Cát bụi

1. Cơn bão cát.

Trái đất, năm 3200.

– Nguyễn ARS gọi trung tâm, mật mã 2136. Báo cáo: “Chúng tôi vừa tìm thấy một dị vật, nghi là rác thải điện tử từ những năm 2000”.

– Trung tâm phân loại và tái chế nguyên liệu đây, Nguyễn ARS nghe rõ trả lời.

– Vâng, tôi Nguyễn ARS, đã nghe. Tôi đã gửi ảnh về trung tâm phân tích dữ liệu.

– Dữ liệu phân tích: Loại rác thải phổ thông; chất liệu đa phần là nhựa đặc khó phân hủy dưới điều kiện tự nhiên, trong có chứa chì – axit và vài thành phần khác. Mức độ gây ô nhiễm môi trường: Cấp độ 5. Yêu cầu xử lý đặc biệt.

Tay Nguyễn ASR mỉm cười, qua bộ đồ bảo hộ đặc biệt, tôi biết hắn vẫn đang nhếch mép một cách đáng sợ. Mặc dù, đôi mắt trong vắt phối kết hợp với rô-bốt máy móc khô khan của hắn vẫn nhìn tôi với ánh mắt ấm áp như tôi đã từng thấy ở con người trước đây. Giá mà tôi có thể chạy nhảy như một số loài vật bốn chân (có lẽ tôi đã quá tham lam, chỉ cần hai chân đã có thể chạy nhảy như bọn người chả hạn), tôi đã chạy trốn ngay và tìm vài nơi khá kín để ẩn nấp.

Hắn ta dùng đôi tay thô bạo với những miếng sắt lạnh tanh của mình để bắt lấy tôi. Hắn chả thèm phủi lớp bụi bẩn (đa phần đã phong hóa) trên người tôi. Gã vứt tôi vào chiếc hộp trong suốt mà tôi đoán bằng thủy tinh hoặc loại nguyên liệu đặc biệt nào đó cùng với những người anh em khác. Ở đây tôi gặp những người anh em sinh cùng thế kỷ 21 với tôi, cũng có những em sinh sau đó một vài thế kỷ. Chúng tôi sinh ra phục vụ con người và rồi bị chối bỏ vì họ cho rằng chính chúng tôi là những kẻ gây ra ô nhiễm môi trường, đầu độc vào nguồn nước của họ, khiến đa phần nhân loại phải rời bỏ trái đất đi tìm ngôi nhà sinh sống mới. Những con người còn ở lại thì cố gắng cải tạo môi trường sống bằng cách nhặt nhạnh chúng tôi để xử lý; mã hóa trí não và kết hợp cơ thể với máy móc để tăng tuổi thọ sống; tái thiết lại các mã gen để tạo ra các loại động, thực vật đã bị tuyệt chủng,…

Giá mà khi tôi sinh ra, mà không, giá như bây giờ thượng đế hay một đấng tối cao toàn năng nào tương tự như thế có thể cho tôi có khả năng nói chuyện với con người. Tôi sẽ minh oan cho đồng loại chúng tôi, và nói lên tất cả tội lỗi của con người cho chúng nghe. Những sự thật mà họ đã cố gắng chối bỏ trong nhiều thế kỷ. Tôi như thế có lẽ đã phạm vào sân si quá lắm. Thôi, tôi chỉ mong cơn bão cát trước đó cuốn tôi đi, giúp tôi tan vào khói bụi hư vô. Nhưng những thành phần cấu tạo nên tôi của trước đó đã không giúp điều ước tôi của hiện tại được toại nguyện. Cũng như con người đang trả giá và cố gắng sửa chữa lỗi lầm của họ trong quá khứ. Tôi nằm một góc và trông chờ vào sự an bài từ con người với niềm tin vững chắc vào tương lai, một tương lai tốt đẹp của đất mẹ. Dù gì chúng tôi bao gồm cả loài người và các loài sinh vật khác đều đã mang ân sinh dưỡng của ngôi nhà mang tên Trái đất.

Nguyễn ARS mang tôi về một trạm nhỏ, có mái vòm màu trắng, nhìn tổng thể giống như phi thuyền có phần cạnh sườn nhô ra như mang cá mập. Sau khi cánh cửa màu vàng tự động khép lại, hắn để chúng tôi vào một ngăn trong suốt tách biệt. Từ đây, thật khéo tôi có thể quan sát Nguyễn ARS, cuộc sống và công việc của anh ta hàng ngày.

