Tôi là em út trong lứa sinh ba của mẹ. Các anh chị của tôi, ai cũng béo khỏe, nhanh nhẹn, chỉ có mình tôi là ốm yếu, dặt dẹo. Có lẽ vì thế nên mẹ tôi gọi tôi là Mướp, còn anh chị tôi là chị Miu và anh Đen. Mẹ tôi đảm đang, khéo léo. Tôi biết được điều đó vì bà chủ thường khoe khi có khách đến nhà:
– Con mèo mẹ này khéo lắm, nhà chẳng có con chuột nào, mà nuôi con cũng mát sữa, con nào con nấy căng tròn như trái bí non.
Mỗi lúc được khen như thế, mẹ tôi thường lim dim đôi mắt, liếm láp khuôn mặt của mấy chị em tôi. Trước mỗi bữa ăn, bà chủ mang cơm đến và bảo với mẹ:
– Ăn đi còn lấy sữa cho con bú.
Mẹ tôi kêu “meo” một tiếng như biết ơn, dúi dúi cái đầu vào chân bà chủ, đợi đến khi nào bà chủ vuốt vuốt mấy cái mới bắt đầu cúi xuống ăn. Tôi biết mẹ tôi còn nhân hậu. Có mấy chú chuột con chỉ cần le ve ở góc sân hay tìm cách chạy vào bồ thóc là mẹ chạy ra đuổi ngay, mẹ chỉ vờn vờn rồi quát:
– Về nhà ngay, vào đây ăn vụng là ta cắn nghe chưa?
Nói vậy chứ mẹ chẳng bao giờ cắn chết con chuột nào. Tối nào mẹ cũng đi một vòng quanh nhà rồi xuống bếp, coi xem có thằng trộm nào không. Nếu có mẹ chỉ mắng rồi đuổi chúng chạy ra xa, đứa nào ngang bướng cố tình ăn trộm thóc của bà chủ, mẹ bắt về, cho chúng tôi vờn chán chê nó nó sợ, rồi thả nó về nhà. Chính vì thế nên nhà bà chủ lúc nào cũng tinh tươm, thóc gạo không bao giờ mất trộm. Bà chủ ưng ý lắm. Khi chị em tôi cứng cáp, mẹ bắt đầu cho chúng tôi ăn cơm cùng. Bà bao giờ cũng để cho mấy anh chị em ăn trước, rồi bà bảo:
– Miu, Đen ăn từ từ còn phần em với chứ!
Tôi dựa thế được mẹ bênh nên lúc nào cũng được ăn nhiều đồ ngon, thỉnh thoảng còn bắt nạt anh chị. Mẹ tôi nhường hết phần ăn cho mấy chị em, mẹ đợi cho các con ăn khi nào thật no, bụng căng tròn mẹ mới ăn phần còn lại.
Rồi mẹ bắt đầu dạy chúng tôi công việc quan trọng nhất của họ nhà mèo là bắt chuột. Sáng nào cũng vậy, sau bữa sáng ba mươi phút, mẹ gọi mấy anh chị em ra góc sân đầy nắng. Mẹ nằm cạnh đống rơm rồi dạy tỉ mỉ chi tiết từ cách đi, cách chạy, cách vồ chuột. Mẹ bảo phải nhanh nhẹn, uyển chuyển và nhẹ nhàng. Mẹ bắt chị Miu và anh Đen tập luyện cho đến khi nào mồ hôi vã ra như vừa rơi xuống chậu nước mới được nghỉ. Riêng tôi, vì bé và còi lại ốm yếu nên được mẹ “ưu tiên”, tôi chị chạy chạy vài vòng quanh anh chị rồi lại rúc rúc vào bụng mẹ. Mẹ vuốt ve, cưng nựng:
– Ở nhà với mẹ thì lười được, chứ khi nào về nhà người ta phải chịu khó bắt chuột, nhiệm vụ của họ nhà mèo chúng ta là như thế. Như vậy nhà chủ mới yêu, mới quý, con ạ!
