Chủ mới

Trời tí tách mưa đã mấy ngày nay, trên đường đi học về Trưng thấy những cây bằng lăng ngoài phố đã khoác trên mình chiếc áo màu hoa tím. Trong góc sân trường cây phượng vĩ đỏ rực màu hoa tuổi học trò. Trong từng kẽ lá bầy ve sầu tấu lên bản hòa ca mùa hạ. Quãng này mọi năm, không có mưa thì cũng không rét như năm nay. Tối qua, lúc cả nhà quây quần bên mâm cơm, mẹ bảo:
– Năm nay mưa nhiều và mưa sớm. Mưa như thế này, bà con trên bản tha hồ nước làm ruộng, không lo hạn. Nhớ năm xưa, khi nhà ta còn ở trên bản, có năm trời làm khô hạn, cả bản phải họp nhau lại bàn chuyện cúng cầu mưa.
Câu nói của mẹ gợi bao ký ức của Trưng về cái ngày nó còn bé xíu. Hình như là học mầm non, cả gia đình Trưng sống trên bản xa tít. Nhà rộng, có vườn với đủ loại cây trái, trên nương có ngô lúa, dưới sàn nhà nuôi trâu, gà, chó; trên sàn có mèo. Thoáng cái đã mười năm. Giờ Trưng đã là thiếu nữ thị thành, đâu còn là cô bé vùng sơn cước như thuở nào. Dù theo bố mẹ về nơi tái định cư nhường đất cho công trình thủy điện lớn của tỉnh, ở nơi phố thị Trưng không quên những kỷ niệm gắn bó thuở thiếu thời trên bản.
Bữa cơm tối vừa xong, cô bé vào phòng riêng, đóng kín cửa ngồi học bài. Dạo này Trưng phải học nhiều hơn để tích lũy kiến thức cho kỳ thi cuối cấp và chuẩn bị kỳ thi vào lớp chuyên Văn của trường Trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn – ngôi trường là niềm tự hào của bao lớp trẻ trên mảnh đất Lai Châu. Nhất định Trưng sẽ thi đỗ, sẽ trưởng thành từ ngôi trường có bề dày lịch sử này. Trưng ấp ủ ước mơ sau này trở thành nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Thái ở Lai Châu. Trưng yêu lắm chiếc áo cóm với hàng cúc bạc làm duyên cho các cô gái Thái, những phong tục tập quán ở quê hương. Cô bé được mẹ truyền cảm hứng tình yêu bản sắc quê hương từ trang phục, cách làm các món ăn. Mùa này Trưng thích nhất món cháo măng, món rau dớn nộm… Bây giờ dù sống ở phố thị mẹ vẫn gìn giữ bản sắc văn hóa đồng bào Thái như nhắc nhở chị em Trưng nhớ về cội nguồn bên dòng sông Đà hùng vĩ.
Trưng hoàn thành bài tập thì đồng hồ đã chỉ hai mươi ba giờ khuya. Trưng nhẹ nhàng mở cửa ra ngoài. Có tiếng kêu nho nhỏ “Ngheo. Ngheo…” Trưng giật mình, hơi chột dạ. Cô bé vốn nhút nhát, sợ bóng đêm. Trưng luôn nhớ lời mẹ dặn: “Là con gái nên chọn đường quang, sáng. Tránh chỗ tối tăm, vắng vẻ”. Dù tiếng kêu không có gì là dữ dằn nhưng vẫn làm cô bé lo lắng. Rón rén bật điện. Ánh sáng từ chiếc bóng đèn huỳnh quang tỏa rạng cả khu vực sau nhà. Trên bậc ta luy dương, Mướp đang ngoạm ngang cổ con mèo con bé xíu. Trưng hấp tấp chạy vào phòng mẹ rối rít:
– Mẹ ơi, ra ngoài xem đi mẹ! Đi cùng con mà!
