Nhạn và Thịnh cùng học. Thịnh mê Nhạn từ buổi gặp gỡ đầu tiên. Cho đến khi đã có với nhau hai mặt con, Nhạn có lúc vẫn muốn hỏi Thịnh: Tại sao trong một rừng hoa ở trường sư phạm, Thịnh lại chọn Nhạn.
Nhạn chỉ là một cô gái quê mùa, hiền lành, chân thật, nhiều ước mơ. Từ bé đã chịu cảnh khốn khó của gia đình bần nông nên chăm chỉ, khéo léo. Gia đình Thịnh cũng giống gia đình Nhạn và nhiều gia đình khác trong làng đều đông con. Bố Thịnh bộ đội quanh năm xa nhà. Mẹ Thịnh vất vả một mình nuôi các con khôn lớn trưởng thành. Bố Thịnh thật thà, chất phác, hiền hậu. Đồng lương hưu ít ỏi của bố thập niên 90 của thế kỷ XX cũng chỉ giúp đỡ được phần nhỏ cho sự thiếu thốn của gia đình. Thịnh nhanh nhẹn, hoạt bát và thần tượng bố. Thuở còn ngồi trên ghế nhà trường, Thịnh khát khao trở thành người quân nhân phục vụ trong quân ngũ như bố. Bố hưởng ứng nhưng mẹ nhất quyết không đồng ý. Bà có cái lý của bà. Ngày Thịnh làm hồ sơ thi vào trường chuyên nghiệp đúng mùa gặt chiêm. Lúc quạt thóc ngoài sân, nghỉ tay, bà xoay chiếc quạt điện MD hướng vào người, bỏ nón rồi lôi tuột cái khăn đội đầu xuống để lộ những giọt mồ hôi li ti trên trán. Xoay mặt ra phía đống thóc cao vời vợi vừa quạt sạch sẽ, bà để cho quạt thốc thẳng vào vồng lưng áo ướt đẫm mồ hôi. Thịnh vẫn đang miệt mài quét thóc trên sân gạch nghe mẹ bâng quơ:
– Anh muốn học gì thì học, chớ có ngó ngàng đến lính tráng, binh nghiệp. Cứ nhìn gương bố anh kia kìa. Vợ sinh đẻ không biết, con ốm không hay. Làm nhà rồi sửa nhà cũng không gánh đỡ vợ nửa viên gạch.
– Mẹ!
– Anh vào quân ngũ rồi mai này vợ anh cũng như mẹ anh lại chết già trong nhà để bố con anh hành quân, tác chiến khắp trung đoàn nọ đến đơn vị kia. Mẹ dứt khoát không đồng ý.
Thịnh vứt cây chổi rơm xuống sân, cạnh đống thóc đầy ụ không nói lời nào. Thịnh lặng lẽ ra góc sân ngồi bệt trên cán trang. Bà tưởng Thịnh dằn dỗi nhưng rồi chỉ lát sau Thịnh cầm trang đứng dậy, cào thóc vào thúng, đưa lên sườn cắp vào buồng đổ lên cái cót rộng được quây sẵn từ đầu mùa gặt đặt trên cái nia, dưới là mồi rơm bện chặt. Dù không đồng quan điểm với mẹ nhưng Thịnh không cãi mẹ lời nào. Thịnh biết, trong nhà mọi việc đều do mẹ quyết. Bố Thịnh dù có hưởng ứng cũng chỉ là đưa ra ý kiến. Thịnh buồn lòng nghe theo sự sắp đặt của mẹ và thi vào trường sư phạm để sau này trở thành anh giáo làng. Mẹ khuyên Thịnh:
– Nếu con lấy vợ là giáo viên nữa thì càng tốt!
Cuộc tình Nhạn – Thịnh không gặp bất kỳ sóng gió nào. Học xong sư phạm. Nhạn nhanh chóng được phân công về dạy một trường cách nhà non chục cây số. Thịnh phải học thêm một năm nữa do nợ môn. Một đêm trăng suông, ngồi bên bãi ngô xanh ngút ngàn ngắm dòng sông trăng, Thịnh đòi người yêu bồi thường sự mất mát, chậm trễ của Thịnh. Thịnh đổ lỗi việc anh không tốt nghiệp được vì tối tối phải canh người yêu. Nhạn cản không nổi những đòi hỏi nồng nàn từ cặp môi ấm ngọt của Thịnh. Và rồi cái gì đến ắt đến. Nhạn đi làm được hai tháng thì cau chín trầu thơm. Chồng đi học, vợ đi dạy đồng lương còm cõi lại thêm có em bé, nhiều khoản chi phí tốn kém khiến cuộc sống ngày một khó khăn, những va chạm không đáng có liên tiếp xảy ra.
