“Choi lảu, choi khảu” – Một tục lệ đẹp của dân tộc Thái

Đi tới các bản làng của miền núi Tây Bắc, chúng ta sẽ gặp hình ảnh bà con người Thái tay xách túi gạo, chai rượu trên đường. Hình ảnh đó, gắn liền với một phong tục đẹp của tộc người Thái là tục “Choi khảu, choi lảu” (giúp gạo, giúp rượu).

Phong tục này xuất phát từ tập quán sinh sống của đồng bào là lối sống quần cư, tính cộng đồng chặt chẽ, tình láng giềng kết chặt. Tục ngữ Thái có câu: “Pi nọng đắc cày báu to po tay chằm xảư” (Anh em ở xa không bằng người láng giềng gần gũi) hoặc “Pi nọng chếp ó, báu to pi nọng ló hươn chằm” (Anh em ruột thịt, không bằng anh em chung rãnh giọt hiên). Vậy nên, khi một nhà trong bản có công to việc lớn thì mỗi nhà sẽ cử ít nhất một người tới giúp những công việc như: làm nhà, cưới xin, ma chay, lễ lạt… Việc cắt cử các tổ, nhóm luân phiên giúp đỡ nhau giữa các hộ gia đình trong thôn bản đã được quy định cụ thể trong tục bản, luật mường. Nhưng, có những luật tục bất thành văn nhưng vẫn được bà con gìn giữ, duy trì, chẳng hạn như tục góp rượu, gạo, củi đun…

Trước đây, cuộc sống túng thiếu, đói ăn mùa giáp hạt là chuyện thường niên. Khi một hộ trong bản có công to, việc lớn thì việc giúp nhau gạo, rượu là vô cùng thiết thực. Ngày nay, đời sống bà con được nâng cao, lúa gạo mọi nhà đều dư đủ nhưng người Thái vẫn duy trì tục lệ “Choi khảu, choi lảu”. Người Thái luôn quan niệm: “Ngân căm năng tảư, khảu nặm năng nưa” (Tiền bạc ngồi dưới, lúa gạo ngồi trên), hoặc “Ngơn xíp báu pền ào, ngơn xao báu pền pi nọng”  (Mười tiền chẳng thể thành chú bác/ Hai mươi tiền chẳng thể thành anh em). Trong cuộc sống, tình nghĩa luôn đặt lên hàng đầu, tiền bạc chỉ là thứ yếu. Vậy nên, việc đồng bào ta vẫn giúp nhau gạo, rượu, muối, thậm chí cả củi đun là điều dễ hiểu. Việc làm này cho thấy, xã hội hiện đại cũng không thể làm mất đi những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc…

Quả đúng vậy, khi giá trị văn hoá đã trở thành hồn cốt của dân tộc thì dù cuộc sống có đổi thay, xã hội có xoay vần thì nó vẫn trường tồn mãi mãi. Tục “Choi khảu, choi lảu” là một minh chứng.

Phong tục này được đồng bào dân tộc Thái vận dụng trong những trường hợp sau:

Trường hợp thứ nhất, khi làm nhà

Làm nhà là việc lớn trong đời, trong suốt quá trình chuẩn bị vật liệu để đủ dựng một ngôi nhà sàn truyền thống người ta phải mất vài ba năm đến năm năm, thậm chí chục năm trời. Những công việc nặng nhọc như chuyển cột gỗ từ rừng về nhà, khi dựng nhà hoặc dỡ nhà… thì rất cần nhiều nhân lực, lúc ấy người ta phải “van pi, van nọng” (nhờ anh em giúp đỡ). Ngày xưa cuộc sống còn khó khăn cho nên khi đi giúp, người ta sẽ gói xôi từ nhà (có khi cầm theo đôi đũa, chiếc thìa, bát ăn đi theo). Gia chủ chỉ phải chuẩn bị thức ăn cho người tới giúp. Việc làm này thể hiện tính nhân văn, tình đoàn kết, sự sẻ chia lẫn nhau khi thóc gạo luôn là mối bận tâm, lo lắng của hầu hết mọi nhà. Ngày lên nhà mới (mừng nhà mới), gia chủ mời anh em, họ hàng, làng bản đến chung vui. Lúc này, không ai bảo ai, khi đến, người ta sẽ đem theo gạo, rượu tới (choi khảu, choi lảu).

