Con người và thiên nhiên trong dân ca sinh hoạt của người Lự

Dân ca là một tiểu loại của văn học dân gian. Trong dân ca lại phân chia ra các thể loại như: dân ca giao duyên, dân ca nghi lễ, dân ca sinh hoạt, dân ca lao động sản xuất… Dân ca có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc bảo tồn ngôn ngữ của một tộc người. Thông qua nội dung và nghệ thuật của các bài dân ca người ta dễ dàng nhận biết cấu trúc ngữ pháp trong ngôn ngữ của một tộc người. Dân ca còn mang giá trị lịch sử quan trọng bởi nó luôn gắn liền và được bổ sung, trong suốt tiến trình sinh tồn, phát triển của một tộc người. Dân ca cũng góp phần tao lên dung mạo văn hóa của một tộc người, một dân tộc.

Thiên nhiên trong dân ca Lự bao gồm: Trời, đất thần, phật trên trời và các vị thần dưới mặt đất. Thiên nhiên ở đây được hóa thân thành các vị thần. Nếu người kinh cây cây mạ xuống ruộng xong rồi phải “Trông trời, trông đất, trông mây/ Trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm/ Trông cho chân cứng, đá mềm/ Trời yên, biển lặng mới yên tấm lòng”. Thì người có lễ Cấm Mường. Trong lễ này, tại khu rừng thiêng của bản người Lự dâng lễ tạ ơn trời phật và các vị thần mưa, gió, sấm sét… các vị thần cai quản đất và nước… đã cho họ một mùa màng bội thu năm trước và xin phù hộ cho năm mới thu hoạch được nhiều hơn. Tại lễ Căm Mờng này, người Lự cũng dâng lễ tạ ơn tiền nhân có công lập bản dựng mường, tạ ơn các vị anh hùng đã có công đánh giặc giữ mường… Và mỗi thành viên trong cộng đồng người Lự lại luôn tin có những vị thần bảo hộ cho riêng mình. Thợ rèn có thần rèn đúc phù hộ; thợ mộc có thần nghề mộc phù hộ … và người có biệt tài múa hát thì họ cũng có thần nghệ thuật phù hộ.

Hát dân ca lúc nông nhàn tại bản Nậm Ngập, xã Nậm Tăm (huyện Sìn Hồ)

Người Lự cho rằng: Thần phật không chỉ phù hộ cho con người có một cuộc sống yên lành, no đủ. Các vị thần còn ban cho họ lời ca tiếng hát. Cuộc sống xưa cực nhọc vất vả. Nỗi cơ cực luôn dồn đuổi, quấn bó, đè nén con người. Theo đạo phật nên người Lự cũng tin đời là bể khổ. Nhưng thần phật không bỏ rơi họ. Các vị thần ban cho họ lời ca tiếng hát để tâm hồn họ bay bổng lên. Hát ca để xua đi mệt nhọc. Hát ca để con người gần gũi, yêu thương nhau hơn. Hát ca để giãi bày cho vơi bớt những éo le của thân phận. Nghệ nhân và những người giỏi ca hát xưa mỗi khi đi lễ chùa hoặc chuẩn bị hát vào dịp tết hay lễ bản, hội mường họ đều phải hát cầu xin các vị thần phù hộ… Thần ở đâu? Ở trên trời; Ở trên đỉnh núi; Ở trong rừng và ở đâu đó vô hình nhưng rất gần để che chở cho con người và bản mường. Họ luôn tin như vậy và họ cầu xin. Cầu xin:

“Thần (p.phi) lớn ngụ ở hòn đá to nơi có rừng gianh bên dưới

Cầu xin Ma (linh hồn) tổ tiên trong gia đình xuống giúp

Các vị thần (ma) cai quản bản mường cũng xin về giúp”.

Giúp gì và giúp như thế nào?

“Về ở ngồi bên cạnh (phù hộ) cho giọng hát của tôi ngân vang…”.

(Cằm thặp nọi)

Và họ cảm nhận sự hiện hữu của các vị thần rất gần gũi, cụ thể:

“Một vị bay về đậu ở cổ tay phải cầm quạt nặng trĩu

Một vị về ngồi bên cạnh để ban, dạy cho tôi thuộc lòng câu hát…”.

