Cô bạn học người Mông

Đây rồi, đây rồi, thể loại phóng sự truyền hình, bác Vũ nhà ta năm nay chịu khó thâm nhập thực tế lắm, kiểu gì cũng có giải! Ông nào cá với tôi là bác ấy giành giải gì nào?
– Giải vàng hơi căng, mong cho ông anh rước được giải bạc về khao đàn em nhỉ?
– Bạc là bạc thế nào, vàng là cái chắc, chuỗi bài chất lượng lắm!
– Im để nghe kết quả xem nào!
Đám người nhao nhao lên cùng dán mắt vào màn hình chiếc smart phone khiến phòng ghi hình hôm nay không còn là chốn yên tĩnh tuyệt đối như mọi ngày. Mấy anh em biên tập và kỹ thuật viên từ phòng bên cũng sang hết bên này để hóng. Năm nào đài thành phố cũng có gương mặt nhà báo đạt được giải cao trong Liên hoan Truyền hình Toàn quốc. Anh em trước khi lên đường đã hứa hẹn với nhau về bữa khao ra trò nên những người ở nhà háo hức lắm. Từng cái tên được xướng lên, mọi người hồi hộp nín thở, lúc hò reo khi nghe thấy tên đồng nghiệp, lúc lại rền rĩ vì hụt giải, nhưng nghe phong thanh thì Thái Vũ, tay viết xuất sắc nhất của đài đã được giải bạc. Thấy đồng nghiệp xuất hiện lịch lãm với áo vest, áo dài đẹp như diễn viên, mọi người phấn khích lắm. Riêng chỉ có một mình MC Khánh Ngọc là vẫn bình tĩnh ngồi ở bàn trang điểm, chăm chút với những nét vẽ tỉ mỉ trên gương mặt. Cái nghề dẫn chương trình truyền hình là thế, phải luyện cho mình cái tâm thế “tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến”, dù bên ngoài kia có mưa bom bão đạn thì trong trường quay vẫn phải điềm tĩnh, chính xác và đúng bài bản.
– Thôi nào, để im nghe, còn nhiều giải nữa kia!
Anh quay phim nói to thu hút lại sự tập trung của nhóm người ồn ào, âm thanh căn phòng lắng xuống, tiếng người MC trong màn hình mới được nghe rõ hơn đôi chút:
– Giải vàng thể loại phóng sự truyền hình, xin chúc mừng nhà báo Giàng Linh của Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Lai Châu với tác phẩm “Đường về nhà”…
 Bàn tay Khánh Ngọc khững lại khi đang tô dở cặp lông mày. Cô bèn đứng lên, đi ra xem cùng mọi người. Trên nền nhạc hào hùng của sân khấu trao giải, giọng người dẫn chương trình vẫn lưu loát và rành mạch:
– Chuỗi phóng sự điều tra “Đường về nhà” được nữ nhà báo Giàng Linh giành tâm huyết thực hiện trong thời gian dài, khi cô thâm nhập địa bàn một xã biên giới, vạch trần các mánh khoé, thủ đoạn của những kẻ tội phạm lừa bán phụ nữ và trẻ em qua biên giới. Chuỗi bài đã tạo được hiệu ứng truyền thông lớn tại địa phương, giúp thu hút dư luận xã hội, nâng cao cảnh giác của người dân vùng biên giới. Sự vào cuộc mạnh mẽ của báo chí cũng đã góp phần đẩy lùi tình trạng mua bán người đang nhức nhối ở các địa bàn vùng cao trong tỉnh. Sự táo bạo trong lựa chọn đề tài và gan dạ theo đuổi đến cùng dù phải đối diện với nhiều hiểm nguy của đồng chí đã một lần nữa khẳng định những đóng góp quan trọng của những người làm báo trong việc gìn giữ trật tự, an toàn xã hội…
Trên sân khấu liên hoan, nhân vật chính xuất hiện ấn tượng trong bộ váy xoè thổ cẩm màu xanh nhã nhặn, mái tóc xoã bồng bềnh trên vai, gương mặt trắng hồng với nụ cười tự tin lên nhận giải. Đón lấy micro từ tay MC, Giàng Linh hít thở một hơi thật sâu, xúc động bày tỏ:
– Xin kính chào các cô chú, các anh chị và các bạn đồng nghiệp! Hôm nay, được cầm trên tay giải thưởng cao quý này, Giàng Linh cảm thấy vô cùng vinh dự và tự hào. Vậy là sau hơn mười lăm năm theo đuổi nghề báo, cuối cùng tôi cũng thực hiện được mong ước của mình là dùng những gì mình học được để góp phần nâng cao dân trí, bảo vệ cuộc sống bình yên của người dân quê hương tôi. Giờ phút này, tôi đã có thể tin rằng mình đã đúng khi bước chân theo con đường làm báo. Xin chúc cho chúng ta, những người làm báo, luôn vững tâm, kiên định với mục tiêu lý tưởng của mình, góp phần xây dựng nền báo chí nước nhà phát triển mạnh mẽ trong tương lai.
