cổ của dân tộc Thái. Để rồi những giai điệu inh lả ơi, xao nọng ời lan toả trong cộng đồng và luôn trường tồn theo thời gian.

Những làn điệu dân ca, dân vũ dân tộc Thái bên dòng Đà Giang từ năm xưa không chỉ vang vọng khắp núi rừng Tây Bắc mà còn vươn đến các hội thi hay các lễ hội lớn của đất nước. Các nghệ sỹ dân gian đang hàng ngày đóng góp tâm huyết, trao truyền tình yêu, họ chính là các hạt nhân nòng cốt giữ gìn, duy trì và phát triển nghệ thuật xòe Thái trong cộng đồng như: điệu múa dân ca Thái đã được các biên đạo dàn dựng công phu và được các đội múa đi lưu diễn ở trong và ngoài nước. Các động tác mềm mại, uyển chuyển, đều đều, dẻo dai, lúc chầm, bổng không chỉ đẹp mắt mà còn thể hiện sự điêu luyện, tinh tế, khéo léo của những thiếu nữ nơi miền sơn cước.

Hay điệu xòe Thái, nhạc sỹ Vương Khon đã thốt lên: “điệu xòe, điệu xòe có tự bao giờ mà vẫn mê say như thủa nào; điệu xòe, điệu xòe có thuở ban đầu, chân đi nhịp nhàng mà sao bối rối; tay trong tay đêm nay, chân bước đi rộn ràng; em bâng khuông trong điệu xòe, để lại hơi ấm bàn tay; tay trong tay đêm nay, lòng xao xuyến bồi hồi; em lung linh trong điệu xòe, như cánh ban trắng mùa xuân; em nâng  chén rượu mời, rượu từ tay em cất; men rượu từ lá rừng, rượu nồng gạo điện biên; em nâng chén rượu mời, chén này mình trao nhau; em nâng chén rượu này, gửi về chị nơi xưa; đêm nay với điệu xòe, rộn ràng trong tiếng hát; trao nhau giữa vòng xòe, nụ cười và ánh mắt; thương nhau nắm tay nhau, để rồi lòng thôi không nói; ngân lên khúc nhạc xòe, tưng bừng như suối hát; ơ inh lả ơi sao nọng ơi…” được thể hiện trong ca khúc (Điệu xòe thương nhau). Tác giả đã ca ngợi, miêu tả điệu xòe Thái và gửi cung bậc tình cảm, sắc thái mà điệu xòe mang theo.

Để biết rõ hơn hoàn cảnh, thời gian, cảm hứng sáng tác bài “Điệu xòe thương nhau” chúng tôi đã trao đổi với Nhạc sỹ Vương Khon, ông bộc bạch: “điệu xòe có từ bao giờ không ai biết được, nó luôn gắn bó với đời sống của người Thái, dựa theo tiếng trống, tiếng chiêng, đều đều, từng nhịp xòe nên tôi phổ nhạc thêm tiết tấu và viết lời sao cho phù hợp, từ đó năm 2004, ca khúc “điệu xòe thương nhau” ra đời và được công chúng đón nhận…

Xuất phát từ những điệu múa xòe năm xưa, qua sự sàng lọc, kết tinh kinh nghiệm sống và lối tư duy sáng tạo mà điệu xòe được nâng lên thành nghệ thuật, trở thành biểu trưng cho tình đoàn kết, giao lưu, gắn bó các mối quan hệ bản làng và mở rộng phạm vi quan hệ xã hội. Đến nay đồng bào Thái ở Tây Bắc nói chung, Lai Châu nói riêng đã phát triển lên thành 36 điệu xòe cơ bản.

Múa xòe Thái khẳng định sức sống lâu bền trường tồn và lan tỏa qua nhiều thời kỳ lịch sử, là nét văn hóa đặc trưng, “tài sản” chung của đồng bào 20 dân tộc anh em sống trên rẻo cao Tây Bắc. Là một hình thức múa dân gian, xòe Thái ra đời đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần rồi lâu dần trở thành phương tiện giao tiếp, kết nối cộng đồng. Sau những ngày lao động mệt nhọc, họ lại cùng nhau vui với những vòng xòe, điệu múa để tìm cảm giác thư thái, hứng khởi.

Trong thời kỳ đổi mới và phát triển, các luồng văn hóa ngoại lai du nhập đồng thời có rất nhiều kênh giải trí qua điện thoại, intrnes và các phương tiện thông tin đại chúng…nhưng điệu múa xòe Thái vẫn còn lắng đọng trong lòng dân và được các đội văn nghệ luôn luyện tập không chỉ phục vụ bản mường mỗi khi có lễ hội, ngày xuân mà còn dự thi ở các cấp đạt kết quả cao. Tỉnh Lai Châu hiện có 720 đội văn nghệ thôn bản; có tới hơn 90% các bản người Thái có đội văn nghệ. Đó là những ‘tổ chức’ nòng cốt trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản Xòe Thái trong cộng đồng. Các đội văn nghệ hoạt động trên tinh thần tự nguyện là chính. Điều đó chứng tỏ phong trào gìn giữ các điệu xoè truyền thống của dân tộc Thái tỉnh Lai Châu đang được khôi phục, bảo tồn theo hướng tích cực.

Điệu xòe đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2014, là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với đồng bào người Thái. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu xây dựng ‘Quy hoạch phát triển sự nghiệp văn hóa tỉnh Lai Châu giai đoạn 2013 – 2020, tầm nhìn 2030, trong đó có công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống nói chung, Xòe dân tộc Thái nói riêng.

Lai Châu con sông Đà hùng vĩ được du khách trong và ngoài nước biết đến. Nơi khởi nguồn nhịp trống hội xòe ngân dài, khiến bước chân người bản trên, người mường dưới chộn rộn đến với vòng xòe như tìm về nét văn hóa giàu bản sắc đậm đà tính dân tộc. Giữa khung cảnh thiên nhiên huyền ảo, lấp lánh ánh điện của dòng Đà Giang tôi đã hiểu và càng say trong vòng xòe không nỡ rời chân bước trước vẻ đẹp lung linh của con gái mường Trời trong trang phục áo cóm, eo thắt đáy lưng ong, với dải thổ cẩm quàng vai, uyển chuyển, tay trong tay, chân bước nhịp nhàng, âm thanh tính tẩu réo rắt hòa cùng tiếng trống, tiếng chiêng vang vọng khắp núi rừng Tây Bắc./.

Thúy Ngoạn

 

 


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.