Đi chợ phố núi

Sinh ra và lớn lên ở núi, mỗi sớm mai thức dậy, mắt đã ôm tròn bóng núi. Bầu trời, áng mây, dòng suối… đều biếc xanh màu xanh hiền hòa bao dung của núi. Kỷ niệm thân thương, neo mãi trong lòng cô bé Ái Lâm là những phiên chợ độc đáo chỉ có ở phố núi.

Lần đầu tiên được mẹ nhấc lên ngồi trên chiếc gác ba ga xe đạp lai đi chơi chợ thị xã, cô bé run lên vì sung sướng. Bé dạng chân ra hai bên xe, hai tay ôm chặt vòng eo của mẹ, áp má vào lưng mẹ, sung sướng cảm nhận và hít hà mùi mồ hôi thơm thơm dịu dàng từ lưng mẹ tỏa ra… Mẹ gửi chiếc xe đạp Vĩnh Cửu ngoài cổng, dắt Ái Lâm vào chợ. Chao ôi! Người ở đâu túa ra mà đông đến thế? Có đủ cả đàn ông đàn bà, người già người trẻ nhưng Ái Lâm thích nhất là được ngắm những cô gái Thái, những cô gái Mông trẻ  măng tụm năm tụm ba cười nói, dắt díu nhau đi chơi chợ, nom cô nào má cũng ửng hồng như quả đào, đẹp như văn công ấy! Hình như họ đi chợ chỉ để chơi thôi chứ không thấy ai mua bán gì cả. Có điều váy áo của các cô văn công thì toàn bằng lụa là mềm mại, màu sắc tươi rói còn các cô gái trong bản mặc váy áo bằng vải tự dệt tự thêu nom cứng hơn và sẫm màu hơn nhưng Ái Lâm vẫn mải mê ngắm nghía các cô mãi không chán mắt.

Các cô gái Thái thon thả trong những chiếc áo cóm trắng, váy màu đen với dây thắt lưng bằng vải thô màu xanh hoặc màu đỏ, tím, vàng. Trên đầu các cô đội chiếc khăn piêu đen thêu nhiều màu sắc sặc sỡ với các họa tiết chim muông, cây cảnh, cánh đồng… nom thật bắt mắt. Hai đầu khăn piêu lại đính thêm những hạt vải thêu hình tròn ngũ sắc to bằng chiếc cúc áo gọi là “khau cút” đẹp ơi là đẹp! Các cô gái Mông thì lại mặc áo màu đen may rộng, mỗi bên cánh tay pha thêm ba đoạn vải màu khác nhau, mỗi đoạn to chừng ba đốt ngón tay làm cho chiếc áo bớt phần đơn điệu. Ái Lâm thích nhất là ngắm các cô ấy vừa đi vừa vui vẻ trò chuyện, vừa thoăn thoắt tháo, cuộn sợi lanh rất nhịp nhàng theo nhịp váy nhiều nếp đung đưa, ngúng nguẩy giống như nhịp bài hát dân ca miền thảo nguyên xa vắng. Các cô ai cũng quấn xà cạp đen từ cổ chân lên đến đầu gối chật căng như bó giò. Ái Lâm hỏi mẹ vì sao các cô quấn xà cạp chật đến thế thì mẹ bảo: “Họ làm thế để có được đôi bắp chân thon thả hơn, con ạ!”. Các cô gái người Kinh ở cơ quan, công trường thì diện quần phăng, áo sơ mi xanh sĩ lâm sơ vin đi chợ, nói chuyện rôm rả, chốc chốc lại cấu chí, đuổi bắt nhau hồn nhiên như trẻ nhỏ…

Mẹ đưa Ái Lâm đến hàng của một ông già người Mông lựa mua một con dao thật sắc để đem về thái thịt. Bé ngạc nhiên thấy trong đám dao tự rèn của ông già ấy có những con dao cong cong như hình vầng trăng khuyết. Bé hỏi mẹ:

– Con dao cong queo như thế kia thì thái rau, thái thịt thế nào được hở mẹ?

