Bức tranh vẽ mẹ

Chỗ này thêm một cái cây nữa thì tuyệt. Hoàng tự nhủ. Nhưng mình không thể vẽ theo ý muốn như vậy. Nghệ thuật suy cho cùng vẫn cần một cái bụng no mới có thể duy trì. Hoàng nén tiếng thở dài. Cầm cành cọ chấm vào bảng sơn tiếp tục uốn nét vẽ trên bề mặt xi măng thô ráp. Nhưng nghĩ kỹ lại, cũng nhờ vậy mà nghệ thuật đến gần với công chúng hơn, nhìn ngắm những bức tranh vẽ trên tường biết đâu sẽ làm tâm hồn một ai đó dịu lại, hướng tới cái tốt đẹp hơn giữa một xã hội xô bồ. Hoàng chợt thấy bụng mình quặn lại, nôn nao.
Con người ta bây giờ ghê gớm quá, nhiều câu chuyện Hoàng nghe và chứng kiến thật mà như đùa, nhiều câu chuyện khiến Hoàng choáng váng, ví như chuyện một nhà nọ mẹ già sắp chết đến nơi, con cái vì tranh giành đất cát mà giận hờn chả thèm ngó ngàng tới. Nhà chỉ có đứa cháu gái học cấp hai là thương bà nhất, nó chạy ra chạy vào nước mắt ngắn dài. Sợ bố và bất lực nó chả thể làm thêm gì được. Đến lúc bà chết, nó thẫn thờ, kỳ lạ nhất là bên những người đàn bà khóc rũ rượi, chết ngất thì mắt nó ráo hoảnh, vô hồn.
Hoàng nghĩ mãi mà không hiểu hành động kỳ lạ ấy của đứa cháu gái nọ, có thể lúc ấy nó đã hết nước mắt để khóc sau những tháng ngày vật vã vì thương bà, vì sự bất lực của chính mình, hay nó đã ngộ ra điều gì đấy bởi cú sốc đầu đời sau khi đã nhìn thấy rõ sự dối trá, bội bạc của lòng người. Thôi thì cũng là tốt cho nó, bớt ngây thơ thì sẽ bớt bị lừa gạt, chỉ mong nó giữ lại được chút ít sự hồn nhiên trong trẻo của đời người. Đàn bà ấy mà, tỉnh táo quá chỉ tự làm khổ mình.Mới đầu tuần trước, Hoàng vừa hoàn thiện một bức tranh tường cho một đại gia nọ ở huyện X trong tỉnh, đang lúc mấy anh em tranh thủ ăn bữa cơm do chủ nhà khoản đãi thì điện thoại Hoàng reo, là Thủy – đứa bạn thân ở nhà gọi. Nó gọi nói với Hoàng mấy lời chua chát lắm, nó để lộ ra điều ấy vì chắc nó đang say, nó khổ vì tình. Thủy yêu một cô gái hiền lành, nhà to uỵch nằm ngay thị trấn chỗ đầu cây cầu dẫn đường về nhà Hoàng. Yêu tha thiết mấy năm trời, dạo này thằng bạn Hoàng ăn nên làm ra, bập vào một cô em xinh đẹp, nhà em là biệt phủ ở một thành phố lớn, nhà chả có gì ngoài tiền. Nhưng tự trọng thằng đàn ông cao lắm chứ, khi cô em thành phố vứt vào mặt bạn của Hoàng mười hai tỉ bảo bỏ quách con bé “nhà quê” kia đi để đến với cô ả, thì bạn thân của Hoàng dứt khoát ngay với ả. Mười hai tỉ đồng, Hoàng không thể tưởng tượng được một số tiền lớn như thế bỏ ra mua tình yêu thì thật người ta có bị điên hay không. Thế nhưng nói thật thì với nghệ sĩ như Hoàng tình yêu là vô giá, tiền nào mua được. Hoàng tôn trọng quyết định của thằng bạn nối khố vì ít ra nó còn trọng cái sĩ diện của một con người.
