Đào phai gọi xuân về

 

          Là lại đi học muộn rồi. Nó đã vào lớp sáu được mấy tháng. Mẹ đi khỏi nhà từ năm ngoái chưa về, chỉ thỉnh thoảng gọi điện thoại. Bố về gặt, làm thóc xong cho chị em nó thì mới đi làm xa khoảng một tháng. Bố bảo là bố đi tìm mẹ, thành ra Là phải lo toan hết mọi việc cho ba đứa em. Các em nó, đứa lớn mới lớp năm, đứa bé hơn lớp một, đứa bé nhất lớp mẫu giáo lớn. Hôm nay là buổi thứ hai trong tuần Là đi học muộn, mà trời lại đang gió lớn, rét đậm. Là đi như chạy đến trường. Nhưng nó không thể nhanh hơn được nữa. Nó biết tiết đầu hôm nay là giờ học môn văn, cô giáo sẽ hỏi nó viết bài chưa, sẽ bảo nó viết những đoạn văn về tình cảm gia đình và quê hương, đất nước. Là đến trường, xin cô giáo vào lớp mà mũi đỏ ửng, chắc vì gió rét quá. Các bạn đang viết bài say sưa. Cô thấy bảo nó ra cho cô hỏi chuyện.

– Sao hôm nay em đi muộn thế, làm sao kịp viết bài?

– Em phải cho em bé ăn, đưa em bé đi học, còn quét nhà, rửa bát nữa, em không kịp làm.

Là nói mà mắt đã đỏ hoe. Cô giáo lại hỏi:

– Thế bây giờ ai chăm sóc ba chị em các em? Có gạo ăn không?

– Tự trông nhau thôi cô ạ. Em có gạo ăn, bố về làm ruộng cho.

– Thế mấy chị em ăn thức ăn gì?

– Không có gì ăn đâu cô. Chỉ ăn rau thôi.

– Bữa nào cũng ăn rau thôi sao? Mẹ không gửi tiền về à?

– Không, mẹ không gửi…

Cô giáo cầm bàn tay bé nhỏ trầy xước vì việc nhà mà xót xa. Im lặng một lát, Là kể chuyện bố mẹ ly hôn từ khi nó học lớp năm. Bố mẹ cãi nhau to lắm, bố đánh mẹ, mẹ bỏ đi khi em bé mới bốn tuổi. Từ đó, mẹ đi Hải Phòng làm công nhân, bố đi tìm mẹ nhưng mẹ không về nhà. Bố đi Hà Nội làm thỉnh thoảng mới về. Nửa năm nay, con bé làm tất cả mọi việc nhà, chăm lo các em như một người lớn. Cô giáo muốn khóc nhưng cố gắng kìm cảm xúc. Cô bảo nó vào chỗ, đọc đề cẩn thận rồi viết bài. Trong đầu cô đã hình dung ra sẽ phải mua lạc rồi dạy nó làm muối lạc, mua cá khô cho nó nấu ăn cho em…

Giờ ra chơi, cô giáo dạy môn văn gặp cô giáo chủ nhiệm của Là. Hai cô hỏi nhau:

– Em ơi, Là lớp em có chế độ gì không?

– Là con hộ nghèo đấy chị. Hoàn cảnh em ấy như thế nên em cũng xin cho chị em nó hai suất học bổng hỗ trợ học sinh nghèo từ tuần trước. Việc gì từ đầu năm em cũng lo cả, từ sách vở, đồ dùng học tập…

– Thế tiền học bổng trao tuần trước em cho nó cầm à?

– Vâng, thì tiền đoàn thiện nguyện họ trao thì em đưa thôi. Chả biết có biết mua thức ăn không nữa!

– Chị nghe chuyện bốn đứa trẻ con, chỉ có cơm với rau xót quá! Lát chị đi mua lạc hoặc cá khô cho chị em nó.

Cô giáo văn ra đường tìm quán tạp hóa, trên đường đi rẽ vào nhà anh Tiến, là phụ huynh học sinh lớp cô chủ nhiệm, cũng là trưởng bản, cô nhờ anh kí hồ sơ phát chế độ của học sinh. Anh Tiến cũng là người rất quan tâm đến học sinh khó khăn, anh thường xin đồ dùng như ba lô, sách vở, quần áo rồi nhờ cô giáo trao cho các bạn còn khó khăn. Lúc anh kí xong hồ sơ, cô  giáo mới bảo:

– Em ra quán tạp hóa đầu cầu đây anh ạ, em mua ít cá khô hoặc lạc cho cô bé Là. Hoàn cảnh đặc biệt quá, mới học lớp sáu mà cáng đáng ba đứa em…

Nghe xong anh bảo:

– Chờ anh một chút, anh lấy cá khô cho, nhà anh còn.

