Đặc sắc vùng miền trong truyện ngắn trẻ Lai Châu

 

Hòa chung dòng chảy của văn học đương đại, các nhà văn Lai Châu đã sáng tác văn học bám sát văn hóa vùng miền. Đặc biệt các nhà văn trẻ của Lai Châu trong những năm gần đây đã định hình phong cách riêng, phần nào tạo được dấu ấn nhất định. Điều đó góp phần tạo cho dòng văn học trẻ, đặc biệt mảng truyện ngắn của Lai Châu phong cách đa dạng, độc đáo mang hương vị của núi rừng Tây Bắc.
Lai Châu là một tỉnh biên giới phía Tây Bắc Tổ quốc, được chia tách năm 2004 từ tỉnh Lai Châu (cũ). Gần hai chục năm qua, đội ngũ các nhà văn của Lai Châu hôm nay không ngừng trưởng thành, kế cận thế hệ đi trước. Dù đa phần các cây bút truyện ngắn là không chuyên nhưng với tình yêu văn chương, các tác giả bám sát địa bàn, lưu giữ, chắt lọc những điều mắt thấy tai nghe từ những chuyến đi thực tế, các trại sáng tác, làm phong phú đề tài, cách viết đậm chất vùng miền.
Các nhà văn trẻ Lai Châu góp mặt trên tạp chí Văn nghệ Lai Châu và các báo, tạp chí khu vực, Trung ương hiện nay gồm: Thanh Vân, Phùng Hải Yến, Hà Minh Hưng, Đặng Thùy Tiên, Châm Võ, Trịnh Hồng Hải… Đa phần các tác giả đã bám sát thực tiễn, các sáng tác gắn với đời sống, phản ánh trung thực hiện thực. Tác giả Thanh Vân có những truyện ngắn để lại nhiều cảm xúc trong lòng bạn đọc bởi kết cấu truyện chặt chẽ, văn phong lưu loát, cách kể chuyện tinh tế, hấp dẫn; chi tiết, sự việc trước tạo sự tò mò dẫn dắt người đọc đến chi tiết, sự việc sau… Bám sát địa bàn, nhận thấy những tiến bộ trong từng ý nghĩ của đồng bào các dân tộc thiểu số, chị đã thể hiện thành công trong truyện ngắn Xuống núi: người phụ nữ được đề cao trong xã hội mới (suy nghĩ của “tôi” về “Xa”) mặc dù Xa chưa một lần bước ra khỏi bản mường; tục cướp vợ của đồng bào dân tộc thiểu số Mông không còn, ý thức vươn lên xây dựng cuộc sống mới của đồng bào để chiếm lĩnh tri thức nhân loại “tôi” dù điều kiện kinh tế gia đình hạn hẹp. Cái chân chất, mộc mạc sự im lặng của Xa để lại trong lòng người đọc những suy nghĩ nhiều chiều. Xa lặng lẽ chọn con đường đi riêng cho mình khi “tôi” xuống phố học. Có lẽ vì thế mà Xa không tiễn chân tôi. Xa lặng lẽ đi lấy chồng và gửi lại đứa em gái “tôi” chiếc vòng bạc “tôi” tặng Xa lúc “tôi” còn chưa đi học. Dù không có một lời nói được thể hiện trong tác phẩm nhưng Xa để lại được dấu ấn mạnh mẽ về “…một đóa hoa dại nhiều màu sắc” và cô mang trong mình đức tính cần mẫn, chăm chỉ, biết mình biết người của đồng bào miền núi.