Thịnh ở trường học, không có vợ bên cạnh, bị bạn bè rủ rê, Thịnh trượt dài trong những say mê chơi bời trác táng. Thịnh suýt không được thi tốt nghiệp lần nữa. Cũng may vào giai đoạn cuối, dù bụng vượt mặt nhưng Nhạn vẫn gồng mình phụ đạo cho chồng. Có những bài tiểu luận, Nhạn phải thức cả vài đêm hướng dẫn rồi hoàn thiện cho chồng. Nhạn sợ chồng chậm tốt nghiệp năm nữa.
Dù may mắn ra trường nhưng Thịnh vẫn mải chạy dài theo những cuộc chơi không có điểm dừng. Nợ nần chồng chất khiến Nhạn ngày càng vất vả hơn. Tốt nghiệp sau vợ một năm nhưng Thịnh không có cơ hội đi làm. Ngành sư phạm thời gian ấy dôi dư giáo viên. Chế độ thi tuyển được áp dụng thay cho chế độ xét tuyển trước kia, mà việc thi với Thịnh lúc này khó hơn lên trời. Bao nhiêu kiến thức học hành được Thịnh đã sao nhãng. Đầu óc Thịnh quay cuồng trong những cuộc vui chơi nhậu nhẹt thâu đêm suốt sáng. Nhạn âm thầm lặng lẽ nuôi con trong nỗi cơ cực nhưng vẫn hết sức chiều chuộng chồng. Nhạn cố gắng làm thêm việc nhà giúp đỡ bố mẹ chồng. Dẫu vậy, những khó khăn khiến mẹ chồng quay lưng, đổ hết mội tội lỗi lên đầu con dâu. Ngày đêm bà chì chiết, đay nghiến Nhạn. Mỗi lời bà nói nhẹ nhàng nhưng lúc nào cũng như ngàn vạn mũi kim xuyên ngang trái tim Nhạn.
Những đêm dài Nhạn nằm ôm con, nước mắt ướt đầm gối. Nhạn luẩn quẩn tìm lối ra cho cuộc sống của mình nhưng chỉ thấy màu đêm đen kịt. Bao đêm không ngủ, Nhạn bế con lang thang khắp làng trên lại ngõ dưới như kẻ mất hồn. Nhạn không biết mình đi đâu? Nếu đi để tìm Thịnh về thì có gặp Thịnh cũng không về theo Nhạn mà có khi anh ta còn tặng cô vài cái bạt tai. Anh ta thường rỉa rói vợ “Không biết cách đối nhân xử thế!”.
Ngày này sang tháng khác, trong đầu Nhạn chỉ canh cánh một niềm ước: Giá mình có phép màu kéo Thịnh ra khỏi vũng bùn nhơ nhớp của sự suy lạc. Hoặc giá mình đẹp và khéo như cái Tuyết. Tuyết là đứa bạn học của Nhạn. Tuyết không chăm chỉ học hành nhưng có chiều cao nhiều cô gái mơ ước, thân hình, đường cong mềm mại hút hồn ánh mắt các chàng trai. Làn da như trứng gà bóc. Khuôn mặt tươi như đóa hoa xuân. Thời ở ký túc xá, Tuyết yêu hai, ba anh cùng lúc. Ra trường, Tuyết kết duyên với anh bác sĩ trên tỉnh. Cưới xong, anh xin chuyển công tác cho Tuyết về thành phố. Nhạn rầu rĩ: Nếu không khéo, không đẹp thì ước nhà bố mẹ có nhiều của để dành như nhà cái Kiều. Bố mẹ Kiều bỏ ra cả đống tiền cho con gái mở cửa hàng, kiếm việc nhàn nhã cho con rể. Hằng tháng ông bà mua cho cháu nhiều áo quần, đồ chơi, quà bánh,… Hoặc giả mình tài hơn một chút. Mình có thể kiếm thật nhiều tiền, lúc đó mình sẽ kéo Thịnh về với gia đình. Sáng tối cả nhà quây quần bên mâm cơm trò chuyện vui vẻ. Ước rồi Nhạn lại trách giận bản thân. Sao mình chẳng có gì. Tiền, tài, sắc đều không có. Nhạn tưởng mình đi đến tận cùng của sự bế tắc. Nhạn chợt nhớ trong làng có người từng nói: trên vùng núi Lương Sơn có một ông thầy giỏi làm bùa yêu từ thứ nước thần thánh. Nếu có được thứ bùa ngải ông ban, muốn ai yêu mình tức khắc người ấy dù ở đâu, làm gì cũng phải theo riết người bỏ bùa. Bất kể là ai muốn cản cũng không được. Nhiều lần Nhạn định liều đi Lương Sơn một chuyến…