Chuyện vẫn chưa dừng lại ở đó, cô ả hận vì không có được thứ mình muốn, thuê thám tử theo dõi Thủy, đi đâu làm gì cô ta cũng biết. Sau khi không thể làm gì được tình yêu bền vững của người yêu cũ dành cho Thủy. “Không ăn được thì đạp đổ”, cô ta thuê người phá hoại việc làm ăn của Thủy, khiến cậu bạn thân của Hoàng khốn đốn. Hoàng ăn bữa cơm xong, phi xe về nhà gặp bạn để động viên, dưới ánh sáng lờ mờ của đèn điện cao áp ngoài đường, khuôn mặt Thủy đờ đẫn, gầy rộc đi, đôi mắt thâm quầng sâu hun hút những nỗi buồn. Hoàng câm lặng xót xa. Trong tình yêu ai bảo chỉ có phụ nữ khổ, đàn ông cũng lắm nỗi niềm đa đoan.
Đi nhiều, gặp nhiều những câu chuyện dở khóc dở cười, Hoàng mới thấy cuộc sống cũng như bức tranh vẽ đầy màu sắc, những mảng sáng tối xen lẫn, đan cài vào nhau tạo ra những tình tiết tưởng như chỉ có ở trong tiểu thuyết do một nhà văn đại tài nào đó nghĩ ra để cuốn hút người đọc. Ôi, cuộc đời. Bụng Hoàng lại cồn lên đau quặn, Hoàng dí mẩu thuốc xuống đất, cố cầm cho vững bảng vẽ, dừng lại một lúc cho qua cơn đau dạ dày.
Dạo này những cơn đau đến nhiều hơn, nhiều khi chúng nhằm lúc Hoàng đang ngủ say sưa để gọi Hoàng dậy. Đang tỏ tình với một cô nàng có khuôn mặt tây tây bán khỏa thân xinh đẹp thì cơn đau kéo tới, Hoàng nửa tỉnh nửa mê ngã xuống ôm bụng, quay lại thì nửa thân dưới của cô gái đã biến thành nửa thân rắn với những cái vảy óng ánh đang trườn đi về phía Hoàng rất nhanh. Tỉnh dậy khỏi cơn ác mộng luôn khiến người ta kinh sợ, nhưng đối diện với thực tại lại khiến Hoàng vật vã toát mồ hôi. Giá như không cần tới mày, thì tao cắt tao vứt toẹt mày đi dạ dày ạ!
Hoàn thành xong những nét vẽ cuối cùng về một mùa thu rực những lá vàng, một phong cảnh trong cánh rừng rẻ quạt nổi tiếng của Nhật. Giống hệt một bức tranh được chụp lại, chỉ việc vẽ theo yêu cầu và làm sao cho có hồn. Hoàng không thích việc sao chép lại như một cái máy, nhưng anh cần vẽ để kiếm tiền. Không phải vì anh sống thực dụng, cơm nước qua ngày chỉ là chuyện vặt vãnh, tất cả chỉ vì mái tóc mẹ đang đổi màu, anh cần một khoản để có thể giúp mẹ an hưởng lúc tuổi già. Hoàng có thể từ bỏ mọi thứ chỉ để mẹ được vui, cũng như lúc mẹ đã từ bỏ mọi thứ chỉ để sinh ra Hoàng.
Chiều nay anh em trong đội vẽ tranh tường gọi Hoàng đi uống bia mừng cho cuộc “khánh thành bức tường đời” thành công, anh em trong đội thường gọi vui sau khi hoàn thiện một công trình như thế. Vị cay nồng của bia lướt qua họng, đắng nhưng mát rượi, nhấm thêm tý ngòn ngọt của mực nướng xé nhỏ, cái thú ở đời cũng chỉ đến thế. Đàn ông không thích buôn chuyện như đàn bà, gặp nhau ở đâu, bất kỳ trong sự kiện lớn nhỏ gì cũng chỉ thấy tiếng rì rầm đa số là tiếng đàn bà con gái. Có nhà nghiên cứu nào đấy của nước ngoài cũng nói, buôn chuyện không phải tật xấu đó là một cách xả stress của cánh phụ nữ. Đủ thứ trói buộc người đàn bà, nào là tiết hạnh, nào là chăm con cái, việc nội trợ nhà cửa, đi làm việc nước về lại tất bật với việc nhà, một sợi dây vô hình trói buộc không để họ có thời gian buông thả, lê la ở quán nhậu như cánh đàn ông.
