CÁC VẤN ĐỀ ĐẶT RA TRONG CÔNG TÁC GÌN GIỮ NHỮNG GIÁ TRỊ VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG CỦA CÁC DÂN TỘC TỈNH LAI CHÂU

Lai Châu là địa phương quy tụ 20 dân tộc anh em cùng sinh sống. Mỗi dân tộc ở Lai Châu đều có những sắc thái văn hóa và lịch sử cư trú riêng nhưng trong quá trình cộng cư đã hình thành nên ở các dân tộc một ý thức đoàn kết với nhau để cùng nhau đấu tranh, bảo vệ quê hương, đất nước.

Các dân tộc tỉnh Lai Châu đều có nền văn hóa lâu đời với những bản sắc riêng. Người Thái tự hào với những cánh đồng phì nhiêu, màu mỡ; người Mông tự hào với nghề rèn đúc và bộ nông cụ tương thích với môi trường đất dốc; người Lự nổi bật với bộ hoa văn thổ cẩm phong phú, đặc sắc và mang những nét riêng; người Hà Nhì khẳng định bản sắc của mình qua những ứng xử với tài nguyên thiên nhiên và những trường ca dài hàng đêm kể.v.v…

Các dân tộc tỉnh Lai Châu có những đặc điểm và chuẩn mực riêng trong văn hóa, ứng xử gia đình và quan hệ xã hội. Song, nó không khép kín mà luôn mang tính mở. Quá trình tiếp biến văn hóa (acculturation) ở nhiều tộc người diễn ra mạnh mẽ với xu hướng bản địa hóa hoặc bản tộc hóa những yếu tố ngoại lai. Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra những yếu tố ngôn ngữ Hán, ngôn ngữ Kinh trong ngôn ngữ của nhiều dân tộc hay những món ăn có nguồn gốc Hán, nguồn gốc Kinh trong mâm cơm của họ. Đó là sự tiếp thu tự nguyện, có chọn lọc, phù hợp với tiến trình phát triển của cộng đồng và góp phần làm giàu thêm cho vốn văn hóa của các dân tộc. Sự đột biến văn hóa chỉ diễn ra từ khi văn hóa phương Tây và văn minh công nghiệp ảnh hưởng trực tiếp tới Lai Châu.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ, một mặt, qua các cuộc chiến đó, ý thức về quốc gia – dân tộc ở các cộng đồng tộc người được bồi đắp. Họ gắn bó chặt chẽ hơn với tộc người đa số của quốc gia là người Kinh. Nhưng cũng đã dẫn đến những biến đổi sâu sắc trong đời sống văn hóa cộng đồng.

Để đảm bảo cho sự thắng lợi cuối cùng của các cuộc chiến tranh giữ nước, Đảng và Nhà nước ta vừa chủ trương đoàn kết dân tộc, vừa cố gắng thực hiện các cuộc vận động lớn nhằm ổn định hậu phương và tiết kiệm nhân tài, vật lực. Trong những năm 60 của thế kỷ trước, đã có hai cuộc vận động lớn ở miền núi, trong đó có Lai Châu. Một là, cuộc vận động định canh định cư đối với đồng bào các dân tộc ít người và đưa người Việt (Kinh) ở miền xuôi lên xây dựng kinh tế mới. Hai là, tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng: khoa học kỹ thuật; quan hệ sản xuất và tư tưởng văn hóa.

Thực tế đã chứng minh tính đúng đắn của các chủ trương chung mà Đảng và Nhà nước đã tiến hành ở vùng cao nói chung, Lai Châu nói riêng. Miền Bắc được giải phóng rồi đất nước thống nhất. Cuộc sống của người dân đã được cải thiện, mạng lưới mậu dịch, y tế, trường học được xây dựng và mở mang ở khắp các địa bàn cơ sở. Các sản phẩm của nền văn hóa công nghiệp từng bước tham gia vào cuộc sống của người dân.