Khán đài rộn rã tiếng vỗ tay tán thưởng, MC tiếp tục giành những lời có cánh cho Giàng Linh. Ở bên ngoài, phòng ghi hình bây giờ cũng tự nhiên yên lặng theo dõi. Bỗng anh Thanh, người phóng viên kỳ cựu trong đài đập cái đét lên đùi mình, cất giọng:
– Đúng! Phải giỏi thế thì mới hơn được Vũ nhà ta chứ. Được! Tớ phục cậu rồi đấy!
Mọi người xung quanh nghe cũng gật gù. Bấy giờ cặp lông mày của Khánh Ngọc mới giãn ra: cái gương mặt tươi sáng ấy, cái thần thái tự tin ấy vẫn không hề thay đổi; vẫn khiến cô phải thán phục và ngưỡng mộ như lần đầu tiên được hợp tác cùng khi hai đứa còn là sinh viên dưới một mái trường đại học.
Khánh Ngọc mở Facebook tìm kiếm Giàng Linh, cô tò mò muốn biết người bạn học ấy hiện giờ sống ra sao. Ngày ấy cô ra trường, Facebook còn chưa xuất hiện, nên bạn bè trong lớp đều chỉ kết bạn với nhau khi đã mỗi người một ngả. Chỉ vài cái lướt ngón tay lên màn hình, không khó để tìm ra một tài khoản Giàng Linh có đến gần bảy mươi người bạn chung đều là bạn học. Đó là một trang cá nhân hết sức sinh động với những bài đăng được cập nhật liên tục, gồm những thông tin mới về mọi mặt đời sống trên địa bàn, cùng hình ảnh những chuyến công tác liên tục và quanh năm của cô bạn. Những bài đăng với lời dẫn giải duyên dáng và gây tò mò, thu hút lượng tương tác rất lớn, cho thấy đây là một nhà báo giỏi, có khả năng phổ biến thông tin hiệu quả trên mọi phương tiện và nền tảng số. Quả thật không sai khi nói rằng Giàng Linh sinh ra để làm nhà báo.
***
– Cậu có chắc là sẽ theo đuổi nghề báo không vậy?
Khánh Ngọc thu ánh nhìn lơ đãng trên trần nhà về phía Seo Linh, cố gắng nói với một giọng điệu trung hoà nhất có thể. Cô bạn đối diện thoáng chút ngượng ngập nhìn xuống chiếc điện thoại Nokia đa phương tiện mà mình vừa mượn được của một người bạn cùng phòng ký túc xá. Biết mình quá lời, Ngọc nhẹ giọng hơn:
– Không phải tớ có ý gì đâu. Những chiếc điện thoại này quá cũ, hình ảnh thu được không thể đạt yêu cầu cho một tin truyền hình!
Cô bạn lấy lại bình tĩnh, phân bua:
– À, cái đó không sao, thầy giáo có nói là sẽ châm chước được mà.
