Cảm hứng thi ca từ chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ

Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024) đã trở thành mốc son chói lọi trong những trang sử vàng của đất nước Việt Nam trong suốt hành trình chiến đấu bảo vệ Tổ quốc khỏi ách áp bức, đô hộ của thực dân Pháp. Chiến thắng ghi dấu từng địa danh lịch sử mới: Điện Biên, Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam, đồi A1,… và những con người lịch sử đã trở thành nguồn cảm hứng không vơi cạn với nhiều thể loại văn học nghệ thuật của các tác giả trong và ngoài nước. Từ âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh, điện ảnh, văn học… đều xuất hiện các tác phẩm giá trị lâu bền với thời gian.

Cảm hứng thi ca về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ được các tác giả ấp ủ ý tưởng và viết trong lúc chiến dịch đang diễn ra đến khi chiến dịch kết thúc; từ ngày chiến thắng đến quá trình xây dựng và phát triển của Điện Biên sau này. Không giới hạn là tác giả, nhà thơ đang sinh sống ở lòng chảo Điện Biên mà biên độ đã mở rộng ra phạm vi cả nước. Khi cảm xúc ngân rung thì những áng thơ ra đời. Cũng giống như nội dung lịch sử, thơ ca về Điện Biên và những mốc son hào hùng phần lớn đều mang âm hưởng sử thi, tự hào, bi tráng và không kém phần lãng mạn, oai hùng. Trải qua thăng trầm của thời gian, nhiều tác phẩm ghi dấu ấn và sống được trong lòng độc giả cũng như vùng đất lịch sử luôn hấp dẫn, gọi mời những sáng tạo, cảm xúc mới. Để từ đó có những tác phẩm xứng tầm với chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” này.

Cảm hứng hào hùng từ trận đánh lịch sử

Nhà thơ Tố Hữu là ngọn cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam. Với Chiến thắng oai hùng chấn động địa cầu, Tố Hữu cũng có bài thơ xuất sắc, cá nhân tôi cho rằng tính đến thời điểm hiện tại, đây vẫn là bài thơ hay nhất về đề tài này. Bài thơ “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” của nhà thơ Tố Hữu bắt đầu từ “Tin về nửa đêm/ Hỏa tốc hỏa tốc/ Ngựa bay lên dốc/ Đuốc chạy sáng rừng”. Đó là thời khắc “Kháng chiến ba nghìn ngày/ Không đêm nào vui bằng đêm nay/ Đêm lịch sử Điện Biên sáng rực”.

Bài thơ với những câu từ đã in dấu trong lòng bao thế hệ, ai cũng thuộc và tự hào: “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên/ Chiến sĩ anh hùng/ Đầu nung lửa sắt/ Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ Máu trộn bùn non/ Gan không núng/ Chí không mòn!/ Những đồng chí thân chôn làm giá súng/ Đầu bịt lỗ châu mai/ Băng mình qua núi thép gai/ Ào ào vũ bão, Những đồng chí chèn lưng cứu pháo/ Nát thân, nhắm mắt, còn ôm…/ Những bàn tay xẻ núi lăn bom/ Nhất định mở đường cho xe ta lên chiến trường tiếp viện/ Dốc Pha Đin, chị gánh anh thồ/ Đèo Lũng Lô, anh hò chị hát/ Dù bom đạn xương tan, thịt nát/ Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh…”. Chiến thắng bất diệt và mỗi câu chữ cũng trở nên bất diệt trong lời khẳng định nghẹn ngào: “Hỡi các chị, các anh/ Trên chiến trường ngã xuống/ Máu của anh chị, của chúng ta/ không uổng/ Sẽ xanh tươi đồng ruộng Việt Nam/ Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam/ Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng…”.