Mỗi ngày thức dậy, Nguyễn ARS cùng với đồng nghiệp của anh ta – Sơn ATD ra khỏi nhà từ rất sớm. Công việc chính là thu thập những rác thải nhựa, rác thải điện tử bị thải ra môi trường từ cuộc cách mạng công nghiệp của nhiều thế kỷ trước. Qua những câu chuyện của hai người, tôi được biết sau khi thu thập hết những nguồn gốc gây ô nhiễm, con người sẽ tiến hành một cuộc cách mạng xanh cải tạo lại đất, nước và không khí, trả lại cho trái đất sự trong lành vốn có. Lúc đó Nguyễn ARS và bạn bè, con cháu của anh ta sẽ không phải sử dụng đồ bảo hộ khi ra khỏi nhà nữa.

Mỗi lần Nguyễn ARS về tới, là bạn bè của tôi lại nhiều thêm, chỗ ở của tôi lại thêm chật chội. Trong lúc chờ đợi ngày được giải thoát, tôi giải khuây bằng cách ngắm nghía Nguyễn ARS, Sơn ATD và những câu chuyện qua lại giữa hai người họ. Mỗi người họ khi sinh ra, ngoài tên được cha mẹ đặt cho thì phải gắn thêm một ký hiệu bằng chữ cái để tiện phân biệt lứa tuổi, thế hệ và bằng cấp, ví dụ: A – kỹ sư; RS – thế hệ hai; TD – thế hệ ba.

Một hôm, Nguyễn ARS về tới nhà từ sớm, quẹt thẻ để lấy nước uống (nước sạch tinh khiết hiện tại rất hiếm, đắt hơn cả kim loại quý), anh cầm trên tay cốc nước trong vắt, nhìn ngắm và trầm ngâm trong những suy nghĩ:

– Này anh, sao về mà không gọi em? Bộ giận thiệt hả?

Sơn ATD trở về, trút bỏ bộ đồ bảo hộ ra với khuôn mặt đỏ tía, chừng như đang dỗi.

– Không, anh không giận ai hết. Anh chỉ thấy buồn và bất lực.

– Anh nghe cấp trên nói rồi đó, thôi phận việc của chúng ta là tìm kiếm rác gây ô nhiễm còn việc xử lý giao cho người khác, anh suy nghĩ chi nhiều, mệt óc lắm.

Nguyễn ARS quay mặt lại, đưa cốc nước đang sóng sánh những hạt nước như muốn rơi ra ngoài đến trước mặt Sơn ATD, bức xúc:

– Cậu thấy cốc nước này không? Nó từng bị lãng phí một cách vô độ. Tổ tiên chúng ta từng được dùng nó miễn phí hoàn toàn. Tại sao tới giờ chúng ta phải mua, phải trao đổi và khổ sở vì nó? Anh thực sự không cam lòng.

Đứng hình trước sự giận dữ của người anh – đồng nghiệp vài giây, Sơn ATD kịp bình tĩnh lại:

– Đúng rồi, em cũng ước có một ngày mình được vùng vẫy thỏa thích trên biển nước mênh mông, cảm nhận vị ngọt mát lành của nước bằng vị giác, cảm nhận từng đợt sóng nước vỗ về da thịt. Em tin và anh cũng nên tin vào ngày đó. Tin tưởng vào sự sắp đặt của cấp trên vì tất cả chúng ta đều có chung mục tiêu là cải tạo lại môi trường sống của hành tinh. Vững tin lên anh!.

Sơn ATD để một tay lên bờ vai Nguyễn ARS an ủi. Thật là sướt mướt quá lắm. Nhìn tình cảnh của họ tôi lại thèm nhớ những cơn mưa của những thế kỷ trước, những cơn mưa mang lại niềm vui cho người làm nông, tắm mát cho cây cỏ sau những ngày vật lộn với sự nóng bức. Những dòng nước đỏ ngầu cuốn theo phù sa, cây cối từ đại ngàn, xác động vật và cả những loại rác xuống suối ra sông rồi cùng nhau trôi đi mãi như một bài ca hùng tráng. Những cơn mưa mang thêm sự ngọt lành cho mỗi tâm hồn. Giờ đây, những cơn mưa đó đã ngày một nặng nề thêm bởi khói bụi ô nhiễm, những cơn mưa không còn trong lành gì và còn mang theo sự chết chóc. Ôi! tôi yêu những ngày đã cũ. Giá thời gian thực sự có thể quay trở lại.