(Cằm thặp nọi)

Là cư dân sống dựa vào cây lúa, thời gian, mùa vụ luôn thường trực trong suy nghĩ của người Lự mọi nơi, mọi lúc. Cả khi ngồi dệt hát về bông, về sợi họ cũng luôn canh cánh trong lòng  “Chảo… hơ… hới… Tháng mười một ơi… lá sạch như dội nước… Hơ… hới… tháng mười hai ơi… lúa đã trổ bông dày hạt rồi đấy…”. Khi biết “… Lúa ở ruộng trổ đều bông cong xuống rồi … người ơi…” thì niềm vui của họ như lửa bếp sáng bừng, nhảy nhót “ Hơ… hới… đã đến lúc (người mừng vui) như lửa bếp trong tim rồi đấy…”  Vui như lửa bếp trong tim. Câu hát với ngôn từ giản dị nhưng đa nghĩa và chứa đựng trong đó biết bao hàm xúc. Sự ví von thật tài tình. Người Lự có câu “Đàn ông làm nhà, đàn bà giữ lửa”. Không thể hình dung một ngôi nhà bếp lạnh tro tàn thì nó trống vắng, lạnh lẽo đến nhường nào. Nhưng ở đây, trong câu hát này “lửa bếp trong tim”. Chỉ bốn từ thôi, đã nói lên niềm tin, hy vọng và sự mừng vui như lửa múa, lửa reo trong tim của con người về một mùa màng bội thu, về một cuộc sống ấm no. Bên khung cửu lách cách tiếng thoi đưa giọng hát trong trẻo của những người phụ nữ Lự vang lên. Niềm vui theo lời hát bay khắp bản. Niềm vui được nhân lên trong lòng người. Niềm vui hòa quyện với núi rừng. Niềm vui bay xa hơn lửa bếp lên tận bầu trời xanh trong mùa hạ. Nhân đây cũng nói cho rõ thêm câu hát: “Tháng mười một ơi… lá sạch như dội nước”. Tháng mười một, theo lịch Lự cổ chính là tháng năm của lịch hiện đại. Chỉ có những trận mưa tháng năm thì mới làm cho “lá sạch như dội nước”.

Con người sống không thể tách rời với môi trường. Văn hóa, văn nghệ, tín ngưỡng… cũng vậy. Dân ca là sợi dây vô hình nhưng vô cùng bền chắc nối tâm hồn con người với vũ trụ bao la, với môi trường thiên nhiên gần gũi. Trong dân ca Lự, tình cảm của con người luôn hòa quyện với tình yêu thiên nhiên, núi rừng:

“Ơ… điếu ơi… ới… vào rừng to càng đi càng thấy hay hơn ở bản… người ơi…phải rồi…

Ơ… điếu ơi…ới… út đây vào rừng rộng càng đi càng thấy vui hơn ở mường… hỡi chàng trai ơi… ới… 

(Hát tìm rau rừng)

Để sinh tồn, cũng như nhiều tộc người miền núi khác, cuộc sống của người Lự luôn gắn bó với núi rừng khe, bãi,… Nơi ấy cũng quen thuộc như ở bản, ở nhà. Nơi ấy các cô gái thường đến tìm rau

 “Ơ…điếu ơi… ới… chỗ này là bãi rộng các nàng hay đến tìm rau đấy… người ơi… 

Ơ… điếu ơi…ới… khe rừng cây xa, cây mòn nàng em đây hay đến…  người ơ… ới… thương yêu ơi… một mình …”

(Hát khi tìm rau rừng)

Nơi ấy các cô giá thường đến tìm măng:

“Điếu hơi…  hới… (em) cô nàng đi tìm măng… được một cái măng cao đến lách… nàng tôi ơi… ời…

Ơ… điếu hơi… hới… (em) cô nàng đi tìm măng… được măng về chất cao bằng xà nhà… mình ơi… ơ… hời…”

(Hát khi tìm măng)

Nơi ấy các chàng trai và cô gái thường vào kiếm củi:

“  Ơ… điếu hơi…  hới… anh chị em ơi… về đến đi anh chị em ơi… đến đây đi…

Hơ… điếu hơi…  hới… anh chị em ơi… giắt dao (vào bao) vào rừng lấy

củi đi… đi nào…”

