Căn nhà của bố

Yên lặng đến mức dường như có thể nghe thấy tiếng lá thở. Những chùm lá tường vi đẫm nước, nặng nề trút từng tiếng thở dài, trĩu xuống như cố rũ bỏ đi những giọt nước mưa đã ngấm tràn trên lá. Đều đều từng giọt nước nối nhau nhỏ xuống mặt ao, tạo nên duy nhất một loại âm thanh lõm tõm lạnh lẽo, lạc lõng. Yên lặng diễn ra có lẽ chỉ một khoảnh khắc, mà sâu hun hút ngỡ như chả thể kết thúc bao giờ. Một cơn gió. Hai cơn. Rồi từng đợt, từng đợt thổi ào vào đám lá, nước từ đám lá đồng loạt rơi lộp độp xuống mặt ao, ngỡ ngàng, hốt hoảng. Những va cọ vào nhau của đám cỏ gianh quanh bờ nghe rào rạo, góp thêm phần phá tan cái không gian chợt nhiên yên tĩnh đến tê lòng trong chốc lát ở đây – ở trong lòng Hạ. Cô lại chợt hình dung đến tấm lưng trần nhễ nhại mồ hôi của bố, đã luôn ngồi đây, cạnh chiếc cần câu mà chẳng để tâm đến sợi dây cước có rung giật vì cá kéo đớp hay không. Có lẽ, bố đã luôn ngồi như thế, như cái lần cô bắt gặp, xót xa.
Đi cả một quãng hơn trăm cây số về thăm nhà, dẫu biết bố chẳng còn ở đây nữa, mà vẫn không thôi hụt hẫng, trống rỗng, chơ vơ. Lần qua con đường đất đã mọc cỏ um tùm, ướt nhẹp vì mưa suốt ngày đêm, Hạ bước thấp bước cao trong vô thức đến bên căn nhà gỗ hai gian của bố. Căn nhà gỗ im lìm, những tấm ván xoan bưng bắt đầu đổi màu loang lổ, chỗ vàng chỗ xám theo những đường vân. Ổ khóa chỉ móc hờ bởi chẳng còn gì đáng giá bên trong là mấy. Mùi ẩm mốc xộc lên, Hạ ngồi lùi lũi một góc trên chiếc giường đã lâu không có người nằm đến, vân vê chiếc gối khét mồ hôi dầu. Dưới gầm giường, từng đám nấm nhỏ li ti đang tua tủa mọc lên như kim. Bố đã từng ở đây, một mình, trong sáu năm trời đằng đẵng, bất chấp con cháu anh em xóm giềng mặc sức khuyên can. Tạm bợ thế, chờ đến ngày đủ tuổi hưu, cũng là lúc con cái ổn định đề huề, ông lẳng lặng dọn về quê bởi vì nỗi “lá rụng về cội”. Dọn về, chính thức kết thúc những tháng ngày đơn phương chia phôi với mẹ, quay lưng với họ Hoàng, kết thúc thân phận người rể đời theo một cách chẳng hề ai mong muốn.