Tôi “vâng, dạ” cho xong rồi lại rúc vào lòng mẹ. Mỗi tối, trước lúc đi ngủ, mẹ lúc nào cũng giảng cho mấy anh chị em, nào không được ăn vụng, nào không được vệ sinh bừa bãi ra nhà,… mẹ nói nhiều, nhiều lắm. Chị Miu và anh Đen chăm chú nghe mẹ, nhưng chỉ có tôi là lười nhác, mẹ nói được vài câu đã lăn ra ngủ. Trong giấc mơ, tôi thấy tôi được ở với mẹ mãi, không phải đi đâu cả. Rồi lần lượt có người đến đưa chị Miu và anh Đen về nhà mới, trước lúc đi, lúc nào mẹ cũng dặn anh chị:
– Nhớ ngoan, chịu khó trông nhà, bắt chuột con nhé!
Các anh chị tôi về chủ mới, mẹ tôi buồn, thẫn thờ đến mấy ngày. Anh chị tôi đi cả, chỉ có mình tôi được ở với mẹ lâu nhất. Mẹ lúc nào cũng chiều chuộng, âu yếm, vỗ về tôi. Thỉnh thoảng mẹ vẫn lo lắng cho tôi:
– Con chẳng thể ở được với mẹ mãi. Mà con ốm yếu thế này, mẹ lo lắm, chỉ sợ về nhà người ta bị chó hay gà bắt nạt, rồi không bắt được chuột, người ta lại mang ra quán tiểu hổ cũng nên.
– Con không đi đâu đâu. Con ở lại đây với mẹ.
Tôi ở thêm với mẹ được hai tháng thì một hôm có một bà đến đưa tôi đi. Khi người ta chuẩn bị đưa tôi vào lồng, mẹ rơm rớm nước mắt, tôi an ủi mẹ:
– Mẹ! Con yêu mẹ.
Tôi được đưa đến một ngôi nhà khang trang, sạch sẽ. Nhà bếp được lát gạch đá hoa sáng tinh. Bà chủ mang đến cho tôi một đĩa cơm đầy cá rồi bảo:
– Meo meo, ăn cơm đi này!
Tôi ngỡ ngàng, ôi nhà chủ mình thật là tốt, cho mình ăn ngon thế này cơ mà. Tôi ăn hết đĩa cơm rồi đánh một giấc ngủ dài đến tận chiều. Buổi chiều mùa hè oi ả, tôi lững thững ra góc sân sưởi nắng sau chuyến hành trình dài. Ở góc sân, có anh Béc to béo đang vẫy vẫy tôi. Anh cất giọng nói sang sảng:
– Chú mày mới đến à?
– Vâng, chào anh Béc.
– Ở đây mọi người gọi ta là Ki, chào mừng chú đến đây, nhà nhiều chuột lắm. Chú cố hoàn thành tốt nhiệm vụ nhá!
– Vâng!
Tôi trả lời vậy chứ nghĩ bụng, nhà sạch sẽ, gọn gàng, tinh tươm thế này làm gì có chuột, chắc anh Ki này dọa mình rồi. Lại dở trò “ma cũ bắt nạt ma mới” đây! Ôi, sợ gì chứ, tôi chỉ cần “meo, meo” vài tiếng là lũ chuột sợ ngay. Tôi cũng kịp thời đi ngắm ngôi nhà mới. Nhà rộng thênh thang, căn bếp là nơi mà tôi cần bảo vệ. Chỉ cần một lúc buổi chiều, tôi đã nhớ tất cả mọi đồ vật, cách sắp xếp của ngôi nhà, mọi ngõ ngách từ trên nhà xuống bếp, từ sân ra vườn.
