“Kính thưa quý ông, quý bà, quý quan viên hai họ, quý cô bác gần xa. Hôm nay, nhân ngày lành tháng tốt, xin mời quý vị cùng chứng kiến lễ thành hôn của chàng rể miền núi Lù A Thào và cô dâu sơn cước Triệu Thúy Nhung. Thưa quý vị, tình yêu là một điều thiêng liêng, vô giá. Nhiều lúc như ông trời, nắng là khi tình yêu đang nồng đượm, mưa là khi yêu xa hay là khi tình yêu gặp trở ngại. Nhưng sau cơn mưa, trời sẽ xuất hiện cầu vồng. Sau một thời gian dài tìm hiểu nhau, đến hôm nay, tình yêu đã kết thành trái ngọt và chúng ta có mặt tại lễ đường ngày hôm nay để chúc mừng đôi trẻ trăm năm tình viên mãn, bạc đầu nghĩa phu thê…”.
Trên lễ đường, chú rể A Thào mặc bộ véc màu xanh coban nở nụ cười tươi rói bên cô dâu Thúy Nhung bẽn lẽn sau màu váy voan trắng tinh khôi. Hôm nay là ngày vui nhất đời Thào. Anh cười nói vui vẻ, qua mời chỗ này một chén, chỗ kia một chén… Tiếng cười nói xốn xang cả một vùng quê thanh bình.
– Thào ơi! Ớ Thào!
Thào choàng tỉnh giấc.
Ô, hóa ra là mơ sao. Anh dụi mắt, ngước nhìn lên cái đồng hồ nhựa tròn màu gỗ treo ngay trên liếp tre – quà tặng của thầy Duy lúc anh tốt nghiệp trung học phổ thông với mong ước lớn lao và hi vọng về tương lai tươi đẹp của tuổi đôi mươi. Tiếng của mẹ Măng gọi anh về với thực tại:
– Thào ơi, dậy ăn cơm sáng đi con, còn đi xem ao cá. Sớm nay mẹ thấy trời âm u lắm.
– Bố đi đâu rồi hả mẹ?
– Từ sáng sớm, bố con đã lên rừng xem nương thảo quả rồi. Nhà ông Páo đi nương về bảo trên ấy chuột nhiều lắm, thảo quả đang ra hoa, phải lên xem con ạ!
Thào ngồi xuống mâm cơm, cái ghế mây lâu ngày lại chịu sức nặng của anh thanh niên kêu kẽo cọt. Bên cạnh bếp, củi vẫn cháy đượm. Ở vùng núi cao này, từ xa xưa người Mông đã có tục giữ bếp cháy âm ỉ để tránh thú dữ, sưởi ấm cơ thể khỏi cái lạnh buốt da thịt. Mùa đông cũng như mùa hè, cái lạnh chỉ thay đổi cấp độ. Mùa đông lạnh buốt thấu da thịt, tê cóng chân tay. Mùa hè thì những cơn mưa lại mang tới cái lạnh mơn trớn, không như dùi đâm nhưng cũng đủ để run rẩy mỗi khi cơn gió thổi từ đỉnh núi Chinh Sáng về. Cái lạnh khiến cho người dân ở đây ngoài lúa một vụ và thảo quả ra thì không biết trông vào đâu nữa. Đâu đó phía cuối bản vẫn còn những em bé nhà đông con, mùa rét áo không đủ ấm, cơm không đủ ăn. Đi học bữa đực, bữa cái vì phải ở nhà trông em giúp mẹ, lấy củi phụ cha… chăm chỉ mà vẫn thiếu thốn, nghèo đói.
Thào không cam chịu như thế. Từ ngày bắt đầu học cái chữ, sáng cái đầu, Thào đã mong ước sẽ làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. Xem ti vi, xem báo, đài, Thào biết được nhiều anh chị từ bỏ học bổng du học nước ngoài, bỏ cả cơ hội đi làm mỗi tháng lương mười mấy triệu đồng để về quê khởi nghiệp. Thào khâm phục họ lắm vì họ dám từ bỏ, dám ước mơ và thành công thì sẽ đến với người biết phấn đấu, nỗ lực. Sự thành công của họ càng củng cố thêm niềm tin của Thào với quyết định của mình.
– Thào con, mẹ thấy trời sắp mưa rồi đấy.
