Chuyện người Lai Châu vui Tết Độc lập

Năm nào cũng vậy, ngày Quốc khánh 2/9 cũng chính là ngày hội lớn nhất của đồng bào các dân tộc ở Lai Châu. Khắp các ngả đường rực rỡ cờ hoa, bà con người người Dao, Thái, Mông các xã: Tả Lèng, Thèn Sin, Khun Há, Nùng Nàng của huyện Tam Đường ai ai cũng vui phấn khởi trong không khí chào đón Tết Độc lập.
Ông Phàng A Dơ, xã Khun Há chưa khi nào vui như dịp này, từ hôm nhận được thông báo năm nay huyện tổ chức giải đua ngựa tại thung lũng Thèn Pả (xã Tả Lèng), lòng ông lúc nào cũng như trống giục. Tết Độc lập năm nay, ông quyết định đăng ký tham gia cho đứa con trai út Phàng A Chùa. Qua câu chuyện về cuộc đua ngựa sắp diễn ra, ông kỳ vọng con ngựa đen nhà mình năm nay sẽ giật giải. Thế nên, từ hôm nhận thông báo có đua ngựa, cả ngày, bố con ông chăm chút cho chú ngựa chiến từng ly từng tí. Hết cỏ sữa, ngô ủ mầm, tắm xà bông và chải chuốt sạch óng từng sợi lông, “hắc mã” giờ như người bạn “tri kỷ” của hai cha con. Từ cách lên ngựa, go dây cương điều khiển ngựa phi, dừng, bứt tốc vượt qua chướng ngại vật… Những kinh nghiệm, kỹ thuật bao năm ông trao truyền hết, ông Dơ trở thành huấn luyện viên đặc biệt của A Chùa.

 Tết Độc lập là ngày hội của nhân dân các dân tộc huyện Than Uyên.