Buổi tối đầu tiên ở nhà mới. Tôi dỗ mãi mà mình giấc ngủ không về, đôi mắt cứ chong chong, mí mắt chẳng chịu cụp xuống. Bóng đêm ập xuống rất nhanh. Tôi cố gắng đếm: “một, hai, ba, bốn,…” đếm mãi, đếm mãi mà đầu óc vẫn thấy tỉnh như sáo. Tôi nhớ đến mẹ, nhớ lời nói ấm áp của mẹ, nhớ bàn tay mềm mại của mẹ hay gãi lưng cho tôi, tôi thèm được rúc vào lòng mẹ, thèm được mẹ vuốt ve, âu yếm…
Bỗng tôi nghe thấy tiếng rinh rích, rinh rích trong góc bếp. Gần thùng đựng gạo. Tôi nhẹ nhàng bước tới. Á à, một anh chuột nhắt với dáng vẻ lấm lép đang nhìn ngó xung quanh. Tôi gào lớn:
– Meo, meo, meo… Này, định ăn trộm gạo hả?
– Anh em, anh em… Mèo, có mèo… chạy, chạy ngay.
Là tiếng của con chuột nhắt. Bọn này ghê thật, cho một con chuột con đến thám thính tình hình xong định quấy phá đây. Lũ chuột nghe thấy tiếng tôi, vội vàng rủ nhau chạy biến. Chúng ào ào chạy thành một hàng dài phía cống thoát nước dưới bồn rửa bát. Tôi đoán chắc phải có đến gần một chục con. Chúng nó nghe thấy tiếng tôi, sợ nên chạy hoảng loạn, con nọ va vào con kia. Tôi đứng cười ha hả: “Cái bọn này, ông mày còn chưa kêu đến tiếng thứ hai cơ mà!”. Ôi, thật là nhàn, tưởng vất vả lắm, cứ thế này thì mình chẳng phải bắt chuột. Cứ thỉnh thoảng gào lên một tiếng là bọn chuột sợ hết. Tôi thong thả trở về cái ổ rơm, đánh một giấc ngon lành đến sáng.
Sáng hôm sau, tôi nghe tiếng ông chủ nói với bà chủ:
– Nhà có mèo có khác, không bị chuột cắn mấy bao thóc!
Ông bà chủ có lẽ ưng ý lắm. Tôi được thưởng một con cá rõ to. Anh Ki trong góc sân cũng tủm tỉm với tôi:
– Chú mày trông còm nhỏm, ốm yếu thế mà cũng khá gớm nhỉ?
Tôi gãi đầu gãi tai, nhưng trong lòng thấy vui ghê.
***
Thấm thoắt tôi đã ở được nhà mới gần một tháng. Có lẽ được ông bà chăm sóc đầy đủ, ăn ngủ tốt nên tôi béo lên trông thấy. Thỉnh thoảng ra sân anh Ki vẫn bảo:
– Chú mày sướng thật, bữa nào cũng cơm cá, béo ú lên rồi, nhà không có chuột, ông bà chủ chiều, nhất chú mày.
Nhưng bỗng một hôm, ông chủ nói với bà chủ:
– Bà ơi, bao thóc trong góc bếp bị chuột phá tan tinh hết rồi!
– Ông đã kiểm tra kỹ chưa? Nhà có mèo thì chuột phá sao được.
– Bà vào đây mà xem, chúng nó phá ở tận trong góc trong cùng, nhìn ngoài chẳng thấy gì đâu, phải lách vào trong này mới thấy. Bao thóc này bị chúng nó ăn hết một góc, cái bao trên không còn chỗ tựa, nghiêng xuống, tôi thấy lạ mới lần vào xem.
– Ừ nhỉ? Chết thật! Bà chủ thở dài.
– Đấy, tôi đã bảo mà. Cho con mèo ăn sướng vừa thôi, ngày nào cũng tôm, cũng thịt, cũng cá,… Nó được ăn nhiều, béo nên lười chẳng chịu bắt chuột. Con mèo này là con mèo lười rồi!
