– Ôi, em thèm vị cơm sắn quá. Bây giờ là mùa sắn này. Bao lâu rồi em không được ăn.
– Em làm sao vậy? Ai lại đi thèm cái thứ quê mùa ấy.
– Ok! Em quê mùa
Tôi không nói gì thêm và bỏ ra về. Nhưng từ những chuyện rất nhỏ như thế, tôi hiểu rằng cái người vẫn nói yêu và dự định cưới tôi làm vợ thực ra là chẳng hiểu gì về tôi cả. Không có sự đồng cảm, yêu thương tự đáy lòng thì cứ gắng gượng, không thật sự hài lòng, làm sao mà hạnh phúc.
– Anh! Chúng ta gặp nhau đi. E có việc cần nói.
– Sao giọng em hôm nay lạ vậy?
Tôi chọn một quán cafe khác giữa lòng thành phố, không tới chỗ hẹn mọi khi:
– Anh Khoa! Em quyết định về Lai Châu. Em không ở lại thành phố này với anh được nữa.
Khoa biết tính tôi, nói là làm. Nét mặt anh chuyển biến, nhìn tôi soi mói:
– Thế còn bao dự định của chúng ta?
– Em rất tiếc.
Thế là tôi trở về với cái nơi cho tôi sự bình yên suốt thời thơ ấu. Nơi mà nếu tôi không trở về, không vì nó nữa thì cảm thấy áy náy vô cùng. Ở cùng với Khoa có nhiều thứ tốt đẹp – như lời con bạn thân tên Thanh của tôi nói. Nào là nhà cửa, công việc tốt… Ừ, đúng rồi. Những ánh điện hào quang, những con đường rực rỡ.
Tôi trở về quê. Đón tôi bằng ánh trăng hiền lành, trong vắt. Ôi, đã bao lâu mình không thấy cảnh tượng này. Ánh sáng dịu dàng quá. Dịu dàng như sự chờ đợi của Minh – một người đồng hành suốt từ thời thơ ấu. Minh kéo nước cho tôi rửa chân ngoài sân đầy ánh trăng. Ngôi nhà của bà vẫn sạch sẽ, ấm áp thế. Đó đều là do Minh đã chăm chút trong bao ngày tháng tôi không ở nhà.
Bố mẹ bị tai nạn trong một chuyến đi chung. May thế nào tôi chỉ bị xây xát. Bà nội là người nuôi tôi lớn. Bà không giàu có, nhưng bà cho tôi bằng cả tình yêu của cả bố, cả mẹ, cả bà cộng lại. Trẻ con bây giờ không biết cơm sắn là gì. Sắn cũng ít ăn. Nhưng hồi nhỏ, ở với bà, tôi nhớ bà hay đồ cơm nếp nương với từng sợi sắn trắng. Sáng nào đi học, tôi cũng được bà đùm cho một bọc đó trong chiếc lá dong. Hương thơm ấy quyện vào nhau, quyện vào trong cả tâm hồn tôi, nuôi dưỡng tôi lớn lên, trưởng thành.
Lúc bà ốm nặng, khi biết tin, tôi từ trường nội trú vội vàng trở về. Mọi người kể là bà cứ ôm khư khư cái gối bông gạo bà vẫn dùng. Bảo là trong này là tiền bà tích góp cho cái Ban đi học. Tôi về tới nơi, bà chỉ kịp dặn là con hãy đi học nghề như con mơ ước. Hãy sống thật vui nhé. Bà luôn dõi theo con. Những tiếng khóc nấc của tôi.
Những buổi tối sau ngày bà mất, hàng xóm vẫn lui tới để cho căn nhà có tiếng trò chuyện mà bớt vắng lạnh vì thương hai đứa nhỏ chúng tôi. Nhưng rồi, ai cũng bận cuộc sống riêng, mọi người thưa tới dần. Tôi cũng phải trở lại trường. Chỉ có anh Minh là bên cạnh, chia sẻ và chăm sóc tôi suốt những ngày tháng khó khăn ấy. Minh là cậu bé mà bà đưa về nuôi từ ngày chín mười tuổi, khi đó tôi tầm bốn năm tuổi. Lúc đó, tôi không để ý Minh từ đâu ra, tôi chỉ biết là có người chơi cùng thì vui, thế thôi. Mà anh Minh chiều tôi lắm. Chúng tôi lớn lên trong tình yêu thương và khó nhọc của bà.
Gần như ngày nào, anh Minh cũng giúp bà nạo những củ sắn thành từng sợi trắng để trộn lẫn với gạo nếp. Bà và anh Minh đồ cơm sắn bằng cái chõ gỗ cũ của bà. Đến việc coi chõ trên bếp lửa, tôi cũng chẳng bao giờ phải động vào. Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn còn hối hận vì suy nghĩ nông nổi của mình thuở ấy:
– Sao bà toàn bắt cháu ăn cơm độn thế? Cháu chán lắm rồi đấy!