Đúng là thầy giáo có nói như vậy, bởi năm học mới bắt đầu chưa lâu, nhiều bạn sinh viên vẫn chưa có điều kiện để trang bị đồ dùng cho thật tốt. Nhưng nói thì nói vậy, đã xác định theo nghề thì vẫn phải đầu tư cho nghiêm túc. Một sản phẩm chất lượng chắc chắn sẽ được thầy chấm điểm cao hơn chứ. Có vậy mà cũng không hiểu được sao? Khánh Ngọc không muốn nói nhiều nữa, dù sao thì cô cũng đã sở hữu chiếc điện thoại thông minh đời mới nhất, nên không cần dùng đến chiếc kia. Chỉ là cô thấy khó chịu trước sự chuẩn bị hơi thừa thãi và vô nghĩa của người bạn học.
– Thôi được rồi, dùng máy của tớ. Cậu sẽ là người ghi hình, còn tớ sẽ lấy thông tin và làm phỏng vấn. Vậy nhé?
– Được.
Cuộc bàn bạc của hai cô bạn kết thúc nhanh gọn, sau đó, mỗi người đi một hướng khỏi hành lang. Khánh Ngọc vẫn không giấu được sự chán nản trên khuôn mặt kể từ khi nhận được sự phân nhóm làm bài của thầy giáo trong buổi học hôm qua. Đây là điểm số đầu tiên trong học kỳ đầu tiên của cả lớp. Ngọc những mong có một điểm số ấn tượng làm mở đầu tốt đẹp cho quãng đời sinh viên của mình nhưng có vẻ khó rồi đây. Dù biết bất kỳ ai đã bước chân vào được ngôi trường này đều có sức học không thể xem thường, nhưng Ngọc vẫn thấy giữa mình với những bạn học đến từ vùng cao có một khoảng cách khó diễn tả bằng lời: điện thoại thông minh không có, gõ bàn phím bằng hai ngón như cò mổ, vậy mà họ lại theo đuổi nghề báo, cái nghề cần những người đi đầu về công nghệ thông tin? Ngọc không tưởng tượng nổi.
Dù năm học mới chỉ bắt đầu được hơn hai tháng, nhưng rất nhanh, những ý nghĩ chủ quan như thế đã thúc giục những tân sinh viên phải “bắt sóng” những người cùng “tần số”, cùng hoàn cảnh với mình để chơi. Nhóm bạn của Ngọc dĩ nhiên không có Seo Linh. Đó là nhóm gồm những cô bạn người gốc Hà Nội hoặc đến từ các thành phố lớn, có gia cảnh đáng ngưỡng mộ. Mỗi ngày đến lớp với họ là những ngày vui đúng nghĩa. Chủ đề nói chuyện của họ xoay quanh việc mốt thời trang nào đang thịnh hành? Trưa nay tụ tập ở quán nào? Cuối tuần du lịch ở đâu?… Họ chưa từng biết và cũng không có hứng thú tìm hiểu về nỗi lo tầm thường như tiền ăn, tiền trọ, tiền đóng học như phần lớn các bạn sinh viên khác. Bởi vậy, khi nghe thấy một bạn học tự kể về hoàn cảnh khó khăn của mình, nhất là khi đó lại là thủ khoa đầu vào của lớp thì họ lại thấy có gì đó khó chịu lắm.
– Giàng Seo Linh!
Khi cô giáo chủ nhiệm gọi cái tiên ấy lên, cả lớp bỗng xáo động hẳn: “Họ Giàng á?”, “Cái tên nghe lạ nhỉ?”… Seo Linh đứng dậy ở bàn giữa, dãy trước mặt giảng viên. Cô gái nhỏ nhắn, giản dị với áo trắng, quần đen và giày thể thao; gương mặt tròn, làn da trắng hồng, môi đỏ cùng mái tóc râu ngô được buộc gọn gàng, một vẻ đẹp rất đặc trưng của những cô gái vùng cao mà Ngọc đã thấy trong những chuyến đi du lịch vùng Tây Bắc. Cô giáo nhìn học trò hiền từ hỏi:
– Em là người Mông phải không?
– Dạ vâng ạ!