Anh vào tủ lạnh lấy một túi cá khô, một túi tép khô và một bọc tép tươi đưa cho cô giáo. Thấy nhiều quá, cô bảo:

– Anh để lại còn ăn chứ, cho nhiều quá. Em cần tạm thức ăn cho mấy chị em hôm nay thôi ạ! Hôm sau em tính cách khác.

– Cô cứ cầm đi, nhà anh để cũng chả ăn hết đâu.

Cô giáo cảm ơn anh rồi cầm về trường. Trao đồ cho Là, cô hướng dẫn nó rửa tép, đun chín kĩ cho mấy chị em ăn. Nó cầm bọc đồ ăn, nhìn cô nghèn nghẹn không nói được câu gì. Cô hỏi:

– Tiền học bổng em nhận tuần trước đâu, sao không mua thức ăn?

– Em đưa cho chú cầm rồi. Chú cầm không cho mua gì.

Cô thở dài dặn nó về bảo chú là cho cháu tiền lên nộp cô giáo chủ nhiệm, để cô mua thức ăn cho chị em nó, mà cũng chẳng chắc tiền có còn không…

Hôm sau cô gặp Là trên lớp mới hỏi:

– Em nhớ số điện thoại của mẹ không? Cho cô số điện thoại để cô gọi cho mẹ em.

Nó lí nhí đọc từng số, bảo cô không có việc gì thì đừng gọi vì mẹ nó còn đi làm. Cô giáo suy nghĩ lắm, gọi hay không gọi, vì họ đã li hôn, mấy đứa trẻ ở với bố, người mẹ đã dứt áo ra đi… Nhưng để thế này thì không được…

– A lô, mẹ Là à, cô giáo Là đây.

– Cô giáo à, Là nó làm sao đấy…

Vậy là cô giáo có thể nói chuyện rồi. Cô nói về mấy đứa trẻ, cô nói về việc chúng cần mẹ, nhớ mẹ, em giận chồng thì cũng thương lấy con, lũ trẻ nheo nhóc quá, mưa rét tội nghiệp. Đầu bên kia có tiếng khóc… Mẹ nó nói gần Tết sẽ về.

Cô giáo đến trường, không dám kể chuyện với Là vì sợ nó hi vọng quá rồi thất vọng, biết mẹ nó có về thật không.

Buổi sáng hôm ấy, cô giáo đang chờ lên lớp thì có tiếng gọi thất thanh:

– Chị ơi, đi cùng em lên nhà con bé Là với! – Cô giáo chủ nhiệm Là gọi.

– Đi lâu không? Chị có tiết 2.

– Chị đi cùng em, giúp em, nghe nói nó ngã trẹo tay, sợ gãy… Em chưa biết làm thế nào…

– Thế đi nhanh lên!

Hai cô lên đến nhà nó, ngôi nhà nhỏ bé tuềnh toàng, gió vào thông thống. Mấy người hàng xóm đang đi ra đi vào, nền sân mưa ướt lép nhép. Hai đứa em lớp một và lớp năm đã đi học, chỉ có nó và đứa em út học mầm non đang ở nhà. Nó đang nhăn nhó, không khóc mà nước mắt cứ chảy, có lẽ con bé đau lắm. Thấy hai cô đi lên, nó kể:

– Em định cho em bé ăn xong thì cho nó đi học nhưng em bế ra đến cửa thì em bé đòi ở nhà. Em đang đi nhanh nên nó giãy mạnh quá em trượt ngã. Em chống tay xuống xong khuỵu hẳn, giờ em không nhấc tay lên được…

Hai cô bàn nhau, cô giáo chủ nhiệm đưa nó đi viện chụp X quang xem tình hình cụ thể. Cô giáo văn đưa em út vào trường mầm non, nhờ các cô mầm non và nhà hàng xóm cùng có con nhỏ đưa đón chăm sóc giúp mấy ngày. Hai đứa lớn hơn thì đi học về sang nhà chú ở nhờ.