Mang theo cảm xúc đau thương của những hy sinh, mất mát – góc nhìn khác từ trận chiến, nhà thơ Tố Hữu viết bài thơ “Mộ Bế Văn Đàn”. Không còn nhịp hành quân và không khí ra trận của triệu trái tim như một, chỉ còn nỗi lòng thương cảm gửi đến người anh hùng đã “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”: “Thời gian ngừng bước, lặng im/ Bên mồ liệt sĩ; trái tim ta dừng./ Trái tim ta – cũng ngập ngừng,/ Nửa chừng giọt lệ, nửa chừng lời ca”;  “Nơi đây mộ Bế Văn Đàn/ Thân làm giá súng, thân làm cành xuân;/ Đang khi trận địa gian truân,/ Vai khiêng núi lửa diệt quân bạo tàn./ Quân ta cờ thắm khải hoàn,/ Mà người chiến sĩ đã tàn thịt xương”. Gia tài năm xưa của đội quân hùng cường có gì? Mà để lại chiến thắng vĩ đại nhường ấy? “Hai đế giày cao su rách sờn/ Giản đơn một cây bút máy/ Một túi ni lông/ Tám khuy cúc áo/ Một mảnh đại bác – còn lại trong người./ Tất cả tình anh đã hiến cho đời./ Không giữ cho mình, dù chỉ là hài cốt”. Không cần một câu chữ khóc thương, chỉ khắc họa thực tại mà khiến mỗi chữ lại ngậm ngùi đau đớn. Đối với thơ ca cách mạng, Tố Hữu là cái tên mà khi nhắc đến, không chỉ số lượng tác phẩm lớn lao, mà những câu chữ dư ba, để lại cùng lịch sử đã khẳng định những đóng góp của nhà thơ trong thời kỳ chiến tranh.

Những tác phẩm thơ ra đời trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ có những tác phẩm tả trực diện trận đánh. Cách viết mộc mạc mà vẫn đem đến cho bạn đọc cái nhìn toàn diện về chiến trường. Bài thơ “Quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tác phẩm như vậy. “20 tháng 11 năm cũ,/ Giặc Pháp nhảy dù Điện Biên Phủ/ Hăm mốt tiểu đoàn tinh nhuệ nhất,/ Xe tăng, súng lớn đầy chồng chất”; Bên ta thì:/ Bộ đội, dân công quyết một lòng,/ Xẻ non, đắp suối, vượt qua sông,/ Khắc phục khó khăn và hiểm trở;/ Đánh cho giặc tan mới hả dạ; “13 tháng 3 ta tấn công,/ Giặc còn ở trong giấc mơ nồng: Hơn 50 ngày, ta đánh đồn,/ Ta chiếm một đồn lại một đồn, Quân giặc chống cự tuy rất hăng,/ Quân ta anh dũng ít ai bằng”; “Giặc kéo từng loạt ra hàng ta./ Quân ta vui hát “khải hoàn ca”. Cả quá trình trận đánh đến chiến thắng vĩ đại hiển hiện như những thước phim quay chậm. Từng nhân vật và sự đối lập về sức lực, tiền của giữa “ta” và “giặc”. Tương quan lực lượng cho thấy ý chí và niềm tin của đoàn binh chiến đấu vì lý tưởng độc lập dân tộc. Sức mạnh ngoan cường của quân và dân ta đã nhân lên như thế!

Bài thơ “Đất nước” của nhà thơ Nguyễn Đình Thi được sáng tác từ năm 1948 đến năm 1955. Phần đầu của bài thơ là sự kết tinh nghệ thuật từ bài “Sáng mát trong như sáng năm xưa” viết năm 1948 và bài “Đêm mít tinh” viết năm 1949; phần sau của bài thơ được khơi gợi từ hiện thực cuộc sống và chiến đấu của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm rất vất vả mà lạc quan, thần thánh và vĩ đại. Bốn câu kết thúc bài thơ, nhà thơ viết: “Súng nổ rung trời giận dữ/ Người lên như nước vỡ bờ/ Nước Việt Nam từ máu lửa/ Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”. Theo nhà thơ Nguyễn Đình Thi, để có cảm hứng viết những dòng thơ tài hoa với hình tượng kỳ vĩ và rực rỡ này, nhất là hai câu “Súng nổ rung trời giận dữ/ Người lên như nước vỡ bờ” là nhờ âm hưởng của chiến thắng Điện Biên Phủ oai hùng vào trưa ngày 7/5/1954, mà gần một năm sau nhà thơ mới có dịp tái hiện lại.

