Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam nhiệm kỳ XI (2025-2030) khu vực các tỉnh phía Bắc (Cụm 1)

Sáng 21/12, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam nhiệm kỳ XI (2025-2030) khu vực các tỉnh phía Bắc (cụm 1) tại tỉnh Thái Nguyên. Tham dự đại hội có nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; nhà thơ Trần Hùng – Ủy viên Ban Chấp hành, Trưởng Ban Tổ chức Hội viên; nhà thơ Hải Đường – Phó Ban Kiểm tra Hội cùng 83 nhà văn thuộc 14 tỉnh khu vực trung du và miền núi phía Bắc.

Quang cảnh Đại hội.

Về phía khách mời của tỉnh Thái Nguyên có các đồng chí: Nguyễn Thị Mai – Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Vũ Thị Thu Hường – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Nhiệm kỳ 2020-2025, văn học Việt Nam tiếp tục chuyển động theo chiều hướng đa dạng hơn, quyết liệt hơn và chủ động hơn. Sự đa dạng không chỉ dừng lại ở nội dung mà trong cả hình thức biểu đạt. Điều nhận ra trước tiên là các nhà văn không nề hà, lảng tránh bất cứ một đề tài hay một lĩnh vực xã hội nào. Văn học đã thể hiện trách nhiệm, lương tri của mình với cộng đồng, xã hội cũng như với sự phát triển của đất nước thông qua các tác phẩm văn học mang hơi thở cuộc sống, bám sát hiện thực đời sống.

Trong nhiệm kỳ X (2020 – 2025), Hội Nhà văn Việt Nam đã có những hoạt động sôi nổi theo chiều hướng đa dạng hơn, quyết liệt hơn và chủ động hơn, đạt nhiều kết quả trên nhiều bình diện. Các nhà văn Việt Nam đã thể hiện trách nhiệm, lương tri của mình với cộng đồng, xã hội cũng như với sự phát triển của đất nước, thông qua các tác phẩm văn học mang hơi thở cuộc sống, bám sát hiện thực đời sống, đề cao giá trị nhân văn và tinh thần dân tộc. Hội Nhà văn Việt Nam hiện có 1.150 hội viên, trong 5 năm qua kết nạp 210 hội viên mới, thành lập thêm 14 chi hội trong cả nước. Trong đó có nhiều hội viên thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Tỉnh Lai Châu hiện có 02 hội viên thuộc chuyên ngành Thơ.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Bí thư Đảng Đoàn – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam phát biểu chỉ đạo tại Đại hội.

Những tác phẩm sáng tác đã chú trọng nhiều hơn đến chức năng phản biện, cảnh tỉnh trước sự biến chuyển đa chiều của xã hội, chỉ ra những nguy cơ đối với tâm hồn, phẩm giá con người. Cùng mạch tiếp nối về đề tài lịch sử, sự xuất hiện của thể loại hồi ức, hồi ký và ký ức chiến tranh có thể coi là hiện tượng đáng lưu tâm… Công tác xét và trao giải thưởng được Hội chú trọng, bổ sung thêm giải văn học thiếu nhi và giải thưởng tác giả trẻ. Hội mở rộng giao lưu quốc tế, ký kết hợp tác, đẩy mạnh dịch thuật tác phẩm văn học Việt Nam ra thế giới; tổ chức hội nghị và lễ tôn vinh nhà văn lão thành; triển khai dự án sách miễn phí, đưa gần 10 vạn sách đến với trẻ em vùng sâu, miền núi… Hội đã vận dụng và huy động tối đa các nguồn lực để đưa văn học lan tỏa sâu rộng, với hình thức thể hiện ngày càng phong phú, sáng tạo. Ngày Thơ Việt Nam được tổ chức với nhiều đổi mới, trở thành ngày hội trong cả nước, lan tỏa thông điệp về tình yêu thiên nhiên, dân tộc và lòng tự hào đất nước.

Các cơ quan cấp 2 của Hội là Báo Văn Nghệ, Tạp chí Nhà văn và Cuộc sống, Bảo tàng Văn học Việt Nam, Nhà Xuất bản Hội Nhà văn, trang Vanvn.vn, Trung tâm Bảo vệ tác quyền… có nhiều đổi mới trong hoạt động, bắt kịp xu hướng thời đại, giới thiệu tác phẩm của hội viên.

Nhà thơ Đỗ Thị Tấc (tỉnh Lai Châu) phát biểu tham luận tại Đại hội.

Bên cạnh những thành quả đạt được, Hội cũng thẳng thắn nhìn nhận những mặt hạn chế còn tồn tại để khắc phục trong nhiệm kỳ mới: Chưa có nhiều tác phẩm thực sự tạo hiệu ứng mạnh mẽ trong đời sống xã hội; việc phát hiện và tôn vinh tác phẩm giá trị đôi lúc còn chưa kịp thời; các cơ quan cấp 2 của Hội còn lúng túng trong quy hoạch nhân sự, kéo dài nhiều năm…

Các ý kiến thảo luận tại Đại hội tham gia tập trung vào một số nội dung: Góp ý vào Báo cáo tổng kết của Hội Nhà văn Việt Nam nhiệm kỳ 2020 – 2025 và phương hướng, nhiệm kỳ 2025 – 2030; đề xuất tăng cường công tác lý luận phê bình để định hướng thẩm mỹ cho độc giả; quảng bá tác phẩm văn học ra Quốc tế cần có sự quản lý, tăng cường quảng bá những tác phẩm có chất lượng; Hội Nhà văn Việt Nam quan tâm đầu tư sáng tác cho hội viên, cần có kế hoạch tổ chức đi thực tế sáng tác đồng đều cho hội viên các vùng miền; đội ngũ nhà văn Việt Nam cần thêm những người viết văn trẻ, có kế hoạch bồi dưỡng, thu hút các cây bút trẻ; việc tổ chức sắp xếp lại các cơ quan trực thuộc Hội tinh gọn, hiệu quả…

Các đại biểu bỏ phiếu bầu đại biểu tham dự Đại hội Hội Nhà văn toàn quốc lần thứ XI.

Phát biểu chỉ đạo đại hội, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều hoan nghênh những ý kiến chân thành, trung thực góp ý cho Ban Chấp hành Hội và cá nhân Chủ tịch nhiệm kỳ qua cũng như nhiệm kỳ tới hoạt động ngày càng tốt hơn vì lợi ích của hội viên. Ông cũng cho biết, tiến tới Đại hội toàn quốc Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ XI, trang Vanvn.vn đã mở diễn đàn “Ý kiến hội viên” cho các nhà văn hội viên cả nước đóng góp ý kiến. Lãnh đạo Hội không viết thay các nhà văn, mà trong khả năng chỉ có thể kết nối, tạo điều kiện, tiếp thêm động lực sáng tác. Văn chương là một phần không thể thiếu trong việc thực hiện nhiệm vụ đưa đất nước đến tầm cao mới, hội nhập sâu rộng hơn với thế giới…

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Bí thư Đảng Đoàn – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chụp ảnh cùng các hội viên tỉnh Lai Châu và Thái Nguyên.

Đại hội đã tiến hành bỏ phiếu giới thiệu nhân sự Ban Chấp hành, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khóa XI và bầu 42 đại biểu tham dự Đại hội Hội Nhà văn toàn quốc lần thứ XI dự kiến tổ chức vào tháng 4/2025.

Phùng Yến

>> Xem thêm: Tạp chí Văn nghệ Lai Châu

 

 


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.