Trường hợp thứ hai là khi nhà có người chết

Nếu dân tộc Kinh đi viếng người chết bằng hương nhang và tiền mặt, thì dân tộc Thái lại viếng người chết bằng gạo, rượu(1) (ngày nay có kèm theo tiền). Ngày tổ chức chính thức “mự dệt heo” (ngày làm ma), họ hàng, người thân, dân bản sẽ đem gạo, rượu, củi đun đến. Tuỳ vào mối quan hệ với người chết mà số lượng gạo, rượu đem viếng sẽ khác nhau. Nếu là anh em, con cháu trong nhà, họ hàng “huôm đẳm(2) sẽ gồm cả thóc, gạo, rượu (thóc một gánh, gạo nửa bao, rượu một can… tuỳ thuộc vào điều kiện). Còn dân bản thì mỗi hộ sẽ đem viếng: gạo ba bát, rượu một chai, tiền mặt từ 20.000 đồng đến 50.000 đồng (hoặc nhiều hơn) kèm theo một bó củi. Khi đến nhà đám, củi để dưới sàn. Gạo, rượu đem lên nhà chỗ gần quan tài người chết để “giao nộp”. Đại diện gia đình nhận và cảm ơn, đồng thời “báo cáo” với người chết rằng: “Có ông A (bà B hay cô C,…) mang gạo, rượu, tiền đến viếng,… hãy phù hộ để ông (bà, cô, chú…) ấy mạnh khoẻ, gia đình bình an…”. Gần đến giờ đưa ma, thầy mo đứng phía cuối quan tài, giao nộp toàn bộ “của cải” cho người chết, trong đó có cả thóc, gạo mà anh em, họ hàng, dân bản mang đến. Người Thái quan niệm: sống ở Mường Lum (hạ giới) như thế nào thì lên Mường Phạ (mường trời) cũng thế. Với quan niệm đó, thóc, gạo, rượu có ý nghĩa như sau: rượu đem ra nhà mồ để mời “hàng xóm” mới(3), gạo đem ăn dọc đường và đón tổ tiên, thóc thì đem theo làm giống để trồng trọt trên Mường trời. Có thể nói, một đám ma của người Thái có rất nhiều thủ tục và khá tốn kém. Nhưng số thóc, gạo, rượu, củi đun,… do anh em, họ hàng, dân làng đến viếng cũng đỡ được phần nào cho gia chủ.

Trường hợp thứ ba, khi làm “xên, phún, panh khuăn” (gọi chung là cúng bái)

Giống như nhiều dân tộc anh em khác, dân tộc Thái cũng có đời sống tâm linh khá phong phú, như quan niệm về vũ trụ, quan niệm về thần linh, hồn vía, ma quỷ… Cho nên khi ốm đau, bệnh tật mà chữa trị mãi không khỏi, người ta thường tìm đến thế giới tâm linh bằng cách đem áo của người bệnh tới gặp thầy Mo để “dượng xửa” (bói áo). Theo lời phán của thầy Mo, người ta tin rằng “chảu xửa” (chủ nhân của chiếc áo) đã phạm phải một điều kiêng kị nào đó, hoặc hồn vía của họ đi lạc không về, người nhà sẽ phải làm lễ giải theo yêu cầu của thầy Mo (hoặc ông Then). Việc làm lễ khá tốn kém(4).Vậy nên, khi “xên, phún” hoặc “panh khuăn” anh em họ hàng, láng giềng sẽ đem gạo, rượu (ngày nay có kèm theo cả tiền) đến giúp, tục này được gọi là “àu khảu, lảu ma hặp khuăn, tỏn khuăn” (gạo, rượu đến mừng hồn, đón hồn). Theo lời bà Mo, Tòng Thị Loan, Bản Kút, xã Mường Giôn, Quỳnh Nhai, Sơn La nói: “Khảu nặm cặm chàư” (gạo, nước duy trì sự sống). Vậy nên khi hồn “chảu xửa” đã được bà Mo (ông Then) cứu về (gọi về, dẫn về) đông đủ thì trong nhà phải có nhiều thóc gạo…”.

Trường hợp thứ tư, khi sinh nở

Khi người nhà hoặc xóm giềng có người sinh em bé, người ta sẽ đem gạo nếp ngon kèm theo ít tiền mặt tới chúc mừng (trường hợp này chỉ mừng gạo chứ không mừng rượu như ba trường hợp trên). Nếu sinh con trai thì mừng gạo và tiền. Nếu sinh con gái thì ngoài gạo và tiền còn kèm theo vải trắng tự dệt hoặc thổ cẩm. Gạo để người nhà làm cơm Lam(5) bồi bổ cho sản phụ. Tiền có ý nghĩa chúc cho đứa trẻ sau này lớn lên giỏi giang, thành tài. Vải và thổ cẩm có ý chúc cho bé gái sau này lớn lên sẽ “chang phải, chang húk, khềm mày” (giỏi dệt vải, thêu thùa).