Câu trả lời ấy càng khiến cho cả lớp tò mò. Cũng đúng thôi, lớp truyền hình khoá mới có hơn một trăm sinh viên đến từ khắp mọi miền cả nước nhưng cũng chỉ có ba bạn là người miền núi phía Bắc nên mấy ai được biết và gặp người Mông bao giờ. Mấy ánh mắt tò mò hướng về Seo Linh quét một lượt từ đầu đến chân. Cô giáo bèn giới thiệu tới cả lớp:
– Seo Linh là một trong hai bạn có điểm đầu vào cao nhất lớp ta, đồng thời cũng là thủ khoa khối C của lớp: hai mươi tư điểm, rất ấn tượng! Em có phải học sinh trường chuyên không?
– Dạ thưa cô không ạ, em học ở trường phổ thông dân tộc nội trú của tỉnh ạ.
Cô bạn trả lời với vẻ mặt tươi tắn, tự tin và không hề ngọng nghịu như Ngọc đoán.
– Rất tốt! Em là sinh viên duy nhất của lớp ta đến từ Tây Bắc, em có thể giới thiệu với cả lớp về gia đình mình được không?
– Dạ thưa cô nhà em có tám người. Bố mẹ em đều làm nông cả. Các anh chị em đều lập gia đình hết rồi, em còn có ba em nữa vẫn đang đi học ạ.
– Ồ, đông vậy sao! Bố mẹ em năm nay bao nhiêu tuổi rồi?
Nghe đến đây, gương mặt cô bạn bỗng đỏ ửng lên, nụ cười trở nên ngượng nghịu. Cô nàng ấp úng:
– Dạ, bố mẹ em năm nay đều ba mươi lăm tuổi ạ!
Lớp học lại một lần nữa xôn xao, mọi người rì rầm bàn tán: “Còn trẻ mà những sáu con rồi?”, “Ơ, thế là tảo hôn rồi còn đâu!”… Thấy học trò không còn vui, cô giáo liền kết thúc cuộc trò chuyện bằng những câu động viên và lời hứa sẵn sàng giúp đỡ những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trong lớp.
Từ buổi ấy, Seo Linh liền trở thành một trong những đề tài bàn tán của những cậu ấm cô chiêu ngồi phía cuối lớp. Cô sinh viên người Mông ấy luôn xuất hiện với áo quần giản dị, chỉnh tề và tỏ ra vô cùng hăng hái trong giờ học. Rõ ràng là đâu thiếu gì hoàn cảnh sinh viên có xuất thân từ gia đình nông dân và đông anh chị em. Cô ta vẫn học hành đến từng này tức là gia cảnh chưa đến nỗi nào, chứ có khó khăn gì mấy mà cô giáo cứ nói quá! Nghĩ vậy, mấy cô gái sành điệu trong lớp lại sinh ra cái nhìn không mấy thiện cảm với những người bạn học như Seo Linh: trông chúng nó cứ có vẻ làm màu, thích thể hiện thế nào đó. Không ít lần cái nhóm ấy trêu chọc nhau một cách phô trương: “Đừng gọi em là học sinh trường chuyên, em chỉ là học sinh trường bân tộc nội trú Amsterdam thôi ạ!”, kèm theo đó là tiếng cười ha hả suốt giờ giải lao, đôi khi là cả trong giờ học. Cái thái độ phân biệt bạn học ngày càng lộ liễu ấy đổi lại được những cái nhìn e dè, lạnh nhạt của những người xung quanh.
 Bởi vậy, ngày hôm qua, khi giảng viên môn tin truyền hình giao bài tập nhóm đầu tiên cho cả lớp, cả hai phe ấy đều mong mình không bị ghép đôi với bất kỳ ai trong nhóm đối phương. Thế mà cái tên Giàng Seo Linh lại được gọi kèm ngay sau cái tên Trần Khánh Ngọc. Lúc ấy thì Ngọc tắt hẳn nụ cười. Môn học đầu tiên thế là hết hy vọng lấy được thành tích cao.