Bà không trả lời, chỉ động viên tôi. Bà bảo bà sẽ đi làm mua đồ ăn ngon, mua những loại bánh mà tôi thích thích. Minh thì vừa ăn lấy, ăn để, vừa ăn vừa nói: Anh thấy ngon mà. Ngày xưa anh chẳng được ăn thế bao giờ. Công nhận là nhìn Minh ăn ngon thật. Tôi lại nghĩ chắc tại Minh ít phải ăn hay bị ăn như tôi nên thấy ngon nên cãi:
– Thì anh có ăn từ bé như em đâu mà biết.
– Nhưng cơm sắn của bà là ngon nhất. Dẻo, thơm. Anh thích lắm. Mà em chịu khó ăn đi, ăn vào chỉ đẹp da mà thôi. Anh nói thật đấy. Da trắng như da củ sắn ấy.
Nghe nói ngon ngọt rồi tôi cũng ăn. Cũng lớn lên. Cũng da trắng. Bà không nói với tôi là bà mang Minh từ đâu về, bà chỉ dặn là hai anh em phải yêu thương nhau. Bà đều thương hai cháu. Nhưng tôi nghe hàng xóm kể, trước nhà Minh giàu có lắm, chỉ vì không ai biết trước được chữ ngờ nên Minh mới trôi dạt tới đây. Ngày Minh tới với bộ quần áo sạch đẹp, lạ mắt tôi chưa bao giờ thấy lũ trẻ con ở xóm này mặc. Đến cả cái mũ hắn đội đầu cũng đẹp. Nghe nói bố Minh không rõ thế nào mà bị phá sản tự tử, mẹ đi lấy chồng tận nước ngoài. Trong lúc lang thang, không có một hạt cơm vào bụng, bà đã đưa cho Minh nắm cơm sắn gói trong chiếc lá rong. Bà đã chìa tay ra không chỉ giúp đỡ mà là yêu thương. Không chỉ là tình đồng loại mà như tình máu mủ, ruột thịt. Sau này, tôi có thấy có mấy người tự xưng là họ hàng xa của Minh đến, muốn đón anh về, nhưng cái bộ dạng dữ dằn của họ đến người lớn còn thấy sợ nữa là lũ trẻ chúng tôi. Hai đứa nép sau lưng bà. Minh bảo sẽ ở lại đây. Bà cũng nói với họ sẽ động viên Minh dần. Nói vậy, nhưng bà chẳng khi nào bảo Minh đi, Minh không đòi đi và họ cũng chẳng tới vùng đất xa xôi hẻo lánh này thêm lần nào nữa. Cuộc sống cứ vậy, cho đến khi chúng tôi lớn lên. Tôi hay kêu buồn, Minh bảo anh cũng buồn như em. Nhưng anh thấy may mắn vì được gặp bà. Anh coi bà như bà ruột của mình vậy. Anh phải yêu thương, chăm sóc bà.
Thế rồi, Minh chọn đi học cao đẳng trong tỉnh để đi về với bà hàng ngày. Khi đó tôi đang đi học nội trú, cuối tuần tôi mới về với bà. Lúc đi học, anh vẫn đi làm thêm để đỡ mối lo, nặng gánh cho bà. Rồi anh về đi làm cán bộ Đoàn ở xã. Dù công việc bận rộn, nhưng anh vẫn giúp tôi chăm sóc bà.
Tôi lo lắng việc học sẽ tốn kém, tôi không đành lòng khi mình cứ phải làm người khác vất vả vì mình. Khu tôi sống có nghề chè, cao su. Kiểu gì tôi cũng làm được vì mấy đứa bạn của tôi đều đã đi làm. Nhưng Minh nhất định động viên tôi đi học:
– Em cứ yên tâm đi học đi, ở nhà có anh rồi. Em không đi là phụ ước nguyện của bà đấy. Bà chắt chiu cho em đi học. Rồi còn thiếu bao nhiêu, hàng tháng anh sẽ gửi cho em.
Tôi cầm chiếc giấy gọi đại học trên tay, mắt rưng rưng: “Bà ơi!”. Minh vỗ vai tôi: “Giờ bà mất rồi, ở nhà hương khói đã có anh lo. Nếu anh hoặc em là bác sĩ có phải đã cứu được bà rồi không? Bà lúc nào cũng vì chúng ta. Khi mọi người tìm thấy bà thì bà đã bị thương nặng vì bị ngã khi vào rừng lấy chuối. Người già xương giòn nên dễ gãy. Người dân mình không biết đi bó lá cho bà để đến nỗi mảnh xương vỡ di chuyển, chọc vào cả gân, giờ ghép lại bó bột xương cũng khó”.
Thế rồi tôi quyết chí đi học ngành y để về chữa bệnh cho những người dân nghèo quê tôi. Không có tiền, nên cái gì cũng ở nhà tự chạy chữa, để đến nỗi bệnh nhẹ thành nặng, có người còn chết oan.