Các tác giả trẻ của Lai Châu bằng những sáng tác của mình đã đem tài năng, tâm huyết vào sáng tạo tác phẩm phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao đời sống tinh thần lành mạnh, tốt đẹp của xã hội, làm phong phú năng lực thẩm mỹ của công chúng. Với Trương Huy, anh có cách viết nhẹ nhàng, tình cảm. Các sáng tác của anh đã đưa người đọc đến với những nhân vật cũng giàu tình cảm như chính con người anh. Các tác phẩm: Cây trứng gà nhà nội, Ngày tất niên ấm áp, Khoảng cách cánh tay, Ký ức của mẹ… là những minh chứng rõ nét nhất chứng minh cho lối viết giản dị mà ấm áp tình cảm gia đình, tình yêu quê hương, yêu những kỷ vật dù bé nhỏ nhưng thân thuộc. Mỗi nhân vật của anh đều mang một cá tính rất riêng không hề lẫn với các nhân vật khác của các tác giả khác. Hà Minh Hưng dù là một nghệ sĩ chuyên ngành Mĩ thuật nhưng khi cầm bút sáng tác truyện ngắn, anh đã khẳng định được lối viết đầy trách nhiệm và khuynh hướng sáng tạo độc đáo của cá nhân. Trong các truyện: Tam giác mạch, Những áng mây cuối trời, Lá thư muộn,… anh rất sáng tạo khi đưa chất liệu hội họa, mĩ thuật để các nhân vật bày tỏ được tài năng, quan điểm, suy nghĩ: “Nếu ở gallery tranh thì tôi đã chỉ vào mặt và tống khứ gã ngay tắp lự…”,“Một cánh đồng tam giác mạch bất tận được phô bày trên nền toan bằng một tông màu lạnh chủ đạo, và hình ảnh cô gái miền sơn cước đắm mình trong không gian ấy là điểm nhấn của tác phẩm”, trích: Tam giác mạch.
Tác giả Phùng Hải Yến là người con của núi rừng Tây Bắc. Lớn lên trên cao nguyên Sìn Hồ quanh năm mây trắng bồng bềnh, chị ý thức được nét văn hóa làm nên hồn cốt dân tộc mình. Những sáng tác của chị đậm chất văn hóa Dao. Hải Yến nhẹ nhàng đưa vào từng sáng tác của chị những bức thông điệp đa màu sắc về di sản văn hóa, về bảo tồn văn hóa dân tộc. Đọc truyện của chị, người đọc sẽ thấy mỗi nhân vật trong từng truyện chị viết ra đều có bóng dáng của những người bà, người mẹ, người cha, đứa trẻ bám bản, bám mường. Đọc truyện Bản đào phai, người đọc sẽ thấy một bà Mẩy rất đặc biệt, một cách rất riêng của bà trong việc giữ những cành đào ngày Tết cổ truyền cho bản mường bớt trống trải khi “nghĩ đến màu đào cứ bị rơi rụng sau mỗi mùa tết”. Cuộc đấu tranh giữa hai thế hệ bà Mẩy và anh con trai để gìn giữ màu đào phai cho mỗi nếp nhà. Truyện Nhỏ với lối viết đậm tính nhân văn chị để ông bà Chình đón Nhỏ từ Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh về nuôi như một đứa con ruột thịt của ông bà, giúp Nhỏ có một cái Tết đầm ấm, đoàn viên như bao đứa trẻ khác dù hoàn cảnh riêng của em còn nhiều thiệt thòi. Cách viết, cách đặt tiêu đề của chị rất sắc, ngắn gọn mà dễ nhớ.
