Cảm hứng “trở về với núi” trong truyện ngắn, tiểu thuyết dân tộc và miền núi đương đại

Văn xuôi dân tộc, miền núi, chủ yếu là truyện ngắn, tiểu thuyết thế kỉ XXI, bằng ưu thế thể loại đã hướng ngòi bút của mình đến nhiều lĩnh vực, vấn đề của đời sống đương đại. Văn học nghệ thuật chính là hơi thở, tiếng nói, là ánh xạ từ cuộc sống. Nhà văn trong quá trình sống, trải nghiệm, bằng tâm hồn nhạy cảm và tài năng của mình, hấp thụ những giá trị đời sống rồi chuyển thành con chữ, bằng một cách nhất định, truyền tải thông điệp nào đó đến với người đọc, thông qua thế giới nghệ thuật trong tác phẩm của mình.

Truyện ngắn, tiểu thuyết đương đại về dân tộc miền núi luôn ưu tiên “khắc hoạ” một bức tranh sinh động về cuộc sống và con người miền núi trong sinh hoạt đời thường. Đặc biệt, đời sống tinh thần của con người nơi đây còn gắn liền với những dấu ấn văn hóa được lưu truyền từ ngàn đời, đó là những lễ hội đặc trưng của từng dân tộc, những phong tục tập quán hay những làn điệu dân ca đậm đà hương vị dân gian truyền thống. Nét độc đáo và sự đa dạng văn hóa vùng cao đã làm nên cốt cách riêng của văn xuôi dân tộc và miền núi.

Nhà văn chú trọng đến không gian sinh tồn của người dân miền núi. Đó là không gian đặc biệt, khác biệt với những toà cao ốc, những văn phòng, những đường bê tông, khói bụi, cột đèn đường… nơi phố thị. Nó làm nên nét riêng của không gian sống. Chính không gian gần gũi với thiên nhiên ấy có tác động lay động lớn lao đối với tâm hồn con người. Thiên nhiên gợi sự tươi sáng, thanh tao. Thiên nhiên như nhân chứng tình yêu, thiên nhiên để làm dịu, để chữa lành…

Nhiều trang viết nhấn mạnh sự xa xôi, nghèo khó của miền núi cũng được nhiều nhà văn chú trọng qua việc miêu tả quang cảnh thiên nhiên. Những ước mơ đổi đời, chạy trốn sự nghèo khó, ném nhân vật vào những guồng quay cuộc sống hiện đại, của cơ chế thị trường. “Trong thư, bố tôi có nói, tôi đã sắp học xong, nếu tôi ở lại được thị xã thì tốt. Đôi chân con đã đi được ra khỏi núi thì hãy cố mà đi” (Xuống núi – Thanh Vân). Nhân vật đi ra rồi khi chưa tích đủ cho mình những yếu tố để vượt thoát, họ lại mang đầy thương tích và trở về.

Thiên nhiên trong nhiều tác phẩm văn học miền núi có cả bộ mặt giận dữ, tàn ác qua cảnh tượng những cơn mưa, lũ quét, sạt lở, cháy rừng… Nhưng thiên ấy thường được hiện lên với vẻ đẹp hùng vĩ, nên thơ và lãng mạn. Thiên nhiên vừa bí ẩn, vừa gần gũi, thân thiện, hiền hoà. Thiên nhiên nuôi dưỡng, chở che đồng bào các dân tộc trong suốt những chặng đường lịch sử và đời sống hàng ngày.

Trong thời đại ngày nay, khi công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa, công nghệ hiện đại lấn át. Trong dòng tác phẩm văn học đô thị, có những tác phẩm không có nổi một đoạn văn miêu tả thiên nhiên, thì những trang viết trong trẻo về thiên nhiên trong văn học miền núi đã trở thành một điểm nhấn khác biệt, thu hút, bổ sung cho nền văn xuôi đương đại, dưới cái nhìn lãng mạn, cảm xúc tinh tế. Đối với người dân tộc thiểu số, thiên nhiên là môi trường sống, là không gian sinh tồn; một mặt vừa được coi như một sinh thể sống, vừa chở che, bầu bạn, thấu hiểu, cảm thông và bồi đắp tình cảm, thanh lọc tâm hồn con người; mặt khác có thể nổi giận, cảnh báo, trừng phạt trước sự ứng xử tiêu cực của con người.

