DẤU ẤN TỘC NGƯỜI TRONG THƠ PHÙNG HẢI YẾN

Phùng Hải Yến là người dân tộc Dao Khâu vùng Sìn Hồ, Lai Châu.  Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống văn chương, nên từ nhỏ, Hải Yến đã có năng khiếu viết lách. Sau này, lại được đào tạo bài bản qua lớp Viết văn của Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội thì ngòi bút của Hải Yến lại càng trở nên chuyên nghiệp. Phùng Hải Yến đã xuất bản hai tập thơ riêng là “Nắng thổ cẩm” (2013) và “Tìm điệu xòe hôm qua” (2018). Bên cạnh đó, chị cũng góp mặt những bài thơ, truyện ngắn tiêu biểu trong một số tập sách in chung: “Thơ dân tộc và miền núi đầu thế kỷ XXI”, “Thơ – Bạn thơ” của Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc, “Hợp tuyển văn học” của Nhà xuất bản Văn học, “Quà của phố” của Nhà xuất bản Hội Nhà văn, “Rừng biên cương hoa nở” của Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân… Đặc biệt là cuốn truyện ký “Sìn Hồ dấu yêu” và tập thơ “Đếm tuổi mùa đông” – tập sách chị in chung cùng với bố mẹ chủ yếu viết về miền cao nguyên đá quê hương chị với những tác phẩm thấm đẫm hồn đất, tình người. Ngoài ra, Hải Yến còn có nhiều sáng tác mới đăng trên các tạp chí uy tín như Tạp chí Văn nghệ, Tạp chí Văn nghệ quân đội và Tạp chí Văn học nghệ thuật trong khu vực.

Mỗi tác phẩm, tập thơ Phùng Hải Yến viết đều ánh lên một dấu ấn riêng. Chính vì thế mà năm 2011, chị được chọn là một trong mười bốn gương mặt thơ trẻ toàn quốc vinh dự được đọc thơ tại sân thơ trẻ “Blog xuân 2011” tết Nguyên tiêu, Văn miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội). Phùng Hải Yến đã đạt giải B – giải thưởng Văn học Nghệ thuật Lai Châu lần thứ II năm 2017 với tập thơ “Nắng thổ cẩm”. Chùm thơ “Hình Bác trên đường con đi; Nén; Ký ức về Cha” đã đạt giải Nhì tại Cuộc vận động sáng tác văn học – nghệ thuật, báo chí về đề tài “Lực lượng vũ trang Quân khu 2 – 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành” năm 2016… Có thể thấy, Hải Yến viết nhiều thể loại, từ truyện ngắn, tản văn và thơ. Nhưng thơ là thể loại chị yêu thích và thành công hơn cả. Bài viết này xin góp một góc nhìn về phong cách sáng tác thơ của Phùng Hải Yến qua hai tập thơ chính: Nắng thổ cẩm và Tìm điệu xoè hôm qua.

Hải Yến viết nhiều về đề tài dân tộc miền núi. Đọc thơ chị ta thấy tràn ngập một không gian miền núi phía Tây Bắc của tổ quốc. Nơi đó có đỉnh Hoàng Liên hùng vĩ, những dãy núi cao trùng điệp với mây trời: Chiếc khăn mây em dệt – Vắt ngang núi chiều nay – Cao nguyên nhuộm sợi màu – Dệt nắng lên (Đường mây). Đó là vùng quê hương yêu dấu chẳng bao giờ nguôi quên, có hoa ban trắng, có những thửa ruộng bậc thang xếp tầng như hoạ tiết váy của cô gái Mông: Có một vùng hoa ban nở rợp tuổi thơ tôi – …Có một vùng ruộng bậc thang lúa vàng óng bình minh – Mẹ xoã tóc gội đầu bọt tung trắng suối – Cha khoả nước sông Đà bắt con tôm, con cá -… Mẹ bật bông, nhuộm chàm làm cái quần chiếc áo (Vùng nhớ) .

