Trong vẻ đẹp chung của con người Việt Nam những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, một hình tượng sáng ngời trong nền văn học cách mạng và in sâu vào tâm khảm bao thế hệ người Việt Nam là hình tượng người lính – những con người mà nhân dân vẫn trân trọng gọi là anh bộ đội Cụ Hồ. Phản ánh hiện thực trong những năm chiến tranh, các nhà thơ trẻ thời kỳ chống Mỹ cứu nước đều có xu hướng tập trung khắc hoạ hình tượng người lính. Bằng chính máu thịt của tâm hồn mình, các nhà thơ trẻ đã dựng lên một cách cụ thể, sinh động bức chân dung tinh thần của cả thế hệ cầm súng – những chàng trai, những cô gái trẻ trung, hồn nhiên lạc quan yêu đời đã hiến dâng những dòng máu tươi trẻ nhất của mình cho cuộc chiến.
Hình ảnh người lính đã từng được khắc hoạ trong thơ của các nhà thơ lớp trước. Trong thơ của họ, cái đẹp của người lính là cái đẹp về thế hệ đi trước, khí phách hào hùng, thái độ bất khuất, sự hy sinh và trung thành tuyệt đối. Tố Hữu trong nhiều sáng tác luôn ngưỡng mộ, ngợi ca anh giải phóng quân, gọi anh là “con người đẹp nhất”. Con người ấy mang theo dòng máu và cội nguồn dân tộc. Đó là chàng trai làng Gióng, là “Thạch Sanh của thế kỉ hai mươi”; đó là “ chàng trai chân đất” với “vành mũ tai bèo”, “tung hoành ngang dọc”. Chính Hữu cũng ca ngợi cái chết bất tử của anh giải phóng quân: “Anh đứng đây như người xưa đứng gác/ Hùng vĩ, tự hào, nghe gọi điểm danh”. Anh đã chết nhưng vẫn có mặt ở tư thế làm nhiệm vụ…
Những bài thơ của các nhà thơ lớp trước viết về người Lính trẻ cầm súng cũng đã gây nhiều xúc động trong lòng người đọc. Nhưng phải đến các nhà thơ trẻ thì bức chân dung tinh thần của thế hệ trẻ cầm súng mới thực sự hoàn hảo. Họ là anh bộ đội, là cô gái thanh niên xung phong, là những chiến sĩ lái xe… ở khắp các chiến trường đánh Mỹ và có thể gọi họ bằng một cái tên chung: Người Lính.
Người Lính – đó là những con người tồn tại trong vô vàn các mối quan hệ và các bình diện: tập thể – cá nhân, lí tưởng – hiện thực, tiền tuyến – hậu phương, sống – chết, được – mất, cho – nhận, vì mình – vì người, lí tưởng chung – số phận riêng, đội ngũ – cá nhân… Nhà thơ là người trực tiếp cầm súng: “chúng tôi làm thơ ghi lấy cuộc đời mình” (Hữu Thỉnh) và mỗi câu thơ cũng rút ra từ cuộc đời người lính: “Mỗi câu thơ như sợi tơ dài/ Rút ra từ tháng ngày bom đạn/ Có thể là lời ca trên môi bạn/ Có thể là ngọn lửa ở tay tôi”(Trường ca sư đoàn – Nguyễn Đức Mậu). Người lính trong thơ trẻ “vừa là nhân vật trữ tình thắm thiết vừa mang sắc thái tự biểu hiện gần gũi”(1).
Người Lính xuất hiện trong thơ trẻ không phải chỉ là con người có lí tưởng, có hành động cao đẹp mà là con người với tất cả sự phong phú, sâu sắc của đời sống tâm hồn.
Người Lính bước vào cuộc chiến đấu khi còn rất trẻ. Họ lên đường đánh giặc rất đàng hoàng, tự tin,đầy khí thế “quyết chiến, quyết thắng”. Họ không phải đắn đo lựa chọn “Bâng khuâng đứng giữa hai dòng nước – Chọn một dòng hay để nước trôi” (Tố Hữu) như người thanh niên trước đây tìm đến cách mạng. Họ không có tâm trạng “Người ra đi đầu không ngoảnh lại” (Nguyễn Đình Thi). Ngay từ đầu, họ đã nhận thức được trách nhiệm nặng nề của dân tộc ta, của thế hệ trẻ đối với nhân loại trong cuộc chiến đấu này: “Bởi vì Việt Nam hôm nay/ Là Việt Nam chống Mỹ/ Chúng tôi gánh trên vai hành trang nặng nề của thế kỉ/ Để bạn bình tâm bước vào ngưỡng cửa tự do” – (Mặt đường khát vọng – Nguyễn Khoa Điềm). Đồng thời họ cũng nhận thức được trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với lịch sử, dân tộc: “… Dân tộc dám hy sinh cả một thế kỷ tròn để làm nên chiến thắng – Thì không lứa tuổi nào được một phút chùn chân” – (Từ chiến trường viết lại cho con – Bằng Việt). Là những người con của một đất nước yêu hoà bình, họ hiểu rằng kẻ thù đã buộc ta phải cầm súng: “Cũng không có viên đạn từ ngực ta bay đi – Nếu không có viên đạn kẻ thù nhằm ngực ta bay đến” – (Khẩu súng trên tay tôi – Nguyễn Duy).
