Chị hai

Tôi luôn nghĩ tôi là đứa trẻ may mắn vì được sinh ra và lớn lên dưới sự bảo vệ của chị hai, anh ba và có đứa em út để bắt nạt. Tôi cảm tạ ông trời vì đã cho tôi sinh ra trong một gia đình đông vui và nhiều nghĩa tình.

Mở điện thoại ra thấy dòng tin nhắn của chị trong nhóm zalo mà thành viên là các anh chị em trong nhà: “Cuối tháng này chị đưa mẹ về ăn giỗ bà ngoại dưới quê rồi tiện đưa mẹ đi chơi một vòng ở Hà Nội. Ai sắp xếp được công việc và thời gian thì đi cùng luôn. Mẹ khổ nhiều rồi, giúp mẹ một chuyến dối già…”. Thế là chị hai, chị dâu, tôi và ba đứa cháu cùng nhau đưa mẹ đi về quê đợt đó. Giữa cái nắng oi nồng của trời Hà Nội tháng sáu, cả nhà cùng nhau đi thăm thú Hà thành và thực hiện ước nguyện của mẹ một lần vào viếng lăng Bác. Giữa dòng người xếp hàng dài dằng dặc, mẹ tôi lê từng bước chân đau nhức vì bệnh xương khớp dưới sự giúp đỡ của hai chị em tôi để mẹ được một lần nhìn thấy vị cha già của dân tộc trong những tiếng nấc nghẹn ngào.

Về tới quê, sau buổi trưa giỗ bà với đầy đủ cháu con, chúng tôi đi thăm gia đình các cậu và từng người họ hàng bên ngoại. Ai cũng khen chị tôi giỏi giang, khéo léo, biết trên dưới và dặn dò chúng tôi phải đối xử tốt với chị của mình. Thực ra, đó là một điều luôn hiển hiện trong tâm trí và trái tim của chúng tôi – những đứa em luôn khiến chị phải muộn phiền lo lắng cho mình. Trên đời này, tôi nghĩ, những người anh cả, chị cả phải hi sinh niềm vui riêng của bản thân và sớm ra đời bươn chải, thay bố mẹ lo lắng cho các em của mình đều đáng được tôn vinh và kính trọng.

Cuộc sống hiện đại, xô bồ và nhiều lúc khiến chúng tôi mệt mỏi và nhiều khi tưởng rằng mình sẽ gục ngã. Những lúc này tôi cảm thấy mình thật hèn nhát và vô dụng. Nhớ về những ngày xưa của chị, những gì tôi đang gặp phải làm sao bằng những gì chị đã trải qua. Chị đã mạnh mẽ vượt qua mọi sự yếu lòng để thành công thì tại sao tôi lại không thể? Nếu lúc này đây tôi đầu hàng số phận thì quả thật tôi là kẻ có tội với đấng sinh thành và cả với sự hi sinh của chị dành cho chúng tôi. Tôi còn nhớ, ngày tôi tốt nghiệp đại học chị vui mừng bao nhiêu thì sau khi biết tôi quyết định không xin việc đi làm đúng ngành nghề thì trong đôi mắt chị nỗi buồn lại sâu thẳm vào bấy nhiêu.

Tôi vốn là đứa ngang ngược từ bé, lại ưa tự do, không thích khuôn khổ gò ép nên tôi nhất quyết bảo vệ ý định của mình. Chị cũng không nói gì, mặc dù mẹ tôi xót xa tiếc cho bao nhiêu năm đèn sách với khẩu hiệu “học hay là chết” của tôi. Chị buồn, chị tiếc, tôi hiểu vì khi tôi ra đời, chị thương mẹ với đồng lương ít ỏi nuôi ba, bốn miệng ăn nên quyết định bỏ học khi vừa học xong kì hai của năm cuối cấp tiểu học. Mặc cho mẹ cầm roi, đánh đuổi chị chạy khắp nông trường chè Tam Đường, mẹ khóc, chị khóc bất lực nhìn ngôi nhà tranh xin ở đậu rách nát. Sau này, dù chị đã có một gia đình êm ấm với kinh tế khá giả, nhưng mỗi lần đi họp lớp thấy bạn bè cũ nay ai cũng đã lên ông nọ, bà kia, trong lòng chị lại khôn nguôi nuối tiếc chuyện xưa.

Ngày tôi còn bé, hồi đầu những năm chín mươi, vào đúng đợt mất mùa, dân tình đói kém, đến những lá sắn mẹ tôi trồng ở bờ rào cũng bị người ta hái mất. Chị dẫn theo anh trai tôi, hai đứa trẻ với quần áo vá chằng vá đụp, bì bõm lang thang cả ngày trên khắp cánh đồng lúa Bình Lư mót những hạt lúa rơi vãi người ta gặt xong còn sót mang về cho mẹ rê lại, nấu cháo ăn qua ngày. Lớn hơn một chút, chị theo bạn bè thồ hàng thực phẩm lên bãi vàng để lấy tiền công là vài chục ngàn đồng phụ giúp mẹ nuôi các em.