Mẹ cô bé đang đọc sách. Bà biết tính con gái, không có gì to tát nhưng cô bé vẫn cứ rối rít lên. Cách gọi giục giã của cô bé bà đã quen. Cô bé thấy mẹ mắt vẫn chưa rời trang sách thì tiến sát mẹ, ôm lấy tay mẹ nũng nịu:
– Đi mẹ, ra xem Mướp tha con về này. Nhanh không mèo con ướt hết giờ!
Mẹ vội vã đặt cuốn sách lên bàn:
– Thật không con, đi nào!
Sau nhà Trưng là đồi chè. Hương chè shan tuyết thoảng thoảng trong gió vị thơm mát. Cái sân nhà Trưng thấp hơn đồi chè chừng năm mét. Để lên được đồi cần phải trèo qua các bậc. Ngày nghỉ mẹ vẫn lên đó hái chè. Ngước mắt lên, thấy Mướp đang ngoạm một con mèo con trong miệng, còn ba chú mèo khác vừa khoang vừa màu tro đang đứng run rẩy nhìn xuống phía dưới kêu “ngheo… ngheo…”. Mẹ trèo lên bế các em mèo xuống, xuýt xoa:
– Khổ thân chưa con, lếch thếch trong mưa thế này. Những buổi ráo trời thì không tha con về.
Trưng thắc mắc:
– Không biết Mướp đẻ con ở đâu mẹ nhỉ?
– Trời mưa suốt như thế này thì chỉ có ở trong một cái hang nào đó. Gần nhà mình có một cái hang đá. Nhưng mẹ nghĩ không phải vì mèo luôn chọn chỗ ấm thì ít có khả năng nó sinh nở và nuôi con trong hang đá.
Trưng cuống quýt:
– Bây giờ làm gì hả mẹ?
– Con lấy tạm cái thùng giấy to trong bếp, lót cho mẹ khăn vào cho ấm để mẹ lấy khăn lau người cho mấy mẹ con Mướp.
– Vâng, con làm ngay!
Loáng cái, năm mẹ con mướp đã nằm gọn trong chiếc hộp xinh xắn, ấm áp. Mướp nằm dài cho các con bú, ngoái cổ liếm láp lông cho từng đứa con. Trời vẫn mưa. Mướp nhảy phốc cái ra ngoài, con khoang ngã bổ chửng, tiếc nuối kêu “ngheo, ngheo”. Trưng túm lấy Mướp định thả nó vào thùng với các con. Mẹ ngăn lại:
– Mấy con mèo con này chắc cũng biết ăn rồi, con đi nấu cho chúng nồi cháo ăn cho chắc dạ. Cả dàn nhay vú mẹ thế này thì rát. Mướp có khi cũng đang đói đấy con.
Trưng nhanh nhảu làm luôn. Mấy con mèo con luôn tìm cách leo ra khỏi hộp. Trưng vừa canh nồi cháo, vừa canh đàn mèo. Chúng đùa giỡn, quần nhau chán thì tìm cách trèo ra khỏi hộp. Hễ một con ra được là cả đàn ra theo. Mướp đi loanh quanh đi cạnh các con. Cháo chín, mẹ cho thêm thịt bằm quấy đều rồi múc ra cái đĩa sâu, để vào trước cái quạt điện, quạt cho nhanh nguội.
Cháo nguội. Trưng vừa đặt đĩa cháo xuống đất. Mùi gạo nếp nương thơm lừng hòa cùng với mùi thịt bằm lan tỏa. Mướp tiến về đĩa cháo vừa đi vừa “ngheo… ngheo…” gọi đàn con. Bốn chú mèo đi theo mẹ vây quanh đĩa cháo. Chúng tranh nhau ăn. Mướp nhường cho các con ăn xong nó mới nhỏ nhẹ liếm láp nốt phần cháo còn lại trong đĩa. Cháo hết. Trưng bế các em vào hộp. Mướp liếm mặt từng đứa con của nó. Mấy chú mèo con được ăn no, bắt đầu đùa giỡn. Được một lúc là mệt, chúng lại tranh nhau rúc vào bú mẹ rồi ngủ say sưa.