Còn với ông Vàng A Giao ở bản Phan Chu Hoa, xã Nùng Nàng (hơn 50 tuổi) là nài ngựa lớn tuổi nhất trong 14 nài ngựa tham gia giải đua ngựa tại Tuần văn hóa dân tộc Mông huyện Tam Đường năm 2023. Ông Giao vui vẻ kể: “Mình vui lắm, phải hơn 10 năm rồi, dịp này huyện mới tổ chức lại giải đua ngựa. Thời trẻ, vó ngựa người Mông vùng cao Nùng Nàng mình là niềm kiêu hãnh trong mắt các sơn nữ đấy. Vậy nên, trong những chuyến săn, hay các giải đua, nghe tin có ngựa Nùng Nàng khán giả tới xem đông lắm!”.
Các cao niên ở Tả Lèng vẫn luôn hãnh diện mình là con trai dân tộc Mông thì phải biết cưỡi ngựa, bắn cung, đẩy gậy và cả sự khéo léo khi bắt quả pao bên người con gái ném về. Nhiều cụ tuy tuổi đã cao nhưng nghe đến có thi ngựa cái chân như khỏe lên, sẵn sàng nai nịt, chống gậy ngược Tả Lèng để được tận hưởng cái cảm giác phi mã thuở nào. Và điều quan trọng là đến động viên, cổ vũ cho lớp trẻ hôm nay. Trong câu chuyện về ngày hội văn hóa dân tộc Mông tổ chức tại Tả Lèng, bà con vui lắm, ai cũng mong giải đua ngựa Tam Đường trở thành thường niên. Họ phấn khởi vì bao tháng ngày vất vả, đồng bào người Mông có một ngày được thi thố, trổ tài và vinh danh hình ảnh loài vật bao năm gắn bó.
Ông Lê Văn Lương – Giám đốc Trung tâm Văn hóa – Thể thao và Truyền thông huyện Tam Đường cho biết: “Năm nay, ngoài những hoạt động như không gian văn hóa, giới thiệu ẩm thực, các trò chơi dân gian, Tết Độc lập huyện Tam Đường có 3 điểm nhấn là màn trình diễn múa khèn Mông liên thế hệ của 80 diễn viên là nghệ nhân và học sinh biểu diễn. Giải đua ngựa thồ của bà con người Mông 7 xã (Nùng Nàng, Tả Lèng, Sơn Bình, Giang Ma, Thèn Sin, Bản Bo và Khun Há). Điểm nhấn cuối cùng là quảng bá mùa vàng ở Tả Lèng, tất cả các hoạt động trên đều diễn ra tại không gian thực địa ở bản Thèn Pả – nơi có những thửa ruộng bậc thang đang vào độ chín rộ…”.
Rời đất Tam Đường, chúng tôi về huyện Tân Uyên, màu cờ đỏ bay phấp phới trong nắng. Ông Vàng A Lử dân tộc Mông xã Hố Mít đang bận rộn lựa những cành tre đực cẩn thận vót những cây tên đẹp, có độ chính xác cao để cho con trai Vàng A Páo tham dự thi bắn nỏ trong ngày Tết Độc lập diễn ra ở huyện trong ngày 2/9. Tạm ngơi tay, ông Vàng A Lử trải lòng: “Xã mình có 6 bản, gần 100% là đồng bào Mông sống quây quần bao đời. Năm nào cũng vậy, cứ đến Tết Độc lập là cả xã mình đi huyện chơi gần hết, chỉ có những người già yếu ở nhà thôi. Khi nào cái mắt còn tỏ, đôi chân còn khỏe là khắc đi thôi!”. Tết Độc lập không chỉ để vui chơi, xem múa hát mà còn là dịp tâm sự, gửi trao tình cảm. Cũng vào dịp Tết Độc lập của 38 năm trước, nhờ có ngày này mà A Lử đã bén duyên với người yêu, đưa về trình bố mẹ, họ hàng. “Ăn đời ở kiếp” với nhau đến nay đã có tới 4 mặt con, 12 đứa cháu, đi đâu mình và vợ cũng như “đũa có đôi”.
Qua đất chè Tân Uyên là tới huyện Than Uyên, tại sân vận động thị trấn huyện chật kín những vòng tròn, tay cầm tay, các diễn viên chuyên và không chuyên say sưa tập luyện văn nghệ. Cô gái trẻ Lò Thị Thim – bản Cang Mường, xã Mường Cang cho biết: “Năm nào cũng thế, Tết Độc lập diễn ra nhiều hoạt động. Năm nay, Than Uyên chúng em vinh dự được phục vụ du khách chương trình nghệ thuật “Lung linh sắc màu Tây Bắc”. Ân tượng nhất là vòng xòe đoàn kết trên 2.000 người tham gia”.
Tại chợ huyện Than Uyên, hòa trong cảnh tấp nập mua bán trao đổi là tiếng nói, cười của bà con người Thái, Mông, Khơ Mú cứ xốn xang chuyện trò, làm cho ngày Tết Độc lập như đến gần hơn. Nếu như trước đây, người dân các xã Mường Kim, Ta Gia, Tà Mung, Pha Mu xuống được chợ huyện cũng mất vài giờ đồng hồ thì nay, đường nông thôn mới rải nhựa, bê tông phẳng lỳ đến từng ngõ mỗi nhà, giờ chạy xe máy khoảng 30 phút là tới. Hôm nay, về chợ huyện, 4 thành viên của gia đình Vàng A Anh, xã Ta Gia đang phấn khởi trò chuyện, năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 2/9, hai vợ chồng Anh lại sắp xếp công việc đưa các con xuống huyện vui Tết.
Người vui nhất hôm nay là anh chàng dân tộc Thái – Vàng Văn Thượng, xã Tà Mung. Thượng kể: “Bố mình là thương binh hạng 4/4 Vàng Văn Ón (79 tuổi). Những năm 70 của thế kỷ trước, bố là một trong những người lính Việt Nam góp phần làm nên chiến thắng tại Cánh đồng Chum – Xiêng Khoảng của nước bạn Lào. Và mỗi lần đi chợ, mình lại có thói quen mua quà cho bố, nay anh mới mua được chiếc mũ nồi bê rê về tặng bố, chắc bố vui lắm!”.
Nghe bà con Than Uyên kể, Tết Độc lập này có nhiều sự kiện sôi nổi như: Lễ hội truyền thống Mừng cơm mới của người Khơ Mú, Lễ hội Kin Pang của đồng bào Thái; thi đua thuyền đuôi én, vòng xòe đoàn kết trên 2.000 người; trải nghiệm chợ phiên Nậm Pắt (xã Tà Mung), chợ đêm Ta Gia; trao giải logo (biểu trưng) và khẩu hiệu (slogan) du lịch Than Uyên…
“Tết Độc lập là nơi hội tụ, khơi dậy nét đẹp văn hóa, thể thao, gắn với quảng bá phát triển du lịch, giới thiệu vẻ đẹp của vùng đất, con người vùng “đất gió” Than Uyên. Qua đó, góp phần quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc” – bà Hoàng Thị Liễu, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông huyện chia sẻ.

HÀ MINH HƯNG


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.