Thiên nhiên trong truyện Một chuyện ở chân núi Hồng Ngài (Sa Phong Ba) hiện lên thật thơ mộng “đêm chân núi Hồng Ngài mù sương. Những khu vườn nhãn, xoài, mơ, mận của bản Pè bọc quanh chân núi đang chìm vào màn sương đêm”. Thiên nhiên còn hiện ra qua hình ảnh vùng hoa trắng bồng bềnh làm cho tình yêu trở nên thi vị của anh giáo với cô gái Thái trong Mối tình Mường sinh (Vương Trung), Cơn mưa hoa mận trắng (Phạm Duy Nghĩa)…

Trong các sáng tác của Bùi Thị Như Lan, có một thiên nhiên rất gần gũi, cụ thể với những sắc màu, âm thanh, đường nét, mùi vị của không gian rừng núi. Đó là một thiên nhiên rộng lớn, đẹp đẽ và thanh tao, trong sáng, nguyên khôi trong Chuyện tình Phja bjooc. Mỗi bước đi của nhân vật đều quấn quýt với thiên nhiên: “Tôi về ngang dốc Bờm Ngựa thì đỉnh Phoọc Mạ đã ngậm nửa ông mặt trời đỏ sậm. Sương mù rủ nhau chậm chạp trở về trên núi. Rừng nhuộm màu tím biếc. Dưới những vòm lá, tiếng chim gọi nhau về tổ ríu rít, ấm áp (Trăng mọc trong thung lũng). Một kẻ vừa ra tù sau ba năm, nay lại thấy mình “lọt thỏm giữa ba bề, bốn bên màu xanh bạt ngàn của núi rừng”. Sau ba năm, nay lại cảm nhận được “thinh không tràn ngập hương thơm nồng nàn của xôi nếp và tiếng chày giã bánh giầy thậm thịch”… Đọc truyện Đỗ Bích Thuý là bước vào một không gian có núi cao, trời rộng của vùng rừng núi: một không gian đầy hoa lá rừng, có tiếng gà gáy tách te trong bụi rậm, có những dòng suối trong suốt với những viên cuội đỏ , những đêm trăng sóng sánh, huyền ảo; những cụm mần tang mọc trong thung lũng; những bờ rào đá; những núi cao, vực sâu, cánh đồng hoa tam giác mạch…

Lối sống hòa hợp với tự nhiên là truyền thống ứng xử lâu đời của đồng bào các dân tộc thiểu số. Tự nhiên là ngôi nhà chung của muôn loài. Giữa con người với thiên nhiên có khi là sự hòa nhập đến mức tuyệt đối. Đây là khi con người thực sự hòa mình vào tự nhiên và tìm thấy ở tự nhiên ý nghĩa tồn tại đích thực của mình. “Khi bước trên những lối mòn lởm chởm đá, chạm chân vào những ngọn cỏ cõng đầy sương mát lạnh và ướt át đã cảm nhận được tiếng rừng lúc réo rắt như tiếng sáo gọi bạn, thì thầm như lời tâm sự, lúc ào ạt như gió rít, lúc lại nhẩn nha như lời pá dạy bảo” (Lời sli vắt ngang núi” – Bùi Thị Như Lan)… Thiên nhiên không chỉ mang vẻ đẹp một bức tranh sơn thủy mà còn hiện lên như một sinh thể hữu tình, biết sẻ chia với con người những vui buồn trong cuộc sống. Ở đó, con người gắn bó tha thiết với thiên nhiên và yêu mảnh đất này với tình yêu của con cái với cha mẹ. “Sương mù đổ xuống, mỗi lúc một dầy thêm. Đêm trở nên lạnh buốt và cô độc. Đất Hồ Giàng sinh ra Lùng Tù, vì lầm lạc, nay xin trả thân này về với đất!…” (Lùng Tù – Đinh Công Diệp). Hoặc như thiên nhiên Cao Bằng trong sáng tác của Cao Duy Sơn. Với ngôn ngữ đầy chất thơ trong cách miêu tả, các tác giả đã đem đến cho người đọc một cái nhìn mới mẻ và chân thực về bức tranh miền núi trữ tình, hùng vĩ. Thiên nhiên như một nhân vật có ý nghĩa biểu trưng cao. Đó là biểu tượng cho cái đẹp – cái cao cả – cái trác tuyệt. Cái văn hóa căn cốt – sự nguyên sơ, sự trong lành, sự vị nhân của nhân vật dường như là được uống từ bà mẹ thiên nhiên hùng vĩ của quê hương xứ sở.