Luôn từ đêm qua đến giờ, Ngọc nghĩ mãi mà chưa hình dung được mình sẽ kết hợp với cô bạn đó ra sao. Niềm vui duy nhất cứu vãn được tâm trạng của cô lúc này chính là cuối cùng Ngọc cũng có người đi cùng đến dự buổi ra mắt sách của nhà văn mà cô thần tượng. Cái tin về buổi họp báo đã được phổ biến trên internet từ mười ngày trước nhưng trong nhóm bạn không ai chịu đi cùng Ngọc. Ngọc vẫn hằng mong cô có thể gặp được nhà văn Hải Đăng để xin dòng chữ đề tặng lên cuốn sách mới và chụp ảnh lưu niệm cùng chú. Hải Đăng vốn là một cây bút đã lớn tuổi, nổi tiếng một thời gắn bó với tạp chí Học Trò. Thời học sinh, Ngọc đã giành một số tiền không nhỏ hàng tuần mua tạp chí chỉ để đón đọc những trang viết của nhà văn này. Khi tạp chí ngừng xuất bản, Ngọc bằng mọi cách cũng không thể tìm được các tác phẩm của chú nữa. Thế mà tuần trước, khi đang trong lớp học dàn trang báo mạng – điện tử, màn hình máy tính của Ngọc bất ngờ hiện lên dòng thông báo tự động của trang “Những sự kiện tại Hà Nội” nói về buổi ra mắt sách này. Tim Ngọc như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực. Tất nhiên dù không có ai đi cùng thì cô cũng không thể bỏ qua cơ hội này được. Chỉ là  Ngọc tiếc cơ hội nhận được món quà lưu niệm đặc biệt giành cho những cặp bạn thân cùng đến tham dự do chính nhà văn chuẩn bị mà thôi. Xem ra Seo Linh khá dễ tính khi nghe Ngọc đề xuất cũng vui vẻ nhất trí ngay. Giờ thì mọi việc đã bàn bạc ổn thoả, Ngọc đã định được một công đôi việc nên đỡ lo hơn phần nào.
Bảy giờ tối thứ bảy, một tiếng trước khi cuộc họp báo diễn ra, Ngọc đã có mặt tại khuôn viên trường Đại học Ngoại ngữ với tâm thế háo hức, chờ mong. Bước đến sảnh, cô khá bất ngờ vì Seo Linh đã đứng đợi mình từ lúc nào. Cô nàng ăn mặc chỉnh tề nhưng già nua như một nữ công chức chuẩn bị bước vào cuộc họp với áo trắng, chân váy xòe sơ vin, chân xỏ đôi guốc quai hậu kiểu cách sến súa từ thập niên trước. Thôi cũng coi như là nghiêm túc và có tinh thần trách nhiệm với công việc, Ngọc lắc đầu chép miệng. Thái độ ấy của Ngọc chắc Seo Linh không kịp nhìn thấy, bởi cô nàng vẫy tay gọi Ngọc rất vui vẻ và nhiệt tình.
Trong thời gian chờ đợi, Ngọc chăm chút lại diện mạo của mình bằng chiếc gương nhỏ, sau đó gấp chỉnh lại bó hoa trên tay mình. Cô bạn học đến từ miền núi thì lạ lẫm với không gian bài trí lộng lẫy, đi lại ngắm nghía rồi ghi ghi, chép chép không ngơi tay.
Nhà văn Hải Đăng xuất hiện trong tiếng hò reo phấn khích của người hâm mộ. Đó là một người đàn ông có thân hình cân đối, gương mặt phúc hậu,  cùng dáng vẻ hiền lành, đĩnh đạc. Ông chia sẻ với báo chí và độc giả về sự nghiệp sáng tác và cuộc sống riêng của mình trong thời gian qua. Ngọc nghe như nuốt lấy từng chữ. Cô chính là một trong những độc giả tương tác tích cực nhất với nhà văn trong buổi tối nay. Hiếm khi nào phải chen chúc xếp hàng hàng giờ đồng hồ mà cô cô vẫn vui vẻ như thế. Cầm trên tay tuyển tập truyện ngắn mới của nhà văn, Ngọc thấy lòng mình mãn nguyện.