Tôi nghe thấy ông bà chủ nói thế cũng chột dạ. Ừ nhỉ? Dạo này tôi được ông bà chủ cho ăn nhiều đồ ngon, bữa nào cũng cá, cũng thịt. Cứ ăn bữa tối xong là tôi đi ngủ đánh một giấc dài đến sáng. Chẳng chịu khó đi tuần như trước. Mà “căng cơ bụng, trùng cơ mắt”, đã ăn no rồi, thì lại ngủ say. Có khi nhà có tiếng động tôi cũng không biết, chỉ khi nào anh Ki kêu thật to tôi mới giật mình tỉnh dậy. Dạo này tôi cũng thấy mình béo thật, người cứ nặng nề, ục ịch, đi còn cảm thấy khó chịu nữa là chạy. Bữa trưa, tôi nghe ông chủ nói với bà chủ:
– Có khi phải thay con mèo khác thôi, con mèo này không biết bắt chuột rồi. Mấy hôm nữa bà mang ra chợ bán, rồi đổi con khác về.
– Bán đi có tiếc không, con này ngoan, sạch sẽ, biết ra vườn đi vệ sinh chứ không đi ngoài lung tung như mấy con trước. Chắc nó còn bé nên lũ chuột không sợ. Mấy nữa lớn thế nào cũng bắt được chuột.
Nghe bà chủ nói vậy, tôi quyết tâm bắt bằng được mấy thằng ăn trộm. Cả ngày hôm ấy, tôi đi vòng quanh bao thóc bị chuột cắn, lần mò mãi tôi mới tìm thấy đường đi của lũ chuột. Hóa ra chúng trèo theo đường ống thoát nước trên bồn rửa bát, chạy men theo sườn bếp phía sau cái tủ lạnh để đến được bao thóc. Thảo nào mà tôi không biết, vì cái tủ lạnh cắm điện cả ngày lẫn đêm, cứ chạy ro ro. Tôi ngủ tận phía ngoài, bảo sao không nghe được tiếng bước chân của chúng. Được rồi, bọn này tối nay chết với ta…
Tối, tôi chả vờ nhắm mắt ngủ. Đêm nay tôi phải rình bằng được bọn này. Đúng như dự đoán của tôi, chỉ tầm ba mươi phút sau, con chuột nhắt hôm trước lao như tên bắn từ trong ống thoát nước ra. Tôi bất ngờ lao đến. Hai chân tôi chộp được cái đuôi của nó, con chuột loạng choạng quay lại. Rồi nó cũng rất nhanh, leo ngay lên cái bàn gần đó, tôi đuổi theo nhưng không kịp vì nó đã chui xuống cái cống. Đêm ấy, tôi nằm cạnh đống thóc gác cả đêm. Tôi thức trắng nghĩ cách bắt được cái con chuột ranh ma ấy.
Đêm hôm sau, tôi chả vờ nấp sau cái chậu. Đợi. Đợi mãi mà không thấy con chuột chạy ra. Chắc nó sợ. Nhưng không sao. Ta sẽ đợi mi cho đến khi nào mi phải chui ra thì thôi.
Tôi canh gác suốt mấy đêm liền. Có lẽ con chuột nhắt đã báo tin với cả đàn nên chúng án binh bất động. Nhưng đói đầu gối ắt phải bò. Đến đêm thứ năm thì tôi bắt quả tang con chuột nhắt đang rón rén về phía bao gạo. Tôi lao đến, nhưng nó cũng cảnh giác lắm, thấy tiếng động nó chạy ngay. Tôi cố đuổi theo khắp gian bếp. Nó chạy ba bốn vòng, tôi đuổi theo phía sau mà mũi mồm thi nhau thở hồng hộc. Gần đến cái nắp cống, nó quay lại cười khoái chí:
– Lêu… lêu… lêu…, ra đây mà bắt này.
Rồi nó chui tọt vào cái cống.
Tôi vừa đứng thở, vừa bực mình vì bị con chuột trêu tức. Tôi trở về cái ổ rơm nằm nghĩ. Hơn tháng nay, chẳng chịu tập luyện gì, chỉ ăn với ngủ, người béo ú nên chạy chậm, có con chuột nhắt cũng để cho nó thoát. Rồi tôi bắt đầu lên kế hoạch tập luyện.
Sáng hôm sau, tôi dậy thật sớm, tôi chạy ba bốn vòng sân để luyện sức bền, rồi trèo lên trèo xuống mấy cái cây trong vườn. Trong đầu cố gắng nhớ hết những bài tập mà mẹ đã dạy. Giờ tôi mới thấy mẹ thật là tuyệt, những bài dạy của mẹ thật hữu ích. Anh Ki thấy thế trêu:
– Chú mày chăm chỉ thế!