Mẹ và Trưng vào phòng ngủ mà thấp thỏm không sao chợp mắt. Hai mẹ con rón rén ra thăm mèo. Vừa mở cửa, Trưng thốt lên:
– Mẹ ơi, Mướp lại bỏ đi rồi này! Hay nó để con ở đây cho nhà mình nuôi, nó về nhà nó mẹ nhỉ?
Mẹ dịu dàng:
– Đấy, hôm Mướp mới về nhà mình trông xơ xác, vú dài lõng thõng. Mẹ đã đoán là Mướp mới sinh con. Mà nó khôn thật, cứ chiều chiều, đúng giờ nhà mình nấu cơm là đến và kêu xin ăn. Ăn xong là đi luôn. Hóa ra nó về nhà trông con nhỏ.
Mẹ thủ thỉ:
– Không biết nó đẻ con, nuôi con bấy nhiêu ngày ở đâu? Thương quá! Con xem, tình mẹ bao la, cao cả không chỉ có ở con người mà còn tồn tại cả trong loài vật. Mướp lạc đến đây, biết chỗ này có thể ở lại được nó mới tha con về. Nó cũng biết lo xa cho đàn con của nó.
Ngheo! Lại một tiếng ngheo yếu ớt. Cả hai mẹ con ngước nhìn. Mẹ thảng thốt:
– Ôi trời ơi, tưởng là đi đâu, khổ quá mưa ướt hết cả rồi! Để đấy, mẹ ẵm bé xuống cho, cao thế này cơ mà…!
Vừa nói mẹ vừa trèo lên, mang chú mèo con thứ năm, non nớt xuống khoảng sân bé tý sau nhà. Lại hì hục lau khô cho cả mẹ và con. Lại múc cháo ra cho em bé mới đến ăn. Trưng lo lắng:
– Không biết còn con nào nữa không mẹ nhỉ?
– Con hỏi Mướp đi. Mà thôi, con vào nhà ngủ đi kẻo mệt sáng mai còn đi học mẹ thức canh đàn mèo con cho Mướp yên tâm ngủ.
– Vâng, nhưng mẹ không được tắt điện, không được đi ngủ đâu nhé! Mẹ canh nó cho con!
Dù chưa muốn chia tay mẹ con nhà Mướp nhưng Trưng vẫn nghe lời mẹ đi ngủ. Trong giấc ngủ, cô bé mơ đàn mèo đùa giỡn trên sân đầy nắng.
– Ngủ ngoan các con. Giờ các con hãy yên tâm ở đây. Gia đình này sẽ là chủ mới của chúng ta. Ngôi nhà này không giàu sang như nơi mẹ sinh ra các con. Nhưng ở đây các con sẽ được yêu thương. Ăn đúng bữa. Thức ăn lạt đúng sở trường họ mèo nhà ta. Đồ ăn không gia vị. Và quan trọng hơn, các con không bị hai đứa trẻ nhà chủ cũ đuổi bắt hằng ngày. Các con sẽ không bị bắt làm đồ chơi hoặc dụ vào những trò chơi ma quái của thằng bé. Khi nó chơi chán nó thẳng tay ném các con ra sân gạch… Vài ngày nữa các con cứng cáp hơn mẹ sẽ dạy các con tự đỡ mình khi bị ngã để tránh bị tổn thương. Đó là những kỹ năng rất cần thiết cho cuộc sống mà tổ tông truyền lại cho chúng ta.
Ngưng một hơi, Mướp liếm láp khuôn mặt ngây ngô của con mèo bé nhất đàn, rồi kể tiếp:
– Các anh chị thương út nhé! Út sinh sau nhất, bé hơn các anh chị về trọng lượng. Út yếu nhất nhà nhưng ngoan và hiền. Các anh chị đừng cậy khỏe hơn mà giành ăn và bắt nạt út. Mẹ thấy cảnh ấy, mẹ không vui đâu. Được cho ăn thì nhớ nhường chỗ cho em đừng chen và đẩy em ra. Tội út lắm. Út cũng phải ráng ăn nhiều hơn cho mạnh khỏe như các anh chị. Có sức khỏe tốt, út bắt chuột cho cô chủ nhé! Để bọn chuột phá phách nhà cửa mang tiếng họ nhà ta!
