Cây sấu trước hiên nhà

Hiền gỡ từng lọn tóc xoăn của mẹ, chưa đầy bốn mươi tuổi mà mẹ Trinh đã hay bảo do máu xấu nên mẹ có nhiều tóc bạc, tóc sâu. Nhớ hồi Hiền còn bé, mẹ hay dọa nếu Hiền bị điểm kém, mẹ sẽ có tóc bạc. Lúc ấy đi học, Hiền luôn chăm chỉ nghe giảng, làm bài, vì chỉ muốn mẹ còn trẻ đẹp mãi. Vừa nghĩ, Hiền vừa tiếp tục nhổ tóc cho mẹ và thốt lên:
– Nhiều tóc sâu quá, mẹ ạ! Cả tóc bạc nữa. Hay là mẹ ra quán nhuộm lại tóc đen đi cho nhanh. Hoặc con mua thuốc về nhuộm cho mẹ nhé!
Trinh chẳng để ý lời con gái nói vì cô còn đang mải đeo đuổi những suy nghĩ khác. Nhìn lên tán cây sấu trước hiên nhà, cô thủng thẳng bảo con gái:
– Tóc xoăn là số khổ. Ngày bà ngoại còn sống vẫn thường nói với mẹ như thế! May là mẹ vẫn còn chưa khổ mấy nhỉ?
Trước quán bánh đa cá rô nhà Trinh có một cây sấu già. Rễ nó đâm sâu vào lòng đất, làm bật cả những viên gạch trong cái ô người ta đã xây vuông vức từ khi cây mới được trồng. Thời gian đã làm cho cái ô gạch trở nên vẹo vọ, cây sấu thì ngày càng xòe tán sừng sững, năm nào cũng cho mùa quả sai trĩu. Đủ quả cho bọn trẻ và những người hàng xóm ở quán Trinh về hái làm nước sấu. Những cốc nước ngọt mát mỗi khi ngủ dậy, trong nhà mỗi người uống một cốc thì tỉnh táo hẳn. Quả sấu tươi thì cất trong ngăn đá tủ lạnh để ăn canh rau muống dầm sấu suốt mùa hè. Trinh tự thấy đời mình cũng như cây sấu cổ thụ này. Thuở nhỏ ở cùng với mẹ, được sống trong cảnh ấm êm nào biết ngoài trời còn nhiều giông bão. Đến khi trưởng thành, phải tự mình bị quăng quật kiếm tiền ngoài cuộc sống vì bố mẹ mất sớm, Trinh cũng tự bật rễ của mình lên, tự xù xì bởi lớp lông nhím bảo vệ mình trước cám dỗ ngoài đời kia để mà hiên ngang sống tốt như mong muốn của mẹ thời còn trẻ.
Ngày bố mất, Trinh mới học cấp hai. Cảm xúc mất mát trong lòng dâng lên. Trong khi mọi người ở bản thầm thì: “Bố nó mất vì sốc thuốc ấy mà”. Trinh vẫn chỉ thấy hai mắt mẹ ráo hoảnh. Xưa kia, mẹ Phấy của Trinh đẹp gái nhất vùng. Biết bao nhiêu chàng trai về dặn bố mẹ tích trữ bạc đủ để hỏi cô gái ấy về làm vợ. Biết bao chàng trai ngẩn ngơ trước đôi má đào của người thiếu nữ lấp lóa sau đôi hoa tai bạc và chiếc khăn vấn đầu màu chàm duyên dáng. Phấy đi chơi mùa xuân, hát giao duyên cùng trai, gái quanh bản và bị thu hút bởi một giọng hát ấm áp từ phía bên kia. Bạn gái nói thầm chàng trai đó tên Pao. Phấy lén nhìn thì thấy dáng hình chàng trai mạnh mẽ, vạm vỡ, nét nam tính khiến lòng cô chộn rộn. Cũng từ đấy, cứ cuối tuần, chẳng hẹn mà Phấy ra chiếc cầu bên suối hát giao duyên cùng chàng trai. Lời hát nói thay tiếng lòng. Tiếng hát giao duyên của chàng trai, cô gái làm dòng suối cũng ngẩn ngơ quên chảy. Cuối góc phiên chợ, cô gái luôn dừng lại giả bộ sửa sang chiếc khăn quấn đầu để đợi chàng trai ấy cưỡi ngựa ra đón. Tin Phấy cưới Pao khiến các chàng trai bản gần, bản xa tắt lịm niềm hy vọng về cô gái đẹp nổi tiếng dạo ấy. Thế mà chỉ vài năm sau khi lấy