Côn Đảo – Nơi mỗi gốc cây cũng hóa những anh hùng

Lịch sử là tất cả những gì đã diễn ra trong quá khứ. Ở đó ghi dấu những thăng trầm mà một dân tộc đã trải qua, có mất mát, vàng son, đau thương và cả sự trả giá. Lịch sử Việt Nam là lịch sử đấu tranh dựng và giữ nước. Mỗi địa danh là sự tái hiện cả một quá khứ  hào hùng mà cha anh đã phải đánh đổi bằng xương máu. Côn Đảo linh thiêng là biểu tượng của hồn cốt dân tộc, của khí phách cha ông. Đến với Côn Đảo để nghiêng mình xuống, tri ân những mất mát, đau thương trong lịch sử và để chiêm ngưỡng những thiên anh hùng ca bất hủ về ý chí sắt đá, khát vọng mãnh liệt của một dân tộc nhỏ bé “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”.

Muốn hiểu về cái giá của tự do ư? Hãy đặt chân đến mảnh đất thiêng Côn Đảo. Bên đại dương ngàn năm sóng vỗ, bình yên, dìu dặt, dưới làn nước trong vắt sâu từng tầng đáy, trong vầng dương rực rỡ buông nắng xuống xóm chài, mỗi người sẽ cảm nhận thấy sự bình yên, khoan thai của nhịp sống. Vậy cái giá của sự bình yên hôm nay được trả bởi những gì? Những tháng năm của lịch sử đau thương, của máu, nước mắt và đòn roi tra tấn dã man. Những hi sinh mất mát ấy đã hun đúc nên một Côn Đảo anh hùng, bất khuất. Côn Đảo là biểu tượng cho khát vọng tự do, khát vọng độc lập của một thế hệ dám vượt lên chính sinh mệnh – thứ quý giá nhất của một đời người để xả thân cho lý tưởng cao đẹp.

Hãy đến với Bảo tàng nơi lưu giữ hiện vật của chiến tranh, những biểu tượng linh thiêng đầy giá trị đã lưu giữ hồn cốt, khí phách của cha anh. Đó là những trang báo được viết trong những tháng năm tù đầy; những chiếc khăn, tấm áo trao nhau đùm bọc. Đó là những thiên anh hùng ca về lòng quả cảm, về tình người trong bĩ cực cần lao; là khúc khải hoàn ca khi non sông thu về một mối lan tỏa đầy hào sảng tới Côn Lôn…

Đoàn văn nghệ sĩ Lai Châu thực tế sáng tác tại Côn Đảo. Ảnh: Thanh Trúc

Đến với những chuồng cọp Côn Đảo để chứng kiến hồi ức về lao tù, cầm giam, tra tấn – một địa ngục giữa trần gian nhưng không hề dập tắt khí tiết của mỗi người Cộng sản. Mà chính cảnh lao tù nghiệt ngã ấy là nơi trui rèn bản lĩnh, là trường học cách mạng của những người chiến sĩ trước mọi thử thách và cũng là nơi tố cáo bản chất phi nghĩa, vô nhân đạo của chủ nghĩa thực dân, đế quốc. Côn Đảo chính là nơi hun đúc ý chí cứu nước, cứu dân, giải phóng đất nước của những nhân vật đã đi vào trang vàng của lịch sử cách mạng Việt Nam như: cụ Huỳnh Thúc Kháng, cụ Phan Chu Trinh; các đồng chí: Lê Hồng Phong, Nguyễn An Ninh, Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Phạm Hùng, Lê Đức Thọ, Ngô Gia Tự, Võ Thị Sáu, Võ Thị Thắng,… Khi ấy ta tự hỏi, những bậc tiền nhân khi xưa coi cái chết tựa lông hồng ư? Họ đâu phải những cỗ máy chiến tranh? Anh hùng là định nghĩa bằng máu. Anh hùng đâu phải không sợ chết? Mà đó là sự gồng mình để chiến thắng chính mình với tất cả nỗi niềm chiến binh, hy vọng và tuyệt vọng, yếu đuối và can trường, hào sảng và day dứt để rồi có thể ngẩng cao đầu chiến thắng hoàn cảnh và kẻ thù. Dù không muốn nhưng chiến tranh là một định nghĩa bằng máu, là ngày nào cũng chôn nhau nhưng chưa đến lượt chôn mình. Là tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh; những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi xếp bút nghiên lên đường ra chiến trận, hừng hực khí thế chiến đấu của hào khí Đông A lịch sử ngàn năm dội về.