Đàn ông đi uống bia cũng không phải để buôn chuyện, đàn ông đi uống bia để nói chuyện đời, chuyện lớn lao thế sự; này thì xăng tăng giá; nước Mỹ và Châu Âu đang lao đao với lạm phát; về chiến tranh; cuộc chiến trên bàn nhậu khiến ai nấy mặt đỏ gay như gà chọi. Ừ, thôi thì kệ, nào zô, uống cho sự hòa bình mà chúng ta đang được ngồi đây, tranh cãi chi cho mất tình mất nghĩa.
Hoàng rất ít nói, chỉ ngồi yên nhâm nhi và lắng nghe. Đến điểm cảm thấy có thể say thì anh dứt khoát dừng lại, mặc ai nài ép. Hoàng uống cho vui, không uống cho say, mất tự chủ thì hậu họa khôn lường. Hoàng không sợ chết, Hoàng chỉ sợ chết mà chưa làm được tích sự gì cho đời, sợ nửa chết nửa sống làm khổ lây cho người thân. Hoàng sợ làm mẹ Hoàng đau lòng, ngàn vạn lần Hoàng không thể đền tội bất hiếu.
Hoàng nhớ, ngày Hoàng học cấp hai, các quán internet mới nổi lên, cả thị trấn có hai cái quán nét, mỗi quán mấy chục cái máy tính cây mở hai tư trên bảy. Quán không lúc nào vắng khách, hai ngàn một tiếng, đứa nào tới chậm thì phải ngồi chầu chực xem đứa khác chơi. Đám choai choai như Hoàng thường xuyên lui tới quán nét để chơi điện tử, Hoàng thường xuyên trốn học để đi chơi nét. Lần đầu tiên có thứ hấp dẫn mê hoặc Hoàng đến thế, một cảm giác háo hức, phấn chấn, gần như phát điên nếu không thể chơi điện tử một ngày.
Hoàng thường xuyên nói dối mẹ để xin những khoản tiền mươi mười ngàn đi học thêm, nhưng thay vì nộp tiền cho cô giáo thì Hoàng nộp lại cho chủ quán nét. Nhìn bóng mẹ lầm lũi đi trên con đường làng heo hút về phía cánh đồng, nơi ấy biết bao sự nhọc nhằn đang chờ đón đôi tay chai sần của mẹ. Hoàng chỉ hơi bận lòng chút ít, sự mê hoặc của việc lên level trong trò chơi nó lôi cuốn Hoàng leo lên xe đạp lên thị trấn cách gần chục cây, đến khi ngồi vào bàn máy tính với những kỹ xảo điện tử hấp dẫn thì hình ảnh lam lũ của mẹ hoàn toàn tan biến.
– Hoàng, Hoàng ơi! Thằng Hoàng nhà tôi có ở đây không cậu?
Tiếng của mẹ từ bên ngoài làm Hoàng giật thót mình, đang dở ván game. Hoàng nhanh chóng ẩn thân vào sau cánh cửa của căn phòng tiếp giáp với phòng đặt máy tính để tránh mặt mẹ. Một cảm giác lo sợ bị vạch trần của kẻ nói dối. Sau khi nghe thấy câu trả lời chỏng lỏn gay gắt của chủ quán và nhìn thấy dáng hình khắc khổ của mẹ đã đi khỏi, Hoàng mới thở phào nhẹ nhõm bước ra khỏi chỗ nấp tiếp tục cuộc chơi dang dở.