Hồi cuối chương trình, người dẫn chương trình thông báo nhà văn đã lựa chọn được người đặt câu hỏi hay nhất trong chương trình ngày hôm nay. Nhà văn lật giở một tấm thiệp màu xanh dương xinh xắn, nói:
– Tôi đã nhận được rất nhiều câu hỏi của quý vị, thực lòng tôi rất cảm kích sự quan tâm và dõi theo của các anh chị em và các bạn độc giả trên quãng đường sáng tác của mình. Có lẽ buổi giao lưu vừa rồi đã giải đáp cho hầu hết những thắc mắc của quý vị. Trên tay tôi lúc này là câu hỏi mà tôi cảm thấy mình lưu tâm nhất, xin được đọc lên cho quý vị cùng nghe: “Thứ nhất, mặc dù đã bước vào tuổi trung niên song những ý tưởng sáng tác truyện về chủ đề tình yêu, tình bạn tuổi học trò dường như chưa bao giờ cạn kiệt với nhà văn. Nhờ đâu mà chú lại có cảm hứng dồi dào đến vậy? Thứ hai, là một nhà văn chuyên viết về tình yêu tuổi học trò, chú có suy nghĩ như thế nào nếu như các con của mình biết yêu khi còn là một học sinh?” Cả hai câu hỏi này đều là của bạn Giàng Seo Linh. Xin mời bạn đứng dậy ạ!
Cả khán đài ngoái đầu nhìn xung quanh chờ đợi chủ nhân của cái tên lạ ấy xuất hiện. Ngọc nghi hoặc nhìn sang bên cạnh, Seo Linh lộ rõ vẻ mặt lúng túng, trên tay vẫn còn giơ chiếc smart phone đang ghi hình. Định thần lại, cô nàng mới đưa chiếc máy cho bạn rồi đứng lên nhận lấy chiếc mic từ tay MC:
– Dạ cháu xin chào nhà văn. Cháu chính là Giàng Seo Linh ạ!
Nhà văn gật đầu cười hiền từ và bắt đầu trả lời hai câu hỏi của cô bạn. Seo Linh đứng chết chân tại chỗ. Dù gương mặt vẫn tươi cười và chiếc míc vẫn kề bên miệng, trực phát ra những tiếng dạ vâng đúng lúc, song kỳ thực cô đang rất hoang mang, sợ bị lộ ra rằng trong đầu mình vốn dĩ không có chút thông tin nào liên quan đến nhà văn này cả. Sinh ra trên đỉnh núi, lớn lên trên lưng mẹ trong những buổi làm nương làm rẫy, cơm ăn còn chẳng đủ, được đi học đã là tốt lắm rồi, cô lấy đâu ra tiền mà biết đến tạp chí?
Phần hỏi đáp kết thúc, người dẫn chương trình tặng cho Seo Linh một hộp quà to trong ánh mắt ngưỡng mộ của tất cả mọi người. Khi đã yên vị trên chỗ ngồi, cô nàng mới thở phào nhẹ nhõm. Khánh Ngọc quay sang hỏi Seo Linh với một giọng hờn dỗi:
– Sao có mục này mà tớ không biết vậy?
– Ở ngoài sảnh đó, lúc đó tớ có gọi nhưng cậu không đi mà.
Còn chưa kịp hết nuối tiếc, Ngọc lại bất ngờ hơn khi bọc quà được Seo Linh mở ra có đến năm quyển sách đã in gần nhất của nhà văn Hải Đăng, cuốn nào cũng có chữ ký của nhà văn. “Cậu may mắn thật đấy!” Ngọc trầm trồ thốt lên, không giấu nổi sự ghen tỵ của mình.
Chương trình kết thúc, rất nhanh, hội trường không còn một bóng người. Khi Ngọc vẫn còn ngẩn ngơ tiếc vì hụt phần thưởng cho cặp bạn thân mà cô nhắm đến, thì Seo Linh xoè năm cuốn sách ra trước mặt Ngọc:
– Cậu chọn lấy ba quyển đi, tớ tặng đấy!
– Sao? Cậu nói thật chứ?
– Thật mà, tớ sẽ đọc hai quyển để làm quen đã, sách sẽ có giá trị hơn nếu được về với chủ là một người yêu đọc.
Khánh Ngọc xúc động không nói thành lời, cô nhận lấy, cảm ơn bạn rối rít. Lúc này cô mới nhớ ra hình như cả buổi mình chỉ chăm chăm theo dõi sân khấu chứ không làm gì cả. Bèn áy náy bảo Seo Linh:
– Tớ quên ghi lại thông tin rồi, thôi sáng mai lướt web thế nào cũng có một tin khác để mình chép lại. Có điều là tin này sẽ không có phỏng vấn, chắc điểm không cao. Nếu cậu muốn thì mình lại đi săn tin khác để làm nhé?