Thơ viết giữa trận chiến có sức sống nội tại mãnh liệt. Thì ngay cả giữa hòa bình, có những tác giả cũng neo vào lịch sử để viết những câu thơ về thời chiến như bài “Điện Biên Ký ức” của tác giả Giang Chí Hiếu: “Phát động kế hoạch Nava/ Âm mưu thống trị nước ta toàn phần/ Chủ động chiến lược lấn sân/ Từ Điện Biên thôn tính dần Việt Minh/ Nhà nhà ở khắp xa gần/ Người người góp gạo nuôi quân Bác Hồ/ Chuyên chở là những xe thồ/ Đi ra tiền tuyến lương khô ắp đầy/ Súng đạn cũng chuyển từ đây/ Dân quân hỏa tuyến đắp xây dựng đường./ Một lòng tiến ra chiến trường/ Cùng nhau kéo pháo dù đường núi cao”; “Đúng ngày mười ba tháng ba (13/3)/ Tướng Giáp phát lệnh quân ta bắn vào/ Đạn pháo trút xuống ào ào/ Mở màn chiến dịch đánh vào Him Lam/ Độc Lập đánh hướng Đông – Nam/ Giao tranh ác liệt trong làn đạn bay”; “Ngày mùng 7 tháng 5 này/ Chỉ huy Đờ-Cát giơ tay xin hàng/ Điện Biên chiến thắng vẻ vang/ Từ đây sử sách sang trang thật rồi”. Có thể khẳng định dòng thơ cách mạng đã phản ánh được không gian, thời gian của những ngày binh đao khói lửa, nhịp điệu hào hùng cách mạng. Tuy nhiên, thi ca cần thêm những hình tượng nghệ thuật, những nhân vật trữ tình và ngôn ngữ có phần dụng công hơn. Có những câu chữ “găm” vào tim, vào óc bạn đọc và có thể lưu lại sâu hơn thì điều này vẫn là khoảng trống. Chính khoảng trống này lại tạo cơ hội để các nhà thơ dù sinh sống ở Điện Biên hay ở địa phương khác, có nguồn cảm hứng từ sự kiện lại bắt đầu những bài thơ mới của hôm nay. Mạch thơ lịch sử chưa hề bị gián đoạn, mà mở thêm cơ hội để ghi dấu các bài thơ hay tiếp theo về cùng đề tài lịch sử chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Cảm hứng thời đại ghi dấu ấn Điện Biên Phủ hôm nay

“Thóc mới Điện Biên” của nhà thơ Chế Lan Viên là một trong những bài thơ hay sau chiến dịch. “Nhớ ngày nào/ Các anh đi đánh giặc/ Bảo vệ mùa/ Về sống ở trong dân/ Tô Vĩnh Diện, Trần Can/ Mộ anh Giót, anh Đàn/ Năm trăm mộ anh hùng ngời chói thóc”; “Dưới đồi xa/ Pháo thù gục mặt/ Lúa đã chín/ Chỗ tầm câu đại bác/ Lúa chín thơm/ Đầy một sắc trưa vàng”. Góc nhìn giữa sức sống của cánh đồng Mường Thanh bình yên với những chứng tích chiến tranh trên mảnh đất anh hùng là góc nhìn chỉ riêng nhà thơ nhìn thấy. Sự đối lập giữa sự sống và cái chết, giữa chiến tranh và hòa bình chỉ qua hình ảnh mùa thóc mới là sáng tạo nghệ thuật để tác phẩm lưu lại được với thời gian.

Nhiều nhà thơ có cảm hứng khi từng đến và trở lại mảnh đất anh hùng này. “Trở lại Điện Biên” của nhà thơ Anh Ngọc là một trong những bài thơ như thế! “Anh đã đi/ Từ chiến trường Điện Biên đến chợ Điện Biên/ Gặp chiếc xe tăng gỉ hoen nằm trong lúa/ Như cục than cháy vùi trong ngọn lửa/ Ngọn lửa màu xanh/ Hầm Đơ Caxtơri vừa vặn giữa cung đường/ Đi chợ về, chị Thái nghỉ, soi gương”; “Anh không là đám mây trắng vô tư/ Trên đỉnh Pú Hồng Mèo lặng lẽ/ Trái tim anh đập một lời giản dị:/ Ngọn cỏ đời đời xanh suốt tháng năm/ Ngọn cờ mọc lên chỉ có một lần/ Nhưng có điều này – Cả hai đều bất diệt”. Cũng trong mạch cảm hứng ấy, bài thơ “Điện Biên gọi tôi lên” của nhà thơ Nguyễn Hữu Quý có những câu từ rất gợi: “Có phải tiếng hò kéo pháo gọi tôi lên/ Hay ban trắng triền xuân còn đang đợi/ Nậm Rốm tím sương chiều chờ tôi đến/ Mường Thanh xanh líu ríu câu mời?/ Chưa biết hẹn cùng ai lòng đã núi/ Mới Pha Đin đã bối rối Điện Biên rồi/ Qua chót vót đỉnh rừng thăm thẳm suối/ Mây che mùa chiến dịch vẫn còn bay”; “Về mùa em lòng chảo lúa mượt mà/ Cầm tay núi nối vòng xòe dìu dặt/ Đồi A1 đặt vào tôi câu hát/ Tôi hát cùng áo cóm hoa ban/ Có gì đâu măng đắng cơm lam/ Hóa thơm thảo sông mường ruộng bản…”. Dòng thơ về Điện Biên của thực tại không thể thiếu đi dấu ấn của lịch sử nhưng đã có thêm những hình ảnh tươi mới về một thành phố lịch sử nơi địa đầu biên cương của Tổ quốc trong những ngày xây dựng và phát triển. Trải qua bao mưa nắng, những di tích vẫn còn theo năm tháng, là bài học sống động nhất của lịch sử dân tộc đấu tranh giữ nước giữa lòng thành phố hoa ban hôm nay.