Nhạn rầu rĩ đêm ngày. Thế này không được thế kia cũng không xong. Phải làm sao cho hết quãng đời tăm tối này? Phải làm sao để con mình có hạnh phúc, gia đình quây quần như nhà người ta? Những lúc như thế, Nhạn ước gi mình là chiếc lá. Mùa thu vàng úa,
đợi mùa đông đến nhẹ nhàng trút xuống mặt đường, vườn cây… Xuân về lại nẩy lộc châm chồi. Lá non nhú lên xanh mướt mát mặc kệ nắng gió. Nhưng chỉ là ước. Ngoài giờ đi làm Nhạn thường lao đầu vào việc tự học nâng cao trình độ, làm giàu kiến thức cho chính bản thân. Dẫu sao cuộc sống của Nhạn vẫn có một điều mang lại niềmvui, đó là những đứa trẻ ngây ngô ngồi khoanh tay trong lớp học vẫn chăm chú nghe cô giảng bài. Với Nhạn đó là niềm an ủi lớn. Nhạn miệt mài trau chuốt cho những bài giảng mà cô trọng từng giờ giảng. Nhạn yêu thương học trò như yêu thương đứa con bé nhỏ của mình và trong mỏi mòn Nhạn vẫn chờ đợi, hy vọng một ngày nào đó phép màu sẽ về với Nhạn, Thịnh hồi tâm chuyển ý.
Mười năm dài đằng đẵng như một cơn ác mộng. Nhạn đi đến đâu cũng có người níu gọi đòi những khoản nợ giời ơi đất hỡi của chồng. Nhạn sợ nghe tiếng ai đó giục giã gọi tên mình. Nhạn sợ đi chợ, sợ ra đường, sợ gặp người quen. Khi món nợ của Thịnh ngút đầu thì cũng là lúc Nhạn thấy trong người có dấu hiệu khác lạ. Nhạn đi khám, được bác sỹ thông báo Nhạn đã có bầu. Từ bệnh viện trở về, nỗi lo lắng về tương lai của các con ngày một đè nặng tâm trí. Dù không muốn nhưng đã vài lần Nhạn có ý định bỏ đi giọt máu nhỏ bé. Đêm trước mỗi lần Nhạn định đi bỏ là một lần Nhạn mơ.
Nhạn mất ngủ triền miên, có người mách đi tìm cây lạc tiên về đun nước uống hằng ngày. Nhạn đi mãi, đi mãi không thấy lạc tiên đâu chỉ thấy mình lạc vào một cánh rừng hoang vắng. Nhạn tìm lối ra nhưng con đường cứ quanh co, chỉ nghe tiếng chim hót líu lo trên vòm cây, tiếng suối chảy róc rách đâu đây. Nhạn cố nhướng mắt lên từng vòm lá tìm những chú chim đang hót nhưng lá cây dày đặc không sao tìm được. Nhạn đi về phía có tiếng nước chảy, tìm dòng suối nhưng tuyệt nhiên không thấy. Nhạn đi đến khi ánh hoàng hôn le lói cuối trời, mệt mỏi Nhạn ngồi bệt xuống một gốc cây cổ thụ ôm mặt nức nở khóc. Bỗng một cụ già xuất hiện. Da cụ đỏ au, tóc bạc như cước. Cụ chống gậy ba toong gỗ trầm hương đầu rồng thơm ngát tiến về phía Nhạn. Con đường trước mặt Nhạn bỗng vàng ươm những chùm quả lạc tiên chín. Nhạn chào cụ và hỏi đường. Cụ cất giọng sang sảng:
– Ta không biết đường trần con đi về đâu. Hôm nay, ta gặp con ở đây do duyên trời định, không phải vô tình cũng không hữu ý. Ta có một chiếc vòng đá thạch anh được tặng từ thời son trẻ, nó luôn đem điều may mắn đến với ta. Nay ta tặng lại cho con.