Hải Yến viết khá nhiều về những địa danh của tỉnh Lai Châu – nơi chị đã tới và gắn bó ân tình như Than Uyên, Phong Thổ, Mường Tè… qua các tác phẩm Đến Mường Tè, Trở lại Nậm Coóng, Bên bờ Nậm Na… Mỗi vùng đất một nét riêng đã được ngòi bút tinh tế nhận ra: Sìn Hồ có “Trắng xoá mận, lê –- Núi Đá Ô thầm thì chuyện cổ tích ông tiên”; Phong Thổ đậm đà bản sắc trong  Chợ Dào San đậm đà hương vị núi – … Suối Mường So vang khúc nhạc êm tai; Than Uyên bạt ngàn những đồi chè chắt chiu nắng để vị chè ngọt, chát Cánh đồng Mường Than trải dài bát ngát; Đến Tam Đường thì Ánh mắt ngỡ ngàng khi ta đến Tiên Sơn, thấy Thác Tắc Tình bọt nước vang reo; huyện Mường Tè xa xôi, đường đi cheo leo, hiểm trở Một bên sông Đà, một bên vách đá – nơi có những Em gái Hà Nhì réo rắt điệu kèn lá… (Quê em); một Tân Uyên Chân chất đất – mộc mạc trời – tình Tân Uyên say đắm … – Gió mơn man vị chè xanh ngọt đắng – Tóc Phiêng Hào xoã vai tràn nắng – Mắt Nậm Mu sâu thẳm đáy mi cong” (Tình Tân Uyên). Đọc thơ thấy Yến là người đi nhiều, biết nhiều về từng vùng đất trên quê hương mình. Chị đặc biệt dành nhiều ân tình cho mảnh đất Sìn Hồ yêu thương – nơi chị đã có cả tuổi thơ tươi đẹp với gia đình yêu thương ở đó. Quê tôi trên đỉnh dốc núi – Cao nguyên đá bồng bềnh mây trôi – sương giăng khắp lối – Quờ tay chạm mặt trời – Đêm ngắm trăng sao gần như muốn với – Người thương yêu người như đất với cây (Nơi đỉnh dốc). Không chỉ là tả, hay kể, mà đó là cái nhìn đầy mến thương với mảnh đất và con người vùng cao.

Có thể thấy tất cả những nét văn hoá truyền thống dường như đã thấm nhuần vào trong tâm hồn nhà thơ, để đi vào thơ rất hồn nhiên, dung dị. Có một bức tranh sinh động được vẽ bằng ngôn từ về cuộc sống của người dân trên những rẻo cao, trong những bản làng phên giậu của tổ quốc: Bếp nhà sàn cheo leo lưng chừng núi – Tiếng “tác” gọi bầy của đàn hoẵng đêm  – Về cọn nước quê mình – giọt nước ngọt mềm môi …  mùi cá nướng, cơm lam vừa chín – Vị quê hương oà mặn…” (Vị quê); Nơi có Bóng Mế còng lưng trẩy ngô – Cỗi cằn dốc đá – Dấu hỏi theo con khôn nguôi nhớ quê nhà …; những người phụ nữ ngồi thêu váy bên hiên nhà: Em se lanh – nhuộm vải – Màu chàm óng ánh đen dưới ánh mặt trời … – Chiếc váy hoa có màu non ngàn – chiếc áo thêu có màu đất núi – thổ cẩm bung nở… – Mùa thêu váy của bản, mường – Vui như tết đang đến cuối lưng dốc. (Mùa thêu váy); những điệu múa xoè khi mùa xuân tới: Núi vào xuân – tưng bừng điệu hát… – phiên chợ tết – ngấy ngây say thắng cố (Núi vào xuân). Hải Yến đặc biệt thích khắc hoạ những cảnh mùa xuân, những phiên chợ tình. Có rất nhiều bài thơ về chợ phiên: Chờ anh đến chợ phiên, Tết chợ phiên… càng giúp người đọc hình dung đầy đủ văn hoá chợ tình. Tây Bắc đẹp nhất khi xuân về: Gió xuân lách qua đá tai mèo – Nở hoa vạt cải – Xuân rộ trên môi em gái Giáy xuống chợ – Bung trên váy áo rực rỡ em gái Mông – Má hồng em gái Dao – Làm tiếng khèn bên chảo thắng cố cũng say – Nghiêng – Nghiêng. Có những hình ảnh nên thơ, đậm đà bản sắc chợ phiên chỉ có thể thấy ở miền đất này: Vợ tất tả dắt ngựa, đưa chồng – về ngôi nhà nhỏ – bên kia dãy núi (Xuân về ngách núi). Gặp nhau ở chợ tình Dào San – Một ngày dài hơn vạn nẻo – Dáng người khuất trong tiếng lục lạc ngựa – Em ngược hoàng hôn trở lại bình minh. (Gặp nhau ở chợ tình).