Và cứ như thế, cả dân tộc anh hùng ấy đã chiến thắng hai đế quốc lớn của thế kỷ XX. Nhà tù Côn Đảo chính là câu trả lời đầy sức thuyết phục cho những băn khoăn của hậu thế. Chị Sáu hát ca hồn nhiên ở tuổi mười chín trước khi ra pháp trường. Chị thong dong ngắm trời đất và cài nhành hoa sứ trắng như thể sẽ chẳng có một cuộc chia ly, từ biệt nào vĩnh viễn sẽ xảy ra. Để đến hôm nay và ngàn năm sau nữa người đời nhắc đến chị như một biểu tượng bất hủ về lòng quả cảm của những con người “Trong bốn ngàn lớp người giống ta lứa tuổi/ Họ đã sống/ Giản dị và bình tâm/ Không ai nhớ mặt đặt tên/ Nhưng họ đã làm nên đất nước”.

Hãy bước chân vào nghĩa trang Hàng Dương – nơi an nghỉ của hàng ngàn liệt sĩ Côn Đảo năm xưa để chứng kiến một Côn Đảo với không gian tâm linh đầy tính thiêng. Ở đó có những chuyến hành hương của hàng vạn trái tim phương xa về viếng Cô Sáu cùng những anh hùng chiến sĩ đã ngã xuống năm xưa; mỗi người là một nén tâm nhang, một sự tri ân, biết ơn trước những tượng đài lịch sử vĩnh hằng của dân tộc. Những mộ địa liệt sĩ từ khắp mọi miền Tổ quốc, trong ấy biết bao bia đá vô danh đã dội vào lòng mỗi người một cảm xúc rưng rưng khó tả. Bởi đằng sau mỗi bia đá đều là những câu chuyện về một đời sống, một tuổi trẻ, một phận người và một chiến công.

Côn Đảo còn là một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp về cảnh và người khiến cho bất cứ ai đặt chân đến một lần đều phải lòng, vấn vương. Đó là một Côn Đảo bình yên, thênh thang trong nắng sớm, tiếng loa phát thanh rộn ràng ca khúc có Đảng, có Bác. Một Côn Đảo mềm mại, trễ nải trong chiều hoàng hôn xa thăm thẳm tia nắng cuối ngày. Một Côn Đảo thanh bình trong từng ngõ nhỏ, từng cung đường. Dường như những tiếng rao chát chúa, rè khàn của thị trường ồn ã không có mặt nơi đây. Côn Đảo như một bức họa đồ với đầy đủ mảng màu của biển, của núi. Trên hết, dẫu khó khăn, khắc nghiệt, những người con của biển rám nắng, rắn rỏi và hồn hậu vẫn cần mẫn trong lao động, yêu đời, yêu người và yêu quê hương. Mỗi cột mốc sống ấy là một biểu tượng của chủ quyền biển đảo thiêng liêng. Bởi thời bình nhưng từng tấc biển chưa bao giờ bình yên với những diễn biến khó lường của thời cuộc. Dẫu cuộc sống mưu sinh còn vất vả nhưng trên những gương mặt ấy là một thứ tình tha thiết với Đảng với dân tộc như hồn cốt, khí phách cha anh năm xưa dội về. Bởi hơn ai hết, họ hiểu rằng, mảnh đất ấy thấm đượm máu của biết bao con người.

Thời gian có thể khiến quá khứ chìm vào dĩ vãng, lớp lớp các thế hệ tiếp nối sẽ phủ trên đó lớp bụi của lãng quên, nhưng những thứ thuộc về giá trị của lịch sử, của dân tộc sẽ mãi trường tồn cùng năm tháng. Côn Đảo sẽ mãi là trang lịch sử chói lọi và hào hùng của dân tộc để mỗi con người Việt Nam soi rọi vào đó thêm tự hào, hun đúc ý chí quyết tâm và khát vọng cống hiến, dựng xây một Việt Nam phồn vinh và hạnh phúc.

NGUYỄN HỒNG

 

 


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.