– Con cảm ơn, cụ ạ!
– Ta hy vọng chiếc vòng sẽ là lá bùa hộ mệnh cứu rỗi con. Khi con đủ can đảm đi qua mọi khó khăn, lá bùa của ta sẽ ứng nghiệm.
Nhạn đón chiếc vòng, cảm ơn cụ nhưng lưỡi cứ ríu lại, miệng ú ớ không nói thành lời. Bừng tỉnh giấc. Không có chiếc vòng trên tay, không có rừng cây xanh tốt, cũng không có thảm cỏ lạc tiên. Nhạn chợt hiểu, trên ngàn dặm đường thiên lí mỗi cuộc gặp gỡ trong cuộc đời đều là duyên phận, không có đúng sai. Nhạn tự nhủ lòng mình hãy cố gắng hơn nữa để đón nhận sự kỳ diệu mà mình ước muốn.
Cũng ngày hôm ấy, Nhạn nhận tin sét đánh. Thịnh bị bắt khi giúp bạn vận chuyển xe tải gỗ Pơmu từ miền ngược về xuôi. Thế là hết, tia hy vọng trong Nhạn sụp đổ. Nhạn chạy vạy khắp nơi, những người Nhạn chưa từng đến một lần, những bóng hồng uy lực hay những đấng mày râu khét tiếng ở vùng trước đây Nhạn đã từng nghe chồng nhắc đến. Chỉ cần có một cái tên là Nhạn ôm bụng đi tìm địa chỉ, cầu cạnh người ta. Đang loay hoay tìm cách cứu chồng thì một chiều, Nhạn đi làm về gặp Đường. Chiếc xe của Đường đỗ chềnh ềnh ở cổng làng khiến Nhạn không lách qua được. Đường giúp Nhạn cho xe qua và ân cần thăm hỏi về Thịnh. Đường thủ thỉ cho Nhạn biết chỗ quen biết thân tình của anh có thể giúp Nhạn chạy án cho chồng. Đường hẹn Nhạn chuẩn bị quà đến gặp sếp lớn. Nhạn lại hồ hởi hi vọng bởi Đường là người cùng thôn, là một thương nhân lớn, giàu sang, có mối quan hệ rộng. Nhạn về nhà gom hết tiền vay mượn leo lên xe của Đường. Chiếc xe rời thôn nhỏ lúc ngõ xóm đã lên đèn. Qua vài cánh đồng không mông quạnh đến thị trấn lung linh ánh đèn. Đường dẫn Nhạn vào một ngôi nhà ngay mặt phố có biển quảng cáo chạy bằng đèn led xanh đỏ: Nhà nghỉ Khánh Thi. Nhạn nhìn Đường, anh
ta cau mày tỏ ý không hài lòng về ánh nhìn của Nhạn, rồi thong thả:
– Đây là nhà sếp. Em ngồi trên xe chờ anh vào hỏi xem sếp có nhà không.
Lát sau trở ra, Đường nói bằng giọng đầy hối tiếc:
– Sếp có việc ra ngoài, ở nhà chỉ có nhân viên coi phòng. Đám nhân viên không biết anh.
– Vậy hai anh em mình về, hôm sau đến có được không anh?
– Không, mình chờ được. Anh thuê cho em một phòng nghỉ tạm cho đỡ mệt, đợi sếp về anh dẫn em ra nói chuyện. Chỉ mình em nghỉ, anh đưa em lên nhận phòng xong đi công việc.
Nhạn ngập ngừng muốn hỏi gì đó nhưng Đường đã dắt tay Nhạn trìu mến như người anh cả nâng niu đứa em nhỏ lên từng bậc thang. Nhạn còn biết làm gì vào lúc này, đứa con trong bụng cũng cần nghỉ ngơi. Đường mở cửa phòng, chỉ cho Nhạn ti vi bật như thế này, nước uống trong tủ chỗ này…
– Em biết rồi, anh đi công việc của anh đi ạ!
Đường ấn dúi Nhạn ngã ngửa xuống giường:
– Em cứ việc nghỉ ngơi, đây là chỗ lí tưởng nhất anh dành cho em.
Nhạn bật dậy nhưng hắn đã đóng sập cửa. Nhạn hét:
– Anh là đồ khốn nạn. Nếu anh không thả tôi ra, tôi sẽ đi kiện anh. Tôi sẽ cho cả làng biết bộ mặt dơ bẩn của anh.