Nhà thơ Quang Hoài, trong bài thơ “Trống Điện Biên dậy sóng biển Đông” đã viết: Ta đi từ Chương Dương, Hàm Tử, Chi Lăng, Bạch Đằng, Đống Đa…/ Đến với Điện Biên nối mặt đất và bầu trời đánh quỵ hai đế quốc/ Ôi! Điện Biên thiên niên kỷ nâng tầm dân tộc/ Vời vợi thời gian/ Vời vợi không gian”; “Giá của tự do/ Giá của độc lập/ Máu nhuộm từng tấc đất/ Mẹ ơi mẹ, nước mắt/ Trắng – đỏ hoa ban, trắng bản đỏ Mường!/ Các anh con ngày ấy không về/ Vĩnh viễn xuân xanh Mường Thanh, Hồng Cúm/ Xương thịt hoá đất đai/ Mọc lên thành phố Hoà Bình!”. Bước chân lịch sử từ xưa đến nay, ngấm đọng trong những câu thơ cuối: Mẹ ơi mẹ, xin mẹ đừng lo lắng/ Chim Lạc bay trên mặt trống đồng/ Trống Điện Biên dậy sóng biển Đông!”. Từ Điện Biên hướng đến những ngày biển Đông dậy sóng là cái nhìn hào hùng cũng như trách nhiệm của bao người đang chảy dòng máu đỏ Việt Nam. Niềm tự hào dân tộc dù ở miền núi hay vùng biển, đã là không gian đất nước thì tiếng gọi Tổ quốc vẫn thiêng liêng. Trách nhiệm bảo vệ non sông, hồn thiêng sông núi thúc giục mỗi người chung sức.

“Quê tôi Điện Biên Phủ” – bài thơ của nhà thơ Cầm Giang là góc nhìn của thế hệ trẻ về vùng đất quê hương: “Quê tôi – Điện Biên Phủ… vừa tắt lửa chiến trường/ Không rùng rợn như ai tưởng tượng/ Đúng giây thép gai, boong ke ngổn ngang bờ ruộng/ Chiến hào đan chéo mìn vương/ Níu lại thời gian cố vươn lên trước/ Giờ mỉm môi khâu vá thương đau./ Im lặng lấp chiến hào/ Lúa mọc trên thép vụn/ Lô cốt thành bờ ruộng/ Xác xe tăng thành đập nước vững vàng”; “Tôi -người con của rừng núi Điện Biên/ Mảnh rau chôn giữa đồi A1/ Chân chưa đi ra ngoài nửa bước/ Nhưng quê tôi đã đi khắp hoàn cầu/ Mang cả lòng người hoài vọng ước ao”.

Điện Biên hôm nay ngay trước Hầm Đờ Cát đã thắm nở hoa hồng, mảnh đất ngày nào chất chứa bom đạn nay bình yên với nhịp sống hàng ngày nhưng những chứng tích vẫn còn mãi đó để nhắc nhớ một thời đau thương mà hào hùng của lịch sử. Để lớp lớp thế hệ sau ghi khắc công ơn những anh hùng liệt sỹ ngã xuống bảo vệ vùng quê tươi đẹp. Và thi ca, đúng như sứ mệnh của mình, vẫn đang kể câu chuyện còn mãi cùng tháng năm. Dù với giọng điệu bi tráng, hùng cường hay tự hào bất khuất thì cũng đều nhắc nhớ đến thế hệ đi trước đã vững lòng tin theo ngọn cờ Đảng, soi rọi vượt qua gian khó, làm nên chiến thắng oai hùng.

PHÙNG YẾN


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.