Thiên nhiên còn làm giá đỡ tâm trạng, làm phiên bản của tâm trạng, trở thành một ẩn dụ của ngôn ngữ với chức năng tạo hình trong tác phẩm. Nhiều tác giả dùng thiên nhiên để phản ánh tâm trạng nhân vật hay lấy đó làm điểm nhấn cho tác phẩm. Bùi Thị Như Lan qua việc miêu tả hình ảnh đêm đông lạnh buốt của vùng cao hiện ra như một sự báo hiệu nỗi cô đơn của lòng người (Bồng bềnh sương núi, Lời sli vắt ngang núi). Thiên nhiên không chỉ là một sinh thể gắn liền với đời sống vật chất, tinh thần của con người vùng cao mà còn là một hiện thực đặc biệt, một biểu tượng văn hóa đặc sắc của con người. Nó đem đến một vẻ đẹp rất riêng và độc đáo cho mảng văn học này.

Trong nhiều tác phẩm, thiên nhiên xuất hiện vừa đồng cảm, vừa thúc giục, mời gọi con người lạc bước vào những đam mê: “Trăng sà xuống, đậu trên làn da nõn nà của mế Ngần, sáng lấp lóa, tha thiết. Trăng miên man, thảng thốt đi từ đêm này sang đêm khác” (Bùi Thị Như Lan). Ánh trăng ở đây là biểu tượng cho những khao khát cháy bỏng, cho những yêu thương chất chứa trong lòng những người phụ nữ cô đơn. Thiên nhiên còn là nhân chứng, xoa dịu những vết thương, ngờ vực, giúp thức tỉnh bản ngã lương thiện trong con người: “Ánh trăng nhàn rỗi đưa Tàm đi khắp nơi. Đến nỗi cơn đau trong ngực Tàm đã tê dại đi. Rồi trăng đưa Tàm về phía vùng ruộng thấp ở cuối bản… Tàm bặm môi, rút con dao sắc lẻm ra… Ngửa cổ nhìn trăng, trăng tròn vạnh ngơ ngác. Cúi nhìn đồng, miếng vá long lanh và những vệt nước chạy tròn lung linh huyền ảo. Những giọt nước mắt Tàm thi nhau bò ra, loang vào trăng…” (Vá đồng – Tống Ngọc Hân)…

Trong thế giới quan của người vùng cao, tự nhiên có khi được xem như một phiên bản của con người. Cây sồi giữa bản người Dao xanh tốt hay héo lá, gẫy cành tùy thuộc vào sức khoẻ và sự sống chết của già làng – người có số tuổi đúng bằng tuổi nó; đời sống dân bản êm ấm, hoà thuận hay không thể hiện ở nước suối đầy hay cạn, cá suối nhiều hay ít. Người thế nào, tự nhiên thế ấy, đó là đức tin thuần phác mà bền chặt của người vùng núi trong Bóng của cây sồi, Đá cuội đỏ (Đỗ Bích Thúy). Tương tự, mỗi cây “vía” có chôn núm nhau của trẻ sơ sinh ở bản người Tày là một cái cây mang hồn người, đứa trẻ khoẻ thì cây xanh tốt, đứa trẻ ốm yếu thì cây cũng quặt quẹo còi cọc (Mùa mắc mật – Bùi Thị Như Lan). Như vậy, tự nhiên đã trở thành khuôn gương thần bí soi chiếu đời sống trần thế và vận mệnh của con người.