Quá một nửa đời người, bố mẹ tần tảo bên nhau, tựa lưng nhau mà chèo trống nuôi các con khôn lớn trưởng thành. Mọi thứ dường như vẫn luôn êm đềm, yên ả, dẫu có lúc bố ngậm ngùi tự về quê phát dọn mộ ông bà ngày cuối chạp; dẫu có lần mẹ bế đứa gái út đã bảy tuổi bấy bớt trên tay, một tay quệt nước mắt vì bố cục cằn bạt tai mẹ trong lúc cãi vã. Nhưng rồi họ lại nương vào nhau mà đạp qua khốn khó, mà tíu tít với đàn con nhỏ. Anh em Hạ càng lớn, bố mẹ lại càng có tuổi, càng trở nên điềm đạm với nhau hơn, chẳng mấy khi nhỏ, to cãi vã như ngày trẻ. Ai ai cũng ngưỡng mộ trông vào. Vậy mà mọi thứ lại kết thúc trong bẽ bàng như thế. Cái gì mà “khổ tận cam lai”? Lồng ngực Hạ nhoi nhói, từng hơi thở cứ rút ngắn hơn lại, bụng cũng quặn thắt từng cơn. Tim cô trở phát vì thời gian gần đây suy nghĩ quá nhiều. Còn bụng, có lẽ bị lạnh vì mấy cơn gió vừa qua hun hút lùa vào cô trong căn nhà trống. Hồi nhỏ, mẹ lúc nào cũng gắp miếng tim gà nhường phần Hạ, bảo rằng ăn cho khỏe tim. Vậy mà lớn lên lại bị thiếu máu cơ tim loạn nhịp đập. Áo quần bố cũng chăm mua sắm cho đứa gái út nhiều nhất, mà hễ hở ra tí là bị lạnh, cứ bị lạnh là bụng Hạ lại đau quặn lên, co quắp. Bố nhiều khi phải bỏ dở công việc ở xã đón đưa cô ra trạm. Còi cọc, ốm đau, lại út ít nên được cưng chiều. Gái nhà nông mà có mấy khi phải lội ruộng. Đã thế lại khảnh ăn, hễ bữa có thịt lợn, bố lại tỉ mẩn cắn đi từng miếng mỡ để nhường phần nạc cho cô. Mẹ thường cằn nhằn: Mai kia học chuyên nghiệp rồi biết thân con ạ, thịt mỡ chả có mà ăn! Hạ lại nhăn nhở: Thế mới càng phải tranh thủ ăn ở nhà với bố mẹ!
Đứa đầu lòng của Hạ vừa tròn tuổi thì bố dựng nhà ra riêng. Cái nhà, bao nhiêu cái cột, bao nhiêu cái kèo, bao nhiêu mảnh ván bưng, ván ghép đều nhất thiết chỉ được đốn từ những cây mà chính tay bố trồng lên. Khi xưa, lúc anh em Hạ còn nhỏ, bố bỏ ngoài tai những lời khiếm nhã của người làng, nào “phò mã”, nào “chó chui gầm chạn”,… Dẫu có tủi cực cỡ nào, bố cũng không vì những lời nói có độc ấy mà tổn thương, mà chấp chước. Vậy mà lúc về già, được cả làng cả xã yêu thương, kính trọng, thì ông lại cứ tự ái với những chuyện chẳng đáng gì, rồi lại đau đáu về quê nhà, âm thầm nuôi ý định bỏ xứ này mà đi. Nhiều khi cô nghĩ: Giá có khi mình không trưởng thành, thì bố sẽ vẫn vì gia đình này mà sống yên ổn, biết đâu lại chả thành ra tan nát. Nhưng mà có lẽ giờ đây bố mới được sống theo ý mình. Nên lúc nào cũng chỉ nhất nhất một câu: Tao không vướng bận gì rồi, cóc chết ba năm quay đầu về núi! Thế thì phải để cho bố được sống theo ý mình thôi. Nhưng bảo vui vẻ chấp nhận thì chả ai vui nổi, dù có thế nào, già rồi mới lại đơn phương dứt áo, con cái biết cư xử, rồi sau này báo hiếu thế nào?