Nhưng không phải mọi chủ trưởng của Đảng và Nhà nước đều chỉ có những tác động tích cực. Thực tế những năm qua đã cho thấy những thiếu sót, chủ yếu là hữu khuynh khe khắt khi đề ra và thực hiện một vài biện pháp cụ thể. Việc di dân từ miền xuôi lên miền núi, ngoài mặt tích cực còn làm gia tăng sức ép về dân số; và đôi khi đã có sự áp đặt về văn hóa cho cộng đồng các dân tộc theo tiêu chí của người Kinh. Trong nội dung cuộc cách mạng văn hóa, bên cạnh sự vận động xóa bỏ các hủ tục trong ma chay, cưới xin thì các thuần phong mĩ tục mang tính cộng đồng của các dân tộc đều bị cấm. Rồi sau chiến tranh là cả một thời kỳ khủng hoảng về kinh tế, kéo theo sự xuống cấp của văn hóa xã hội, khủng hoảng về niềm tin. Đó chính là mảnh đất tốt cho sự du nhập những yếu tố tôn giáo tiêu cực.

Từ khi đất nước tiến hành công cuộc đổi mới, kinh tế – xã hội ở Lai Châu đã có những thay đổi đáng kể. Đời sống của dân nhân các dân tộc tỉnh Lai Châu nói riêng đều được nâng cao; đồng bào được tiếp xúc rộng rãi hơn với thế giới bên ngoài. Tuy nhiên, cũng vì thế mà văn hóa truyền thống của các cộng đồng tộc người trở lên mong manh trước sức ép của nền văn hóa công nghiệp mang tính toàn cầu. “Tự đánh mất bản sắc văn hóa của mình” đang là nguy cơ tiềm tàng ở nhiều dân tộc.

Cộng đồng các dân tộc ở Lai Châu bước vào đời sống công nghiệp từ một xuất phát điểm rất thấp. Đó là một diễn trình chông gai với liên tiếp các đứt gãy vì phải đốt cháy giai đoạn và do đó, thật khó để có thể kết hợp một cách nhuần nhuyễn giữa truyền thống và hiện đại. Trước ảnh hưởng tất yếu của văn minh công nghiệp, vốn luôn đặt hiệu quả kinh tế lên hàng đầu, nhiều tộc người thường mặc cảm với những gì mình đang có và háo hức tiếp thu những gì được áp đặt. Các tri thức bản địa bị quên lãng, một phần cũng do người dân ngộ nhận rằng đó là những yếu tố văn hóa lạc hậu. Một số thuần phong mĩ tục cũng đang bị xâm hại do sự xác lập vội vã của các chuẩn mực mới.

Trên thực tế, đồng bào các dân tộc tiếp thu rất nhanh các kỹ năng mới và tiếp cận thị trường một cách có hiệu quả. Nhiều dự án của Chính phủ hoặc các tổ chức tài trợ thực sự đã đạt được những kết quả khả quan nếu chỉ xem xét đơn thuần dưới góc độ mục tiêu kinh tế. Nhưng, liệu có thể coi là sự phát triển bền vững khi mà đồng thời với việc tăng thu nhập kinh tế là sự suy giảm các giá trị văn hóa truyền thống, nhất là trong văn hóa phi vật thể và sự lệch chuẩn so với những tiêu chí đạo đức cộng đồng. Những đổi mới trong tập quán sản xuất là cần thiết, vì mục tiêu an toàn lương thực và phát triển kinh tế hàng hóa.

Bên cạnh những thành tựu về kinh tế, sự mất mát về văn hóa, nhất là văn hóa phi vật thể là rất lớn. Từ lâu, ở nhiều dân tộc trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã không còn những sinh hoạt và lễ hội văn hóa truyền thống mang tính cộng đồng mà ở đó có những giá trị văn hóa – xã hội truyền thống được nuôi dưỡng và tiếp sức. Đã vắng dần những pho sử sống của dân tộc. Lớp trẻ ngày nay thích xem tivi, nghe nhạc “sập xình” hơn nghe những câu truyện cổ của dân tộc mình. Những nghệ nhân dân gian cứ thưa vắng dần, những làn điệu dân ca, dân vũ chỉ còn là ký ức xa mờ của lớp người cao tuổi. Các mối liên kết cộng đồng với những tiêu chí truyền thống đã và đang bị thay thế bởi các chuẩn mực mới, lấy cá nhân làm trung tâm. Nền tảng cơ sở văn hóa truyền thống đang bị mất đi từng ngày. Tình hình đó khiến cho các nhà khoa học lúng túng, các nhà quản lý văn hóa cảm thấy lo ngại.