Trường hợp thứ năm, khi cưới xin

Trong tục lệ cưới xin của người Thái, nhà gái lo “chương khá” (kỉ vật tặng nhà trai), nhà trai phải lo tiệc rượu, cỗ bàn, đồ sính lễ. Tính từ lễ dạm ngõ (chóm pạư) cho đến khi đón được dâu về nhà (tỏn pạư) nhà trai phải thực hiện nhiều lệ tục rất tốn kém. Phản ánh về điều này, thành ngữ Thái có câu:

“Đảy non ún thồng mòng

Đảy non xòng lốc quai chai quạnh”

(Được ngủ ấm túi rỗng không

Được chung đôi cọc trâu buồn quạnh).

Vậy nên khi đi ăn cỗ, khách mời sẽ sẽ đem giúp nhà trai rượu, gạo (choi lảu, choi khảu). Tuỳ vào vào điều kiện của mỗi người, tùy vào mức độ quan hệ mà số lượng gạo, rượu tới giúp sẽ khác nhau (giống như trường hợp nhà có người chết). Trong cuộc sống của tộc người Thái, dù việc vui hay buồn, dù việc của anh em, dòng họ hay việc của bà con làng bản (mường) người ta luôn lăn xả, sẻ chia, giúp đỡ nhau. Và gạo, rượu luôn là yếu tố hàng đầu, bởi người Thái quan niệm: “Ngơn căm nọi, nả tà nháư” (Bạc vàng bé, mặt mũi to). Tiền bạc cũng quan trọng nhưng chỉ đặt sau cùng. Tình cảm, đạo lý mới là điều đáng quý và luôn được đề cao. Phải chăng vì đạo lí đó mà tục “Choi khảu, choi lảu,…” vẫn được người Thái ở khắp mọi nơi duy trì và gìn giữ(6)? Tuy rằng, hiện nay có một số ít người Thái do ảnh hưởng lối sống hiện đại mà người ta đi phong bì thay cho “khảu, lảu,…” (gạo, rượu…) nhưng số này không nhiều.

Hiện nay, các thôn bản đều có mô hình Tổ liên gia tự quản, tổ chức này đã và đang phát huy tính tích cực của mình, song cũng cần tăng cường hơn nữa trong việc áp dụng các phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc trong cưới xin, ma chay, lễ lạt…. Bên cạnh đó, bản thân mỗi người Thái cần nâng cao ý thức học hỏi, tìm hiểu văn hoá của dân tộc mình cũng như văn hoá các dân tộc anh em. Có như vậy mới góp phần tô điểm, gìn giữ bức tranh văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

 

(1) Trường hợp này, ngoài gạo, rượu ra còn kèm theo một bó củi để gia đình đun nấu, một số nơi  có thêm gói muối trắng.

(2) Huôm đẳm: Chỉ những người cùng họ tộc trong phạm vi 3 đời với nhau (đàn ông, con trai).

(3) Ý chỉ các mộ xung quanh, nơi rừng thiêng (rừng ma).

(4) Tuỳ theo lời phán của thầy mo mà người nhà phải chuẩn bị lễ gồm: gà, vịt, lợn, dê (số lượng  tuỳ thuộc vào loại lễ sẽ làm. Về mặt khoa học thì đây là một hủ tục cần phê phán và loại bỏ, nhưng xét theo khoa học tâm lý thì đây là liệu pháp chữa bệnh ám thị khá hữu hiệu).

(5) Gạo nếp cho vào ống tre, nứa, hóp, vầu,… tươi, đổ nước vào ngâm khoảng 30 – 60 phút thì lấy lá rong (lá chuối) nút miệng ống lại đặt rồi lên bếp củi đốt, xoay liên tục cho gạo bên trong chín. Ngày nay, cơm lam là đặc sản không chỉ của dân tộc Thái mà của đồng bào dân tộc thiểu số nói chung.

(6) Ở đâu có người Thái sống thành bản, thành mường đều vẫn giữ phong tục này. Theo ông Lò Văn Bun (Uỷ ban Dân tộc, Học viện dân tộc Việt Nam) thì người Thái ở Thái Lan cũng có phong tục “Choi khảu, choi lảu” .

HOÀNG  THỊ  BẮC

 


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.