Mấy chú mèo con vừa ngủ vừa “ngheo” như đáp lời mẹ của chúng. Mướp liếm mặt cho Khoang, liếm mấy sợi râu dài cong vút của Khoang ngậm ngùi kể:
– Trước kia, râu mẹ cũng dài và cong như thế này. Mẹ cũng xinh đẹp. Mắt sáng quoắc, trong đêm tối tăm bao nhiêu mẹ vẫn nhìn ra bọn chuột và bắt trúng đích. Nhưng từ bữa mang bầu các con, mẹ không thể chạy nhanh được và thằng bé kia gọi mẹ về ăn sáng. Mẹ chưa kịp ăn được miếng cơm nào thì thằng bé túm lấy mẹ. Cắt phéng những sợi râu của mẹ nên giờ nhìn mẹ mới nham nhở thế này. Mẹ giãy giụa, cào vào tay thằng bé. Bàn tay trắng muốt, béo tròn của nó rớm máu. Nó lấy cái bút chọc thẳng vào mắt trái rồi quẳng mẹ vào nhà kho. Nó lên nhà, vào phòng mẹ nó vừa khóc vừa lấy tay giật tóc mẹ nó bắt đền vết xước.
Kể đến đây, Mướp thấy mắt nó cay xè. Hai giọt nước mắt trào ra từ khóe mi. Mướp nhìn các con và tiếp:
– Các con nhìn nhau xem. Mắt các con tròn vo, trong vắt. Bây giờ nếu bà chủ mới của chúng ta không ngồi đây canh cho chúng ta ngủ mà bà tắt điện đi ngủ thì các con vẫn nhìn thấy mẹ, các con vẫn nhìn thấy những sợi lông bé xíu của nhau và nhìn thấy cả những đồ vật ở xa. Các con lại nhìn mẹ xem. Mắt của mẹ bây giờ một bên to một bên bé không đều và đẹp như mắt các con. Đấy là kết quả cái bữa mẹ bị thằng bé kia chọc bút vào mắt. Mẹ đau tưởng chết đi được. Họ còn bỏ mẹ đói cả tuần. Mẹ lang thang khắp nơi tìm ăn. Mẹ đến đây. Những bước chân nhẹ như nhung của mẹ trên bờ tường kia tưởng không ai biết đến. Đêm khuya, mẹ xuống bới rác tìm đồ ăn thừa. Cô chủ nhìn thấy mẹ, gọi mẹ bằng giọng ngọt ngào: “Meo! Meo!”. Cô lấy cơm cá, bỏ vào cái đĩa rồi nấp vào trong nhà để mẹ an tâm ăn. Từ đó, ngày hai lần mẹ lui tới đây. Lúc đầu mẹ ăn rất rụt rè, lo rằng người ta nấp đâu đó để vồ mình hoặc có thể người ta nuôi béo mình để đãi khách! Ở nhà cũ, ba của các con đã kể chuyện “Bữa cơm tiểu hổ” cho mẹ nghe. Ông nói, ông đã thấy vài người bạn của mình bị đem đi làm thịt. Thương rớt nước mắt mà không có cách nào cứu được bạn. Rồi một đêm, ba con cùng mẹ chạy trên những mái nhà tôn, rượt nhau lên trên quả đồi kia. Đêm ấy trăng sáng lồng lộng. Có một thằng chuột béo mẫm ngồi bên gốc chè. Thằng chuột không cử động. Từ đằng xa, ba các ra hiệu cho mẹ ngồi im để mình ba “xử” thằng chuột béo. Ba nói: “Kia là món quà anh tặng mình. Món quà kỷ niệm cuộc dạo chơi đêm nay, kỷ niệm đêm đầu tiên chúng ta có đàn con”. Ba tiến sát vào cái ống tre to, gần sát thằng chuột. Trong ống tre, một khúc cá nướng thơm phức. Ba nhẹ nhàng chui vào ống… “tách” cái nẫy bật lên tiếng kêu khô khốc. Ba các con lùi chân chui ra khỏi ống nhưng sợi dây trong ống đã thít vào cổ. Ba cố giãy giụa thoát ra khỏi sợi dây nhưng càng giãy sợi dây càng thít chặt hơn! Mẹ nấp ở phía xa quan sát mà sợ run bắn người. Muốn cứu ba mà lực bất tòng tâm. Tảng sáng, có người đàn ông mặc quần ống rộng thùng thình, ông ta tiến thẳng đến cái ống tre, khuôn mặt rạng rỡ. Ông ta đưa ba con đi xuống quán tiểu hổ dưới phố.
