Buôn Păn (Truyện cổ dân tộc Lự)

Ngày xưa ở một bản người Lự có hai vợ chồng nhà kia sinh được một đứa con trai khỏe mạnh, kháu khỉnh đặt tên là Buôn Păn. Chẳng may khi Buôn Păn mới hai tuổi người mẹ lâm bệnh mà chết. Muốn có người phụ nữ đỡ đần công việc, nuôi nấng con thơ, bố Buôn Păn lấy người vợ kế.

Buôn Păn càng lớn càng khỏe mạnh, chăm ngoan, bố em rất yêu quý. Trái lại, em chỉ là cái gai trong mắt người mẹ kế. Ban ngày bố đi làm mẹ kế không cho em ăn no. Còn cấm em chơi với bọn trẻ trong bản. Buôn Păn chỉ biết làm bạn với con chó. Khi Buôn Păn đi đâu lâu, chó lại gọi “gâu gâu Buôn Păn ở đâu về đi”.

Không làm hại được Buôn Păn, người mẹ kế tức lắm. Một hôm như mọi ngày, bố đi làm, mẹ kế gọi Buôn Păn vào bảo:

– Mày lớn rồi theo tao vào rừng chặt củi, cứ ở nhà cái lưng nó dài ra đấy.

Buôn Păn lẽo đẽo theo bà vào rừng. Bà ta đào một cái hố sâu ngang cổ em, bế em đặt vào hố bảo:

– Đừng sợ, đứng dưới hố này một lúc mày sẽ chóng lớn. Để tao chèn ít đất cho mày khỏi ngã.

Nói xong bà ta đổ đất lấp đến cổ Buôn Păn. Buôn Păn tưởng thật đứng im, bà ta liền bỏ về nhà.

Trời tối dần, con chó không thấy chủ về, gọi mãi không được nó liền phóng một mạch vào rừng, tìm thấy Buôn Păn bị chôn. Nó liền bới đất cho  Buôn Păn trở về. Sợ mẹ kế làm hại, Buôn Păn không dám nói với bố.

Hôm sau, khi người bố đi làm, bà mẹ kế buộc con chó lại rồi dẫn Buôn Păn vào rừng thật xa, đi đến một gốc cây to bà ta bỏ Buôn Păn lại. Vì đói và mệt, Buôn Păn ngủ thiếp đi. Bà mẹ kế ba chân bốn cẳng chạy thật nhanh về nhà.

Trời sẩm tối, có một ông thần rừng xanh đang đi tìm thịt để nuôi bố mẹ già trong hang sâu, qua gốc cây thấy Buôn Păn ngủ, tưởng vớ được con mồi, thần rừng chộp lấy bỏ vào túi mang về hang. Thần rừng gọi:

– Có thịt rồi, bố mẹ được bữa ngon!

Cái túi mở ra, Buôn Păn khỏe mạng xinh đẹp bò đứng dậy. Sau phút bất ngờ và hiểu chuyện, bố mẹ thần rừng nhận Buôn Păn làm con nuôi. Từ đó, hàng ngày thần rừng tập cho Buôn Păn thành thạo các môn võ nghệ, dần dần Buôn Păn thành một chàng trai tuấn tú khôi ngô võ nghệ cao cường

Ở nhà bố mẹ nuôi được chăm sóc yêu thương nhưng Buôn Păn vẫn không nguôi nỗi nhớ nhà. Một hôm Buôn Păn xin phép bố mẹ nuôi đi chơi thăm bản mường quanh vùng, bố mẹ nuôi dặn:

– Con đi đâu nhớ về, đừng xa bố mẹ nhé!

Trên đường đi, Buôn Păn rẽ vào chơi ở một bản, hỏi ba nhà đều kiêng không cho vào, thấy lạ Buôn Păn đi vào sâu trong bản, đến một nhà bỗng nghe tiếng khóc. Buôn Păn vào hỏi sự tình thì được biết nhà có bảy cô con gái xinh đẹp, lũ ma rừng đã bắt đi sáu cô, còn cô thứ bảy đã đến ngày phải nộp mạng. Nhìn thấy Buôn Păn, bố mẹ cô khóc lóc xin cứu giúp. Chàng trai nhận lời đi cứu  các cô.

Bà mẹ nói:

– Khó lắm cháu ạ, nếu không nộp mạng cô bảy chúng sẽ giết cả bản ăn thịt.

Hôm sau khi trời sẩm tối, Buôn Păn và cô bảy vào rừng đến lều ma nộp mạng. Một trận cuồng phong nổi lên dữ dội, mấy con ma xuất hiện trước lều cười vang, cả khu rừng  cây cối nghiêng ngả.

– À tốt bảo nộp một hóa lại được hai mạng.

Cô bảy nói:

– Các người muốn chết thì vào đây!

Các con ma lao vào. Buôn Păn đỡ cô bảy thoát ra khỏi lều nhảy lên tận ngọn cây, mấy cái đầu ma vươn theo định cắn. Buôn Păn tung đòn võ hiểm, dùng con dao rừng lia thí mạng với chúng, đầu ma rụng hết.

Đặt cô gái xuống đất, Buôn Păn nói:

– Bây giờ cô bảy về nhà cho bố mẹ mừng.

Rồi anh ra đi.

Cô bảy nói:

– Em sợ lắm, Anh đi bọn chúng sẽ hại em.

Buôn Păn cắt một miếng vải áo của mình đưa cho cô:

– Em cầm lấy miếng vải này, không dám làm hại em đâu.

Hai người chia tay một lúc thì bố mẹ cô Bảy cũng tìm được con. Tin cô bảy còn sống mà lũ yêu ma bị giết làm dân khắp vùng vui mừng. Dân bản ăn mừng ba ngày liền. Bố mẹ cô bảy  hỏi:

– Người cứu con ở đâu rồi?

Cô bảy đưa mảnh vải áo ra, bố mẹ cô liền thông báo cho thanh niên các bản trong vùng: ai có áo giống miếng vải của cô cầm thì họ gả con gái cho. Thanh niên trong vùng mang áo đến nhưng không khớp. Bố mẹ nuôi biết tin cho thần rừng đi tìm Buôn Păn bảo mang áo về. Nói ba lần nhưng Buôn Păn xấu hô, mãi mới nghe. Khi Buôn Păn vào bản, bố mẹ cô Bảy đưa miếng vải ra gắn vào chỗ khuyết của áo Buôn Păn thì miếng vải dính vào chỗ khuyết, liền lại.

Đám cưới của Buôn Păn và cô bảy diễn ra linh đình trong mấy ngày liền. Dân bản khắp vùng đến dự rất đông vui. Họ sống hạnh phúc bên nhau suốt đời.

 

Lò Duy


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.