Với việc sử dụng biện pháp nhân hóa, các nhà văn dân tộc thiểu số đã tạo cho tác phẩm của mình một sự hài hòa tự thân trong thế giới nghệ thuật, một mối quan hệ máu thịt giữa con người và thiên nhiên. Trong nhiều trường hợp, thiên nhiên đã trở thành người bạn thủy chung, gắn bó nghĩa tình với con người trên mỗi bước đường đời.

Thiên nhiên với những ấn tượng về sự bình yên, che chở, cái bản nguyên, cội nguồn… khiến người đọc có thể tìm thấy trong văn học dân tộc và miền núi một nhóm tác phẩm với cảm hứng trở về với núi. Đó thường là những người tách mình ra khỏi núi, tìm một chân lí khác, nhưng thất bại, rồi “bị thương” và trở về với thiên nhiên, bản làng để tìm sự vỗ về, che chở, an ủi. Đó là tâm lí chung mọi thời của người miền núi khi bị bứt ra khỏi mảnh đất hoang dã mà họ đã gửi lại cả tâm hồn.  Nói như Ra-xum Gam-za-tôp: “Người ta chỉ có thể tách con người ra khỏi quê hương chứ không thể tách quê hương ra khỏi con người”.

Mô-típ “trở về với núi” của nhân vật chính xuất hiện trong nhiều tác phẩm: “Hắn đi mà như chạy, cái chân hắn bỗng giống như cánh chim được sổ lồng. Đúng rồi, ba năm trong trại giam đủ để hắn thấy cuộc sống ngoài đời quý giá đến nhường nào” (Lá bùa đỏ Bùi Thị Như Lan); “Tôi thấy mình trở về ngôi nhà sàn năm gian có những cột nghiến tròn trịa, nâu bóng mà lũ mối mọt không sao đục nổi (Lời sli trôi trong trăngBùi Thị Như Lan); “Nấn ná chần chừ mãi Siển cũng về nhà. Bỏ lại sau lưng cái ồn ào, náo nhiệt của thị trấn” (Tiếng kèn pílèBùi Thị Như Lan); “Tôi về ngang dốc Bờm Ngựa thì đỉnh Phoọc Mạ đã ngậm nửa ông mặt trời đỏ sậm” (Trăng mọc trong thung lũngBùi Thị Như Lan); “Núi rừng ở sau lưng. Thành phố đang ở trước mặt. Tôi đang đi từ phía trước mặt về phía sau lưng. Đi về dòng Lô, dòng sông quê tôi…” (Đêm cá nổiĐỗ Bích Thuý)… 

Những cuộc trở về của các nhân vật là để tìm lại chính mình, là để đi tìm thời gian đã mất. Nhưng quan trọng hơn là để trở về nơi hoang dã, nguyên thủy của núi rừng. Nỗi niềm cố hương rất sâu đậm trong tâm thế nhân vật. Nhân vật Sang trong truyện ngắn Lời Sli vắt ngang núi của Bùi Thị Như Lan trong nỗi buồn đau tuyệt vọng do hoàn cảnh trớ trêu, lấy phải người yêu của cô em gái sinh đôi đã cuống cuồng chạy ra khỏi nhà, “vấp ngã rúi rụi, gục xuống rồi lại vụt dậy chạy tiếp và cuối cùng bước chân vô thức đưa cô trở về với người mẹ thiên nhiên rừng chè cổ thụ. Rừng chè nơi Sang sinh ra và lớn lên đã trở thành người mẹ hiền ôm ấp, vỗ về cô. Người và cây đã tìm được sự giao hòa ấm áp: “Tôi áp mặt vào da cây chè, vòng đôi tay gầy guộc đen sạm ôm lấy nó, ngửa mắt ngắm nhìn, bóng cây cao lớn lung linh trong không gian vời vợi. Cây chè đã trở thành cổ thụ từ độ nào, tán lá xum xuê, ken dầy tỏa bóng mát dịu dàng ôm ấp cuộc đời tôi”. Cũng vậy, nhân vật Sầm điên khi bị cả loài người ở vùng đó, cái chợ đó xa lánh thì anh chỉ trở về với thiên nhiên: Nước như mẹ dang cánh tay mềm mại, êm ái vỗ về. Nỗi buồn lao tuột xuống suối. (Sầm điên – Hà Phong). Trong Đàn trời của Cao Duy Sơn, nhân vật Thức sau bao biến động thăng trầm của số phận chỉ muốn trở về rừng núi Phja Đeng. Ở đó anh cảm thấy mình được bảo vệ, chở che, được là chính mình. Rừng tồn tại trong tâm thức của con người miền núi như một biểu tượng tâm linh vô cùng thiêng liêng, là cội rễ bền chặt trong lòng người, gốc rễ của sự sống, nơi những người con của núi, dù ở bất cứ phương trời nào cũng đau đáu hướng về đầy tin yêu, thành khẩn. Thiên nhiên rộng lượng và tươi đẹp ấy mang lại cảm giác yên bình, là nơi nương tựa tinh thần để con người trở về, tắm mình và vùng vẫy thỏa chí.