Tôi chỉ cười và tự nhủ phải cố gắng luyện tập để bắt được chuột. Nếu không mấy hôm nữa ông bà chủ mang tôi ra quán Tiểu Hổ cũng nên. Suốt cả tuần tôi chăm chỉ tập chạy, tập vờn, tập bắt, đêm không ngủ để canh gác mấy bao thóc. Tôi thấy người nhanh nhẹn, khỏe khoắn hẳn ra.
Một hôm vào lúc tờ mờ sáng, tôi đang thiu thiu ngủ cạnh bao thóc thì nghe thấy tiếng bước chân rất nhẹ. Tôi choàng tỉnh. Tôi ngó nghiêng khắp phòng, rõ ràng mình vừa nghe thấy tiếng bước chân, có cả mùi hôi của cống nước. Phải chăng con chuột quay lại thám thính. Tôi vòng ra phía cửa đi khắp phòng. Bất ngờ, tôi nghe thấy tiếng chạy ở đằng sau. Đây rồi, tôi lao ra, tôi giơ hai chân ra chộp lấy con chuột đang chạy. Trượt rồi. Nó cũng rất nhanh vòng ra sau. Lần này tôi quay ngược lại để đón đầu. Phụp. Ha ha… Bắt được mày rồi nhá. Thằng ăn trộm. Dám ăn thóc của bà chủ. Tôi cắp lấy cổ con chuột nhắt cười khoái chí. Con chuột giãy giụa:
– Anh Mướp, anh Mướp, anh tha cho em.
– Tha là tha thế nào. Chú mày có biết nếu không bắt được chú mày thì ngày mai ta là đặc sản của quán Tiểu Hổ không?
– Ôi, anh Mướp ơi, em biết lỗi của em rồi. Em còn mấy đứa con nhỏ ở nhà, anh tha cho em. Hu… hu… hu…
Trời vừa sáng, bà chủ mở cửa bếp và reo to:
– Ông ơi, dậy xem này, con mèo bắt được chuột rồi này!
Rồi bà chủ vuốt ve tôi rồi bảo:
– Mày giỏi lắm!
Tôi tha con Nhắt ra sân, nhìn thấy anh Ki cười lớn:
– Chú Mướp hôm nay có chiến lợi phẩm to nhỉ? Chúc mừng chú.
Con chuột Nhắt vẫn nước mắt ngắn, nước mắt dài xin tôi tha cho. Nói thật, có cho tôi ăn tôi cũng không thể nuốt nổi cái con hôi đầy mùi cống như vậy. Tôi vờn nó vài vòng cho vui. Rồi tôi tha nó ra góc vườn, tôi bảo:
– Này Nhắt, ta tha cho ngươi. Nhưng từ giờ đừng đi ăn trộm nữa. Về nhà gọi mấy đứa cùng đàn ra bờ ruộng nhặt mấy hạt thóc vương vãi mà ăn. Cái gì cũng phải tự sức lao động của mình làm ra. Mày đi nhà khác ăn trộm gạo thì cũng bị mèo nhà khác bắt thôi.
– Vâng vâng, em cảm ơn anh! Từ giờ em sẽ không đi ăn trộm nữa đâu ạ!
Tôi nhớ đến lời dạy của mẹ. Làm gì cũng phải cho con người ta con đường để sống. Tôi không ăn thịt chuột nhắt, để nó về còn nuôi một đàn con. Sau lần bắt chuột, tôi không lười nhác như trước nữa mà tối nào cũng đi tuần quanh nhà mấy lần. Tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình nên được ông bà chủ yêu quý lắm. Tôi luôn nhớ lời dạy của mẹ tôi: “Ai sinh ra cũng được xã hội phân công nhiệm vụ, phải chăm chỉ lao động hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình!”. Tôi nói như vậy có đúng không các bạn?
Mai Hiên