Tiếng của người mẹ kéo Thào về với thực tại.
– Dạ vâng, để con đi xem nước cho ao cá ạ!
Thào đặt vội bát cơm xuống. Anh đi ra ngoài cửa lán. Khí lạnh xộc tới, Thào khẽ rùng mình. Gió lạnh tới là báo hiệu một cơn mưa lớn sắp đổ đến đây. Anh vội vàng men theo bờ đất, đến đầu dòng dẫn nước từ con suối trên núi sâu kia vào ao cá hồi. Nước bắt đầu chuyển màu vàng nhạt. Chắc cơn mưa kia đã bắt đầu xối xả trên núi lâu rồi, anh vội lấy đất đá ngăn dòng nước chính. Sau một hồi loay hoay, đắp xong bờ ngăn, Thào chạy về lán đóng mấy cửa ngăn nước chảy vào ao. Anh gấp rút lấy oxy viên làm sạch ao cá, bơm nước giếng để luân chuyển dòng nước, rồi đo độ pH: trên 8,6. Thào tăng tốc độ của quạt nước và sục khí, bổ sung nước muối loãng vào hai ao cá hồi của mình.
Sau cả buổi trời vất vả, nhìn những chú cá hồi nuôi được gần một năm đang lượn lờ quẫy đạp trong ao, màu lưng đen xen lẫn màu bàng bạc óng ánh dưới bụng cá khiến Thào cảm thấy thích thú, vui vẻ hẳn lên, xua tan bao mệt nhọc phiền lo của anh từ sáng tới giờ.
***
– Hôm nay, bài học hoàn thành sớm hơn dự kiến một nửa tiết. Thầy đặt ra một câu hỏi, các em có thể ghi nhanh vào giấy rồi đứng lên trả lời chia sẻ với cả lớp nhé. Câu hỏi như sau: Dự định của các em sau khi tốt nghiệp lớp mười hai là gì?
– Nào, thầy xin mời em Tẩn Thị Dư.
– Thưa thầy, em hi vọng mình sẽ thi đỗ vào trường Đại học Y Hà Nội ạ.
– Cảm ơn em, mời Vàng Thu Nhàn, cái tên đẹp đấy.
– Thưa thầy, em sẽ đi học làm nghề tóc và làm nail ạ.
– Thế còn bạn Vàng Thị Túa thì sao?
– Dạ, em chưa có dự định gì. Chắc là lấy chồng thôi ạ!
Cả lớp cười ầm lên. Thầy Duy kêu cả lớp giữ trật tự cho lớp khác học.
– Thế bạn Thào? Lù A Thào. Mời bạn chia sẻ mơ ước của bạn với cả lớp xem nào.
– Dạ, thưa thầy, em sẽ về nhà và tìm hiểu kỹ thuật chăn nuôi ạ.
– Ồ, ước mơ của bạn Thào thật giản dị. Theo thầy, các em làm nghề gì cũng được, nghề nào cũng đáng trân trọng, miễn là không phạm pháp và trái với lương tâm của mình. Các em có sức khỏe, có tuổi trẻ, hãy dùng hết sức lực để theo đuổi ước mơ của mình, dù có vấp ngã, hãy đứng lên và tiếp tục. Chúc các em thành công.
Tùng! Tùng! Tùng! Tiếng trống báo hết giờ. Tan học, cũng là buổi cuối cùng ở trường trước khi nghỉ để chuẩn bị cho kỳ thi cuối cấp. Trong buổi liên hoan chia tay, Thào ngại ngùng quan sát Nhung từ xa. Nhung là cô gái học giỏi lại ham học, Thào biết cô có hoài bão và ước mơ xa xôi. Vùng rừng núi hoang vu này không giữ chân được cô bạn của Thào. Với tình cảnh hiện tại, Thào lo thân mình chưa nổi, sao dám đèo bòng yêu ai. Lời tỏ tình Thào đành cất vào trang giấy, vào những cuốn sách giáo khoa để ngay ngắn trong hòm tôn. Sau buổi chiều tạm biệt tuổi học trò đầy cảm xúc, Thào thu xếp đồ đạc cá nhân để rời trường Dân tộc nội trú về nhà. Cậu xuống khu tập thể giáo viên chào tạm biệt thầy Duy. Thầy động viên Thào thi tốt, còn tặng cậu học trò yêu quý một chiếc đồng hồ treo tường làm kỉ niệm.