Nhận thức được sâu sắc về mục đích của cuộc chiến đấu, về trách nhiệm của tuổi trẻ, họ đã tự khẳng định mình, khẳng định sự lựa chọn của mình: “Người ta không thể chọn để được sinh ra/ Nhưng chúng tôi đã chọn cánh rừng phút giây năm tháng ấy” -(Những người đi tới biển – Thanh Thảo). Không cao giọng, lên gân, hô khẩu hiệu, họ thể hiện quyết tâm của mình sẵn sàng vượt mọi khó khăn gian khổ, hy sinh để gìn giữ Tổ quốc, giải phóng miền Nam như một lời tâm sự: “Chúng tôi đi không tiếc cuộc đời mình/ Nhưng tuổi hai mươi làm sao không tiếc/ Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc” – (Những người đi tới biển – Thanh Thảo).
Cả một thế hệ đã nhận ra tình yêu Tổ quốc không phải bằng những lời nói suông, mà bằng hành động. Chiến trường với những cuộc đụng độ quyết liệt với kẻ thù hung bạo, những khó khăn gian khổ tưởng chừng không thể vượt qua là nơi thử thách, nơi thử lửa “chất người”: “Nơi cao nhất thử lòng ta yêu Tổ 1uốc/ Thử lòng ta chung thuỷ vô tư/
Nơi vỡ vụn dưới chân ta những mảnh đêm hèn nhát/ Những gương mặt ngẩng lên lấp lánh chất Người” – (Thanh Thảo).
Những trang thơ trẻ đã ghi lại một cách sinh động hình ảnh những người Lính ở chiến trường với những tình huống và hành động cụ thể. Để “nhận cái chết cho đồng đội sống”, người lính đã dũng cảm lấy thân mình chặn lỗ châu mai: “Ngực chặn lỗ châu mai Hùng đứng thẳng – Đồng đội xông lên nhìn rõ Hùng cười” ( Nấm mộ và cây trầm – Nguyễn Đức Mậu). Một hành động dũng cảm của Phan Đình Giót trong cuộc kháng chiến chống Pháp năm xưa! Xác định được mục đích của cuộc chiến đấu là để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, để ngày mai có cảnh: “Anh dắt tay em trời chi chít sao giăng – Thắp đèn ta sẽ chơi trăng ngoài thềm” người lính mới có được cái tư thế: “Ung dung buồng lái ta ngồi – Nhìn đất nhìn trời, nhìn thẳng” và mới có hành động dũng cảm bật đèn lên ngay giữa trận, hút địch về phía mình: “Ta bật đèn ô tô trong chớp lòe ánh đạn/ Rồi tắt đèn quay xe/ Đánh lạc hướng giặc rồi ta lại lái xe đi” – (Lửa đèn – Phạm Tiến Duật). Một cô gái thanh niên xung phong để cứu “Con đường đêm ấy khỏi bị thương” đã dũng cảm “Đánh lạc hướng thù hứng lây luồng bom” – (Khoảng trời và hố bom – Lâm Thị Mỹ Dạ).
Đó là hành động của những con người luôn suy nghĩ và cảm thụ thực tại của mình trong những tình cảm lớn của Tổ quốc, nhân đân. Những người lính với những hành động dũng cảm như vậy xuất hiện nhiều trong thơ của các nhà thơ trẻ ở giai đoạn đầu và giai đoạn giữa của cuộc chiến tranh.
Ở giai đoạn sau, khi có một khoảng cách thời gian cho phép những nhân vật trữ tình có thể sống lại những khía cạnh khác của con người trong chiến tranh, họ đã “biểu hiện nó trong sự đầy đặn của thực tại”(2).
