Chuyện cũ – chuyện mới ở bản Dào San

Như có sự thống nhất chung, từ khi cả nước có phong trào “Toàn dân đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa ở Khu dân cư”. Vì vậy, hàng năm vào tháng mười một bản Dào San cùng các bản làng vùng cao biên giới tổ chức ngày hội Đại đoàn kết toàn dân. Đến ngày này nhìn nét mặt mọi người ai ai cũng rạng rỡ như hoa nở mùa xuân. Tiếng cười nói rôm rả rải khắp các nẻo đường lối ngõ từ trên bản lưng núi xuống, từ chân dốc ngược lên về nơi tập trung của bản. Người già, người trẻ, nam giới phụ nữ đều mặc đẹp, váy áo rực rỡ sắc màu. Lũ con trai thì mang theo cái khèn, cái sáo. Con gái mặc váy hoa đi nhún nhẩy như công múa, tay cầm chiếc đàn môi chuẩn bị cho tiết mục văn nghệ tối hôm ngày hội.
Ngoài nội dung bản báo cáo tình hình một năm xây dựng đời sống văn hóa và công bố những gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, phát phần thưởng xong, đến phần liên hoan. Trong bữa cơm đoàn kết dân bản nói với nhau bao thứ chuyện. Chuyện xưa, chuyện nay, chuyện đói khổ của một thời đã qua và chuyện về cuộc sống hôm nay. Đó là sự đổi đời không ai ngờ tới. Trong những câu chuyện kể tâm tình có thể nhiều người biết, nhưng có chuyện cũng kha khá người chưa biết nhất là lớp trẻ hàng con cháu bây giờ.
Bản Dào San hôm nay gần hai trăm bốn mươi nóc nhà và suýt soát một ngàn ba trăm người dân tộc Mông. Cả bản có sáu người gồm cụ ông, cụ bà nhiều tuổi nhất. Cụ bà Giàng Thị Mỷ 102 tuổi không đến dự ngày hội được. Còn lại ông Dì A Xà 96 tuổi, ông Thào A Lử 89 tuổi, ông Vàng Páo Dơ 88 tuổi, bà Giàng Thị Mua 90 tuổi, bà Mùa Thị Nhừ 94 tuổi. Như vậy, cụ ông Dì A Xà chỉ còn sống bốn năm nữa là đầy trăm tuổi. Ông là cây đại thụ bóng cả vì ông sinh ra và lớn lên ở bản Dào San cho đến nay. Tuổi cao nhưng ông còn minh mẫn vẫn làm các việc giúp cháu con như bện dây thừng buộc trâu buộc ngựa, vót nan đan lù cở,… Lớp người trẻ của bản Dào San ngày nay được học hành tiến bộ nhiều con cháu làm cán bộ to vẫn gọi ông Xà là cuốn sử của người Mông ở Dào San. Sùng San hiện nay là cán bộ Huyện ủy, trưởng Ban Dân vận hôm nay cũng về dự Ngày hội Đoàn kết của bản. Sùng San ngồi cạnh ông Xà cùng vui câu chuyện và hỏi ông Xà:
– Ông ơi! Tại sao bản mình lại gọi là bản Dào San, tên xã ta lại lấy tên bản mình đặt tên cho xã và gọi là xã Dào San. Cháu ở dưới huyện nhiều người hỏi cháu chỗ này, cháu không trả lời được, cháu xấu hổ quá.
Ông Xà nhấp chén rượu trong bữa cơm đại đoàn kết rồi thong thả nói:
– Có cái tên này là do ông cha mình đặt lâu lắm rồi qua nhiều đời người rồi cháu ạ! Dào – là cái hố – cái hố đốt than. San là núi, trên núi vây quanh, bản ta ngày xưa có nhiều cái hố đốt than nên gọi là Dào San vì người Mông ta đến đây khai cơ lập bản, lúc đầu chỉ có gần chục nhà từ nơi khác về đây. Con dao phát nương, cái cuốc cuốc đất đến lưỡi cầy làm nhiều năm bị mòn không sắc nữa. Vì vậy, muốn làm lại cho sắc cái cuốc cái dao, cái liềm phải tìm cây gỗ chắc đốt lấy than đưa vào bễ rèn giũa lại.
Tiếp đến Vàng A Lử Bí thư đoàn xã hỏi:
– Bản Dào San ta có từ bao giờ hả ông?