Tác giả Trịnh Hồng Hải tốt nghiệp trường viết văn quân đội, sống trong môi trường quân ngũ rèn rũa cho anh bản tính chau chuốt, kỉ luật điều đó được thể hiện rất rõ trong phong cách sáng tác của anh. Chau chuốt từng con chữ, ngôn ngữ anh dùng và cách xây dựng tình huống truyện nhiều lớp lang. Kết cấu chặt chẽ, tâm lý nhân vật được mô tả khá sâu sắc. Nhân vật của anh thường là người đại đội trưởng, là những binh nhất, binh nhì được tôi luyện trong hàng ngũ quân đội vùng biên viễn. Màu da sạm nắng rạm gió thao trường nhưng họ luôn yêu đời, vui vẻ, đoàn kết, tràn đầy nhiệt huyết. Họ không chỉ là những chàng trai dày dặn kinh nghiệm trong leo núi, bắt ong rừng khi chưa nhập ngũ mà họ còn là người dày dặn kinh nghiệm trong xử lý các tình huống khó khăn, những tai ương, trở ngại khi đi rừng, họ sẵn sàng giúp đỡ nhân dân như đại đội trưởng Minh trong Hoa bên chiến hào. Tác giả quan sát và đặt nhân vật vào tình huống nhiều lựa chọn để rồi họ có cách giải quyết rất đặc biệt: Trong một lần đào hào cho đơn vị, từ chỗ việc đào hào chưa được dân tin và ủng hộ thì sau đó vài ngày bằng cách riêng của mình Minh đã nhanh chóng lấy được cảm tình của dân – bố Len, công việc đào hào được thuận lợi hơn và cũng qua đó tình đoàn kết quân dân trở lên gắn bó, keo sơn. Các truyện: Lời nguyền, Lũ mùa cạn, Nước mắt đá… cũng thể hiện đặc sắc phong cách riêng của Trịnh Hồng Hải.
Châm Võ là một cô giáo gắn bó với cao nguyên Sìn Hồ thơ mộng với nhiều huyền thoại nhưng cũng ở đó lòng vị tha cao cả được đẩy lên, nâng đỡ những mảnh đời cơ cực, đói nghèo. Điều này được Châm Võ gửi gắm vào sáng tác rất rõ ở truyện Mùa mưa, Lão Thanh… Truyện Lão Thanh được tác giả đặt vào một khung cảnh vừa nên thơ vừa khắc nghiệt trên bến đò mênh mông sông nước của dòng sông Đà hùng vĩ. Lão Thanh đã giang rộng đôi tay, mở rộng lòng mình đón nhận mảnh đời lầm lỡ của chị để họ tựa vào nhau đi tiếp phần đời phía trước. Ngoài ra những truyện: Nấm mồ trên dốc gió, Vượt biên… cũng giúp chị tạo ra một phong cách riêng.
Những năm gần đây, cây bút trẻ: Đặng Thùy Tiên nổi lên như một cây viết trẻ tài năng. Chị chịu khó đọc, viết để rồi trong một thời gian rất ngắn cầm bút chị đã có những thành công đáng nể. Chị đã nhận được giải B cuộc thi viết về đề tài: Hình tượng người chiến sĩ Cảnh sát nhân dân cho truyện ngắn Những mùa hoa trên cao nguyên đá do Bộ Công an tổ chức năm 2022 và một số giải thưởng khác. Chị có nhiều truyện đặc sắc đăng trên Tạp chí Văn nghệ Lai Châu cũng như Tạp chí Văn nghệ các tỉnh bạn, các kênh youtube. Điều đó chứng tỏ sức sống, giá trị sáng tác của tác phẩm. Với lối viết trẻ trung, chị đã hòa nhập nhanh chóng vào dòng văn học đương đại cùng với các nhà văn trẻ. Hầu hết trong các sáng tác của chị hình ảnh những cánh đồng, nương rẫy, con suối và cả những nét văn hóa bản địa, ngôn ngữ đồng bào trên mảnh đất Lai Châu được chị gửi gắm đến với độc giả.
Truyện ngắn trẻ Lai Châu đang có những bước đi khá mạnh mẽ, tuy nhiên số lượng tác giả, tác phẩm còn chưa nhiều, điều này cũng dễ hiểu với một tỉnh miền núi điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn. Các tác giả đa phần là sáng tác nghiệp dư, sáng tác bằng niềm say mê văn học. Tuy còn có một số những khó khăn nhất định nhưng nhìn chung các sáng tác về truyện ngắn của văn học trẻ Lai Châu đã đảm bảo chất lượng tư tưởng và nghệ thuật, có những tác phẩm phản ánh sâu sắc bước chuyển mạnh mẽ của đời sống xã hội, phản ánh sâu sắc, đúng tầm vóc, tương xứng với những thành tựu phát triển của tỉnh nhà.

THANH TÁM


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.