Hai tuần Thào ở nhà ôn bài cũng không yên với Pàng, tối nào nó cùng đám trai bản cũng đứng dưới đường tuýt còi inh ỏi rủ Thào đi chơi. Thào đứng dưới lu nước mà hét, “Tao phải học bài. Sắp thi rồi”. Pàng còn nhấp nháy đèn thêm một lúc nữa mới chịu đi. Pàng là bạn thân với Thào từ thủa lên núi chăn trâu, đi rừng kiếm củi. Pàng cũng là đứa học tốt, nhưng đến khi đi học trường bán trú của xã, phải xa nhà, Pàng không chịu nổi, bỏ dở lớp bảy về nhà làm bạn với ruộng nương. Dần dần, Pàng cũng quên hết cái hay cái đẹp của cái chữ mà trở thành thanh niên chơi bời, lêu lổng. Nhắc đến Pàng, người trong bản chỉ biết lắc đầu.
***
– Cô dâu, chú rể đến rồi. Nào mọi người cầm chén lên đi chứ, chúc cô dâu chú rể trăm năm hạnh phúc!
– Một, hai, ba… zô… Một, hai, ba… zô… Một, hai, ba,… Uống!
Thào đứng dậy, cụng ly với Pàng trong ngày vui của cậu bạn “nối khố”. Trong hơi men say của rượu ngô, Thào vui vẻ bắt tay chú rể và cô dâu. Cậu không quên chúc phúc cho người bạn thân. Hôm nay là ngày vui của bạn, tớ thấy cũng giống như niềm vui của tớ vậy. Vui vì bạn đã tìm được người đồng hành, chúc bạn thân yêu sẽ luôn vững vàng, mạnh mẽ như cây thông rừng, làm chỗ dựa cho vợ con, chúc bạn tôi an yên và hạnh phúc suốt đời. Pàng vui vẻ ôm người Thào. Sau tiệc cưới, Thào về đến lán coi cá là nằm vật ra phản, trong đầu óc quay cuồng, hơi rượu nồng nồng quyện lại với hỗn độn thức ăn làm dạ dày anh quặn lại, hơi nóng khó chịu ợ lên đến cổ. Thào nôn thốc nôn tháo. Anh vô thức nhắm mắt. Trong giấc mê man anh nghe có tiếng sột soạt, có tiếng chân người nhẹ nhàng bước đi. Một chút lý trí thúc giục anh, nhưng cơn say lại kéo mi anh nặng trĩu, không sao cựa dậy được.
Buổi sớm trên núi, chim chóc líu ríu gọi nhau tắm nắng ban mai. Tiếng suối róc rách hòa cùng tiếng gió lướt qua ngàn cây lá nghe vi vút, tạo thành điệu nhạc đại ngàn hoành tráng. Thào mở mắt, dư âm của cơn rượu tối qua vẫn còn khiến anh khó chịu. Anh vùng dậy, ra ngoài lán vốc nước rửa mặt cho tỉnh. Bỗng, xộc lên mũi Thào một mùi tanh tanh. Thào ngờ ngợ rồi như chợt nhớ ra điều gì, anh chạy thẳng ra ao cá hồi. Một cảnh tượng khiến Thào bàng hoàng. Từng con cá nổi bụng trắng xóa trên mặt nước, thoi thóp. Thào không còn thời gian để thảng thốt. Anh vội vàng sục oxy, xử lý nước, nhưng mọi sự cố gắng chỉ như muối bỏ bể.
Nhìn thấy Thào thất thần, còn mẹ Thào ngồi khóc bên sọt cá mà lòng bố xót xa. Bố động viên Thào cùng nhau dọn dẹp lại bể cá, cho những con còn sống sang bể khác, rồi đi xem xét lại nguồn nước dẫn vào bể. Trong lúc dọn dẹp, Thào phát hiện chai thuốc diệt cỏ còn đang lập lờ dưới nước. Anh cầm lên xem, chai vẫn còn mới. Trên bờ, cỏ dạt sang một bên, chứng tỏ đã có người từng đứng ở đây. Thào lờ mờ hiểu chuyện gì đã xảy ra. Trong lòng anh dâng lên một niềm oán hận. Anh lấy tay đấm thật mạnh vào bờ đất bên mé nước. Nước bùn đất văng tung tóe lên người, lên mặt Thào mà vẫn không nguôi được lửa giận đang phừng phừng trong người anh. Có kẻ đã cố tình hãm hại Thào.