“Xoạch”. Một tiếng động mạnh đánh thức tôi, tôi mở mắt và thật bất ngờ bởi xung quanh tôi không phải ngăn tủ quen thuộc mà là một thế giới rộng lớn với hàng ngàn, hàng vạn những cục pin cũ bị vứt bỏ khắp nơi và suốt nhiều thế kỷ được thu gom lại. Giá như, trước đó, khi dùng chúng tôi xong con người cho vào một cái lọ nào đấy rồi xử lý triệt để thì tình cảnh của chúng tôi đã không thê thảm như bây giờ. Và có lẽ chúng tôi sẽ không bị mang tội danh suốt nhiều thế kỷ. Tôi đã nhìn thấy một đám khói nhỏ màu vàng cam kì lạ ở phía chân trời. Nó lớn dần, bao trùm lấy chúng tôi, gió thổi mỗi lúc một mạnh hơn, lời Nguyễn ARS nói như đang ù ù bên tai tôi.. không thở nổi, mọi thứ trong tôi phập phồng, nở ra và muốn bùng nổ.

Có lẽ đấng cứu thế đã nghe thấy lời nguyện cầu hàng đêm của tôi. Sau giây phút bàng hoàng lộn xộn ấy, tôi bình thản đón nhận mọi thứ đến với mình…

 

  1. Những ngày tháng cũ.

Trái đất, năm 2016.

– Không, tôi không muốn gặp ông. Tôi không muốn nhìn thấy người đã bỏ gia đình đi, đã vứt bỏ vai trò trụ cột của mình khi vợ ốm, con cái còn thơ dại để đi theo người đàn bà khác. Tôi không muốn nghe ông nói gì thêm nữa. Tốt nhất đừng gặp.

– Con…

Phụp. Vĩnh (tên cậu chủ của tôi đấy) tắt vội cuộc gọi đến, rồi vứt tôi lên cái giường gỗ mét hai – tài sản duy nhất trong cái nhà trống huơ trống hoác. Cũng may, cậu ta không vì tức giận mà ném tôi vào cái mặt tường xi măng cứng nhắc kia như các cậu Nokia “cục gạch” trước đó. Tôi ê ẩm và xước xát thân mình, nhìn những chiếc điện thoại rời rạc, vỡ nát nằm im lìm ở một góc nhà, tôi thấy mình hãy còn may mắn. Từ ngày tôi được sinh ra cùng với các anh chị em cùng tên, được bảo bọc trong một chiếc hộp đẹp (mà con người thời ấy hay gọi những chiếc điện thoại mới như chúng tôi bằng một từ nghe có vẻ rất sang chảnh: “đập hộp”), tới tay cậu chủ, được anh ta trân trọng, đây là lần đầu tiên tôi mới có cái cảm giác bị vứt bỏ. Thật sự rất buồn và khó chịu.

Nhưng tôi biết, trong ngôi nhà nghèo nàn theo đủ nghĩa này, thì người đau khổ nhất không phải là tôi. Qua câu chuyện và những gì tôi chứng kiến từ khi về đây theo chân cậu chủ Vĩnh thì tôi có thể kể lể theo kiểu mấy bà hàng xáo hay “buôn dưa lê” những lúc rỗi việc về cuộc đời éo le về cậu chủ tôi, đại thể như thế này:

Vĩnh là kết trái của một tình yêu đẹp “râu tôm nấu với ruột bầu – chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon”. Nhưng hạnh phúc tươi đẹp của bố mẹ Vĩnh chẳng bền lâu. Sau khi sinh cho Vĩnh một cô em gái bầu bĩnh, xinh đẹp, mẹ Vĩnh đổ bệnh. Áp lực về những thứ tiền để nuôi con, tiền thuốc thang cho vợ khiến bố Vĩnh phải lăn lộn đi làm xa, những mong có cơ hội đổi đời và nuôi sống vợ con. Khoảng cách địa lý, những mệt mỏi của cuộc sống, gánh nặng gia đình khiến bố Vĩnh không thoát khỏi vòng vây của phù phiếm xa hoa. Ông nhẫn tâm bỏ mặc mẹ con Vĩnh đi theo người đàn bà giàu có. Cú sốc về tinh thần khiến bệnh của mẹ Vĩnh trở nặng. Gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền đè lên vai của cậu bé đang trong màu áo trắng thơ ngây. Ngoài giờ tới lớp, Vĩnh làm thuê đủ thứ việc, từ rửa chén bát đến khuôn vác, phụ hồ. Trông Vĩnh gầy nhẳng, khuôn mặt ngăm đen, trải đời hơn các bạn cùng tuổi. Học hết lớp chín, Vĩnh nghỉ. Một năm sau, mẹ cậu cũng mất.