(Hát khi kiếm củi)

Nơi ấy, trai bản mang chài lưới đi kiếm cá. Cá ở suối là cá đấy. Cá đánh bắt được mang về làm thức ăn. Nhưng con cá trong dân ca sinh hoạt của người Lự cũng rất khác thường:

“Cá ơi… ới… cá pôộc vào dưới chiếu

Cá ơi…ới… cá chát lướt dưới khung cửi”

(Hát khi kiếm cá)

Sông suối, núi rừng nuôi dưỡng con người khi sống. Đó cũng là nơi đón con người về khi hết kiếp. Hãy nghe chàng trai Lự nói gì với những con cá dưới sông, dưới suối về cái chết của mình:

“Cá ơi… ới… chết (trên rừng) sẽ thành con hươu con hoẵng…

Cá ơi ới… (chết dưới sông, suối) sẽ thành cá được nói chuyện dưới nước…”

(Hát khi đi kiếm cá)

Sự sống và cái chết nhẹ nhàng thế thôi. Sống nương nhờ vào sông suối, núi rừng. Chết đi hóa kiếp thành nai, hoẵng, thành cá cũng vẫn gắn bó với môi trường ấy thôi. Thú vị là chàng trai Lự lại tâm sự luật nhân quả, luân hồi với cá. Kiếp này ta làm người ta săn bắt mi. Kiếp sau ta làm cá, làm con hươu con hoẵng để người săn, bắt. Rồi ta lại được sống trong nước và nói chuyện trong nước với mi.

Cuộc sống của người Lự thời xưa rất cơ cực. Mùa vụ, sáng dậy từ canh ba, đi đến nương trời còn chưa sáng. Tối đêm mới đốt đuốc từ nương, từ rừng về bản. Cuộc sống như vậy nhưng họ không bi quan. Họ vẫn tìm niềm vui, sức mạnh ở lời ca tiếng hát. Họ mượn lời ca tiếng hát để xua đi nỗi mệt nhọc trong lao động. Họ hát để trêu đùa nhau:

“…cá chuối lên thác cạnh nương anh lấy nỏ ở đâu mà bắn

anh đói cá thì lại  vác chài lên ruộng cháy

muốn ăn thịt sóc khô lại lấy nỏ đi vứt…”.

 

Với người Lự rừng núi rừng đất đai như cha, như mẹ dưỡng nuôi con người. Núi rừng hùng vĩ luôn ẩn chứa những điều bí ẩn, bất trắc. Nhưng trong dân ca, có khi núi  rừng lại gần gũi, thân thiết như người bạn. Hãy xem, đợi người yêu đến cùng về không được. Màn đêm cũng dần buông. Cô gái mang nỗi buồn còn nặng hơn gánh củi trên vai quay bước về bản. Người buồn thì buồn đó nhưng có phải bởi núi đâu. Vậy nên suốt dọc đường về, cô gái hát cho núi nghe:

“…muộn quá rồi… tôi phải về nhà thôi…

tôi về nhà thôi… rừng ở lại nhé…

ở lại mọc ngọn cao lên nhé…

ở lại vươn cành lá nhé…

ở lại mọc nhiều cây to tươi tốt rừng nhé”

Cô gái biến nỗi buồn thành những yêu thương, ân cần giành cho núi. Nỗi buồn thật đẹp biết bao. Là người làm nghiên cứu văn hóa lâu năm nhưng tôi cũng chưa đọc được bài dân ca của dân tộc nào khơi gợi cảm thức đến thế. Hãy hình dung trong rừng chiều chạng vạng. Một cô gái bé nhỏ đặt gánh củi lên vai về bản. Cô gái vừa đi, vừa hát. Lời hát như dỗ dành, như động viên, như mong đợi. Cô bé không chỉ nói với một cây. Cô bé dặn dò cả cánh rừng. Người nghệ sỹ dân gian đã đạt tới đỉnh cao trong lối sử dụng ngôn từ một cách chí giản, chí dị. Đó cũng chính là giá trị của dân ca./.

Đỗ Thị Tấc


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.