Chuyện về những chiến sĩ Điện Biên năm xưa

Những người lính cựu là chiến sỹ Điện Biên năm xưa nay đều ở tuổi thượng thọ, mái tóc bạc phơ. Họ đã qua một thời chiến đấu hy sinh và cũng là nhân chứng của trận quyết chiến Điện Biên Phủ giành thắng lợi vào ngày mùng 7 tháng 5 năm 1954, thế kỷ XX.

Thật cảm động khi chúng tôi được gặp gỡ và nghe chuyện về một thời hào hùng của hơn bẩy mươi cựu chiến binh đang sống ở huyện Than Uyên, Tân Uyên và thành phố Lai Châu. Khi giải ngũ, mấy vạn quân nhân được trở về với gia đình và chuyển ngành sau ngày chiến thắng. Trong đoàn quân ấy, có hàng ngàn cựu binh xung phong tình nguyện đi xây dựng kinh tế, thành lập các nông trường chè, trong đó có nông trường Than Uyên và Tam Đường (cũ). 65 năm qua, Lai Châu đã trở thành quê hương thứ hai của họ.

Cựu chiến binh: Vương Văn Vận, Nguyễn Văn Vinh, Nguyễn Văn Diêm, Trần Đức Luận, Nguyễn Trọng Cung, Nguyễn Danh Sáu… ở tuổi 86 trở lên. Trong câu chuyện kể về mình, về đồng đội vẫn rất sôi nổi và lắng đọng. Đó là những thanh niên mười tám đôi mươi thấy cảnh gia đình, làng xóm quê hương bị thực dân Pháp xâm lược, dày xéo. Được giác ngộ cách mạng với lòng căm thù đế quốc, theo ngọn cờ của Việt Minh nên họ tình nguyện lên đường tòng quân đánh giặc. Từ anh vệ quốc quân đến người chiến sỹ Quân đội Nhân dân Việt Nam đã đi suốt chiều dài lịch sử có mặt ở khắp các chiến trường từ đồng bằng tới trung du, miền núi Việt Bắc, Tây Bắc xa xôi. Nhưng dấu ấn sâu sắc nhất là các cựu chiến binh đã trực tiếp tham gia chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Trong số các cựu chiến binh ở Lai Châu hôm nay, nhiều cựu binh ở sư đoàn: 312, 316, 308, 351, 304,… tham gia vào trận đánh lớn này. Kể từ cuộc hành quân đường dài thực hiện đêm đi, ngày nghỉ, giấu quân trong rừng, khe suối giữ bí mật và phòng máy bay địch phát hiện. Đừng lên Tây Bắc đúng như bài ca: “…Núi vút ngàn trùng xa/ Suối sâu, đèo cao/ Bao khó khăn vượt qua…”. Nhiều nơi phải cắt rừng đi, bước chân nát đá vậy mà đời lính vẫn vui tươi lạc quan, tất cả hướng ra mặt trận.

Bộ đội ta kéo pháo vào trận địa

Tập đoàn cứ điểm của Thực dân Pháp tại Điện Biên Phủ gồm 49 cứ điểm nằm trong lòng chảo Mường Thanh trên phạm vi dài 12km, rộng 6km, có hai sân bay lớn. Lực lượng địch trước ngày ta nổ súng tấn công có 10.871 tên, gồm 12 tiểu đoàn bộ binh, hai tiểu đoàn pháo 105 ly, một đại đội xe tăng 18 tấn gồm 10 chiếc, có 7 máy bay khu trục, 5 máy bay trinh sát, 4 máy bay vận tải và trực thăng. Ngoài ra còn 2/3 tổng số máy bay gồm 227 chiếc của cả chiến trường Đông Dương của Pháp cũng sẵn sàng tiếp tế, yểm trợ cho Điện Biên Phủ. So sánh tương quan lực lượng, ta phải chống chọi với một lực lượng địch lớn mạnh của một quân đội nhà nghề trong trận quyết chiến này.