Độ tầm hơn nửa tiếng sau, Hoàng nghe thấy tiếng cô Hải ở cạnh nhà gọi giật tên mình thì cậu hốt hoảng, linh tính mách bảo điềm chẳng lành. Mẹ Hoàng bị ngất phải đưa vào viện cấp cứu. Trời đất sụp đổ, Hoàng chạy như bay tới bệnh viện. Những giọt nước mắt đua nhau rơi xuống, Hoàng chả thiết tới cấp bậc game ghiếc gì nữa. Vào lúc này tất cả đều vô nghĩa.
Hoàng vẫn còn nhớ như in cái cảm giác hối hận, dằn vặt về tội lỗi của mình khi ấy. Chỉ vì số tiền mà mẹ đinh ninh Hoàng dùng đi học thêm cho bằng bạn bằng bè, mẹ đã tằn tiện tới mức không dám ăn uống để bị kiệt sức dẫn tới suy nhược cơ thể phải nhập viện. Ôi! mẹ ơi, đừng bỏ lại con bơ vơ… Hoàng chỉ kịp thốt lên trong những tiếng nấc nghẹn ngào. Hoàng úp mặt vào tay khóc rưng rức giữa sảnh bệnh viện trước những đôi mắt đầy thương hại của những bệnh nhân và người nhà của họ.
Sau đận ấy, Hoàng chú tâm vào học hành và cuối cùng theo học ngành hội họa của trường đại học mỹ thuật công nghiệp theo đúng sở thích vẽ từ nhỏ của mình. Học xong, Hoàng có vẽ vài tác phẩm, sau đó Hoàng dành phần lớn thời gian đi theo nhóm vẽ tranh tường để kiếm kế sinh nhai. Lúc đầu Hoàng cũng nản, sợ sức sáng tạo bị mài mòn vì sự bó buộc, nhưng sau đấy Hoàng lại có suy nghĩ khác. Phải chấp nhận sự thật, thậm chí phải yêu lấy nó, vì không những nó nuôi sống mình mà mình lại không phải xa rời cây cọ vẽ. Chẳng có gì cả, đi nhiều, vẽ nhiều, luyện nét vẽ của mình thêm nhiều kinh nghiệm. Cuộc sống vốn nhiều khó khăn ta buộc phải thích nghi để có thể tồn tại thì mới thỏa chí với đam mê của mình được.
Hoàng về đến nhà vào lúc trời chập choạng tối, ánh điện đường hắt lên bức tường nhà Hoàng thấy rõ hình ảnh cây hoa giấy Hoàng vẽ để chơi tết vừa rồi. Tết người ta chơi đào, chơi mai, chơi quất, Hoàng dùng luôn tài năng của mình vẽ lên tường gạch trước cửa nhà, cũng là đường đi của cả xóm Đá. Ai đi chơi tết ngang qua trước cổng nhà Hoàng cũng dừng lại chụp ảnh với cảnh vẽ trên tường và trầm trồ khen ngợi. Mẹ Hoàng cười hấp háy mắt, mẹ vui, hãnh diện về Hoàng, một chút như thế với Hoàng là đủ.
Căn nhà chỉ có một gian chính, một buồng và căn bếp nằm ngang đã chiếm gần hết diện tích đất, sân chỉ còn là khoảng trống nhỏ để vừa chiếc xe máy của Hoàng và chiếc xe đạp cà tàng của mẹ. Hoàng mới tự sơn lại căn nhà vào năm ngoái với hai màu chủ đạo vàng và trắng. Ở mặt tường nhà đối diện với sân, Hoàng vẽ một cây sưa đỏ, bên dưới một thảm cỏ cùng chiếc xe đạp dựng bên cạnh như chờ đợi. Hoàng nhìn quanh chẳng thấy mẹ. Anh ngồi lên thềm nhà dựa mình vào tường, nhìn lên các ô thoáng mà mẹ đã để đầy những túm tỏi, hành cho khô thấy lòng bình yên lạ, chẳng còn những xô bồ mỏi mệt của cuộc sống ngoài kia.
