Đi chợ Dào San

Với mỗi con người sinh ra và lớn lên ở miền núi, những phiên chợ vùng cao in sâu nhiều kỷ niệm. Khi bôn ba khắp nẻo, dấu chân đã đến mua sắm từ các trung tâm thương mại lớn đến hệ thống siêu thị hiện đại thì hình ảnh phiên chợ vùng cao vẫn là dấu ấn đẹp của người miền núi về quê hương.  

          Phiên chợ trên mây ngày “con có sừng”

Phiên chợ Dào San (xã Dào San, huyện Phong Thổ) ở độ cao hút gió hơn 1.500m so với mực nước biển. Chẳng biết phiên chợ ấy có tự khi nào, người già không nhớ nữa, người trẻ cũng chẳng hỏi lại. Chỉ biết cứ đến ngày con có sừng trên tờ lịch, họ lại đến phiên chợ – nơi gặp gỡ, mua bán, trao đổi hàng hóa của bà con 8 xã vùng cao Phong Thổ. Phiên chợ Dào San xưa là nơi trao đổi hàng hóa, giao lưu, kết bạn; nay là điểm du lịch lý thú đón chân bao khách xa gần đến với vùng biên viễn. Theo lời những người dân lâu năm ở xã kể lại thì ngày “con có sừng” là ngày sửu và ngày mùi tính theo mười hai con giáp của lịch âm nên chợ Dào San còn được gọi là “chợ sừng”. Người dân ở trong vùng quan niệm hai loài vật này mang lại đời sống no ấm nên cứ “đến hẹn” đủ sáu ngày họ lại xuống chợ một lần.

Phải chờ đợi đến ngày chợ phiên nên từ trước ngày xuống chợ đã thấy mọi người hồi hộp lắm! Cánh đàn ông tranh thủ mổ lợn xếp vào bao tải để sáng mai vác xuống chợ bán. Chị em phụ nữ xúm xít lựa chọn bộ váy đẹp để mẹ, con xúng xính xuống chợ. Chợ đem lại những niềm vui ngoài sự mua bán, nên chẳng lạ gì khi thấy người vùng cao thích đi chợ, yêu chợ đến thế!

Sớm mai, khi chú gà rừng vừa le te gáy, mặt trời mới quấn quýt rìa núi thì váy Mông, áo Dao đã theo tiếng ngựa rẽ sương xuống chợ rồi. Người ta tíu tít nói cười, người ta í ới gọi nhau thân thiết. Ở nơi khác đến sẽ thấy lạ vì người vùng cao xem tất cả đều là người nhà mình. Những sản vật được đeo trên các lu cở cũng mang hương vị núi rừng rất riêng: ấy là mật ong, gạo nếp nương, là mắc khén, măng đắng, thảo quả hay những con dao được rèn rất khéo, những thẻ hương thơm lựng bán để cúng hôm rằm… tất cả đều là những món “cây nhà lá vườn”. Người bán cũng thật dễ tính, người mua xởi lởi, họ nhìn nhau như đã hiểu cái bụng nhau nghĩ gì. Bán xong hàng thì đi mua mắm muối, ăn bát thắng cố hay uống chén rượu ngô cùng bạn bè, anh em, đợi trời ngả lưng chiều mới thong thả vượt mấy chục cây số để về nhà.

Ký ức của chợ phiên trong tâm trí mỗi đứa trẻ vùng cao hẳn cũng giống như nét hớn hở chúng tôi thấy của các cô, cậu bé hôm nay được cùng bố mẹ rẽ màn sương xuống chợ. Con đường ngoằn nghèo đi qua trập trùng đồi núi lô xô với những lớp mây bay là là, vẫn chỉ cỏ cây dại mọc hai bên đường mà thân quen và ngắn ngủi thế! Bước chân háo hức nhảy chân sáo chỉ mong chóng đến cổng chợ, nơi ngập màu áo chàm lẫn trong sắc thổ cẩm đông đúc. Góc ẩm thực luôn thu hút trẻ thơ bởi thơm lựng mùi bánh bỏng, bánh khảo với bánh rán, bánh dày… Vui nhất là sau mỗi phiên chợ, bố mẹ đưa con rẽ vào quán phở để ăn trưa. Nhưng cũng có hôm tiền bán sản vật chỉ đủ mua đồ tiêu dùng nên cả nhà về ngay, ánh mắt trẻ thơ cứ ngoái lại phiên chợ như nuối tiếc điều gì chưa thực hiện được trong ngày.