Trời lại vào mùa mưa. Thào vẫn vất vả bên dòng suối nhỏ và đàn cá mới gây lại của mình. Mưa miền núi thường dai dẳng tới vài ngày không dứt. Lúc rảnh rỗi, Thào lại bỏ quyển sách “Đắc nhân tâm” mượn của thầy Duy ra đọc. Nhìn mưa trắng rừng, trắng núi, gió lạnh thổi tạt những dòng nước mưa trên mái ngói vào hiên lán, lòng anh bỗng buồn mênh mang… Bác Kỳ cũng làm trại nuôi cá kế bên sang chơi, ngồi nói chuyện cùng Thào. Bác đã nuôi cá hồi hơn năm năm nay, có nhiều kinh nghiệm xương máu với nghề. Từ khi Thào lên đây lập nghiệp với nghề nuôi cá hồi, bác Kỳ cũng chỉ bảo tận tình cho Thào, Thào rất quý bác, tôn trọng bác như người thầy của mình. Đợt cá chết vừa rồi, vì nhiễm thuốc nên đành vứt đi không vớt vát lại được vốn. Đang lúc tuyệt vọng thì bác Kỳ cho Thào cá giống, bác nói cho Thào vay, bao giờ có thì trả. Thào như người chết đuối vớ được cọc. Nhờ bác và mọi người động viên Thào lại tiếp tục gây dựng lại đàn cá.
– Thào ạ, cuộc đời như dòng nước trôi, lớp này qua đi, lớp kia lại tới để tưới mát cho sự sống sinh sôi, nảy nở. Đôi lúc, có thể xảy ra những sự việc không như ý muốn của mình. Đừng vì thế mà nản chí, mà từ bỏ. Vạn sự bắt đầu nan, có khó khăn, vất vả thì đến khi thành công mới càng trân quý công sức mình bỏ ra. Nghe lời bác, đừng bao giờ đánh mất niềm tin. Mình có sức khỏe, có tuổi trẻ bắt đầu lại không bao giờ là muộn, cháu ạ!
– Dạ vâng, cháu cảm ơn bác, nhờ bác giúp đỡ lứa cá vừa rồi cháu mới dám tự tin tiếp tục bác ạ.
– Không có gì. Kể cả không có bác thì cháu vẫn phải tiếp tục chứ. Sao có thể từ bỏ một cách dễ dàng như vậy được. Mình sống phải có lý tưởng riêng của mình, có chính kiến. Con đường đi đến thành công còn nhiều chông gai cháu ạ.
Nói chuyện một lúc, bác Kỳ vỗ vai Thào rồi ra về.
***
“Mưa lớn trên diện rộng, cảnh báo những nơi sẽ có nguy cơ sạt lở, lũ quét, lũ ống rất cao như là… các tỉnh miền núi phía bắc cần khẩn trương di dời người dân khỏi những nơi có nguy cơ cao…”. Tiếng chị biên tập viên thời tiết trên đài FM bị tiếng mưa át đi, Thào nghe câu được câu chăng. Mấy ngày nay mưa nhiều chưa từng thấy. Ông trời trút nước xuống như những dòng thác. Ở trong nhà, ngoài tiếng mưa ầm ào và tiếng gió rít thì không nghe được âm thanh gì khác. Thào đi ủng, mặc áo mưa, đội mũ cối tất tả ra khỏi nhà, hòa mình vào cơn mưa trắng xóa đất trời. Đang hì hụi đào đắp lại ngọn suối dẫn vào trại cá của nhà mình, Thào chợt thấy kỳ lạ, bình thường mưa nhỏ dòng suối đã cuốn lũ đỏ ngòm, nước chảy phăm phăm, thế mà dòng nước hôm nay, mưa to như thế mà nước vẫn chảy như ngày thường, mà hình như nước còn chảy ít hơn.