Hoàng chợt nghĩ tới tin nhắn chiều nay mà người đàn ông đó gửi cho anh. Hoàng đã từ chối cuộc sum vầy đó nhiều lần. Trong lòng anh không thể tha thứ cho người đàn ông cùng chung dòng máu với mình. Ngày trước, mẹ Hoàng từng là thanh niên xung phong, xông pha nơi chiến tuyến mười năm, thanh xuân của mẹ cũng chôn vùi nơi đất cát gió Lào. Trải qua những khắc nghiệt của chiến tranh, người yêu cũng hi sinh ở chiến trường, khiến trái tim mẹ Hoàng chai sạn. Chuẩn bị cho ngày trở về, mẹ Hoàng lúc này chẳng nghĩ ngợi gì tới chuyện yên bề gia thất nữa. Một ngày nọ, người bạn đồng hương tìm tới mẹ thổ lộ tình cảm bên bờ sông ngan ngát gió và ầm ào của tiếng nước chảy. Mẹ Hoàng thẳng thắn chối từ. Bị cự tuyệt, người đàn ông tức tối ôm ghì lấy mẹ mặc mẹ Hoàng giẫy giụa giữa bốn bề hoang lạnh.
Mẹ mang bụng bầu Hoàng trở về quê giữa những tiếng xì xầm của đồng đội. Mẹ không tố cáo người đàn ông ấy, thậm chí có lần mẹ nói với Hoàng, mẹ không hề oán hận, mẹ chỉ cần có Hoàng là đủ. Cho đến bây giờ Hoàng mới hiểu, để nói ra câu nói ấy cho Hoàng đỡ tủi thân mẹ đã trải qua những đau đớn, khổ nhục tới thế nào. Đấy chính là sự hi sinh vĩ đại của người mẹ ở đời này, chẳng cần gì chỉ cần đứa con của mình lớn lên khỏe mạnh, ngoan ngoãn.
Người đàn ông ấy sau này đã trở về và lấy vợ sống một cuộc đời giàu sang, đàng hoàng. Ông ấy hoàn toàn quên bẵng đi mẹ Hoàng cùng những việc xấu xa mà ông ấy đã gây ra, có lẽ ông ta nghĩ đó là một sự việc bình thường giữa thời buổi mọi giá trị đạo đức bị đảo lộn. Có lẽ ông ấy sẽ chả bao giờ biết đến sự tồn tại của Hoàng sau khi chính ông ta vì một tai nạn mà không thể có đứa con nào được nữa, ngoài Hoàng. Hoàng là một đứa con ngoài giá thú, là một đứa con mà có lẽ chính ông ta ngay từ lúc đầu cũng chẳng mong muốn Hoàng được sinh ra.
Sự tồn tại của Hoàng là nhờ có sự yêu thương và hi sinh của mẹ, lòng rộng lượng của mẹ đã không vì hạnh phúc riêng mà từ bỏ giọt máu của mình. Tấm lòng của mẹ thương con, bút mực nào có thể tả hết được, chỉ có những đứa con luôn làm cho người mẹ phải muộn phiền mà thôi. Hoàng đã từng là một đứa con bất hiếu khi khiến mẹ phải đau lòng vì mình. Bây giờ lại là sự liên hệ với người đàn ông ấy, người đã giúp cho Hoàng có mặt trên đời nhưng chưa từng nuôi Hoàng một ngày hay cho Hoàng một gói kẹo con con. Người đàn ông để lại cho mẹ Hoàng những ký ức khủng khiếp, những năm tháng đau đớn tái tê khi có người hỏi nguồn gốc về đứa con trai duy nhất của mình. Hoàng có thể nào là kẻ bội bạc, Hoàng có thể nào để yên cho người mẹ yêu thương mình nhất mực đau đớn thêm lần nào nữa.
