Con dốc quê

Bản tôi nằm nơi lưng chừng núi, muốn đến bản, ai cũng phải vượt qua một con dốc dài vã mồ hôi. Con dốc tuổi thơ tôi có hình ảnh lũ trẻ nhỏ trong bản rủ nhau đi kiếm củi giúp mẹ trong dịp nghỉ hè. Con dốc mà mỗi bận mẹ đi chợ về, chúng tôi lại sà ra đón, đợi những món quà mẹ mua ở chợ. Con dốc xưa kia bố từng cho tôi ngồi cùng trên ngựa để xuống núi, đến chợ phiên ở đồng bằng chơi. Con dốc đó, hôm nay tôi trở về trên chiếc xe máy, chỉ đi một thoáng đã hết vèo dốc. Chợt nhớ ngày vượt dốc bằng đôi chân trần, chào bố, mẹ để cùng chúng bạn xuống trường Phổ thông Dân tộc Nội trú huyện học.

Con dốc trong tâm tưởng tôi ngày ấy lắm đá sỏi và nhiều đoạn đường khấp khểnh, gập ghềnh. Vượt qua con dốc cao cao ấy, sẽ thấy lúp xúp những ngôi nhà trình tường trong làn sương sớm, người dân trong bản í ới gọi nhau xuống ruộng cằn, lên rẫy đá. Lũ trẻ nhỏ cắp sách theo cô giáo đến ngôi trường lợp ngói đỏ tươi cuối bản. Trong những giấc mơ ngày xa quê của tôi, cứ chập chờn khung cảnh sau con dốc. Tôi mường tượng đôi chân đang vượt dốc, để lại thấy cảnh thanh bình trên miền quê rất đỗi thân thương của mình. Nơi đó, tôi nhớ từng cọng cỏ, từng tấc đất trên đồi. Nhớ những buổi chăn trâu cắt cỏ xưa kia. Nhớ cả mùa hoa cải vàng đến nhức mắt, và màu hoa đào hồng phơn phớt mỗi góc quê độ xuân đến…

Con dốc hiện thực đang bày ra trước mắt tôi trong ngày về. Con dốc đã được trải nhựa phẳng lỳ, từng tốp chàng trai, cô gái rủ nhau xuống phiên chợ. Màu thổ cẩm, màu chàm lan lan dần trên lối đi của họ, tạo thành khung cảnh sặc sỡ sắc mầu. Bên cạnh đoàn ngựa thồ hàng xuống chợ, có cả những chiếc xe máy  đi bon bon. Bản nhỏ sau con dốc cũng khoác trên mình màu áo mới, không còn cảnh những ngôi nhà lợp gianh mà đã thay thế bằng mái ngói, prôximăng. Bản tôi lung linh trong ánh điện, giữa làn sương mờ. Tiếng vi – vi, đài cát sét vẳng vọng từ vài ngôi nhà gần đó. Tôi dụi mắt, ngỡ mình nằm mơ. Giấc mơ của ngày xưa xa chỉ một, hai chục năm về trước. Con dốc xa ngút ngái nay đã gần đến khó tin. Con dốc có bản nhỏ nghèo khó hôm qua nay khoác màu áo mới, chẳng còn dáng vẻ lam lũ ngày nào. Con dốc kỷ niệm tưởng như là vật cản sự phát triển của bản tôi, nay lại trở thành nhịp cầu nối thông thương từ xã tới huyện. Người dân quê tôi có những đổi thay mới từ đầu óc để phát triển kinh tế bằng buôn bán hàng hóa, phát triển du lịch cộng đồng, không chỉ trông chờ vào nền nông nghiệp độc canh trên miền đồng đất quanh năm trơ đá sỏi… Chợt tôi thở phào. Thấy con dốc gần gũi, đáng yêu hơn. Con dốc trong mường tượng của tôi là con dốc chứa chất đầy những hình ảnh mơ mộng, nhung nhớ. Con dốc trên thực tế lại là con dốc hữu ích, gắn bó, sẻ chia với người dân vùng quê đang thay da đổi thịt từng ngày…

Giờ thì tôi đã trở về làng quê của mình để công tác. Ngày ngày vẫn đi qua con dốc thân thuộc ấy. Hôm nay lại đến lượt tôi và mẹ ra tận đầu dốc để tiễn thằng Phù – em trai tôi đi học. Trên xe ca, tôi thấy mắt em trai tôi nhòa đi, nhòa đi, ánh mắt nó cứ hướng mãi về con dốc đang dần xa tầm nhìn. Tôi chợt nhớ lại hình ảnh của mình ngày nào khi xa quê. Và chợt hiểu: trong tâm trí em Phù, con dốc đang choáng ngợp hết suy tư, trở thành niềm nhớ trong hết thảy những ngày em đi. Đó sẽ là động lực để em Phù học thật giỏi, để sớm có ngày trở lại quê hương, nơi con dốc đầu bản nhỏ. Thấy yêu mảnh đất, con người nơi này hơn và mong chờ ngày về. Về để dựng xây.

PHÙNG YẾN


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.