Kể đến đây, nước mắt Mướp chảy tràn, ướt đầm khuôn mặt chứa chất những khổ đau. Mấy chú mèo con rửa mặt cho mẹ như thể an ủi mẹ.
Qua cơn thổn thức. Mướp kể tiếp:
– Buồn, thương nhớ ba của các con một thời gian dài mẹ không đi rình bắt chuột, sống lay lắt bữa đói bữa no trong căn biệt thự gần đây. Thi thoảng lại bị thằng bé rủ bạn đến bắt làm trò chơi. Khi mẹ nhận ra các con đang lớn dần trong bụng, cơ thể mẹ cần nhiều dinh dưỡng để nuôi các con thì mẹ đánh liều đi xa kiếm ăn. Trong những lần đi ấy mẹ đã đi qua nơi này. Mẹ dừng chân trên ta luy kia. Bụng đói, miệng khát. Từ trong bếp tỏa ra mùi cá rán thơm phức. Mẹ kêu theo bản năng: “Meo”. Bà chủ ngước mắt lên. Thấy mẹ bà gọi âu yếm “Meo… Meo”. Rồi bà lấy cơm trộn cá trong cái đĩa nhựa bỏ ra sân. Mẹ đánh liều xuống ăn. Một ngày, hai ngày, ba, bốn, năm, sáu… ngày liền mẹ no bụng ở đây! Hôm nay, trời mưa gió thế này tha các con đi mẹ biết như thế các con sẽ phải chịu ướt, rát nhưng lại là cách duy nhất để các con được an toàn. Nếu trời tạnh ráo, con mèo Anh Vàng nhà đối diện biệt thự không ngủ, nó đi sạo sục rình chuột. Nó to gấp ba lần mẹ. Nó béo tốt, đẹp đẽ, lông mượt. Nó chê mẹ xấu xí, bé nhỏ nên dù là hàng xóm nhưng hễ nhìn thấy mẹ đâu là nó xua đuổi. Có lần nó đuổi kịp mẹ. Nó cào, cắn mẹ như cào cắn quân thù… Mẹ đã vài lần chạy vào nhà này và được cô chủ cứu. Mẹ đã nghĩ nếu mẹ tha các con về đây chẳng may mà gặp nó thì sao có thể trốn thoát. Con đường ngắn nhất, mẹ không dám đi. Còn đường một con đường dài hơn chút nhưng phải vượt qua sân, rồi qua vườn nhà bà Phụng. Bà Phụng nuôi một đàn chó. Chúng rất thính tai, chúng mà thấy bóng dáng mẹ tha các con, tưởng các con là mồi ngon thì thế nào chúng cũng sủa inh ỏi, đuổi theo cướp mồi. Lúc ấy mẹ làm sao bảo vệ được các con. Mẹ đã phải chọn đi con đường xa nhất là vượt qua căn biệt thự, nhảy vào vườn chuối, luồn qua rào sang bên đồi chè nhà bà Phụng rồi mới về đây. Quãng đường xa gấp mấy chục lần đường thẳng, lại gập ghềnh khó đi. Thế mà mẹ đã tha được đủ các con về đây an toàn rồi đấy.
Những chú miu con vừa ngáp, mắt lim dim. Mướp cuộn mình quanh đàn con nhưng đôi tai nó vẫn dỏng lên.