Trước lúc về cõi vĩnh hằng, mẹ căn dặn Vĩnh hãy tha thứ cho bố và thay mẹ lo cho em gái. Vĩnh khóc nấc, sự mất mát và nỗi đau quá lớn đè nặng lên tim Vĩnh. Mẹ Vĩnh mất, người đàn ông bội bạc ấy cũng không thèm về ngó mặt vợ lần cuối. Vĩnh càng bất lực hơn khi sau đám tang, họ hàng bên nội viện cớ Vĩnh không đủ khả năng lo cho cuộc sống mà mang em Vĩnh đi. Căn nhà giờ như rộng thêm vì chỉ còn mình Vĩnh côi cút ra vào. Anh Ngọc đầu xóm thương tình cảnh của Vĩnh, coi Vĩnh như em, thu nhận Vĩnh vào xưởng cơ khí của mình. Nhờ sự thông minh và chăm chỉ của mình mà Vĩnh sớm trở thành tay thợ lành nghề, lương cao nhất nhì xưởng.

Mới đầu, anh Ngọc hay giữ lại tiền lương cho Vĩnh, chỉ khi cậu có việc gì cần thiết mới đưa cho. Vào đời quá sớm, lại không có sự quản giáo của ai, khiến Vĩnh giao du với một đám bạn bất hảo. Chiều tối, sau giờ làm việc cả bọn bù khú, chè chén tới một, hai giờ sáng mới về ngủ. Nay bạn đãi, mai tôi đãi. Tiền lương chưa đến kỳ lĩnh đã bị Vĩnh ứng gần hết.

Vĩnh bây giờ uống rượu như uống nước lã, trong túi quần lúc nào cũng kè kè bao thuốc lá vinataba với chiếc bật lửa hình khẩu súng trông rất ngầu. Anh Ngọc nhiều lần khuyên bảo nhưng Vĩnh bỏ ngoài tai tất cả. Vĩnh có gì để mất đâu. Trong đám bạn của Vĩnh, gần một nửa có dính dáng tới ma túy đá, lần nào chúng rủ rê Vĩnh là cậu lấy điếu thuốc đang cháy đỏ dí vào tay. Hai cánh tay cậu chi chít những vết sẹo đen, hình tròn nho nhỏ, cũ mới. Cậu thề không bao giờ dính vào thứ chết người ấy.

Cuộc sống của Vĩnh có lẽ sẽ cứ trôi lặng lẽ trong đám bầy nhầy, lẫn lộn không mục tiêu ấy, nếu không có cuộc gọi hôm nay của người đàn ông Vĩnh từng gọi là cha với một giọng điệu hết sức thao thiết và kính mến. Ông muốn nhận lại Vĩnh, muốn Vĩnh tha thứ và về ở cùng với vợ chồng ông ấy. Mặc dù đã hứa với mẹ lúc lâm chung, nhưng những gì người mẹ quá cố phải chịu đựng, Vĩnh làm sao quên được. Từ ngày mẹ mất đi, hôm nay là ngày đầu tiên Vĩnh khóc. Cái cảm giác bị bỏ rơi và đau khổ của anh ta, giờ đây tôi cũng có phần thấu hiểu được.