Ông Dì A Xà nói:
– Lâu lắm rồi! Qua mấy đời người ông cũng không rõ. Chỉ biết thế này: Ông Dì A Chinh đẻ ra ông, ông được 87 tuổi thì chết, lúc bấy giờ ông mới 8 tuổi. Còn ông năm nay đã 94 tuổi, các cháu thử tính xem mới hai đời người đã là bao nhiêu năm.
Vàng A Lử ngồi nhẩm tính bằng thời gian hút xong điếu thuốc lào rồi nói:
– Như vậy là đã 181 năm rồi ông ạ! Gần hai trăm năm lâu thật đấy!
Ông Xà:
– Đấy! Mới hai đời người mà bấy nhiêu mùa lúa mùa ngô. Vậy còn bao lớp người trước nữa thì có ai nhớ được.
Còn Ma A Dia là xã đội trưởng Dào San nói tiếp:
– Theo người già nói thì bản Dào San ta là bản đầu tiên có mặt ở đất này. Đến giờ qua mấy đời người thành đông người và bản ta cũng là bản to nhất xã đấy nhỉ?
Bà Giàng Thị Nhừ là người cao tuổi thứ hai của bản, cũng là người phụ nữ Dân tộc Mông tiến bộ của bản, của xã. Đã một thời bà làm Phó Chủ tịch xã. Bà là người được chứng kiến bản Dào San đã trải qua những năm tháng dân ta đói cơm, rách áo, cuộc sống khổ cực đau thương do thực dân và chế độ cũ gây nên.
Sùng San còn nhớ một lần được huyện cử về Dào San gặp những người già nắm tư liệu bổ xung cho cuốn lịch sử Đảng bộ Huyện. Bà Vàng Thị Nhừ nói:
– Đất Dào San, người Dào San đã qua bao đêm tối như ở trong hang, dưới vực sâu, nhiều vui buồn trộn lẫn nhau đấy, cháu San ạ!
Sùng San:
– Bà ơi! Những lời bà kể bà còn nhớ được không?
Bà Như nói:
– Nhớ chứ, cái mắt bà nhìn thấy, cái tai bà được nghe vì cuộc đời bà cũng như dân bản đã cam chịu với hoàn cảnh đó.
Vào một đêm cách đây không lâu. Sùng San còn được mấy người già làng, trưởng họ như ông Dì A Xà, bà Nhừ, ông Thào Lử, và Vàng Páo Lềnh thày nhau kể chuyện về bản Dào San – xã Dào San thật là hay.
Ông Dì A Xà nói:
– Cách đây lâu lắm rồi, lúc ông Xà mới hơn hai mươi tuổi. Khi ấy bên Trung Quốc họ được giải phóng năm 1949, đến năm 1950 – 1951 họ truy quét bọn phản động, bọn địa chủ cường hào gian ác ở phía Kim Bình đối diện với ta. Bọn đặc vụ tưởng, bọn địa chủ từ Kim Bình chạy sang ta lánh nạn ở các xã của ta trong đó có Dào San. Ngày ấy Lai Châu, Phong Thổ vẫn còn bọn thực dân Pháp và tay sai. Bản Dào San – xã Dào San mình thực dân Pháp đã lập nên chính quyền cai trị. Vì vậy, người Mông ta ở bản Dào San là nơi duy nhất của Huyện có Chánh Tổng người họ Thào, có Lý Trưởng người họ Dì, có Phó Lý người họ Vàng theo thực dân Pháp. Khi bọn phản động từ Kim Bình Trung Quốc chạy sang ta như tên Cao San, Dì Chỉn Phủng, Lý Cải Dần, Cô Ban,… Chúng đã cấu kết với Chánh Tổng, Lý Trưởng, Phó Lý để làm phản chống lại ta.