Đường ngửa mặt cười khùng khục trong kẽ răng đen nhẻm khói thuốc, giọng nham nhở:
– Em giỏi quá cơ! Em có biết là bây giờ người làng đang đồn ầm lên em túng bấn quá, chồng bị bắt chưa được mấy ngày đã tìm người giàu mạnh nhất làng là anh để cầu cạnh. Cũng may anh đây rất thích vui vẻ cùng bụng bầu.
Nhạn uất nghẹn. Mặt nóng phừng phừng, cặp mắt nảy lửa nhìn Đường căm uất. Cánh cửa bật mở. Lực lượng chức năng ập vào kiểm tra. Nhạn ôm bụng run lẩy bẩy. Qua khai báo và làm việc cùng nhà chức trách Nhạn mới hay chính Đường dụ dỗ, mồi chài Thịnh đi nhận hàng giúp hắn. Nghĩ đến Đường, Nhạn lợm giọng như người ta nhìn, ngửi phải thứ xú uế.
Từ ngày Thịnh sa cơ, mẹ chồng tìm cách xa lánh và đuổi mẹ con Nhạn ra khỏi nhà. Chiếc xe của Thịnh bà cũng bắt con gái đưa vào dựng trong xó buồng rồi dấu nhẹm chìa khóa đi. Nhạn bồng con đến ở nhờ trong một gian nhà lụp xụp bỏ hoang đầu làng. Dẫu vậy vẫn đều đặn tuần một lần Nhạn đi thăm chồng nhưng chưa lần nào gặp được Thịnh. Quản giáo chỉ nhận đồ tiếp tế của Nhạn và hứa sẽ đưa đến tận tay Thịnh. Hai năm sau do cải tạo tốt, Thịnh được khoan hồng. Ngày Thịnh trở về, Nhạn hồi hộp đi đón chồng như thuở mới yêu. Nhạn chờ ở cổng trại giam từ đầu giờ chiều đến lúc tối sập mới thấy Thịnh lững thững đi từ phòng giam ra sân. Nhạn lao vào ôm chồng khóc rưng rức như đứa trẻ bị mắng oan.
Rời trại giam, Nhạn gọi xe ôm chở hai vợ chồng về căn nhà nát. Ngồi sau xe, Thịnh liên tục day cằm vào vai vợ thì thào: “Thế mới biết em vẫn còn yêu anh!”. Chỉ vậy thôi mà sao Nhạn thấy hạnh phúc vô bờ. Thịnh ơi, Nhạn chưa bao giờ hết yêu Thịnh. Cả khi Thịnh tệ bạc nhất với em thì em vẫn một lòng trung trinh nghĩ rằng anh là tình yêu duy nhất của em. Chúng ta là cha mẹ của hai thiên thần bé nhỏ! Bây giờ, Thịnh đã trở về, em mong anh là vầng mặt trời sưởi ấm ngôi nhà bé nhỏ của chúng ta.
Được tái hòa nhập cộng đồng, Thịnh quyết tâm làm lại cuộc đời. Ngày mới trở về làng, nhiều các “anh chị” vẫn đeo bám, tìm cách dụ dỗ Thịnh theo đường cũ nhưng Thịnh quyết từ bỏ. Mấy sào ruộng của gia đình anh thuê máy xúc múc thành ao, thầu thêm hơn mẫu ruộng của mấy hộ xung quanh. Thịnh quy hoạch lại, trên bờ nuôi gà, lợn; trồng cây ăn quả bưởi, chuối, chanh,… dưới ao chăn thả cá, vịt đẻ. Thu nhập hằng năm lên đến tỉ đồng. Kinh tế gia đình dần ổn định. Các con học hành đến nơi đến chốn. Con lớn giờ đã là bác sĩ, con bé học Đại học Bách khoa. Ngôi nhà nhỏ giữa làng được xây cất đẹp đẽ chỉ để ngày nghỉ các con về đoàn tụ. Vợ chồng cô giáo Nhạn – Thịnh sống êm đềm trong lán ngoài đồng với gà vịt, cá lợn… cây trái bốn mùa.