Bên cạnh phong cảnh, văn hoá, phong tục, đời sống sinh hoạt thì cùng với đó, Phùng Hải Yến cũng khắc hoạ được cái “chất” người của người vùng cao. Có những đứa bé: Sinh ra từ cỏ hoang – Lớn lên trên ngách núi – Ngấu nghiến bầu sữa đá mà lớn – Ngậm hút giọt sương trời mà khôn. Sự khó khăn, khắc nghiệt, tạo nên những Chàng trai có đôi mắt sáng, có chú ngựa giỏi – Chàng trai bàn tay gỗ lim, bộ ngực đá tảng (Chờ anh đến chợ phiên); có Tấm lưng – đá sừng sững sông Đà – Giọng nói mùa bão nổi (Gặp nhau ở chợ tình). Đó là những chàng trai mạnh mẽ, khoẻ khoắn, không ngại gian khó, nói lời gió mây, làm nên : các chàng trai – Như con suối về hợp lưu với sông Đà – Làm nên ghềnh, thác. (Con của núi). Người Tây Bắc chân chất, hồn hậu: Nội tôi – cổ thụ cao nguyên – rễ cây xoè nếp trán – vết chai chỉ tay – trăm năm buồn với đất – hồn hậu … (Nụ cười của đá); Những người nông dân một nắng hai sương – Chân chất, thật thà như cây như đất – Họ sống trên núi… lấp vùi trong núi (Trở lại Nậm Coóng). Những người phụ nữ nhiều nỗi niềm giấu kín – như nỗi lòng muôn đời của người phụ nữ nói chung, nhưng phụ nữ dân tộc thiểu số luôn rất nhiều thiệt thòi bởi một số hủ tục, điều kiện sống… Chính vì vậy mà trong họ có những góc khuất, có cái nhìn xa xăm mà đầy khát vọng: Thím tôi – Sinh ra từ núi Đá Ô – Ánh mắt-hồn núi – Cái nhìn vượt dãy Phan xi păng – vút đến mặt trời – Nói, lời buông mũi tên… (Mắt núi)

Phùng Hải Yến là người trọng tình cảm gia đình, cho nên trong thơ cũng đầy thương nhớ với quê hương, bản quán, gia đình, bố mẹ: Gửi mẹ, Toa tàu khắc khoải, Nơi đỉnh dốc, Tiếng quê… Cho nên đi xa là nhớ: Đi suốt chiều gió thổi – con thì thầm tiếng gọi mẹ ơi! – Có nỗi nhớ có thể cất lên lời – Có nỗi nhớ chỉ chìm vào nỗi nhớ … – và hát – bài ca về tình mẹ bao la. (Cõi nhớ); Bíu vào tiếng lòng của kẻ xa quê – Tôi tìm về – Xoè tay ôm – Rễ cây già sum suê tán – Ngỡ mình chạm gốc gác, cội nguồn (Tiếng lòng kẻ xa quê).