Mưa vẫn rơi trên mái hiên. Trưng tỉnh dậy khi cả nhà mèo đã ngủ say. Trưng đang nghĩ đến việc đặt tên cho mỗi đứa trẻ này như thế nào cho thật đáng yêu. “Con trắng nhiều đen ít thì gọi là Khoang, con trắng ít đen nhiều thì gọi là Nấm, con Xám, con Tro, con Mốc” đang ngẫm nghĩ thì có tiếng mẹ ở phía sau:
– Chúng ta phải đi tìm chủ cũ cho đàn mèo trả về cho họ. Trong vòng một tuần không tìm ra thì coi như chúng tức là mèo hoang. Lúc ấy, mẹ sẽ tìm người cần nuôi để cho bớt chỉ để lại nuôi một con nhỏ. Nhà mình chật, không đủ không gian nuôi cả đàn. Chỉ cần một con, có tiếng mèo kêu, lũ chuột không dám đến ở. Không có mèo, chuột nó phá phách dữ lắm!
– Con muốn nuôi cả đàn cơ!
Bé Thinh vừa tỉnh dậy, nhìn thấy đàn mèo. Bé reo lên:
– Mèo ở đâu ra đấy chị. Ơ, con Mướp mọi ngày vẫn đến nhà mình ăn này! Nhưng sao lại có thêm cả đàn con xinh thế chị? Mướp mới đẻ đêm qua à chị? Ôi, thích quá! Chị cho em con Khoang này em nuôi nhé!
Vẻ ngây thơ của Thinh làm Trưng và mẹ phì cười. Cô bé định giải thích với em về đàn mèo. Về giấc mơ Mướp kể chuyện hành trình đưa các con về đây đêm qua của nó cho em nghe nhưng chợt nhớ ra sắp đến giờ đi học nên cô bé xoa đầu em nựng:
– Em ngoan, học cho giỏi, chị cho em chăm cả đàn luôn!
– Thật nha chị!
– Thật!
Chiều, mưa đã ngưng từ trưa. Nắng lên, đường ngõ khô ráo. Cây cối được tắm gội thường xuyên trở nên sạch đẹp và mát mẻ hơn bao giờ hết. Những đám mây chiều lảng bảng trôi. Ông mặt trời đỏ lựng đang ẩn mình đi tìm giấc ngủ sau ngọn núi phía tây. Mẹ đi làm về với đủ thứ lỉnh kỉnh: lồng xinh, cát hồng, thuốc cho mẹ con Mướp. Mấy ngày liền trời vẫn mưa rả rích. Năm sáu con mèo chỉ loanh quanh trong mấy mét vuông bếp. Trưng không dám mở cửa cho chúng ra ngoài vì sợ chung bị ướt.
Hôm nay chủ nhật, trời nắng từ sớm. Mẹ bảo Thinh mang đồ chơi ra sân cho mẹ con Mướp vờn. Xe tăng, máy xúc ủi, ô tô, hộp xếp hình và cả chú chuột nhựa đồ chơi. Mướp dạy các con lăn lộn, chiến đấu, ẩn nấp… có lúc Mướp vả vào mặt Khoang khiến con này ngã lăn ra sân, nó lập tức vùng dậy ngay vả lại mẹ. Mướp không khoan nhượng giơ tay tát vào má con nhưng lần này Khoang kịp né. Nó thoáng thấy bóng chị Kiến đen đang bò nơi góc sân bèn đuổi theo. Khoang lấy chân giữ chị lại. Hình như Khoang hỏi thăm chị Kiến điều gì đó. Chị này không trả lời, quay cổ cắn vào kẽ ngón chân hồng hồng của Khoang. Cậu ta giật mình nhấc nhân lên. Chị Kiến bỏ chạy chưa được một xăngtimét thì đã bị Khoang nhảy phốc lên dùng hai chân trước giữ lại. Khoang ngửi ngửi chị Kiến, cả người chị toàn mùi mỡ, hình như chị này mới kiếm ăn được gì trong bếp.