Thi thoảng tôi về thăm nhà. Minh cố gắng làm xôi ngon để tôi thắp hương bà. Tôi thì thầm: con nhớ bà, nhớ cơm sắn của bà. Minh lại hỏi tôi có thích không? Minh còn nhớ cách làm, sẽ làm cho tôi ăn.
– Anh cứ coi em như trẻ con ấy nhỉ! Giờ em ăn thì tự phải đi làm rồi.
– Anh thích làm cho em, như bà đã từng làm cho hai anh em mình ấy, miễn là em vui, em luôn nhớ tới anh.
– Thì không nhớ sao được. – Quả là Minh luôn cho tôi sự yên tâm, bình yên đến lạ thường. Nó không hẳn như cảm giác bình yên do bà mang lại. Mà một cái gì tôi chưa thể gọi tên.
Rồi tôi lại lên thành phố, lại theo guồng quay của học hành, yêu đương. Tôi gặp Khoa và bị chinh phục bởi tất cả những gì hào hoa mà Minh không còn có. Tôi ít về nhà hơn. Nhưng thi thoảng trở về, tôi vẫn thấy ngôi nhà sạch sẽ, tinh tươm do một bàn tay Minh chăm chút. Minh bảo vì bà vốn gọn gàng, mà cũng để khi nào em về, em thấy dễ chịu với không gian thoáng đãng. Em cũng cần nghỉ ngơi chứ, học hành, đi lại vất vả rồi. Với lại để em nhớ mà quay về.
Tôi hỏi:
– Sao anh không lấy vợ đi? Hai người ở cùng đây luôn càng vui. Anh sẽ không bận vừa việc xã hội, vừa nhà cửa nữa.
– Anh chờ.
– Chờ gì?
– Khi nào em lấy chồng. Anh hứa với bà chăm sóc em rồi. Đi học hết tiền thì gọi anh gửi thêm nhé.
– Vậy thì lâu lắm.
– Lâu anh cũng chờ. Miễn sao thấy em hạnh phúc. Hay em về đây đi. Anh đi làm ở các xã mới thấy người dân quê mình khổ lắm, bác sĩ trên này cũng ít nữa. Anh đang triển khai một số chương trình, dự án cần tình nguyện viên trong thời gian đầu. Em về làm cùng anh được thì tốt quá.
– Vâng, tháng 9 này em ra trường rồi đấy. Nhưng chắc em không về nữa.
Thế rồi, cuối cùng tôi vẫn quay trở về nơi tôi thuộc về, nơi tâm hồn tôi được nuôi dưỡng và được che chở, yêu thương.
Tôi đi chiến dịch tình nguyện cùng Minh. Đường đất trong xã bản gập ghềnh, lầy lội. Tôi vốn là người dân gốc ở đây mà còn thấy khó. Cán bộ ở đồng bằng lên sẽ thấy vất vả thế nào. Minh chở đồ cồng kềnh trên chiếc xe máy. May quá, lúc tới bản không sao. Lúc về có anh cán bộ xã muốn đi cùng xe về, anh cứ nhận sẽ đưa cán bộ Đoàn của thị trấn ra tận nơi. Nhưng chẳng hiểu thế nào, quen đường thế mà anh cán bộ xã lái xe vẫn lao xe xuống dốc. Hai anh em không gãy xương nhưng bị thương phần mềm.
– Giờ là đến lúc em gái trổ tài bác sĩ với anh rồi.
– Anh còn đùa được nữa. Vết thương hở khá sâu đây này. Trời thì lạnh như cắt da cắt thịt.
– Cũng biết thương anh cơ đấy.
– Thương chứ sao không? – rồi chợt biết mình nhỡ lời, tôi chữa cháy – để cám ơn đã nấu cơm sắn cho em ăn rồi còn bọc cả đùm mang đi Hà Nội cho lũ bạn cùng phòng đại học của em nữa. Chúng nó thích lắm. Cứ tò mò anh trai mày thế nào, có đẹp trai không mà khéo tay thế. Em bảo chúng mày lên thăm nhà tao rồi thấy. Chúng nó hẹn lên rồi đấy anh.
– Thế anh sẽ ở đây mãi với em, cùng em nấu gì em thích.
– Tùy anh! Chẳng lẽ em đuổi anh đi. Bà cho phép anh mà. – Tôi nói chưng hửng rồi bỏ ra ngoài.
Mùa xuân đang đến thật gần trên rẻo cao. Đầu hồi, có vài bông hoa mận trắng đã bung nở lấp lánh, trong veo. Ôi, sao không khí lại ngọt ngào đến thế. Lần đầu tiên, tôi cảm nhận được ngọn gió xuân nào vương qua tóc mây, qua mắt, môi. Đầy thương mến. Tôi trở vào bếp, làm tiếp món xôi nếp đồ sắn, mà thi thoảng lắm chúng tôi mới có dịp được ăn cùng với nhau. Giờ đây, cơm sắn không chỉ là kỉ niệm, không còn là kí ức mà còn là món quà quý dành cho nhau, đầy ân tình lẫn thương yêu./.
Thùy Giang