Hạ lần chần trước danh bạ, muốn gọi cho bố một câu. Nhưng bao lâu rồi bố con cô không nói chuyện. Dù có cố gắng bao nhiêu, tự dưng càng về sau giữa bố và cô càng không thể gần gũi. Hạ thương bố, nhưng cũng càng thương mẹ. Dẫu sao mẹ cũng hoàn toàn bị động với quyết định này. Anh chị cô nói phải, mẹ chưa từng một ngày làm dâu, hiểu sao được nỗi lòng người ở rể. Trong kí ức của anh chị em cô, đều chỉ ngập tràn hình ảnh bố. Bố quạt thâu đêm nối suốt những mùa hè, bố dẫn từng đứa ra chợ huyện chọn mua từ những cái quần chíp đầu tiên, bố kể chuyện chiến trường…, đứa nào cũng tranh nhau nằm sát bố để vừa được gác chân nghe chuyện lại vừa được quạt. Bố cứ quạt như thế, cứ kể chuyện chiến trường, đêm nọ nối đêm kia, hè này sang hè khác. Có khi chuyện chưa hết, anh em Hạ đã lăn quay ra ngủ. Còn bố vẫn tay quạt, có khi chìm giấc sâu làm rơi quạt, lại lập tức khẽ khàng nhặt lên, phe phẩy, như thói quen, như bản năng, miệt mài, nhẫn nại. Cứ thế!
Khách khứa cơm canh, việc làng việc nước cũng là bố cả. Mẹ cứ cặm cụi với ruộng nương, cả một đời không lo màng chợ búa, cơm nước cửa nhà hết lần bố lại đến lượt con, tự học nhau mà làm, tự nhìn nhau mà cư xử. Nhưng tình yêu của mẹ tính bằng những đêm lặng lẽ thắp đèn dầu gắp giun kim cho con, những thang thuốc nam bà tự mày mò nghiên cứu qua bao nhiêu lần tự mình nếm thử chỉ mong chữa được bệnh dạ dày kinh niên của bố. Đã lắm lần Hạ chau mày gàn mẹ khi bà uống thử thuốc mình tự sắc, bà lại cười xòa bảo: Chết sao được, cùng lắm là chết vì bố con chúng mày chứ có phí đâu mà sợ! Xương, gân đứt rạn chỗ nào, cũng chỉ một tay mẹ leo rừng, chặt giã, đun đắp đêm hôm. Đàn bà, mạnh mẽ cỡ mấy cũng chỉ là đàn bà, đến mức người tự tôn cao ngạo như bà còn có lúc khóc tu tu với con gái, nghĩ đến lá ngón với cốc rượu để kết liễu đời, thì không thương, không đứng về phía mẹ, Hạ biết phải làm sao? Nếu không có mày luôn động viên mẹ, thì mẹ chỉ tốn ba cái lá ngón với hớp rượu là xong rồi. Mẹ luôn thế, cứ buồn bực quá lại than thấu trời bằng tiếng Dao, như thể muốn gửi cả lời than về với tổ tiên, với ông bà ngoại, bởi cái gánh nặng hương khói vốn đè nặng lên đôi vai mẹ từ cái ngày mẹ không được về nhà người làm dâu mà lấy rể về ở đời, ở kiếp. Thế nên, nỗi đau buồn hôm nay mẹ gánh cũng là bởi đạo hiếu không thể thoái thác cho ai, không cam tâm không được. Mấy câu ấy, tiếng khóc vỡ toang ấy cứ ám ảnh lấy Hạ mãi không thôi. Bằng ấy năm mẹ thay bác cả, thay cậu Huy làm trụ cột ở nhà gốc, cũng biết bao nhiêu áp lực chứ có dễ dàng gì. Giờ mà không thờ phụng hương khói, còn chừa được cho ai? Bác với cậu đã chết cả rồi, con cái sống tất ở ngoài phố. Dù có thế nào mẹ cũng phải giơ vai ra mà đỡ lấy, sau này thì đến lượt anh của Hạ.
– Bố! Bố quay về đi, vì chúng con, được không bố?
– Tao đã vì cái nhà này, vì lời hứa với người già nhà họ Hoàng mà sống như thế mấy chục năm. Già rồi, chúng mày cho bố sống đời của bố. Chúng mày không việc gì phải nghĩ ngợi, cứ vô tư mà sống phần chúng mày đi!
– Bố nói thế mà được à? Không nghĩ ngợi gì thì còn là người nữa không? Nhà người ta thì con cái khiến bố mẹ phải nhọc lòng, đây nhà mình tự dưng bố mẹ lại làm con cái không ngẩng mặt lên nhìn ai được.