Các nhà quản lý ở địa phương và cơ sở thường hiểu chất lượng cuộc sống dưới góc độ vật chất hơn là có sự bổ sung của văn hóa tinh thần. Câu hỏi thường trực của họ là làm thế nào để giàu có hơn về vật chất chứ không phải là làm thế nào để giữ được những câu truyện cổ tích, những trường ca, những điệu khèn, những điệu múa, lời ca… ngoại trừ một điều gần như bắt buộc – đó là con đường về với tổ tiên sau khi chết.

Mong muốn quay trở về với những giá trị cổ truyền đã xuất hiện ở những địa bàn cơ sở có đời sống vật chất và cơ sở hạ tầng tương đối khá. Ở Mường So, Dào San (Phong Thổ), Hồ Thầu (Tam Đường), người dân đã tích cực hưởng ứng và tham gia những lễ hội cổ truyền còn được duy trì hoặc mới được phục dựng lại như Lễ hội Nàng Han, Lễ hội Kin Pang Then (dân tộc Thái) Lễ hội Gầu Tào (dân tộc Mông), Lễ Tủ Cải (dân tộc Dao)… Mặc dù có nhiều nét mới như có sự tham gia của chính quyền và các đoàn thể quần chúng nhưng các sinh hoạt đó về cơ bản vẫn giữ được những nét cổ truyền. Nó hoàn toàn phù hợp với ý nguyện của người dân và do người dân làm chủ, dưới sự hỗ trợ của chính quyền cơ sở và các đoàn thể. Rõ ràng, nhiều nơi, nhiều cộng đồng tộc người đang có những bước đi ban đầu để tìm lại sự cân bằng giữa cuộc sống vật chất và đời sống tinh thần.

Bên cạnh đó, những năm qua, các ngành chức năng và chính quyền các cơ sở đã quan tâm đến việc tổ chức các cuộc thi, liên hoan văn nghệ quần chúng lấy vốn cổ của các tộc người thiểu số làm mục tiêu khai thác thu hút nhiều nghệ nhân và diễn viên quần chúng tham gia. Điều này chứng tỏ đồng bào vẫn tha thiết mong muốn có một “sân chơi” lành mạnh để tự thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc mình. Mặc dù các cuộc thi, liên hoan như vậy vẫn còn nhiều khiếm khuyết, nhất là ở sự “cải biên” và “sân khấu hóa” các loại hình văn nghệ dân gian. Nhưng ít nhất, chúng đã tạo nên một phong trào “ôn cố” tương đối sâu rộng. Nếu có sự kết hợp chặt chẽ hơn với công tác điều tra, nghiên cứu cơ bản, sưu tầm và có biện pháp bảo tồn trong cộng đồng thì những phong trào này ắt hẳn sẽ có nhiều ý nghĩa thực tế hơn. Đó cũng là việc làm thiết thực để các yếu tố văn hóa phi vật thể của các tộc người thiểu số ở Lai Châu có thể trở thành động lực của sự phát triển.

Khái niệm gìn giữ (hay bảo tồn) phải được hiểu như một thực thể sống, có ý nghĩa tích cực đối với đời sống cộng đồng chứ không chỉ được đóng khung trong bảo tàng. Nói cách khác là phải làm sao hiện đại hóa những giá trị văn hóa truyền thống như một dòng chảy liên tục. Sự lựa chọn mô hình và con đường phát triển của mỗi tộc người cần phải dựa trên những nhu cầu của cộng đồng, do cộng đồng quyết định. Sự lựa chọn đó sẽ đúng đắn hơn khi có sự định hướng của các nhà khoa học, văn hóa học dưới sự đảm bảo của các thể chế chính trị và sự trợ giúp một cách có hiệu quả về y tế và giáo dục.

Việc hoạch định các chính sách hay thực thi các dự án phát triển đối với đồng bào các dân tộc ở Lai Châu cần chú trọng gìn giữ các yếu tố văn hóa phi vật thể trên nền tảng cộng đồng. Sự can thiệp sẽ chỉ có ý nghĩa tích cực khi văn hóa truyền thống của người dân được tôn trọng và phát huy. Sự phát triển bền vững chỉ có thể có được khi chúng ta biết kết nối truyền thống với hiện đại và giữ được sự đa dạng văn hóa của các tộc người./.

San Thàng


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.