Toàn quân trên mặt trận Điện Biên Phủ thực hiện lời Bác Hồ căn dặn đại tướng Võ Nguyên Giáp – Tổng chỉ huy chiến dịch: “Chắc thắng mới đánh” và quán triệt phương châm: “Đánh chắc, tiến chắc”. Từ ấy tới nay đã 65 năm trôi qua (07/05/1954 – 07/05/2019) nhưng trong ký ức của những người lính già vẫn còn nhớ như in về trận đánh trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Các cựu binh: Trần Đức Luân, Lê Văn Hiền, Nguyễn Văn Vịnh, Nguyễn Văn Hùng, Nguyễn Văn Thường say sưa kể về trận đánh mở màn của chiến dịch thuộc đợt tấn công thứ nhất đánh vào Him Lam ngày 13 tháng 03 năm 1954. Đây là cứ điểm có một tiểu đoàn lính lê dương tinh nhuệ, có bẩy hàng rào dây thép gai bao bọc, lô cốt kiên cố, bố trí hỏa lực của địch rất mạnh. Trận chiến bắt đầu từ 17 giờ đến 22 giờ 30 phút trên cả hai cứ cụm là Him Lam, đồi Độc Lập. Ta tiêu diệt, bắt sống 500 tên. Tuy vậy, đến 6 giờ 30 ngày 15 tháng 03 ta mới hoàn toàn làm chủ trận địa.

Ngày 17 tháng 03 ta tiếp tục đánh vào bản Kéo, địch thất bại hoàn toàn, ta làm chủ cả ba điểm Him Lam – Độc Lập – Bản Kéo. Cùng với các đơn vị và đồng đội chiến thắng ở cứ điểm Hom Lam, các cựu binh Vương Văn Vận, Nguyễn Văn Sáu… thuộc F316 và các đồng đội cùng với toàn mặt trận bước vào đợt tiến công thứ hai. Lần này đồng loạt đánh vào chín cứ điểm: C1, E1, E2, A1 và D2, D3. Điểm 105, 206 đến ngày 24 tháng 04 đánh đến đâu chắc thắng đến đó. Đợt tấn công thứ ba đánh vào hơn chục điêm trong đó có hầm chỉ huy trung tâm mà người lính Nguyễn Văn Diêm, Phạm Đình Toán, Nguyễn Văn Thường cùng đơn vị mũi xung kích trực tiếp đánh vào Đồi A1, hầm chỉ huy, còn Nguyễn Văn Bẩy, Trần Đức Luận đánh vào sân bay Mường Thanh cắt sự tiếp tế của địch. Trong suốt 15 ngày đó là những ngày đêm bão lửa rực cháy trong lòng chảo Mường Thanh. Khắp nơi vang tiếng hô xung phong, thừa thắng xông lên giành nhau từng tấc đất, đoạn giao thông hào để siết cái thòng lọng vào yết hầu kẻ địch. Quân ta đã liên tiếp làm chủ chiến trường, buộc địch kéo cờ trắng tuôn ra từ các hầm lô cốt đầu hàng vô điều kiện.

Qua 56 ngày đêm dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng, của Bác Hồ, của Tổng chỉ huy mặt trận Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sự anh dũng chiến đấu hy sinh của quân và dân ta đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu/ Chấn động địa cầu” kết thúc 9 năm trường kỳ gian khổ chống thực dân Pháp xâm lược, đem lại hòa bình cho nửa đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, làm hậu phương lớn vững chắc cho cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam thống nhất nước nhà.

Điện Biên Phủ là bản anh hùng ca bất tử vang vọng từ ngày ấy tới hôm nay và mãi về sau. Những người lính già là chiến sĩ Điện Biên Phủ năm xưa nay đang sống cuộc đời thường tuy tuổi cao sức giảm song tinh thần Điện Biên Phủ vẫn còn đọng trong tâm hồn, trái tim họ và mọi người dân Việt Nam ta. Tinh thần đó đã tạo thành sức mạnh cho quân và dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, trong công cuộc đổi mới đất nước, hội nhập quốc tế nói chung và Lai Châu – nơi mà các chiến sĩ Điện Biên Phủ đang có mặt hôm nay. 65 năm qua, những ký ức hào hùng vẫn được các chiến sĩ kể chuyện về một thời trận mạc vô cùng oanh liệt làm rung động trái tim thế hệ hôm nay.

Thanh Luận


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.