Chợ phiên tan, những người già ngồi ở góc chợ đợi bạn xưa cũ. Họ nhìn nhau, nhớ lại thời tuổi trẻ. Họ vẫn đến tìm nhau sau mỗi phiên chợ dù lưng đã còng, chân đã mỏi. Có phải vì thế mà người ta gọi chợ phiên miền vùng cao là “chợ tình”? Phiên chợ tình đưa lớp trẻ đến với nhau, gọi người già tìm lại cố nhân. Cũng vì thế, phiên chợ mang trong mình ý nghĩa nhân văn sâu thẳm hơn. Tan phiên chợ, người ta ra về với biết bao đồ dùng sinh hoạt song cũng có người  ra về với cái tình quyến luyến gửi lại nơi chân mây, để chờ đến phiên chợ sau…

          “Đi chợ là đi chơi, chẳng cần mua cần bán”

Chợ Dào San ngày nay họp thường xuyên vào những ngày chủ nhật, kể cả ngày trên lịch không in hình “con có sừng”. Nhưng dù như vậy thì vẫn còn y nguyên cái cảm giác đợi chờ trước mỗi ngày có chợ. Vẫn còn đó những tình cảm được người ta gói ghém mang theo đến chợ. Vẫn còn đó nét chất phác, hồn nhiên đáng quý của người vùng cao: không nói thách, gặp ai cũng thân quen, tay bắt mặt mừng.

Chợ Dào San nay không chỉ có cảnh bán mua của bà con tám xã vùng cao mà thông thương phát triển, các thương lái từ xuôi lên cũng mang theo đủ thứ mặt hàng bày bán. Những “đặc sản” ở Dào San được thu mua, mang đến khắp nẻo xa gần để mọi người thưởng thức. Tán tụng rằng: “Thịt lợn cắp nách ở xã Dào San ngon lắm!”, “Rau cải trồng trên đất vùng cao ngọt lừ”… chỉ để quảng bá thêm cho khách xa gần về một phiên chợ còn giữ nguyên vẹn nét đặc sắc xưa kia. Khiến mọi người thêm hào hứng đến để khám phá, thăm thú nơi này.

Theo lời những người sinh ra, lớn lên trên mảnh đất Dào San là khi trưởng thành, cảm giác về chợ phiên của họ cũng có phần thay đổi vì góc nhìn đã rộng lớn dần lên, còn chợ phiên thì vẫn những dãy hàng nhỏ với vẻ mộc mạc, bình dị vốn có. Song trong lòng mỗi người, chợ phiên vẫn cứ là một nơi thu hút bước chân mỗi cuối tuần được nghỉ. Có lúc là giúp mẹ bán mấy quả bí đỏ rồi mua ít thực phẩm, có lúc chỉ là muốn đến phiên chợ ngắm hàng hóa, ngắm vẻ tươi cười, san sẻ của người bán lẫn người mua. Chẳng biết văn hóa chợ đã có tự khi nào. Chỉ biết rằng mỗi thế hệ kế tiếp nhau đều đến chợ, gửi tấm tình chân thật của mình vào đó, để rồi nhận lại những tình cảm mến yêu ở chốn này.

Thời gian dần trôi qua với những phiên chợ in trong ký ức của mỗi người. Cũng có người mang đến chợ tâm trạng của nhiều người con xa quê đi tìm chút bóng dáng hoài niệm. Đi qua các dãy bán nông sản, âu yếm nhìn những đứa trẻ đáng yêu hồn nhiên cùng bố mẹ đến chợ. Dòng thời gian như thác lũ ùa về trong phút giây. Vẫn có một điều an ủi là chợ phiên ở đây chưa quá nhiều thay đổi so với thời gian. Chỉ khác là các mặt hàng đa dạng hơn, từng khu ki-ốt được xây dựng chắc chắn nhưng cảnh bán mua không mặc cả, chỉ hỏi han tâm sự thì vẫn thế! Không gian văn hóa trong mỗi chợ phiên mãi luôn là điểm nhớ, lôi cuốn không chỉ với người sinh sống ở nơi đây mà còn gieo ấn tượng tốt đẹp trong lòng những người một lần đến chợ phiên. Cảm xúc thoải mái, phóng khoáng sẽ còn cùng họ đến những phiên chợ sau.

Ngày chợ phiên, từ sớm tinh mơ, dòng người xuống chợ tuôn dài như dải lụa màu giữa ngắt xanh núi, trắng tinh khiết mây khiến chợ Dào San mang trong nó cả nét đẹp truyền thống pha với nét hiện đại. Ở nơi heo hút gió này, phiên chợ hiện lên như một bức tranh đa sắc màu thổ cẩm.

Phùng Yến

 


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.