Có lẽ không nhà thơ nào làm thơ mà không viết thơ tình. Tình yêu là đề tài muôn thuở của thi ca. Phùng Hải Yến có nhiều bài thơ hay ở mảng đề tài này, nhất là thơ tình của những cô gái, chàng trai trên núi. Nơi có truyền thuyết về lá bùa yêu – lá bùa chưa từng ai thấy trong đời, nhưng nó khiến hai người sẽ gắn kết, say đắm bên nhau suốt đời. Nơi có Lời khèn vượt thác trắng – Lời khèn lướt núi sâu – Lời khèn in dấu khoé môi ai lịm mật (Khèn tình). Rồi chỉ vì yêu tiếng khèn là cô gái núi đồng ý nhảy vào vòng xoè, theo điệu nhạc, rồi đưa nhau cùng về bên kia núi. Chợ phiên ở núi không chỉ là nơi mua, bán, mà còn là chợ tình. Những cô gái, chàng trai son rỗi đến để tìm bạn tình; những người từng yêu không lấy được nhau, đến để gặp lại nhau… Đó là cả một văn hoá – văn hoá chợ tình, không ai phê phán, chỉ có nhớ thương và tha thứ… Ta đồng cảm với những tâm hồn yêu đầy chân thật, mãnh liệt trong thơ Hải Yến. Có cô gái núi đã Chờ anh đến chợ phiên: Em chờ anh từ khi mặt trời ngái ngủ – Em đợi anh đến lúc người đi chợ ngược núi. Rồi không chỉ chờ đến phiên chợ, mà qua năm tháng, qua mùa: Đợi hoa mận nở trắng ngập rừng xuân cũ – Chờ hoa đào rụng đầy mùa tết mới… Chờ đợi rất lâu đến Rượu ngô đã ủ vàng – Men lá say lòng em. Vậy mà có điều cô mong nhất là được trở thành cô gái anh yêu vẫn chưa đến: Sao anh chưa dìu em lên ngựa?- Sao chưa đón em bước qua bậc cửa gỗ cao nhà anh? (Chờ anh đến chợ phiên). Những cảm xúc yêu được Hải Yến diễn đạt rất tinh tế. Và có lẽ, bài thơ tình ấn tượng hơn cả (được chọn làm tựa đề cho cả một tập thơ) là “Nắng thổ cẩm”. Bài thơ nhỏ xinh, vậy mà dung chứa cả một câu chuyện, cả sắc màu văn hoá, cả một nỗi niềm đầy day dứt. Phong tục cưới hỏi của nhiều dân tộc nơi đây là nhà gái thách cưới, nhà trai mang lễ vật đến theo lời thách để dẫn cô dâu về. Cô gái từ thời còn là thiếu nữ đã được bà, mẹ dạy thêu, dệt khăn, chăn, gối, đệm để khi về nhà chồng thì mang về. Trong “nắng thổ cẩm” đã viết về tất cả những văn hoá quen thuộc ấy. Cô gái có khung dệt, thêu tấm chăn cùng những ước vọng hạnh phúc với chàng trai mình yêu. Nhưng trái ngang thay, chàng trai lại không yêu cô: Anh dắt trâu đến hỏi con gái bản bên. Bài thơ diễn tả được cái hụt hẫng, bất ngờ trong tâm trạng của cô gái: Em tức tưởi chạy ào vào khung dệt – Gỡ tấm chăn đêm, ngày thêu tay từng chút – Thẫn thờ ra sân. Cảm giác chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn mà cảm xúc biến chuyển nhanh chóng từ bước chân “tức tưởi”đến “thẫn thờ”. Đó là từ khi bất ngờ biết tin anh yêu cô gái khác không phải mình, đến chấp nhận sự thật: Em tung tấm chăn trên dây phơi –  Tấm chăn làm sợi nắng lung linh màu – Ôi! “Nắng thổ cẩm”… – Nắng thổ cẩm rất gần mà tay không thể với. Sợi nắng chiếu trên thổ cẩm tạo màu sắc lung linh, thật đẹp mà không thể cầm nắm. Cũng giống như tình yêu, giống như anh, thật đẹp mà không thể thuộc về em. Một bài thơ buồn về sự đơn phương trong tình yêu. Nếu chỉ nói chuyện đơn phương thì không có gì lạ. Nhưng cái hay là ở khung cảnh, là của văn hoá ngấm trong thơ, của trái tim yêu vùng sơn cước. Tứ thơ hay cùng với cách diễn đạt tinh tế khiến đọc bài thơ một lần cũng khó có thể quên.

