Chuyện ông kể

Ông Da nay đã ngoài tám mươi tuổi.Ông kể chuyện này đã bao lần. Câu chuyện năm ấy của ông…

Hôm nay ông cùng A Lử cháu nội là chiến sỹ bên phòng thăm lại khu rừng xưa, nơi ông đã có thời gắn vó, suốt đời không bao giờ quên. Ngày Dào San nắng nhạt, bầu trời phủ một lớp mây mờ huyền ảo đượm sắc vàng lưu luyến quyến rũ lòng người. Với ông Da hôm nay không phải đi vãn cảnh mà ông đang đi tìm lại những kỷ niệm. Mây trên bầu trời mỏng dần rồi như bị ai xé toạc ra cho ánh nắng tràn xuống. Những chú chim trong rừng tung cánh bay lên bầu trời. Những chiếc mỏ xinh cất lên những lời hoan hỉ. Trước mắt hai ông cháu lá cây rừng xanh tươi mượt mà đang lấp lánh những giọt sương mai. Giữa rừng cây xanh điểm thêm sắc hoa rừng đỏ thắm, trắng tinh, hoa thùy vàng óng, Khu rừng như một tấm thảm trải rộng trước mắt hai ông cháu. Qua một thung lũng nhỏ, ông Da dứng nhìn ngắm suy tư trước cảnh sắc như tìm kiếm vật gì, Lử vừa đi vừa quan sát theo thói quen của người đi rừng. Anh đứng bên một cây si già cỗi xù xì, nhìn lên chạc ba cao tít trên đầu có một hốc cây. Một chú sóc từ trong hốc cây nhảy ra lao rào rào trên tán lá. Hốc cây khuất cửa phía dưới cành. Lử gọi:

– Ông ơi, ở đây có con sóc.

Ông Da đi về phía Lử:

– Sóc ở đâu hả cháu?

Lử chỉ tay lên chạc ba:

– Nó ở trong hốc cây kia lao ra chạy rồi ông ạ!

Ông Da nhìn lên hốc cây không chớp mắt, vẻ mặt hơi căng thẳng, ông đang suy nghĩ điều gì, miệng lẩm nhẩm: “Cũng có thể là cây này… đã bằng ấy năm rồi mà!”. ông Da giải thích với Lử:

– Ông đang tìm cây si này đấy, cháu à! Ông cứ tưởng nó không còn nữa. Thật không ngờ tới. Không có cháu đi hôm nay chắc ông không thấy cây si nữa! Cảm ơn cháu, cảm ơn con sóc! Hôm nay có thần linh phù hộ cho ông cháu mình rồi. Ngày xưa cây si là bạn chiến đấu của ông. Lúc đó, ngọn cây cao ngang mặt ông, chạc ba thấp dưới ngực ông  nhìn xuống không thấy gì đâu.

– Nhưng vì sao ông bảo nó là bạn chiến đấu của ông?

– Đúng thế cháu ạ vì ở đấy là hòm thư bí mật ông phụ trách, là nơi cất giấu thư thông tin của Việt Minh và đơn vị vũ trang. Gọi là hòm thư nhưng cái hốc cây thì bé vừa mảnh giấy nhỏ cuộn lại đút vào, tiện cái là có mưa gió cũng chẳng bị ướt.

– Hay quá ông nhỉ? Thế là cây si cũng làm giao liên cho cách mạng được ạ?

– Biết chắc vị trí cây si này thì phương hướng, địa điểm ở quanh đây đi về đâu ông cũng nhận ra hết.

Ông Da đưa tay chỉ trỏ: Rẽ lối này đi Tông qua lìn, lối kia lên xã Sì Lở Lầu, bên kia vào rừng Xâng… Ông biết đường tìm cán bộ. Địch nhìn vào rừng chúng không thấy gì nhưng chúng đoán có cơ sở cách mạng như mạch máu lưu thông khắp rừng. Việt Minh làm chủ rừng núi. Gặp người Mông, người Dao đi chợ, cũng có thể đó là Việt Minh, địch cũng sợ cháu à, chúng không dám làm gì.

– Thời ấy cán bộ Việt Minh hoạt động cách mạng khổ lắm phải không hả ông?