– A lô, mẹ Là à! Em xin nghỉ làm về nhà ngay đi. Con em bị gãy tay rồi.

– Đứa nào gãy tay hả cô giáo?

– Cái Là gãy tay rồi. Giờ không có người chăm ba đứa kia đâu.

– Vâng, để em thu xếp em về luôn.

Là vào viện chụp Xquang xong được các bác sĩ nẹp tay cố định tạm thời, hôm sau được bó bột. Bó bột xong cô giáo chủ nhiệm đưa nó về nhà. Hai ngày nó ốm, nhìn cô giáo chủ nhiệm chạy ngược chạy xuôi mà nó thương cô quá, nó ước gì mẹ cũng lo cho chị em nó như vậy.

Chiều tối, xe máy của cô giáo chủ nhiệm vừa xuống đến sân nhà, nó ngạc nhiên quá, sao sân nhà sạch sẽ gọn gàng thế này, bóng ai trong nhà kia, có phải là mẹ? Nó nhẹ nhàng xuống xe, mẹ nó bế em đi ra cửa, mắt nó bỗng cay xè… đúng là mẹ rồi, mẹ về rồi! Nước mắt nó trào ra tràn xuống má, nó thương mẹ, nhưng cũng buồn mẹ biết bao nhiêu, chân nó tự nhiên không bước được nữa. Nó đứng im, tự ôm cái tay gãy đã bó bột mà nước mắt giàn giụa. Mẹ nó chạy ra sân.

– Là về rồi à? Con đau lắm không? Cảm ơn cô giáo nhé. Cảm ơn cô quá!

– Không có gì đâu. Mẹ Là về là tốt rồi. Nhớ chăm sóc con cẩn thận cho nó chóng khỏi nhé.

Cô dặn dò Là vài câu rồi cô về. Nó chầm chậm bước vào nhà, không nói gì, nước mắt lặng lẽ chảy. Mẹ nó nói gì nó cũng nghe, nhưng không nói lại, cũng không tỏ thái độ gì. Tối muộn bố nó cũng về đến nhà. Hai bố mẹ không nói chuyện. Bố hỏi han nó đau thế nào rồi bảo nó đi ngủ sớm, nằm một mình ở giường ngoài để các em không đè vào tay. Những đứa trẻ ăn cơm xong tự len lén chơi đùa với nhau rồi đi ngủ. Đêm, cái Là lên cơn sốt, mê sảng, khóc nức nở, cả đêm ú ớ gọi:

– Mẹ! Mẹ ơi! Mẹ về đi, mẹ đừng bỏ chúng con!

Nghe nó gọi, mẹ nó vừa khóc vừa vỗ về nó:

– Mẹ đây, mẹ đây, mẹ về rồi, mẹ không đi nữa…

Bố lấy khăn ướt chườm trán cho nó rồi ngồi chờ nó tỉnh. Nó bỗng nghe thấy tiếng khèn của bố, tiếng khèn ấm áp ngân nga như ngày nó còn nhỏ theo bố mẹ đi chợ phiên, đi lễ hội. Nó cũng nghe tiếng kèn lá của mẹ, mẹ nó nói gì mà như trách, như than. Bố dắt tay mẹ lại ngồi gần bếp lửa, bố mẹ nói gì lâu lắm… Nó thấy hoa đào nở đầy ngoài ngõ, ở ven rừng, mấy cây đào rừng đỏ rực đã đơm hoa, nó nghe thấy tiếng giã bánh dày trong bản, mùi xôi nếp thơm lừng…

Nó choàng tỉnh. Nó ngửi thấy mùi cháo thịt thật thơm ngon và tiếng mẹ nó gọi dậy ăn cháo để uống thuốc. Mẹ về thật rồi… À, thì ra nó vừa mơ. Nhưng hình ảnh nó thấy đầu tiên khi tỉnh dậy là bố mẹ đang ngồi bên cạnh giường nó, bố cầm tay mẹ, còn mẹ đang rơm rớm nước mắt. Ngoài cửa sổ, vườn rau cải đã rộ hoa vàng, cây đào cạnh vườn đã nở những bông đầu tiên phớt hồng xinh xắn. Những đóa đào phai gọi xuân về.

 

ĐINH HỒNG NHUNG


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.