Hạ giật giật tay áo chị, chị biết đã lỡ lời. Ông nuốt khan, gật gật, cầm cái bát mì tôm đã bốc mùi thiu ra ao đổ, rồi nổ xe máy bỏ đi.
Mỗi khi đối diện bố, Hạ chẳng nói được mấy lời. Ngày xưa là đứa gần gũi bố bao nhiêu, từng sợi tóc sâu, từng cái mụn trứng cá, từng sợi râu ở cằm, chỉ có Hạ cứ miệt mài quấn lấy bố mà nặn, mà nhổ không biết chán, thì giờ đây, cô lại thấy mình xa lạ với bố bấy nhiêu. Cuộc gọi nào, cuộc trở về nào cũng gượng gạo, nhiều khi ông bỏ đi chơi bạt mạng mấy ngày để tránh mặt nếu cô về thăm.
Hạ lấy gói mì bị chuột gặm mất một góc, nằm chỏng chơ trên mặt bàn bếp ga mang ra mặt ao vãi cho cá. Chắc chừng ấy năm khắc ở, bố chỉ qua bữa bằng mì tôm. Lũ cá rô tranh nhau ngoi lên đớp mồi. Từ ngày bố đi, chắc bọn cá cũng chỉ tự rúc bùn tìm ăn cầm cự. Anh chị đi làm, mẹ thì quanh quẩn với lũ cháu và đàn bò từ sáng ra đến tối mịt. Có lẽ, cũng phải thật bận để khỏi nghĩ, bởi vì hễ mưa gió không đi làm gì được bà lại mò xuống căn nhà ấy, chẳng biết để làm gì, rồi thì lại eo éo gọi điện cho Hạ rủa vài lời chua chát, chỉ dám rủa với Hạ thôi. Rủa thế, chứ mồm liền tai, cô biết thừa mẹ tổn thương, gục ngã đến mức nào. Mặt nước ao sau một hồi động sóng lăn tăn vì lũ cá, lại lặng như tờ. Mấy con nhện nước lại dè chừng bò từ mép bờ ra, rồi kiên nhẫn đứng im trên mặt nước cạnh mấy cái cậng sắn đang mủn ra thành từng đoạn. Hôm bố cũng ngồi ở chỗ này, tay cầm cái cần câu, nói với Hạ bằng tấm lưng trần mồ hôi bóng nhẫy: Tối ngủ bố toàn mơ thấy ông bà nội, càng già càng hay mơ. Kể cả sau này bố chết, chúng mày cũng không được bê bố lên đây đâu nhá! Hồn vía tao đã cột chặt ở chỗ tao được sinh ra rồi, đi chỗ khác cái hồn không siêu nổi. Đấy là lần hiếm hoi bố nói chuyện với Hạ, chẳng dễ dàng gì, mà lúc đó cô lại không biết nên nói câu gì cho phải, chỉ đành im lặng, bốn con mắt cứ nhìn mãi về phía mặt ao. Bố bỏ đi thế này, làm thế nào hả bố? Trong hiu hiu gió, cô tự buột lên những tiếng thì thầm, rồi ngồi bệt xuống bãi cỏ gianh mà khóc rưng rức.
Đấy, xuống xem dọn qua loa rồi cho mẹ con chúng nó vào mà ở. Chị định phá đi làm chuồng bò, may mợ nói sớm! Giọng mẹ hằn học xa gần. Hạ vội kéo tay áo lau mắt mũi khi mẹ dẫn theo mợ Điều bước về gần phía cô.