Xong việc, Thào về lán trại của mình. Anh thấy từng đàn kiến rời tổ bò đi nơi khác, mặc trời mưa bão. Kỳ lạ thật. Đang suy nghĩ lung tung, chợt chuông điện thoại reo, Thào cầm điện thoại cục gạch của mình lên. “Alô, con xong việc chưa, về nhà một lúc đi, chú Dê trưởng công an xã tìm được thằng làm chết ao cá của con rồi, về ngay nhá”. Tắt điện thoại, tâm trạng Thào trở nên phức tạp. Vừa giận, vừa tò mò xem ai lại hẹp hòi muốn cắt đi nguồn sống của mình. Nhưng mọi chuyện cũng đã qua, Thào không muốn bới lại. Có lẽ người ta cũng hối hận vì hành động đó. Không nghĩ nhiều nữa, Thào vơ vội cái đèn pin, cầm điện thoại rồi đóng cửa, lên con xe wave đỏ mận cũ kỹ về bản. Chưa đi được bao xa, Thào chợt thấy đất dưới chân mình rung chuyển, rồi một tiếng nổ lớn, xé toạc không gian, đất, đá, nước ào ào đổ xuống. Thào cùng chiếc xe máy bị hất văng ra xa, bất tỉnh.
Không biết đã qua bao lâu, Thào lờ mờ mở mắt, xung quanh là bố, mẹ nhiều người dân bản và những chú bộ đội. Tiếng người xôn xao:
– Tìm thấy chưa?
– Vẫn chưa, đất đá nhiều quá, phải chờ máy xúc.
– Các đồng chí lập hàng rào chắn không cho người dân vào vớt cá hồi, cá tầm gây khó khăn cho việc cứu hộ cứu nạn.
– Này, nhà bác kia, không được vào.
– Ối, chồng tôi, các anh ơi, cứu chồng tôi với.
– Mọi người hết sức bình tĩnh, chúng tôi cũng đang rất cố gắng để tìm kiếm và cứu hộ.
Thào từ hoang mang đến hoảng hốt, anh bật dậy, lê đôi chân bị thương đang chảy máu của mình nhìn về phía trại cá. Cảnh tượng tan hoang hiện lên trước mắt Thào, cả mấy lán trại, ao cá của anh và bác Kỳ bị đất đá san phẳng, chỉ còn lại màu đỏ vàng của bùn đất. Thào bàng hoàng. Anh đứng như trời trồng, nhìn trân trân về khoảng đất trước đó từng là nguồn sống, là hi vọng, tương lai tươi đẹp của anh. Tất cả đã kết thúc. Nước mắt anh hòa cùng bùn đất và nước mưa. Mặn đắng.
***
Bác Kỳ đã vĩnh viễn nằm lại núi rừng sau vụ sạt lở đất ấy. Những con cá hồi, cá tầm bị sặc bùn được người dân tình nguyện mua lại cũng giúp gia đình bác và Thào gỡ gạc lại chút ít vốn liếng đã bỏ ra. Thào vẫn bị sốc, chưa gượng dậy nổi sau khi thiên nhiên cướp đi hết bao công sức mà chàng trai sinh ra từ bản làng, dốc hết tâm huyết vào trại cá ấy. Hảng chính là kẻ đã bỏ chai thuốc sâu vào ao cá của Thào khi trước. Vì cắn dứt lương tâm, nên anh ta đã ra nhận tội của mình với chú Dê và xin gia đình Thào tha thứ.
Hắn khai, trong đám cưới của Pàng, hắn mời rượu mà Thào từ chối, tức tối vì nghĩ Thào coi thường mình. Về tới nhà, sẵn chai thuốc diệt cỏ vẫn còn, hắn mang chai thuốc tới thả đầu nguồn suối để hại chết cá của Thào. Chú Dê hỏi gia đình Thào có làm đơn lên xã hay đòi tên Hảng đền bù gì không? Thào gạt đi, Thào biết Hảng còn mẹ già con nhỏ, nhà lại nghèo biết lấy gì đền cho Thào. Hắn đã nhận tội, biết xin lỗi thế với Thào là đủ. Điều đánh gục ý chí của Thào bây giờ không phải sự hiểm ác của lòng người. Những hận thù nhỏ nhoi ấy, Thào không để tâm nữa.