Vẫn là những con người với những tình cảm lớn trong thơ của Hữu Thỉnh, Thanh Thảo, Trần Mạnh Hảo… khỏi không có những trăn trở trĩu nặng tâm tư. Họ đi tới chiến thắng trong sự xao động và thử thách thực tế thường xuyên của toàn nhân cách. Người lính trong Đường tới thành phố của Hữu Thỉnh khi bò lên “giành lại gốc sim cằn” trước họng súng quân thù, anh bỗng nghe “tiếng mẹ ru ta cuối bãi đầu nghềnh”, trong tâm tư anh chợt hiện lên hình ảnh “mẹ đi gánh than mẹ thường gánh vã” và hình ảnh “em xa cách em là vùng che chở”. Anh biết mình có thể hy sinh “bất cứ lúc nào” để lại người mẹ già và người vợ còn rất trẻ. Nhưng trước mắt anh là Tổ quốc và anh đã “ôm súng bò lên với trái tim tình nguyện”. Đây là bức chân dung của người lính trên chiến trường trong tình huống hành động cụ thể. Có ung dung thanh thản, có trăn trở nghĩ suy nhưng cuối cùng họ đều đi đến quyết định hy sinh cho Tổ quốc, nhân dân. Qua đó, người đọc đã phần nào hiểu được chiều sâu và sự phong phú của đời sống nội tâm của những người lính với những hành động dũng cảm ấy.
Người Lính với đời sống nội tâm phong phú được in đậm trong các trang thơ của các nhà thơ trẻ. Điều đó đã làm cho bức chân dung người lính hoàn hảo hơn. Đi vào cuộc chiến đấu với tất cả tính chất chủ động tự tin của những người có lý tưởng cao đẹp, có sức mạnh và tiềm lực nên tâm hồn người lính có những nét thanh thản hồn nhiên, vui tươi. Hình ảnh người chiến sĩ lái xe trong thơ Phạm Tiến Duật có cái vẻ ngang tàng, tươi tắn và yêu đời: “Không có kính ừ thì có bụi/ Bụi phun tóc trắng như người già/ Chưa cần rửa phì phèo châm điếu thuốc/ Nhìn nhau mặt lấm cười như ha ha” (Bài thơ về tiểu đội xe không kính). Những câu thơ lạc quan yêu đời như thách thức với mọi khó khăn. Một cô bộ đội trong thơ anh cũng rất đẹp trong vẻ yêu đời, trẻ trung, đạn bom dù ác liệt không thể làm đảo lộn nếp sống hàng ngày rất con gái của cô: “Em là cô bộ đội lái xe/ Giặc nhằm bắn bốn bề lửa cháy/ Cái buồng lái là buồng con gái/ Vẫn cánh hoa mềm mại cài ngang” – (Niềm tin có thật). Những người lính trẻ đến với chiến trường có mang theo bao kỷ niệm của tuổi thơ và những ngày đi học ở trường: “Dẫu hòn bi lăn hết vòng tuổi nhỏ/ Trong những ba lô kia ai dám bảo là không có/ Một hai ba giọng hát chú ve kim?” – (Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu – Hoàng Nhuận Cầm).
Giữa chiến tranh gian khổ, khi cái chết kề bên, những người Lính gắn bó yêu thương nhau hơn bao giờ hết. Đó là tình yêu thương giữa con người cùng chung lý tưởng. Họ biết nhường thuận lợi cho bạn, giành khó khăn về mình. Nguyễn Đức Mậu đã tâm sự: “Trong chiến đấu một điều đơn giản nhất/ Mỗi con người đều biết sống thương nhau/ Đều muốn thành công sự chở che nhau”. Một anh công binh làm đường biết anh lái xe hay bật đèn ngầm đã ý tứ cắm biển thấp hơn để bạn dễ nhận thấy. Một anh trinh sát tự nguyện nếm thử các loại rau rừng để tìm ra thứ rau ăn cho đồng đội: “Rau trinh sát ăn rồi nhớ lâu/ Thêm hiểu tình rừng hai lần kháng chiến/ Thêm hiểu những ngày áo xanh cầm súng/ Dấu chân in khắp nẻo rừng già”. Tình đồng đội đẹp đẽ, cao thượng được Thanh Thảo nhắc nhiều đến trong các trang thơ, trường ca. Đồng đội luôn ở bên anh trong những lúc gian nan. Anh đã cảm nhận sâu sắc sự tồn tại của mình không phải vì một lí tưởng xa xôi nào đó mà chính là vì nhờ có đồng đội: “Tôi đi giữa bàn tay hơi thở bạn đường/ Không phải bó đuốc một trái tim riêng lẻ/ Dắt ta qua rừng đêm…” – (Những người đi tới biển). Tình yêu đất nước như ngọn lửa đã sưởi ấm mỗi chiến sĩ, làm cho họ gắn bó, thương yêu nhau hơn: “Bỗng thấy thương nhau hơn khi vai bạn sát vai mình/ Bẻ củ sắn chia đôi điều giản dị/ Bếp lửa soi một dư vang bền bỉ/ Ôi Trường Sơn đốt lửa mấy năm rồi” – (Bếp lửa rừng – Nguyễn Khoa Điềm).