Vĩnh nhặt tôi lên, đương nhiên không phải để xoa xuýt những vết thương của tôi. Cậu ấy vuốt vuốt màn hình. Nói một cách công bằng, và nếu cho tôi vai vế ngang hàng với con người thì tôi chính là thành viên thứ hai trong cái nhà cô quạnh này. Chính tôi đã vừa như người bạn để xoa dịu những nỗi buồn của cậu chủ Vĩnh bằng những bài hát trong list của bộ sưu tập âm nhạc. Tôi vừa như người bạn tri kỷ san sẻ với Vĩnh những nỗi ưu tư thầm kín được cậu ghi lại một cách kín đáo trong nhật ký điện tử. Tôi cũng vui vẻ cùng cảm xúc của Vĩnh những khi cậu chơi trò liên minh thâu đêm như một người em thân thiết. Ước gì những niềm vui đó của tôi và Vĩnh là mãi mãi.

Con người thật buồn cười, mỗi khi đau khổ vì điều gì họ đều không muốn người khác biết nhưng lại cần bè bạn để khỏa lấp nỗi buồn. Vĩnh của tôi cũng vậy. Anh lại gọi cho đám bạn thì ít mà bè thì nhiều của mình dù biết trước kết cục là mất tiền, chìm mình vào men cay mà chẳng nỗi buồn nào được giải tỏa. Thế nhưng lần này lại không có cơn say nào như tôi đoán. Vĩnh rủ bạn đi du lịch. Tất nhiên là không có bạn nào đi cùng Vĩnh. Tất cả đều có lý do rất hợp lý để khéo léo chối từ.

Mặc kệ tất cả, Vĩnh xin nghỉ chỗ anh Ngọc, xách ba lô lên, mang theo tôi và đi. Vĩnh đến thăm những làng nghề ở quê lúa Thái Bình; Sang cửa biển Nam Định ăn cá bống sông, mặc quần đùi áo phông checkin một kiểu trên bờ biển đục ngầu bởi cát và phù sa; Ngồi uống trà đá cạnh vườn hoa Phủ Lý – Hà Nam để bắt xe lên Hà Nội. Tại điểm dừng chân cuối cùng, Vĩnh không quên làm một kiểu tại cổng trung tâm thương mại Royal City sang chảnh tọa lạc trên đường Nguyễn Trãi để đổi ảnh đại diện facebook.

– Nay chị có đi bán hàng không?

– Chị cũng chưa biết được, mấy nay mưa, đang lười.

– Nếu tối đi cho em đặt một bàn nhé!

– Ừ, có gì chị gọi lại.

Vừa đặt chân tới nhà, Vĩnh đã lôi tôi ra để gọi ngay cho một người có tên trong danh bạ là Thuyên đồ nướng. Một cái kết không hề bất ngờ. Vĩnh lại tụ tập đánh chén với đám bạn vô công rồi nghề của anh ta.

– Vĩnh ơi, lấy thêm rượu nhé mày. Bà Thuyên có món chân gà muối ngon lắm chúng mày ạ. Thêm đĩa dưa chuột nữa nhé. Cho mượn cái bật lửa, bà chủ ơi…

Mặc kệ đám thanh niên bậu xậu, Vĩnh đi về phía người đàn bà mặc đồ bộ, dáng dong dỏng cao, hai má hơi hóp lại, đang loay hoay lấy đồ phục vụ đám bạn hay đòi hỏi của Vĩnh.

– Có cần em giúp gì không?

Người đàn bà quay lại với một đôi mắt sáng và đẹp một cách kì lạ.

– Cậu gọt giúp chị túi dưa này nhé!

Vừa nói Thuyên vừa đưa cho Vĩnh túi dưa và cái nạo.

– Chuyện về cô tiểu thư chú viết đến đâu rồi?

– Em viết được một nửa rồi, đến đoạn Hào tiễn Tuyết ra sân bay đi du học. Nao viết đến đoạn kết em gửi cho chị đọc nốt nha.

– Chú này khéo tưởng tượng. Chú viết giỏi thế làm nhà văn được rồi.

– Em viết lung tung thôi, chị ơi!

Vĩnh giơ tay gãi gãi đầu mặt đỏ ửng. Đêm ấy, Vĩnh lại say. Trước khi phóng xe vèo đi, Vĩnh không quên ném lại một câu khiến Thuyên chưng hửng:

– Ký sổ nhé chị yêu.

Vĩnh lao đi với tốc độ chưa từng có. Tôi nằm yên trong túi quần cậu ta mà nghe gió lùa vào thôi cũng đủ thấy sợ.