bố Pao, mẹ Phấy sinh ra anh em Trinh, do quần quật lên nương trồng ngô, làm ruộng bậc thang cấy lúa, nuôi lợn, gà, chăm sóc ông bà nội… mà hai má mẹ sạm đen, ánh mắt trong lay láy cũng không còn sáng rực như trước nữa. Hồi Trinh bé, vẫn nhớ hình ảnh bố chăm chỉ cùng mẹ làm lụng việc nhà, cùng mẹ lên nương rẫy cỏ, giúp mẹ thu lúa. Tuy vất vả nhưng ngày ấy mẹ vẫn đôi khi hát vài câu ngâm nga. Có lúc cùng nấu ăn, giặt giũ, bố mẹ nhìn nhau cười âu yếm. Cho đến khi Trinh học cấp một, chỉ còn thấy bố trong những bữa ăn. Rồi bố đi suốt, lúc về lại chỉ nằm trong gian buồng ngủ tối thui như hũ nút. Những người bạn của bố thường chờ ở góc nhà, nơi mẹ dự trữ củi, rồi họ tụ tập đi đâu không rõ. Mùi chăn, gối quyện với mùi thuốc phiện, mùi người lâu ngày không tắm khăm khẳm khiếm Trinh lợm giọng nên mẹ dọn cho hai mẹ con sang ngủ ở gian phòng trước đây dành để thóc, ngô. Mẹ bảo sang đấy để Trinh ôn bài cho thoải mái. Chẳng bao giờ còn thấy bố mẹ nói chuyện tíu tít nữa. Bố cũng không còn làm giúp mẹ việc gì. Mẹ không còn cất lời hát. Không cả hỏi han nếu bố có đi vài ngày không về. Một lần, Trinh đi học về, bắt gặp cảnh mẹ ôm chiếc bem gỗ, bố cố giằng lại. Hai người giằng co đến khi bố đạp mẹ ngã, ôm chiếc bem chạy đi. Trinh đỡ mẹ dậy, mẹ nức nở: “Trong đó là bạc ngày cưới, ông bà ngoại hồi môn cho mẹ. Là bạc bố đã hỏi cưới mẹ…”. Giọng nói của mẹ nghẹn ngào. Trinh hiểu đó không chỉ là gia tài của gia đình, còn là những kỷ niệm đẹp nhắc nhớ mẹ đến ngày cưới của mẹ và người mình yêu. Thế mà bố nỡ lòng tước đi trong cơn thèm thuốc…
Cho đến ngày bố mất… Dù không nói nhưng trong lòng Trinh luôn cảm giác ghét bỏ người nghiện ma túy. Cảm giác lâu dần trở thành vết sẹo nhói đau trong lòng cô.
***
Để nuôi hai anh em ăn học, Trinh nhớ mãi hình ảnh mẹ bươn trải buôn bán ở chợ phiên. Người phụ nữ bao năm qua chỉ quẩn quanh từ nhà đến nương đã trở nên tháo vát hẳn sau khi chồng mất chỉ bởi nguyện vọng có thể nuôi hai con ăn học thành người. Không phụ lòng mẹ, Trinh luôn chăm chỉ học hành. Chỉ buồn là anh Phù đã xin mẹ nghỉ học vì không thể theo học nổi. Qua thông tin từ bạn bè, Trinh cũng biết anh chơi bời lêu lổng. Mẹ đồng ý cho anh lấy vợ là một cô gái ở bản bên để anh yên bề gia thất. Năm Trinh học lớp mười hai, mẹ làm một gian quán nhỏ trên miếng đất ngay ở cổng bản để Trinh bán tạp hóa ngoài giờ hộ mẹ. Mẹ bảo nhà cũ sau này để cho anh Phù, mẹ với Trinh dọn ra bán hàng riêng. Mẹ lấy vốn liếng buôn bán ấy nuôi Trinh học Trường kinh tế tỉnh. Mẹ đã có bao dự định với Trinh. Thế mà… Mẹ mất đột ngột vì trận cảm lạnh do ngấm mưa rừng vì thu ngô trên nương khiến năm học cuối trở lên dài đằng đẵng đối với Trinh. Nỗi buồn như dài hơn khi Trinh trở về nhà, biết tin anh Phù cũng đã nghiện thuốc phiện như bố. Anh Phù bảo:
– Mẹ mất đột ngột quá! Em thì đang đi học. Giờ anh cho chị Chiêu ra quán bán hàng của mẹ, kiếm thêm thu nhập nuôi các con nhỏ nhà anh nhé!