Nhìn con trai suốt ngày ngẩn ngơ ra vào, không nói lời nào với ai, bố mẹ Thào đâm sốt ruột. Thỉnh thoảng có Pàng tới chơi, thầy Duy lại nhà động viên, Thào có tươi tỉnh một chút, được vài ngày rồi đâu lại vào đấy. Mẹ thường tìm lời lẽ để động viên Thào, nhưng dường như cú sốc lần này quá lớn đối với Thào.
“Cuộc đời như dòng nước trôi, lớp này qua đi, lớp kia lại tới để tưới mát cho sự sống sinh sôi, nảy nở. Đôi lúc, có thể xảy ra những sự việc không như ý muốn của mình. Đừng vì thế mà nản chí, mà từ bỏ… đừng bao giờ đánh mất niềm tin. Mình có sức khỏe, có tuổi trẻ bắt đầu lại không bao giờ là muộn cháu ạ!”. Lời bác Kỳ nói vẫn như vang vọng đâu đây, Thào nửa tỉnh nửa mơ, ú ớ gọi… Thào bừng tỉnh giấc, hóa ra là mơ thôi. Thào ngồi thu lu lại một góc giường. Bác Kỳ nói đúng, mình còn khỏe, mình còn có đôi tay này, phải bắt đầu lại, không thể để đất đá kia chôn vùi cả tuổi trẻ và tương lai của mình được.
Nghĩ là làm, sau bữa sáng, Thào bàn với bố cùng mình tới ngân hàng vay tiền dựng lại lán trại tiếp tục nuôi cá hồi. Ông bà Pô, Măng – bố mẹ của Thào thấy con trai thay đổi như vậy thì rất bất ngờ. Qua đi giây phút ngỡ ngàng, thấy con mình tinh thần đã phấn chấn lên thì vui mừng khôn xiết, ông Pô cầm sổ đỏ quyết tâm cùng con trai gây dựng lại. Nghe tin Thào gây dựng lại trại cá, bạn bè ai cũng vui vẻ tới giúp Thào một chân, một tay. Hảng vác một bó tre lớn đến nơi, chưa kịp bỏ xuống thì Pàng nhảy xổ ra, mắt gườm gườm chực sống mái một phen với Hảng:
– Hảng, mày tới đây làm gì? Định phá hoại thằng Thào nữa thì tao không để cho mày yên đâu.
– Đâu… Tao… Tao không có ý đó. Tao đến… đến giúp nó thôi mà.
Hảng lắp ba lắp bắp không thành lời. Thào vội chạy ra ngăn lại
– Thôi, thôi. Dĩ hòa vi quý, Hảng nó cũng có ý tốt mà Pàng ơi. Thôi được rồi, Hảng mày ra kia buộc lại mấy cái cọc với chú Dê nhé!
Mọi người lại trở về với bầu không khí vui vẻ, mỗi người một việc, tất bật giúp Thào. Thầy Duy cũng mang tới tặng cho Thào một chiếc nhiệt kế đo nhiệt độ nước hiện đại. Hai thầy trò cùng nghiên cứu cách sử dụng, đang chuyện trò rôm rả thì Nhung cũng đến nơi. Nhung đang theo học khoa nuôi trồng thủy sản của Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Biết chuyện của Thào, Nhung muốn dùng những kiến thức mình học để giúp đỡ bạn.
Trong bữa cơm liên hoan sau khi trang trại nuôi cá hồi của Thào hoàn thành. Sau lời cảm ơn tới mọi người của Thào, thầy Duy vui mừng phát biểu động viên:
– Thầy rất mừng vì các trò đều đã trưởng thành và kiên định với lý tưởng của riêng mình. Sẽ càng trân quý hơn nữa khi các em lại có ý chí khởi nghiệp ngay trên quê hương của mình như Thào, như Nhung. Thầy xin mượn những câu thơ trong bài Khuyên thanh niên của bác Hồ để thay lời động viên tinh thần các em: “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên”.
Cả đoàn người vui mừng vỗ tay rầm rộ. Nhung nhìn sang Thào bẽn lẽn. Thào vui vẻ cười nói, mắt anh sáng lên hi vọng. Bên ngoài, bầu trời trong vắt, những ngôi sao nhấp nháy như cũng đang chung niềm tin vào tương lai tươi đẹp của Thào và mọi người.
THÙY TIÊN