Trong tấm lòng người Lính có một khoảng rộng nhất, sâu nhất dành cho quê hương – hậu phương lớn. Hậu phương là động lực, là sức mạnh vô tận. Người mẹ là hình ảnh lờn lao nhất, tập trung nhất của quê hương, hậu phương. Thơ trẻ viết nhiều về mẹ, mỗi tác giả có khám phá riêng. Lâm Thị Mỹ Dạ nhớ về mẹ với nỗi lòng biết ơn vô hạn: “Từ buổi ra đi nay con hiểu ra rồi/ Qua giá buốt mới thấy mùa xuân đẹp/ Mẹ đã vỗ cánh cho con thành người lính hôm nay” – (Nghĩ về mẹ). Ở chiến trường xa xôi, Nguyễn Đức Mậu mong muốn có một ngày được sống trong tình thương yêu chăm sóc của mẹ và được giúp đỡ mẹ “Mong về phép được ăn bát cơm mẹ xới/ Giúp mẹ lợp đầy mái cọ che mưa”. Cảm động hơn là những dòng thơ nói về sự hy sinh lớn lao của mẹ, ở đằng sau là hiện thực nghiệt ngã của một đất nước luôn có chiến tranh: “Mẹ nén đau/ Giấu tờ báo tử/ Sáng mai lại tiễn con nhập ngũ/ Bốn nghìn năm đất nước mấy khi yên” – (Đường tới thành phố). Hình ảnh người mẹ cứ trở đi trở lại trong nhiều trang thơ của Hữu Thỉnh. Phải là người từng trải, hiểu biết cuộc đời, yêu thương con người thì mới có khả năng dựng lại những hình ảnh thực đến cốt lõi như vậy. Đối với Thanh Thảo, mẹ là ngọn nguồn của tất cả, là sự vui sướng, là niềm tự hào, là nỗi thương nhớ, là tình yêu, là ánh sáng dõi theo suốt cuộc đời anh Lính trẻ. Trên đường hành quân anh nghĩ đến buổi chia tay giữa hai mẹ con: “Khi con thưa với mẹ/ Mưa bay mờ đồng ta/ Ngày mai con đi/ Khói bếp mẹ con mình chợt ngừng trên mái rạ”.
Có thể nói, trong thơ và trường ca của những cây bút trẻ, những câu thơ thấm thía nhất, xúc động nhất, là những câu thơ về mẹ. Sự thống nhất hài hoà giữa tình yêu đôi lứa đối với tình yêu đất nước đã được Nguyễn Đình Thi và một số nhà thơ khác thể hiện một cách sâu sắc và thấm thía trong những bài thơ thời kỳ chống Pháp. Nhưng đó không phải là cảm hứng chủ đạo của thơ ca thời kỳ này. Chỉ đến thơ thời kỳ chống Mỹ, cảm hứng về tình yêu lứa đôi mới thực sự mãnh liệt. Tình yêu với tất cả sự phong phú, những cung bậc khác nhau đã in đậm trong trang viết của nhiều nhà thơ. Chiến tranh ác liệt không làm mất đi cái thi vị, ngọt ngào, mãnh liệt của tình yêu của người lính trẻ. Cái “hương thầm” trong buổi tiễn đưa người ra trận đã nói được bao điều: “Họ chia tay vẫn chẳng nói điều gì/ Mà hương thầm thơm mãi bước người đi” – (Phan Thị Thanh Nhàn). Buổi chia tay đã thành buổi hẹn hò đối với người Lính Nguyễn Khoa Điềm. Đấy là suy nghĩ của anh: “Anh ngủ lại trên lá rừng và đếm những bom rơi/ Nhưng tình yêu của em làm lòng anh yên tĩnh quá/ Hạnh phúc là sau mỗi chặng đường vất vả/ Lại hiểu em nhiều trong muôn nẻo xa xôi” – (Buổi hẹn hò lớn lao). Trước phút hy sinh, mọi ý nghĩ của người chiến sĩ lái tăng trong thơ Hữu Thỉnh đều tập trung vào “em”: “Em ơi em, anh không sao viết kịp một dòng thư/ Thương nhớ là gì mà anh mang nặng thế/ Buồng lái xe tăng nóng bức thế này/ Em chẳng đến được đâu mở cửa lên vẫn nóng/ Mở cửa lên là vòm trời cao rộng/ Em ở đâu trong thương nhớ của anh” – (Đường tới thành phố – Hữu Thỉnh).Thương nhớ người yêu, nhưng không phải vì thế uỷ mị, yếu mềm. Tình yêu đã tiếp thêm sức mạnh cho người lính để họ chiến đấu với kẻ thù bảo vệ Tổ quốc, trong đó có hạnh phúc cá nhân.