Phùng Hải Yến từng có lúc tuyên ngôn về thơ mình: Thơ tôi buồn như ngọn gió của đêm – Thơ tôi không có những bản tình ca ban mai  … đã hoen vệt bờ mi – Hay đọng đầy vết xước thời gian? – Thơ của tôi có dấu tích hoang tàn – Một ngày nào tháp Chàm tự trong lòng đổ nát – Thơ tôi chắt tiếng thở dài – bung cánh nở – ngạo nghễ đêm (Thơ tôi). Thơ là thu của lòng người. Nên những khi buồn, những khi trong lòng đổ vỡ, thơ dễ lên tiếng. Thơ Yến viết nhiều về những nốt trầm trong cuộc sống, tình yêu. Nhưng dù thế thì vẫn có nét kiêu hãnh “ngạo nghễ đêm”. Thơ Hải Yến thể nghiệm những cách diễn đạt táo bạo, mới lạ. Nhà thơ như người chơi chữ trên cánh đồng chữ, sắp đặt những từ vốn quen thuộc cạnh nhau để tạo thành những cụm từ lạ, đầy mê hoặc. Không hiếm gặp những cách dùng từ lạ như trong đoạn thơ sau: “Valentine không anh – Kim giờ, phút, giây ghép thành chiếc đinh ba – chĩa mũi nhọn vào cô đơn em – Hành hình ánh nhìn chờ đợi em – Bốn cánh chong chóng kí ức xoay tròn – Em đông cứng nụ cười nhìn ánh mắt xám lạnh anh – Lệ đọng” (Lệ đọng). Những con chữ được sắp xếp theo một trật tự khác, hoặc đơn giản là tiết kiệm từ nối, mà người đọc nhâm nhi trong sự diễn đạt này, đủ hiểu và cảm nhận sự khác lạ: không phải là “nỗi cô đơn của em”, “sự chờ đợi của em” mà là “cô đơn em”, “chờ đợi em”… Tứ thơ khiến người đọc phải liên tưởng về nỗi đau của người con gái chờ đợi người yêu mà anh không đến. Mỗi giây phút chờ đợi trôi qua như chiếc đinh ba, hành hình, chĩa mũi nhọn – làm đau tận tâm can cô gái, để kết thúc là giọt lệ đọng khổ đau. Phải chăng đau là bởi “Em – trầm tích tím ngời, Anh – huyết dụ dối gian”, “Linh hồn anh băng về – hành tinh có người con gái khác…”. Tất cả những so sánh này đều gợi vô cùng nhiều liên tưởng.

Hải Yến là người nhạy cảm thời gian, chị viết nhiều về các thời khắc trong ngày, về mùa, về năm tháng… Có lúc cảm thấy đong, đếm được thời gian vốn hữu hạn: “Dốc cạn thời gian – em ngửa tay – còn một vốc ngày”. Trong cái hữu hạn ấy, là một “em” đầy cá tính, mãnh liệt “Em uống cạn tháng năm đời mình – Có thể cắt lát những mùa yêu – Không cần cớ” (Độc thoại thời gian); đầy niềm tin: “Em đếm nốt số hạt niềm tin trên tay – Ủ mầm gieo cánh đồng – Ngày mai trời sáng…” (Anh đi). Niềm tin là thứ gì rất cụ thể, được đo, đếm và cần nuôi dưỡng để lớn lên vì tương lai tươi sáng. Chỉ với đại ý thế thôi, nhưng Hải Yến bằng cách riêng của mình đã chạm vào tâm thức người đọc để gợi lên những rung cảm thẩm mĩ. Cứ như thế, thơ Yến khiến người đọc chạy dài trên cánh đồng chữ với những so sánh, ẩn dụ, trường liên tưởng, cho phép mở rộng giới hạn tư duy và cảm nhận.