Niềm đau xót và thương nhớ không nguôi về mẹ khiến Trinh chán nản gật đầu với anh trai và chị dâu. Giữa lúc tâm trạng bấp bênh nhất, Trinh gặp Giang trong một lần cô đi làm thêm, bưng bê, rửa bát ở quán ăn sáng. Sự đồng cảm, chia sẻ của anh chàng thợ xây khiến Trinh cảm thấy tin cậy. Rồi tình cảm nảy sinh từ đó. Trong những giấc mơ, Trinh luôn mơ thấy một ngày, mình đưa Giang về ra mắt mẹ. Mẹ Phấy nở nụ cười tươi, gật đầu đồng ý cho Trinh và Giang nên đôi.
Khi Trinh đưa Giang về ra mắt gia đình anh Phù. Cô vấp ngay phải ý kiến của anh Phù và chị Chiêu:
– Em học hàng dang dở, chưa có công ăn việc làm đàng hoàng. Cậu ấy thì công việc thu nhập phập phù, không khá giả gì. Anh không ưng…
Trinh phản ứng yếu ớt:
– Nhưng em và anh ấy thương nhau là thật lòng.
Chị Chiêu liếc xéo Giang:
– Anh Phù và chị ưng một đám ở ngay bản mình thôi. Nhà Sài nhiều ruộng nương, bố lại làm phó chủ tịch xã.
Giang bảo:
– Em về đây cùng Trinh là vì thật lòng có ý định gắn kết lâu dài với cô ấy. Mẹ mất rồi nên cũng muốn được anh chị chúc phúc cho. Vậy mà…
Trinh cảm thấy mình trở nên rắn rỏi. Cô cầm tay Giang, mạnh mẽ đứng dậy:
– Trước đây em có mẹ để dựa vào. Giờ mẹ mất rồi! Anh Phù cũng nói sẽ không chu cấp gì cho em đi học vì em đã hơn mười tám tuổi. Em đã luôn tự lập, lao động bằng chính sức của mình để đi học và chưa làm gì hổ thẹn với lương tâm. Anh, chị có cả nhà, cả quán mẹ để lại. Còn em, em chẳng có gì cả. Chỉ có mỗi anh Giang thôi!
Trinh không nhớ hôm đó, cô đã cùng với Giang ra khỏi nhà như thế nào. Đoạn đời sau này, hai người đăng ký kết hôn và thuê một quán nhỏ ngoài thị trấn, Trinh mở quán bán bánh đa cá rô. Giang vẫn tiếp tục công việc của mình. Họ sống giản dị, rồi có bé Hiền…
***
Trinh vuốt mái tóc dài thẳng, đen óng mượt của con gái. Từ hôm nghe tin con gái đỗ đại học, cả hai vợ chồng Trinh đã hạnh phúc đến nhường nào. Thật may con bé càng lớn càng ngoan và chăm chỉ giống mẹ. Tuy gia đình không giàu có nhưng so với nhiều người, Trinh tự thấy mình quá hạnh phúc rồi. Cây sấu trước hiên nhà, trải qua bao mưa nắng, gió táp, sương sa, đã ngày càng khỏe khoắn, tỏa bóng. Tuy Giang hay phàn nàn vì lá sấu rụng nhiều, suốt ngày thấy Trinh ra sân quét dọn, nhưng chính bóng mát của cây sấu khiến nhiều khách hàng khen vị trí quán đẹp, đồ ăn ngon, rẻ và đã trở thành địa chỉ quen thuộc họ lui tới mỗi sáng. Nhìn con gái, Trinh mong mỏi ngày mai của con cũng sẽ êm đẹp, không nhiều vất vả, long đong, như ngày xưa mẹ Phấy cũng nuôi trong tim những mong muốn đời thường của người phụ nữ, là Trinh sẽ có cuộc sống yên bình hơn cuộc đời của mẹ.
HẢI YẾN

Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.