– À không, tớ có chép lại và ghi hình phỏng vấn rồi, chắc là dùng được thôi. Bây giờ tớ phải về ngay không là ký túc xá đóng cổng mất. Tạm biệt Ngọc nhé!
Ngọc chưa kịp cảm thán câu nào thì cái bóng nhỏ ấy đã lẫn vào đám đông đằng xa.
Về nhà, Ngọc tò mò xem thành quả của cô bạn. Trong điện thoại có đến hơn ba mươi file khác nhau, một kho dữ liệu quá dư dả cho một tin truyền hình ngắn. Ngọc lướt một đoạn, bỗng nhận ra gương mặt mình. Đó là hình ảnh cô ôm bó hoa trao cho nhà văn và hai chú cháu cùng tươi cười nhìn về một ống kính máy ảnh. Thước phim rất đẹp, sắc nét và có ý nghĩa. Ngọc thầm biết ơn vì Seo Linh đã giúp cô ghi lại hình ảnh quý giá này.
Một đúp hình khác lại có gương mặt tối tối và ngô ngố của Seo Linh. Những đoạn clip dài năm, sáu giây rất nhiều, ghi lại hình ảnh Seo Linh đang đứng trước sảnh tự căn chỉnh máy và mỉm cười nói xin chào, xong lại lắc đầu tắt đi. Cũng là bối cảnh ấy nhưng trong một clip khác dài đến hơn hai mươi giây, Seo Linh đã căn được góc hình rộng, bao quát được khán phòng đằng sau và lấy được gương mặt mình với đủ ảnh sáng. Cô nàng đứng chính giữa khung hình, hai tay chắp khum khum trước bụng, mỉm cười một lúc, hít thở sâu rồi nói một mạch:
– Quý vị và các bạn thân mến, hiện tại Giàng Linh đang có mặt tại buổi ra mắt sách của nhà văn Hải Đăng. Mặc dù còn gần một giờ đồng hồ nữa chương trình mới bắt đầu nhưng khán phòng đã kín hết chỗ ngồi. Độc giả có mặt ở đây thuộc nhiều độ tuổi, từ học sinh, sinh viên đến các bậc phụ huynh tuổi trung niên. Có thể nói, hơn hai năm ẩn danh trên văn đàn không hề làm cho tên tuổi và sức hút của nhà văn Hải Đăng phai nhạt trong lòng độc giả. Mời các bạn cùng theo chân Giàng Linh hòa vào không khí rộn ràng của cuộc hội ngộ giữa nhà văn nổi tiếng với những người hâm mộ!
Khuôn mặt xinh xắn, chững chạc và phong thái tự tin, lưu loát ấy khiến Ngọc phải nổi da gà. Nó quá xa với những gì Ngọc nghĩ một sinh viên người Mông có thể làm được, thậm chí, cô được biết đến năm thứ hai sinh viên truyền hình mới được học dẫn tin tại hiện trường. Những đoạn clip tiếp theo, giống như dự đoán của Ngọc, có đến ba, bốn chiếc phỏng vấn độc giả rất ngắn gọn, xúc tích, nói đúng trọng tâm. Hình ảnh quá đầy đủ và phong phú giúp ý tưởng dựng một cái tin ngắn sinh động cứ thế hiện lên trong đầu Ngọc một cách dễ dàng, cô hoàn thành dựng tin chỉ trong vòng chưa đến ba mươi phút.
Cái tin giải trí dài hai phút với hình ảnh đầy đủ, sắc nét, góc quay chất lượng, cùng giọng đọc tin chuẩn Hà Nội của Khánh Ngọc đã giành được điểm mười trọn vẹn của giảng viên cùng ánh mắt ngưỡng mộ của cả lớp. Từ dạo ấy, người ta thấy nhóm bạn ở cuối lớp tự nhiên ít ồn ào và chơi hòa đồng với mọi người hơn.