Thông điệp trở về với núi có lúc vang lên trong kí ức, có lúc lại hiện lên rất tự nhiên trong lời ăn tiếng nói của mỗi người. Chẳng hạn như Din – cô gái cứ đi xa về lại nhớ mùi thơm mộc mạc, nguyên sơ thật sâu xa, đậm đà của cây cỏ ngải – cái mùi rất thương nhớ, như linh hồn xứ sở, quê hương, khi làm dâu xa xứ: “khi nào nhớ về mẹ, tôi cũng hình dung thấy ngôi nhà với chín bậc cầu thang, nơi chân tôi run rẩy, chập chững đi ra cuộc đời và từ cuộc đời đầy giông bão trở về” (Ngải đắng ở trên núiĐỗ Bích Thúy). Lìn – chàng trai bao năm đi học xa cố học lấy cái khôn vào đầu trở về núi rừng và mỗi lần trở về như thấm thía hơn, yêu hơn mảnh đất đã sinh ra mình, để rồi dù cuối mùa trăng lại ra đi, nhưng chắc chắn anh sẽ trở lại bởi vì những gì sâu nặng nhất của tuổi trẻ những ngày đã qua, những gì đẹp nhất của hạnh phúc vừa hé lộ của ngày sắp tới đang chờ đón anh, khi cầm trong tay hòn sỏi kỉ niệm của người con gái: “mang đi để khỏi quên đường về Vần Chải” (Sau những mùa trăngĐỗ Bích Thúy)… Đến với bến suối, là ta trút bỏ áo quần phủ lấm bụi ố, trở về hình hài như ngày mới sinh, rồi để bến suối ôm vào lòng, hào phóng hát lên thịt da những lời ca của nước. Những lời ca êm, mát, nựng nịu, nâng niu, dịu dàng, mơn trớn, vuốt ve… khiến hồn ta trong phút chốc nhẹ bẫng như chiếc lá trên dòng (Bến suối – Hà Phong). Phải chăng khi con người tìm về với bản nguyên của mình – tự nhiên – là tìm được đường đến với cội nguồn văn hóa.

Có thể nói, truyện ngắn và tiểu thuyết đương đại về dân tộc và miền núi, bằng đặc trưng thể loại có thể hướng đến nhiều mảng đề tài rộng lớn về cuộc sống, xã hội, con người… đương thời. Nhưng dù có viết về đề tài gì, các nhà văn cũng đều góp một tiếng nói để xây dựng đất và người miền núi tốt đẹp hơn; đều hướng ngòi bút của mình  về núi. Cảm hứng “trở về với núi” xuyên suốt nhiều tác phẩm trong hai thập kỉ qua đã tạo nên dấu ấn tốt đẹp trong lòng người đọc, đặc biệt là độc giả dân tộc và miền núi. Mỗi người, mỗi nhân vật đều muốn góp phần tạo nên một diện mạo miền núi vừa hiện đại nhưng vừa giữ được nét đẹp hùng vĩ, hoang sơ, vừa phát triển nhưng vẫn đậm đà bản sắc, lối sống truyền thống dân tộc. Hoà nhập nhưng không hoà tan trong thế giới phẳng chính là một mục tiêu của văn hoá văn nghệ dân tộc miền núi thời đại mới.

THÙY GIANG

 


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.