Thinh từ trong nhà đi ra, chú bé sợ chị Kiến nổi giận đốt sưng chân Khoang nên nhấc bổng chú này lên tay ôm vào lòng, xoa. Dưới sân, mấy mẹ con Mướp vẫn đang tập trận.
Chiều thứ hai. Mẹ vừa làm về đến nhà, Thinh đứng tẩn ngẩn ngoài cửa. Cậu bé phụng phịu:
– Chủ nhật, mẹ đi chợ phiên mua mèo về cho con nuôi nhé! Con thích được nuôi mèo!
– Mẹ con nhà Mướp là nhiều lắm rồi, mua gì nữa?
– Chủ của Mướp đến bắt về rồi mẹ! Chú sống trong biệt thự kia kìa! Chú đi làm về gặp con bế bé Khoang chơi ở đây. Chú hỏi thăm. Xong chú bảo mèo nhà chú. Chú sai thằng con vào bếp nhà mình đến túm cả đàn về rồi!
Mẹ nhìn theo tay Thinh chỉ, đó là căn biệt thự sang trọng, chỉ cách nhà Thinh khoảng ba chục bước chân. Họ mới chuyển đến đây chưa đầy năm. Gia đình họ ít giao tiếp với hàng xóm. Mẹ thở phào:
– Thế là tốt rồi, nhà chú rộng, điều kiện tốt hơn nhà mình. Mẹ con Mướp về đấy là mẹ an tâm. Mẹ hứa, chủ nhật này mẹ đi mua mèo về cho Thinh chăm nha!
Trưng vừa đi học về đến cổng. Cô bé chào mẹ, đặt vội chiếc cặp sách vào bàn học. Trong bàn tay cô bé có nắm một vật gì đó. Cô bé đi thẳng đến cổng căn biệt thự, bấm chuông. Một hồi sau thằng bé con ra mở cổng. Nó nhìn Trưng như nhìn người xa lạ hỏi:
– Chị cần gì?
– Chị vào nhỏ thuốc và rửa mắt cho đàn mèo. Chúng bị đau mắt, đàn mèo con nào cũng có nhử đấy em! Con mẹ đau nặng nhất.
Trưng xòe bàn tay cho thằng bé nhìn. Trong tay Trưng là lọ thuốc nhỏ mắt Atri Clorid 0,9% và một gói tăm bông mới sạch sẽ. Thằng bé cau mày ra chiều suy nghĩ: “Ủa, mèo nhà tui mà, mắc gì chị lo!”, nhưng rồi nó lại nói:
– Chị đợi em vào hỏi mẹ!
Thằng bé đi qua khoảng sân rộng với những bon sai dáng thế kiêu sa. Tuy là hàng xóm nhưng hôm nay là lần đầu tiên Trưng đứng dưới cái cổng vĩ đại bằng đồng đúc. Đi qua khoảng sân rộng là hiên nhà. Ở đây có một giàn lan với rất nhiều giò lan đủ loại đang ra hoa. Phải đến năm phút sau thằng bé trở ra. Đứng dưới giàn lan, thằng bé nói vọng ra:
– Chị về đi! Mèo nhà em có sao đâu!
Trưng cau mày, định nói gì đó nhưng lại thôi. Cô bé tỉu nghỉu quay về. Có đôi ba chục bước chân mà sao cô thấy nặng nề như đang vượt qua cả một quả núi lớn. Khuôn mặt ngây thơ bỗng trầm tư khác thường. Trưng tự đặt câu hỏi trong lòng rồi tự trả lời: “Họ làm sao thế nhỉ? Chỉ tại mình thương bọn mèo thôi chứ mình có làm gì xấu đâu? Ồ thế ra muốn làm một việc tốt cũng phải đúng lúc đúng chỗ ư?”.