– Đúng thế, cán bộ đói rét thiếu thốn, bới củ để ăn, ngủ trong rừng… Quân giặc kiểm soát, vây lùng khắp nơi, may mà có nhân dân che chở. Ngày xưa tết đến dân đi đường mà có bánh chưng bọn giặc đi tuần cướp sạch, chúng sợ họ tiếp tế cho Việt Minh. Thế mới hiểu lòng dân cháu ạ! Lực lượng cách mạng ngày càng lớn mạnh, quân giặc phải tìm cách đối phó. Vùng cao biên giới những năm tháng ấy náo động. Pháp, phỉ rình rập quấy phá, chúng lập nhiều đồn bốt kiểm soát gắt gao.

Đất trời ấm áp, cảnh sắc hiền hòa, hai ông cháu tâm tình không dứt. A Lử nhìn ông nội trìu mến:

– Ông ơi ngày ấy các ông hoạt động cách mạng gian nan hơn trăm lần chúng cháu bây giờ. Cháu cố gắng  noi gương ông rèn luyện để luôn là người chiến sỹ tốt, ông ạ!

– Ngày ấy ông bằng tuổi cháu bây giờ, thế hệ các ông hoạt động hăng hái lắm, không nghĩ đến vất vả hy sinh.

– Hồi ấy lực lượng vũ trang khu vực này có đông quân không ạ?

– Làm gì cũng phải có thời gian ủng hộ, cháu à! Đến khi quân số đông, các ông có đủ lực lượng thành lập đơn vị. Đó là một đại đội bộ đội địa phương đầu tiên ở Dào San này đấy. Ông còn nhớ khi mới thành lập đại đội, đồng chí Mải đại đội trưởng nhận nhiệm vụ chống càn của giặc ở vùng này, lúc ấy lòng các ông nóng như lửa đốt, rạo rực khí thế lắm!

Ông đứng nhìn như đang tìm kiếm gì, chỉ tay sang bên kia núi:

– Cháu xem kìa, đằng sau triền núi ấy có ngọn cây gạo nhô lên bên ấy ngày xưa có một rừng bương rộng, bên ngoài là rừng gianh, đi thẳng lối kia là ra biên giới. Lối ấy sang đồn cháu gần nửa ngày đường ấy. Đơn vị ông nhiều lần ém quân phục kích bên ấy. Quân chưa nhiều, trang bị còn mỏng, phải tổ chức chiến đấu cho phù hợp thực tế, phải đánh du kích cháu à. Ở phía Bắc kia có một cái hủm có mấy lùm cây, quanh năm vắng vẻ hẻo lánh, tâm lý thằng giặc cứ nghĩ Việt Minh các ông là phải ở đấy, nên chỗ đấy cũng là mục tiêu chúng chú ý. Đấy có một cái nương trồng ngô, cũng có lều tạm lúc cần trông nương đuổi con gấu, con khỉ về ăn, phá. Nhưng đường đi khó, chỉ có mỗi một đường độc đạo đi vào. Có con đường một bên là bãi gianh, một bên là hẻm sâu tiếp đến là rừng. Trung đội của ông đánh địch ở đây vì dự đoán được chúng sẽ vào. Các ông đã kiểm soát  làm chủ địa hình,  thuộc từng gốc cây, mỏm đá. Đêm hôm ấy, sau lán có nhóm một rấm lửa. Đúng như dự đoán, đêm muộn, một toán lính địch thận trọng tiến vào bí mật bao vây lán nương, dẫn đầu là hai tên lính Pháp. Trung đội ông phục kích đã chờ sẵn chờ chúng vào. Chỉ huy của ông truyền mật lệnh: “Để địch vào đúng tầm của ta thì phát hỏa cùng đánh chặn đầu khóa đuôi!”. Địch tiến vào, chắc chúng nghĩ sẽ diệt gọn  nhóm quân cán Việt Minh trên lán nương. vào gần chúng càng rón rén thận trọng. Vẫn thấy không gian im ắng, chúng ném đá rồi bắn vào lán, chúng phá tan cái lán cũng không có động tĩnh gì… Chúng điên tiết chởi mắng om sòm, kéo quân quay trở ra không cần biết chung quanh. Bỗng nhiên, từng loạt đạn nổ vang, địch bị đánh bất ngờ chết không sót một tên. Đơn vị ông bí mật rút quân.

A Lử chăm chú nghe ông kể chuyện trận đánh, chuyện đã dứt mà Lử vẫn đứng yên, nói:

– Cháu nghe ông kể, thấy các ông thật mưu trí, tiêu diệt địch mà không mất quân.

– Nếu hôm ấy đông quân địch thì có đánh không ông?

– Tương quan lực lượng mà, phải chắc thắng các ông mới đánh cháu à!

Huỳnh Nguyên

 

 


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.