Đường đi từ nhà lên bãi vàng xa mấy chục cây số, chủ yếu phải đi bộ theo đường rừng, nhiều chỗ đường đi rất nguy hiểm, dốc dựng đứng và trơn trượt, ngựa thồ hàng lên trước, người đi sau túm lấy đuôi ngựa để leo lên. Chưa hết, nhắc tới bãi vàng ngày ấy, không chỉ có những cơn sốt rét vàng da vàng mắt, mà còn có nhiều tệ nạn xã hội, trộm cướp trên đường lên bãi cũng xảy ra thường xuyên. Không may, trong một chuyến hàng các anh chị bị cướp hết hàng hóa, cũng may còn giữ được tính mạng. Sau đận ấy, chị nghỉ hẳn và ở nhà, ai thuê gì làm đó.

Mẹ tôi nghỉ hưu, chạy chợ với một quán bán phở nhỏ ở góc chợ cũ Bình Lư. Cũng từ đó cơ duyên buôn bán đến với chị, nhờ sự giúp đỡ của bạn bè và chút vốn liếng mẹ cho. Cũng nhờ chịu khó học hỏi, cùng bản tính thẳng thắn thật thà mà chị buôn may bán đắt, kinh tế dần dần khấm khá. Nhắc đến chị tôi, ai cũng  chặc lưỡi “chị mày đanh đá, ghê gớm lắm”. Ngày tôi còn bé, chưa hiểu chuyện, ai nói vậy tôi cũng tin, tôi cũng vừa sợ vừa hơi ghét vì chị hay mắng mỏ tôi. Sau này, khi rời xa vòng tay cha mẹ va chạm với đời rồi tôi mới hiểu, là chị đã dạy dỗ tôi bằng những kinh nghiệm chị đã trải qua. Tôi thà là để người nhà mắng chửi nên người còn hơn để ra xã hội người ta dạy dỗ, tủi nhục và cay đắng biết nhường nào. Thực ra, tuổi thơ của tôi cũng có rất nhiều kỉ niệm nhẹ nhàng, êm thấm với chị.

Đó là vào những buổi tối đoàn văn công tới lưu diễn ở xã. Sau khi ăn cơm xong, chị xách theo hai chiếc ghế mây, tôi nắm ngón tay út của chị lẽo đẽo theo chị một đoạn đường đất dài ra chỗ sân kho lương thực của xã để đắm chìm vào những lời ca cải lương, những tràng pháo tay trầm trồ của mọi người mỗi lần diễn viên xiếc thực hiện những động tác nguy hiểm. Vào những ngày áp tết, quán xá đông khách, tôi thường phụ chị trông hàng. Chị hai dậy từ sớm, rang cơm với chút cá rán còn thừa của bữa tối để mang đi ăn sáng. Hai chị em cứ đi trên đường với ánh trăng mùa đông sáng vằng vặc, không đèn pin, không điện đường, hai cái bóng một cao một thấp dắt díu theo nhau, ra tới chợ hỏi mấy nhà có đồng hồ mới biết mình dậy từ hơn hai giờ sáng. Đến bây giờ, quãng thời gian này vẫn đọng lại trong ký ức của tôi là những thanh âm ồn ào, những tiếng phát sóng mặc cả xì xồ theo tiếng dân tộc Mông, Dao, Thái, Nhắng,… của cả người mua và người bán.

Ai rồi cũng đến lúc trưởng thành, còn với tôi câu nói đó là ai rồi cũng tới lúc phải lấy chồng, lấy vợ, chăm chút cho gia đình của riêng mình. Ngày chị tôi đi lấy chồng, tôi và đứa em trai dắt díu nhau theo chị tới nhà trai. Khi mọi người đã về hết, rạp cưới cũng dỡ bỏ, mọi người phải nhắc khéo bọn tôi mới chịu đưa nhau về theo con đường đồi phía sau nhà anh rể. Nhìn cảnh hai đứa trẻ líu díu dắt nhau về nhà chắc hẳn trong lòng chị cũng buồn lắm. Một thời gian sau, mẹ tôi đau bệnh, sức khỏe yếu hẳn, phải nằm một chỗ. Chị không đành lòng, thêm anh rể cũng thương mẹ, thương chị vì anh cũng sớm chịu cảnh mồ côi bỏ dở học hành lo cho hai em ăn học đặng sau này tương lai xán lạn không vất vả làm thuê làm mướn như anh chị. Thế là, một tay chị lại chèo chống vừa lo cho gia đình nhỏ, vừa lo tiền thuốc thang cho mẹ, và lo cho các em ăn học đến nơi đến chốn.

THÙY TIÊN


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.