Nhà của bố biến thành nơi cách ly covid lần lượt của người làng. Sau cái buổi làm cấp sắc cho thằng Tuấn con cậu Điều, cậu họ của Hạ, thì cả loạt bị dương tính theo nhau như dây chuyền. Cứ nghĩ dịch ở đâu đấy, có gần mấy cũng không đến mình được, toàn người làng, toàn anh em nhà, có đi đâu mà nguy với cơ! Thế mà toang hết cả. Người yếu, trẻ nhỏ chưa được tiêm phòng thì bị trước, người khỏe, tiêm rồi bị sau, người nặng, người nhẹ. May có nhà ấy, đằng nào cũng bỏ không. Trong lòng ba đứa con, đến cả mấy đứa cháu vẫn chấp chới ý nghĩ để nguyên căn nhà gỗ ở đấy, rồi bố sẽ quay về. Kể cả quay về vẫn tự mình ở đấy thôi cũng được, chỉ cần xung quanh cuộc sống của gia đình này có hình bóng bố đâu đây. Thế nhưng bề ngoài, mẹ lại tỏ ra quyết liệt muốn dọn dẹp sạch sẽ tất cả những gì liên quan đến bố. Rồi nghiễm nhiên ngôi nhà trở thành nơi cách ly của cả xóm. Cũng may có người thay nhau đến ở, không mẹ cô suốt ngày dứ dọa phá làm chuồng bò. Ai lại mang bò xuống tận đấy buộc để mà đêm hôm trông thế nào cho xuể, nếu không trông thì ngủ sao ngon được? Mẹ cứ nói thế, cho hả cái uất hận. Nói cho sướng mồm, mà có khi lòng còn tự đau hơn cắt.
– Mẹ nhớ dặn các mợ ở xong phải phun khử khuẩn nhé! Đừng phá đi, mẹ ạ!
– Để đấy làm gì, vướng mắt.
– Nhỡ, lâu lâu bố về …
– Về đâu? Đây còn là nhà ông đâu mà về với ở. Bố mày bảo về là về quê cơ!
– Bố bỏ nhà, nhưng làm sao bỏ được con cháu. Mẹ cứ để đấy, còn nhà thì ông còn lên thăm con thăm cháu.
Mẹ lại dịu đi. Trong sâu thẳm, mẹ vẫn giấu những hy vọng mong manh, Hạ biết. Bao lần mẹ kể chuyện đi xem bói thầy phán chuyện tan rồi lại hợp, chuyện người ta làm bùa chú cho ông phải đi khỏi nhà một thời gian, chuyện vận hạn tuổi bảy mươi của ông phải thoát ly mới mong được sống… Bất lực không biết làm gì để cứu vãn, mẹ Hạ đâm ra cứ bói toán liên miên, dù ngoài miệng cứ khăng khăng nói chẳng cần. Khuyên can nhiều chẳng được, cô lặng lẽ giấu chồng gửi tiền cho mẹ hết giải hạn lại gỡ bùa, xem như đấy là cách an ủi duy nhất cho mẹ. Thế nên, dù có thốt ra lời cay đắng cỡ nào cho hả dạ, sâu thẳm trong lòng mẹ vẫn không tin bố bỏ được mẹ mà đi.
– Nay bố mày lên đấy!
– Bố về thăm nhà hả mẹ? Chết, thế đã phun khử khuẩn nhà bố chưa?
– Đã bảo không phải về. – Bà gắt – Ông ấy lên cắt khẩu về quê rồi đi ngay. Thấy vẫy bọn trẻ từ xa cho hai gói kẹo, chắc dịch dã biết ý cũng chả dám ôm ấp chúng nó tí nào! Tao bảo rồi, dỡ cái nhà đi làm chuồng bò…
Mẹ còn nói những gì xa xả trong điện thoại, tiếng Kinh, Dao lẫn lộn, nhưng Hạ chẳng còn nghe được câu nào nữa. Dù biết trước ngày này sẽ đến, từ cái lúc bố dựng căn nhà ra riêng. Nhưng lúc này tai cô vẫn ù đi. Tối qua cô vừa mơ thấy nhà bố sập!

TRẦN MỸ THƯƠNG

 


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.