Chủ nhật, mẹ dậy sớm đi chợ. Hai chị em Trưng ở nhà, đi ra đi vào ngóng mẹ. Đúng là mong như mong mẹ đi chợ. Lẽ ra cả Trưng và Thinh đều được đi cùng, mẹ sẽ đãi hai chị em món phở dân. Trưng thích ăn món này ở chợ. Thích ngồi ngắm những cô hàng phở dùng kéo cách bánh phở. Tiếng lách cách đều đều của hai lưỡi kéo va vào nhau nghe vui tai. Tiếng lách cách nhanh mà không vội, đều đều mỗi phiên, từ lúc dọn hàng đến khi chợ hết người. Hàng chục quán, hàng chục người đàn bà ngồi cắt bánh phở như thế. Tiếng lách cách ấy chỉ có ở chợ quê nhà Trưng. Đi các chợ phố khác không thể tìm đâu ra tiếng lách cách vui tai tạo ra những sợi phở mềm dẻo thơm ngon, thêm chút nước dùng, ít rau ghém, vài miếng thịt ngựa thái mỏng càng làm cho mùi phở khó cưỡng, vị phở khó quên. Sáng nay chỉ tại trời mưa rào, cơn mưa rừng ào ạt kéo đến làm nhỡ một chuyến đi chơi chợ ăn phở cùng mẹ của chị em Trưng.
– Mẹ về rồi! A! Mẹ đã về này chị Trưng ơi!
Thằng Thinh reo vang. Nó chạy ào ra với cái làn trên xe mẹ. Bốn con mắt xanh lè thò ra nhìn nó.
– Mèo này chị Trưng ơi! Ô, con Khoang, con Nấm, con Tro, con Sám, cả con Mốc này! Nhưng Mốc và Xám yếu quá, mẹ ơi!
Hai chị em xoắn xuýt quanh đàn mèo mà quên cả dọn đồ vào nhà cho mẹ. Khoang và Nấm dường như chưa quên Trưng và Thinh. Vừa được thả ra, hai chú mèo chạy thẳng vào nhà nằm trên chiếc chiếu hoa được gấp gọn để dưới kệ ti vi. Đó là thế giới về đêm của chúng nó trong mấy ngày ngắn ngủi mà vui thích trước đây. Từ trong cái thế giới đêm êm đềm và kín đáo ấy, mẹ con nó có thể quan sát khắp chung quanh nhà. Bất kể con chuột hay gián nào chỉ cần thập thò ở một góc khuất nào đó, mẹ con nhà Mướp cũng có thể nhìn thấy rồi bắt luôn!
Mẹ nhắc nhở hai chị em:
– Con để yên cho các em nằm nghỉ, hai em đang mệt và còn sợ nữa đấy. Thinh dọn đồ, Trưng chuẩn bị nấu cơm trưa cùng mẹ!
Thinh thắc mắc:
– Hay thế mẹ, sao mẹ mua được đàn mèo. Nhà chú ấy mang ra chợ bán à?
– Không, một người dân đem bán. Mẹ cũng chỉ biết vậy thôi. Mẹ chỉ định mua một con nhưng thấy Mốc và Xám yếu quá nên mẹ mua cả đàn. Từ nay chúng ta chính thức là chủ mới của đàn mèo! Hai con chăm sóc các em chu đáo nhé!
Trưng và Thịnh đồng thanh: “Vâng ạ!” rồi cả hai chị em đi làm việc mẹ phân công. Vừa làm chúng vừa canh chừng anh em Khoang. Chúng hy vọng trong một hai tuần tới Mốc và Xám hồi phục sức khỏe như các anh chị nó. Cả đàn mèo vui vẻ quây quần bên nhau trong ngôi nhà bé nhỏ của Trưng và Thinh. Hai chị em dự định sẽ dành tiền mua cho anh em mèo những con chuột nhựa, cái balo, túi ngủ xinh xinh. Ngày chủ nhật nắng ráo, chị em Trưng đưa anh chị em mèo lên đồi chè chơi, tập bắt những con chuột nhựa. Một niềm vui mới trào dâng trong tâm hồn ngây thơ của hai chị em Trưng và Thinh.

THANH TÁM


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.