Mẹ cười:

– Con à, đấy là cái liềm người ta dùng để gặt lúa, ai lại đi gọi là con dao.

Ái Lâm lẩm nhẩm học để khỏi quên:

– Con dao cong cong gọi là cái liềm. Con dao cong cong gọi là cái liềm.

Mẹ lại đi tìm mua hai đoạn tre bánh tẻ, bảo là đem về vót đũa và vót que đan. Cô người Thái bán tre cho mẹ nom thật xinh nhưng lại búi tóc ngược lên trên tận đỉnh đầu nom đến lạ. Đứng ở đằng sau ngắm cái đầu và búi tóc của cô ấy, Ái Lâm thì thầm với mẹ:

– Nom đầu cô ấy cứ như củ khoai sọ cái cõng thêm một củ khoai sọ con ấy mẹ nhỉ!

Mẹ phì cười:

– Con thật khéo tưởng tượng. Cô ấy đang tằng cẩu đấy, con ạ!

Mẹ giải thích cho Ái Lâm hiểu: Phụ nữ Thái chưa có chồng thì búi tóc đằng sau gáy, có chồng rồi thì búi tóc ngược lên đầu, gọi là tằng cẩu. Ôi, mẹ giỏi thật đấy, cái gì mẹ cũng biết!

Mẹ quay sang hàng bên cạnh mua một giọ cua và hai túm rau cỏ bợ đặt trong hai mảnh lá chuối, miệng lẩm nhẩm: “Rau bợ là vợ canh cua”. Ái Lâm thắc mắc:

– Vì sao rau bợ lại là vợ của canh cua hở mẹ?

Mẹ cười thật hiền:

– Canh cua nấu với mướp hương, mùng tơi, rau đay đều ngon nhưng ngon nhất, hợp nhất là nấu với rau bợ thôi, con ạ.

À, thì ra là thế! Mẹ lại mua thêm ba chùm đậu tương luộc cả cây. Mẹ hỏi:

– Con có thích ăn phở không?

Ái Lâm lắc đầu:

– Thôi, mẹ ạ. Mẹ mua bánh rán về cho các em ăn nhé!

Mẹ lại đưa bé ra hàng xén mua hai cái khung thêu – một khung to, một khung nhỏ và một chùm chỉ thêu đủ màu sắc xanh, đỏ, tím, vàng… Thấy Ái Lâm cứ ngó mãi chùm bóng bay treo trước quầy bán đồ thêu thùa, mẹ tiện tay mua liền cho bé bốn quả đủ màu trắng, hồng, xanh, tím. Một bé trai người Thái mặc áo chàm trạc tuổi Ái Lâm cứ ra hiệu cho bố bạn ấy mua cho bạn ấy quả bóng màu xanh nhưng bố bạn ấy cứ kéo tay lôi bạn ấy đi. Hình như bạn ấy bị câm? Hay là ông bố hết tiền rồi? Trong lúc mẹ cúi xuống hàng bánh rán, Ái Lâm rút quả bóng bay màu xanh đưa cho bạn. Ông bố ríu rít cám ơn và lấy từ trong túi thổ cẩm ra cho Ái Lâm một quả na rừng.

Nửa thế kỷ đã trôi qua, cô bé Ái Lâm thuở ấy giờ đã lên chức bà nội. Thỉnh thoảng, bà Ái Lâm lại đưa cháu trai, cháu gái mình đi chơi chợ phiên phố núi, kể cho các cháu nghe chuyện lần đầu tiên được đi chơi chợ. Chợ phiên phố núi bây giờ đông vui tấp nập hơn xưa. Những cô gái chàng trai các dân tộc ăn mặc đẹp hơn xưa. Các mặt hàng bày bán ở chợ cũng đa dạng, phong phú hơn xưa. Nhưng tình người nơi chợ phiên phố núi thì vẫn mãi ấm nồng qua từng lời đổi trao thân tình, qua ánh mắt, nụ cười thân thương, trìu mến…

BÙI THỊ SƠN


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.