Bác Thịnh chạm ngũ tuần. Nét phong sương hằn trên khuôn mặt sạm nắng gió. Cả ngày bác quần thảo với gia súc, gia cầm. Cô giáo Nhạn ngoài việc trường, về nhà cũng tranh thủ giúp chồng chăm chút mọi việc. Hai vợ chồng quấn quýt như sam. Tối tối khi cô giáo soạn bài, bác Thịnh ngồi đọc sách, nghiên cứu, học hỏi cách trồng trọt chăn nuôi hiệu quả. Bữa ăn miếng ngon bác gắp vào bát vợ. Bác sợ mình nấu ăn chưa ngon nên thường vào mở internet học nấu những món vợ thích. Bữa nào bác cũng bắt bác gái phải ăn nhiều để có sức khỏe. Bác nói:
– Cả tuổi trẻ em đã vất vả vì anh và các con, giờ mọi việc để anh lo.
Với cô, bác Thịnh như đứa trẻ bện hơi mẹ. Đợt hè cô giáo được cử đi học tập kinh nghiệm ở miền trung một tuần. Một tuần xa vợ là một tuần bác mất ngủ. Khi cô giáo về, bác ra tận sân bay Nội Bài đón. Nhìn bác gầy hốc hác cô giáo hốt hoảng tưởng chồng đổ bệnh. Bác cười hềnh hệch:
– Bệnh của anh là tâm bệnh. Bệnh nhớ người thương.
Hai vợ chồng ríu rít trò chuyện trong chiếc tắc-xi đang hướng ra phía ngoại ô. Bác Thịnh véo má vợ, bà giáo ngượng nghịu:
– Cái ông này, già rồi người ta cười cho.
– Già thì không được yêu quý, chăm sóc nhau hả mình? Anh yêu vợ anh chứ anh làm gì sai đâu mà sợ người ta cười. Mà anh nói để em biết nhé. Đến cả khi chúng ta trăm tuổi em cũng không được gọi anh bằng ông. Anh mãi mãi là anh của em!
Nói rồi bác ôm riết vợ vào lòng, thơm lên đôi má chảy xệ, nhăn nheo theo thời gian. Bà giáo cười mỉm hạnh phúc. Cô Nhạn tưởng đến lá bùa yêu làm bằng giấy bản mỏng tang màu vàng sậm trên có chữ nho màu đỏ bay phấp phới trước mặt. Bất chợt, một luồng gió lạ ào đến thổi tung lên trời, cuộn tròn, xoáy tít lá bùa trong không trung. Lá bùa lượn lờ một chốc rồi bất ngờ bị gió thả rơi tõm xuống thung lũng sâu hút hoắt. Ở đó chỉ có những cây rừng cổ thụ nằm chênh vênh trên các mỏm đá bao bọc che chở muôn loài chim thú trú ngụ.
Mải nhìn theo lá bùa trong tâm tưởng, cô Nhạn quên cả việc chiếc xe đã đậu ngay trước cổng nhà. Bác Thịnh khẽ lay vai vợ, giục: Em xuống đi, vào nhà nghỉ ngơi để anh cất hành lý rồi anh ra vườn hái vài quả chanh leo pha nước mát cho em uống. Nghỉ ngơi xong chúng ta cùng chuẩn bị cơm. Hôm nay cuối tuần các con hẹn về với bố mẹ, bọn chúng còn gọi điện đòi quà của em đấy. Cô Nhạn cười và nói: Em chuẩn bị hết rồi, đợi các con về em tặng cả ba bố con một thể! Bác Thịnh nguýt vợ một cái rồi tất bật kéo chiếc va-li nhỏ vào nhà nhưng vẫn không quên ngoái lại nói một câu như để thỏa nỗi mong mỏi được nói chuyện cùng vợ suốt cả tuần nay: Bọn trẻ cứ vẽ chuyện chứ với anh, em là món quà quý nhất rồi! Rồi bác Thịnh kể cho vợ nghe: Mấy hôm em đi vắng anh ăn ngủ không ngon. Ông Bắc sang chơi bảo anh ăn phải bùa yêu của em. Anh thì nghĩ không có lá bùa yêu nào có ma lực hơn lá bùa của lòng chung thủy, tình yêu thương và sự bao dung độ lượng em dành cho anh. Tình yêu thương mạnh hơn bất kỳ phép thuật nào. Tình yêu thương chân thành mới chính là lá bùa yêu có ma lực nhất trong hành tinh của chúng ta, em nhỉ?
Cô Nhạn cười mỉm đồng tình với chồng, một ý nghĩ thoáng qua trong đầu: May sao ngày ấy mình không đi Lương Sơn…
Thanh Tám