Vậy mà không biết tại làm sao mẹ Hoàng biết được câu chuyện người đàn ông ấy tìm gặp Hoàng. Trái với mọi suy nghĩ của Hoàng, mẹ chỉ gượng cười mà nói với Hoàng về người đàn ông ấy như nói về một kỉ niệm cũ, không có chút gì đau đớn hay oán hận. Mẹ lại mong muốn Hoàng nhận lại người đàn ông ấy, mẹ không muốn Hoàng mang tội bất hiếu. Mẹ bảo Hoàng, những tội lỗi ông ấy gây ra, ông ấy đã trả giá như thế là đủ rồi, cuộc đời ông ấy cũng không sung sướng gì, sự cô độc khi về già rất đáng sợ con trai ạ.
Mẹ nói với Hoàng nhiều lắm, nhưng Hoàng chỉ ậm ừ để đấy. Hoàng không dám cãi lời mẹ, nhưng Hoàng vẫn không thể chấp nhận gọi người đàn ông xa lạ là bố. Hoàng đã quen với cảnh ngôi nhà chỉ có hai mẹ con, Hoàng không muốn chia sẻ tình cảm dành cho mẹ ra với ai. Đối với lòng khoan dung của mẹ, Hoàng thấy mình nhỏ nhoi quá. Điều dễ làm nhất trong cuộc đời của con người, cũng là khó thực hiện nhất chính là lòng khoan dung, độ lượng.
Hoàng nhớ lúc Hoàng còn nhỏ, mỗi lần đám bạn trong xóm trêu Hoàng là đứa con hoang, Hoàng không ngần ngại mà đánh nhau với chúng nó, dù lần nào Hoàng cũng bị bọn nó đánh cho bầm dập. Mỗi lần như thế, mẹ gọi Hoàng về nhà, bắt nằm úp trên giường dùng roi đánh, Hoàng lầm lì đánh đau thế nào cũng không chịu van xin, còn mẹ thì vừa đánh vừa khóc. Những lúc như thế Hoàng ước ao mình có một người bố đúng nghĩa, bố sẽ cứu Hoàng ra khỏi sự trêu chọc của đám bạn, bố sẽ nâng niu cưng chiều Hoàng, sẽ dạy Hoàng đi xe đạp, hai bố con sẽ cùng làm diều để thả mỗi buổi chiều hè ở đồng quê lộng gió, sẽ cùng giải những bài toán khó cô giao về nhà,… Tất cả với Hoàng chỉ là ước mơ, cho đến khi trở thành một chàng trai vạm vỡ trưởng thành, chỉ có mẹ luôn ở bên và động viên Hoàng trên mỗi bước đường. Mẹ đã gánh vác trên vai cả trách nhiệm của một người cha. Chính vì sự cực khổ của mẹ đã nuôi nấng Hoàng nên người, nhất thời Hoàng vẫn chưa thể tha thứ và sum họp với người bố đẻ của mình.
Hoàng mê man chìm đắm trong những suy nghĩ về mẹ, anh tìm bảng vẽ, dựng toan và cầm cọ bắt đầu vẽ theo tâm tưởng, hình ảnh người mẹ có khuôn mặt tròn, làn da tuy có nhiều nếp nhăn nhưng lại hồng hào nhẵn mịn, lông mày thưa và đôi mắt, trời ơi! Trong đôi mắt ấy chứa đựng điều gì đó sâu thẳm, rộng lớn và xa xăm. Khó nhất vẫn là đôi mắt Hoàng phải vẽ lại hai lần, đôi mắt khiến người đối diện thấy được những nỗi đau cất giấu nhưng vẫn toát lên sự rộng lượng, vui vẻ lạc quan yêu đời. Hoàng miệt mài vẽ, vẽ để giải tỏa năng lượng sáng tạo, vẽ để tìm thấy trọn vẹn những yêu thương…

THÙY TIÊN


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.