***
Ngọc vẫn còn nhớ, có lần Seo Linh chạy đến bên cô khoe số tiền tích cóp được sau hơn một năm làm gia sư và nhờ cô chọn mua giúp một chiếc máy ảnh tầm khá, có thể ghi hình được. Ngọc bần thần nhìn lại cô bạn thật kỹ: cô sinh viên năm thứ hai vẫn giữ nguyên nếp sống giản dị mặc cho bè bạn đã dần lột xác thành người thành phố. Ngọc đã từng thấy Seo Linh nhiều bữa ăn trưa chỉ có cơm với dưa chuột chấm muối, vậy mà cô nàng sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn để mua đồ nghề. Ngọc lặng người hỏi:
– Tớ thấy trên phim, các cô gái vùng cao đều thích làm giáo viên. Sao cậu lại chọn nghề báo?
Seo Linh cười cười:
– Ngày bé tớ cũng thích làm giáo viên. Nhưng từ khi vào cấp hai được học trường nội trú, tớ lại thích làm nhà báo.
– Vì sao vậy?
– Thì vào ngày cuối tuần, thầy cô thường cho chúng tớ tập trung lại xem ti vi. Đó là lần đầu tiên bọn tớ biết đến cái ti vi, Ngọc ạ. Trên bản tớ chưa có nhà nào có ti vi cả. Lúc ấy thấy thích lắm, chỉ mong đến cuối tuần để được xem các chương trình truyền hình, được biết đến cuộc sống của con người ở khắp mọi nơi trên đất nước. Xem rồi lại mong ước mình được như những người ấy, được đi khắp đó đây, gặp gỡ nhiều người, còn có thể học hỏi những cái hay, cái tốt về kể cho người dân bản mình nữa. Sau đó, tớ hỏi cô giáo thì mới biết đó là nghề nhà báo. Tớ nuôi ý định học báo từ đó đó.
Bây giờ thì có thể nói Ngọc đã đúng khi cá với nhóm bạn thân rằng trong số những người bạn học đi theo nghề, Seo Linh sẽ là người thành công nhất. Cô quay lại dừng màn hình ở bài đăng mới nhất của Seo Linh: Bức ảnh cô nàng đang cầm tách cà phê, đứng bên ban công một không gian lãng mạn, phía sau là những ngôi nhà cao tầng chen chúc. Vẻ sành điệu của cô chẳng kém gì những cô gái thành thị xung quanh. Mái tóc dài đến ngang hông đã được thay thế bằng mái tóc ngắn uốn xoăn nhẹ nhàng. Không còn là áo trắng, quần vải, mà là một chiếc váy dài quá gối thướt tha, nữ tính. Duy có nụ cười chân chất và đôi mắt sáng trong, ngay thẳng của cô gái Mông thì vẫn không thay đổi. Bên dưới bài đăng, Seo Linh chú thích: “Chào Hà Nội, mảnh đất chắp cánh ước mơ tôi!”.
Khánh Ngọc không ngần ngại nữa, cô bấm vào biểu tượng gọi trên Messenger. Seo Linh bắt máy chỉ sau hai tiếng chuông, cô bạn nói to hòng cố át đi tiếng nhạc rộn ràng của sân khấu trao giải:
– Khánh Ngọc à? Hay quá, tự nhiên tớ lại nghĩ đến cậu!
– Chúc mừng nhà báo Giàng Linh nhé! Cậu giỏi quá!
– Tớ cảm ơn! Sáng mai rảnh không đi thăm trường cùng tớ?
– Đi luôn!
Khánh Ngọc phấn khởi cúp máy. Cô bỗng thấy trong mình tràn đầy năng lượng. Từ giờ đến tối còn ba chương trình lên hình có mặt cô, không được uể oải nữa, cô phải mau mau chuẩn bị mới được. Một ngày có trang điểm và thay đồ năm lần, đọc hàng trăm trang chữ mà không được xem trước đâu thể làm khó được cô. Cô vội xếp gọn đồ đạc xuống hộc bàn, nghiêm túc mở kịch bản chương trình ra xem, trong lòng tự nhủ: Cố lên nào, MC Khánh Ngọc
VÀNG LY

Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.