Sau lời kể của ông Dì A Xà, Bà Giàng Thị Nhừ nói:
– Vụ bạo loạn tháng 2 năm 1959 xẩy ra ở tại Dào San là do bọn phản động như ông Xà nói vừa rồi. Cầm đầu bọn phỉ bạo loạn là tên Cao San, chúng định lật đổ chính quyền của ta, tìm giết cán bộ Việt Minh. Chúng đốt nhà cán bộ xã và cửa hàng mậu dịch. Trong vụ này cô Vàng Thị Xay người Mông mình là nhân viên cửa hàng bị chúng bắn bị thương mất một chân. Ngày ấy Dào San khổ cực lắm. Còn các ông Sùng Chinh, Sùng Sỉnh, Thào Lử, Vàng Páo Dơ, được cách mạng giác ngộ đã tham gia du kích dẫn đường cho bộ đội truy quét bọn phỉ khắp các bản làng của Dào San như U Ní Mèo, U Ní Chải, Cao Sín Chải, Dền Thàng và sang tận xã Tông Qua Lìn suốt tháng trời mới giành được thắng lợi.
Ông Thào Lử nghe câu chuyện ông Xà, bà Nhừ kể lại. Ông nói:
– Dào San những ngày xa xưa ấy chịu bao đau khổ, khó khăn. Nhưng người Dào San giác ngộ theo cách mạng, nên nhiều người được làm cán bộ to có đúng không nhỉ?
Ông Páo Dơ từ đầu câu chuyện đến giờ chỉ ngồi nghe ông Xà, bà Nhừ, Thào Lử đến bây giờ mới nói:
– Sau vụ bạo loạn năm ấy, xã Dào San mình đã có Đảng. Ông Sùng Chinh bố Sùng San bây giờ là Đảng viên đầu tiên của Dào San. Ông ấy làm Bí thư suốt mười năm liền. Ông đã mất cách đây hai mươi mùa nương rồi. Bản Dào San – xã Dào San ta được yên vui như hôm nay là có công của ông Sùng Chinh đấy. bản – xã mình có nhiều người làm cán bộ từ xã đến huyện – tỉnh thật là vui cái bụng. Đất và người Dào San thành chuyện kể đối với một đời người đã qua như ông Sùng Chinh tới hôm nay và lớp con cháu mai sau.
Cứ tưởng rằng những năm tháng bọn phỉ bạo loạn gây loạn lạc sẽ hết cảnh đau khổ. Vậy mà Dào San mới được bình yên 20 năm từ 1959 đến năm 1979. Thế rồi ngày 17 tháng 2 năm 1979, Dào San lại vào cuộc chiến đấu mới. Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới đã nổ ra tại bản Dào San, xã Dào San được gọi là trung tâm của tám xã phía bắc huyện Phong Thổ. Tại đây đã thành mặt trận đánh quân bành trướng phương Bắc  xâm lược biên giới. Quân và dân tại Dào San đã đánh trận cuối cùng chống trả quân xâm lược rất quyết liệt. Máu của Bộ đội Biên phòng, Bộ đội địa phương, lực lượng công an, dân quân du kích và người dân Dào San lại tiếp tục đổ. Trong trận quyết chiến này, hàng trăm quân xâm lược đã đền mạng. Tới ngày 10 tháng 3 năm 1979, quân giặc bị thất bại chúng đã rút quân về nước.
Ông Dì A Xà giọng nói trầm lắng:
– Dào San ta mấy chục năm lại đây mới được bình yên.
Dào San bây giờ biết bao thay đổi. Khác với ngày xưa, khi ngồi với nhau kể chuyện bản, chuyện đời thì đốt củi lửa, nay trong đêm tối, ngồi trong nhà có cái điện sáng như ông mặt trời.
Mấy người già cứ thay nhau kể, so sánh về cuộc sống hôm nay so với ngày xưa khác nhiều lắm. Chợ Dào San cách đây hơn bốn mươi năm trước (năm 1979). Dân bản của chín mười xã từ trên xuống, từ dưới lên phải đi bộ, ngựa thồ. Bây giờ có xe máy, ô tô từ huyện, từ tỉnh tới Dào San. Và từ đây đi khắp các xã ra tận ngoài đường biên. Nhìn bản làng từ nơi xa vắng đến lưng núi cao đã sáng lên.
Đêm Dào San đã về khuya, tiếng gà gáy canh ba đã rộn lên từng đợt khắp các bản. Sùng San – người con của Dào San cảm ơn các già bản đã kể những câu chuyện xưa và nay về Dào San. Mảnh đất đã qua bao biến động, thăng trầm. Vì vậy, hai tiếng gọi quen thuộc, thân thương vẫn còn lưu truyền và đọng mãi với thời gian cũng như trong tâm tưởng của mỗi người dân Dào San.
Thanh Luận

Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.