Thơ Phùng Hải Yến nhiều động từ mạnh. Nhiều bài thơ lấy động từ (tức hành động) làm trụ chính, để viết một tứ liên quan mà tất cả mọi điều zoay quanh cái trụ ấy. Chẳng hạn hành động “Bíu vào” xuyên suốt bài thơ “Tiếng lòng kẻ xa quê” để thấy một tình yêu đậm sâu với quê hương: Bíu vào tiếng khèn tình, Bíu vào tiếng lục lạc ngựa khua, Bíu vào tiếng đàn môi, Bíu vào tiếng lòng kẻ xa quê. Hành động nén: nén thở, nén vui, nén buồn, nén đau. “Bíu vào” không giống như “bám vào”, vừa là hành động, vừa là cảm xúc, tâm lí. Và ngay sau từ “bíu vào” đều là những giá trị phi vật thể chứ không phải là sự vật hiện hữu có thể cầm, nắm được. Cũng như vậy, mỗi chữ “nén” trong bài thơ ”Nén” đã gói tâm trạng của nhân vật trữ tình trong những hoàn cảnh khác nhau: khi mẹ thắp hương trên bàn thờ cha, khi con gái lên xe hoa, khi mẹ mất, và trong dòng hồi ức lúc cô gái nhớ về mẹ (Nén). Thơ Yến đầy ắp những cách diễn đạt đầy cá tính như vậy: ”Găm tiếng cười vào nhát cắt thời gian – Em hoá đá”; Siết cổ những vạt lá, giãy giụa rơi xiêu sợi nắng cuối mùa – Tiếng cành cây bẻ quặt vỡ vụn xương khô … – Mụ gió già – Rít lên từng chặp qua kẽ răng của giao mùa nức nở – … Những con bướm khổng lồ… – Đẹp man dại như màu hoa anh túc. (Rừng thức)…

Thơ Hải Yến có nhiều bài mang phong cách triết luận, sâu sắc. Thơ không chỉ đơn giản là cảm xúc mà còn được viết bằng lí trí, giàu sức gợi. Thơ không phải để nói tâm trạng mà còn để suy tưởng.  Tư duy thơ Hải Yến nhanh, hiện đại, hình ảnh lạ, liên tưởng rộng. Cho nên đôi lúc có thể kén người đọc (nhất là người đọc lớn tuổi, quen với lối thơ chậm, truyền thống, nhịp lục bát mềm mại…)

Về thể thơ, Hải Yến chủ yếu viết thể thơ hiện đại, tự do. Câu thơ dài, ngắn khác nhau. Nhịp thơ như dòng cảm xúc lúc xô nghiêng chống chếnh, khi vội vàng, lúc lắng đọng suy tư, khi dàn trải như một tiếng thở dài… Nhà thơ có viết thơ lục bát, nhưng không nhiều. Thi thoảng thể nghiệm một số bài thơ lục bát biến thể như: Tương tư – Vỡ phiến canh thâu – Ngày vương loang mắt – Đoạn sầu – Cố nhân. (Tương tư). Nhịp thơ 6/8 của lục bát truyền thống được triển khai thành 2/4 – 4/2/2. Như một sự đứt gãy trong cảm xúc, nhấn mạnh nỗi niềm buồn thương của nhân vật trữ tình.

Phùng Hải Yến biết cách tạo nên những câu kết đầy sức nặng, dung chứa nhiều ý nghĩa, gợi nhiều dư âm. Mượn lời thơ sau để khép lại bài viết nhưng mở ra những cảm nhận sâu sắc về một thế giới nghệ thuật mà thơ Phùng Hải Yến đã mang tới cho người đọc: Người Tây Bắc – Ngả nghiêng – Bát rượu mời.- Sóng sánh – Mắt nai, – Ngà ngà – Nhịp thở.- Siết tay sau từng lượt nhấc.- Khách về.- Bẽn lẽn úp mặt vào cái siết tay – Tưởng hơi ấm sau điệu xoè nằm lại (Siết tay). Chia xa về rồi mà còn vương vấn quá nhiều.

Có thể nói, mảnh đất Tây Bắc nói chung, đặc biệt là quê hương Lai Châu đã mang lại cảm hứng vô tận cho các tác giả. Phùng Hải Yến qua các sáng tác của mình đã góp phần làm nên diện mạo văn nghệ trẻ Lai Châu, góp một làn gió mới cho văn nghệ dân tộc thiểu số Tây Bắc. Qua những tác phẩm thơ đầy tâm tư, Phùng Hải Yến bằng ngòi bút sắc sảo, độc đáo đã thể hiện một tình cảm đậm sâu với quê hương xứ sở, như con dúi trở về lòng đất – Rúc vào vùng thương yêu. Phùng Hải Yến đúng là người – từ núi sinh ra… – lớn lên trên núi… – ra đi – rồi trở về – góp núi./.

Thuỳ Giang


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.