Thơ trẻ đã nói về người lính với những nhận thức đúng đắn, những hành động dũng cảm, với đời sống nôi tâm phong phú. Họ cũng không quên khắc sâu vẻ kiên nghị, chiều sâu nội tâm của người lính. Nhìn những dấu chân trên trảng cỏ trên đường ra chiến trường, những dấu chân của biết bao người đi trước in lên nhau. Thanh Thảo nghĩ về cuộc hành quân đi lên phía trước. Không phải là những chuyến đi nhẹ nhàng mà đầy gian khổ và không một ai nản lòng, chùn bước. Nhìn lại ta thấy, mỗi tác giả có một khám phá riêng về người lính, nhưng tất cả đã dựng lên bức chân dung tinh thần của thế hệ trẻ chống Mỹ khá hoàn hảo. Những con người vượt qua những gian nan vất vả chồng chất của cuộc sống, trên đường hành quân, vượt lên trên sự tàn bạo của kẻ thù để cầm súng đánh giặc, để yêu thương nghĩ suy, trăn trở… Bức tranh ấy không thể có được từ một cái nhìn của người ngoài cuộc , một cảm giác hời hợt, một sự tưởng tượng chủ quan, mà nó được dựng lên bằng máu, mồ hôi, nước mắt của chính những người cầm súng – những con người “dập tắt lửa chiến tranh bằng máu của đời mình” – (Thu Bồn).
Cuộc chiến đấu của dân tộc là cái nền chung để tạo ra cảm xúc và là cái nguồn của những chất liệu chính để tạo dựng nên bài thơ. Cho nên, mỗi nhà thơ trẻ đem lại một cách nhìn, một cách khám phá riêng, một cách đặt vấn đề mang bản sắc của mình mà luôn có ý nghĩa với tất cả mọi người. Đọc thơ của các nhà thơ lính, ta đã “có thể hiểu hơn, sống hơn với thực tại của chiến trường, đời sống của chiến sĩ”(3), đồng thời, ta hiểu được tâm trạng, suy nghĩ của những người cầm súng trong những năm chống Mỹ ác liệt.
Trong số các nhà thơ trẻ, không tránh khỏi tình trạng có nhà thơ ỷ lại vào sự phong phú của hiện thực mà xem nhẹ phần khai thác nội tâm. Trong một số bài thơ, phần miêu tả cảnh vật, sự vật nhiều khi làm át cảm xúc và suy nghĩ của cá nhân. Có nhà thơ vì nghèo vốn sống cụ thể sâu sắc nên thơ ít có những phát hiện mới mẻ độc đáo. Có nhà thơ quá chú ý đến chất suy nghĩ khái quát mà thiếu đi chất tươi mát của tuổi trẻ.
Tuy còn một vài hạn chế, nhưng vẫn có thể khẳng định thơ trẻ thời kỳ chống Mỹ cứu nước đã thể hiện chiều sâu của sự phản ánh với việc thể hiện một cách tài hoa, tinh tế thế giới cảm xúc, tâm trạng đa dạng, phong phú trong tâm hồn những người lính trẻ. Chân dung của người Lính Cụ Hồ với nhận thức sâu sắc, khát vọng lớn lao, lý tưởng cao cả và tình yêu cháy bỏng nổi lên thật đẹp trên phông nền ngổn ngang, bề bộn, bám đầy bụi đất chiến trường và nồng nặc mùi khét lẹt, khốc liệt của đạn bom. Chân dung của một thế hệ “dàn hàng gánh đất nước trên vai” – (Bằng Việt).
HOÀNG KIM NGỌC
(1). Phan Cự Đệ – Hà Minh Đức. Nhà văn Việt Nam (1945 – 1975). Tập 1. NXBĐH&THCN.H.1979.
(2). Nguyễn Xuân Sanh. Những ý kiến ngắn về thơ hiện nay. Tạp chí Văn học. số 1.1997.
(3). Vũ Quần Phương. Đọc thơ của mấy cây bút trẻ quân đội mới xuất hiện gần đây. Tạp chí Văn học. Số 4.1973.
>> Xem thêm: Tạp chí Văn nghệ Lai Châu