Vèo… Vèo… Rầm. Vĩnh đâm vào cột bê tông trên dải phân cách. Chiếc xe máy văng xa hơn chục mét, vỡ nát. Vĩnh nằm bẹp dí, máu mồm, máu mũi trào ra. Trong vụ va chạm, tôi bay ra khỏi người Vĩnh, lê trên đường, màn hình vỡ vụn. Một chiếc xe chạy sau, trồ lên rồi lại đá văng tôi vào bụi rậm gần đó. Trước khi sập nguồn, tôi còn nghe thấy tiếng láo nháo, tiếng còi cấp cứu đưa Vĩnh đi. Cầu mong Vĩnh qua khỏi. Và cũng cầu mong cậu ấy đừng quên tôi.

 

  1. Tái sinh

Trái đất, năm 3360.

Vậy là đã hơn một trăm năm tôi gắn bó với công việc này. Từ ngày được tái chế và trở thành một mảnh ghép nhỏ trong phần cảm ứng của rô-bốt chăm sóc cây cối, tôi cảm thấy đời mình sống lại theo nhiều nghĩa. Con người chính là tạo hóa của tôi. Cho tôi cảm nhận của sức sống và sáng tạo lại sức sống. Tôi đã có thể hiện ra ngoài về hạnh phúc, vui thích – điều mà trước đó tôi chỉ dám mơ ước.

Tôi cảm nhận những mầm non xanh mơn mởn, căng tràn nhựa sống đang cựa quậy, bung nở và vươn mình lên từ những vụn đất tơi xốp. Màu tím từ hoa của những dây tử đằng vươn mình, tỏa ra bám lên những công trình xây dựng mục nát. Những bụi cây sanh, cây mao địa hoàng tỏa tán rộng màu xanh diệp lục và rợp bóng những lối đi bộ. Những cánh bướm dập rìu bên những rặng hoa đủ màu sắc đang rung rinh trong gió sớm mai. Những bạn bè của tôi – những chú rô-bốt cấp thấp đang cùng nhau vun xới, chăm sóc những luống rau đủ loại. Ánh nắng chiếu sáng những giọt sương đọng lại trên những cành lá. Tất cả tạo nên một bức tranh đẹp đẽ và kì diệu.

Trên cao, những phi thuyền không khói bụi chạy bằng năng lượng mặt trời có màu xanh da trời hòa với màu trắng tinh khiết tạo ra một màu xanh mướt tuyệt đẹp. Mặc dù vậy, con người rất hạn chế sử dụng chúng. Bây giờ, đa số nhân loại đã có thể hít thở bình thường mà không cần sợ những căn bệnh những căn bệnh lạ từ không khí ô nhiễm như trước kia. Môi trường không khí đã trong lành. Tôi thất lạc Nguyễn ARS từ khi vào trung tâm tái chế, không biết anh ta có đồng thuận mã hóa trí não của mình vào công nghệ số hay không? Nếu có thì hẳn ở một nơi nào đó, anh ta đang thỏa sức sống ở một vùng hồ có thiên nhiên mơ mộng, tha hồ uống nước ngọt mà không phải tốn một xu lẻ.

Qua nhiều luồng tin, tôi được biết rằng một số con người di cư biết thông tin trái đất đã an toàn nên lần lượt gửi tín hiệu muốn xin trở lại và chấp thuận cùng thanh lọc ô nhiễm và tái sinh thiên nhiên cùng đồng loại. Những con người trên trái đất đã bàn bạc với nhau ghê lắm. Họ có lý về những nỗi lo sợ của mình. Bài học từ sự nghi kị, ích kỷ, chạy theo lợi nhuận của tổ tiên của họ trước đó vẫn còn phải giải quyết dai dẳng cho tới hiện tại. Cuối cùng Hội đồng thống nhất liên minh nhân loại đã đồng ý cho đồng hương của mình trở lại với điều kiện bí mật nào đó mà chúng tôi không được rõ.

Tôi vẫn an ủi sự lo sợ của các đồng nghiệp của tôi khi họ hoài nghi việc con người sẽ tàn phá trái đất lần nữa. Họ đã trả giá đắt khi phải rời bỏ ngôi nhà của mình. Tôi tin với sự đoàn kết và trí tuệ của mình họ sẽ yêu thương nhau và cùng đồng lòng vì một hành tinh xanh – viên ngọc long lanh của vũ trụ này. Hãy tin là như thế.

ĐẶNG THÙY TIÊN

 


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.