Bóng núi

Lão Dương đang có một giấc mơ tuyệt đẹp, lão thấy trước mắt: Một dòng sông xanh biếc đang cuồn cuộn chảy. Hai bên bờ sông, cây cối đẹp như tranh vẽ. Những cây đào đầy hoa phớt hồng đứng bên những cây mận hoa trắng lóa. Những triền hoa cúc vàng xen với những bãi cỏ xanh như ruộng mạ. Trên sông, một con thuyền nan mỏng như lá lúa đang nhẹ trôi theo dòng. Trên con thuyền ấy là một bà cụ già mặc áo nâu, đội nón lá, lão nhận ra ngay đấy là bà bác của lão. Bà bác đang đưa tay vẫy lão thì bỗng một cơn lốc xoáy nổi lên. Cơn lốc xoay chiếc thuyền tít mù mấy vòng rồi nâng bổng chiếc thuyền và cả bà bác của lão vào không trung mất tăm mất dạng. Đang chới với hú gọi không ra hơi thì chợt tiếng nhạc chuông từ chiếc điện thoại di động réo rắt vang lên. Lão giật mình tỉnh giấc quờ tay tìm:

– A lô! Tôi nghe! Ai đấy ạ!

– Em đây! Anh ạ giời à?- Đầu dây bên kia, tiếng cô em gái lão đang ở quê cất lên kèm theo tiếng cười không giấu đâu được cái giọng quê nhà lão.

– Cô Đào à! Có việc gì mà gọi sớm thế?

– Còn sớm gì nữa, hơn tám giờ rồi còn gì nữa anh!

Lão giật mình nhìn lên đồng hồ, đã tám giờ hai lăm phút rồi thật. Lão bật dậy lập tức.

– Chết thật. Thế mà bây giờ anh mới dậy có chết không chứ!

– Thế thì nhất bác ấy chứ! Chúng em ra đồng từ sáu giờ rồi.

– Ờ thì hưu trí rồi nó cũng phải khác chứ. Với lại đêm qua anh thức khuya quá! Nhưng mà có việc gì thì nói ngay đi xem nào?

– À! Tin vui thôi bác ạ! Chả là hai mươi tháng này chúng em cho thằng cháu Bắc ra ở riêng, chúng em mời hai bác với các cháu về dự với chúng em, mừng cho các cháu!

– A! Cưới thằng Bắc thì thế nào tôi cũng về, còn bà ấy với chúng nó thì chưa biết biết có về được không.

– Các bác nhớ về đấy nhá!

– Ờ! Yên trí, thế nào tôi cũng về!

Cuộc điện thoại của cô em gái thức tỉnh hẳn lão khỏi giấc mơ gặp lại bà bác quá cố. Đầu óc lão bắt đầu xây dựng kế hoạch cho chuyến về thăm quê trong mấy ngày tới. Hình ảnh làng quê thân thương lại hiển hiện trước mắt lão như những ngày gian khó không thể mờ phai.

Làng quê nhà lão, một ngôi làng bán sơn địa gần như miền trung du, xóm nào cũng tựa lưng vào núi và mặt nhìn ra cánh đồng. Cái xóm nhỏ nhà lão có hơn hai chục nóc nhà quây quần theo dãy núi chạy hình chữ u, tất cả mọi nhà đều nhìn ra cái eo (chắc thời xưa đầy nước) nên người ta gọi là Xóm Eo. Bây giờ, một con đường cái chạy từ Kẽm Nhãn xuống xóm Miếu theo hướng Nam Bắc đã chia chữ u của Xóm Eo thành hai nửa, người ta lại gọi Xóm Eo Đông và Xóm Eo Tây. Mỗi xóm chỉ được hưởng một hướng nắng mấy giờ đồng hồ, khoảng thời gian còn lại đều nằm trong bóng núi. Ngày xưa, khi chỉ trồng chè với sắn thì núi còn thấp. Bây giờ, người ta trồng cây keo với thông toàn bộ thì núi càng cao, thành ra bóng núi càng lớn, sự thâm u ngày càng tăng lên, vào xóm cứ như vào rừng vậy. Quê lão cách thủ đô chỉ có dăm chục cây số, nhưng không hiểu sao sự tiến bộ đến với mảnh đất này quá chậm. Nhiều nhà còn nghèo thật khó tin, đến nỗi mãi chẳng ra khỏi danh sách các xã khó khăn của Chính phủ. Mà nói ra thì xấu hổ chứ ở xóm Eo Tây, em con ông cậu Nghĩa của lão còn làm đến Chủ tịch, rồi Bí thư huyện, nghe đâu sắp được lên làm Phó Chủ tịch tỉnh nữa mới lạ. Nhưng cũng nhờ có ông ấy mà quê lão được hưởng lợi con đường từ xóm Nhãn xuống xóm Miễu. Con đường ấy xưa vừa nhỏ vừa gồ ghề sỏi đá, nay mở rộng đến năm sáu mét mặt rồi đổ bê tông phẳng đét. Mỗi lần cái xe con biển xanh chở con trai về là ông cậu lão lại không thể giấu nổi sự hãnh diện với làng xóm.

Minh họa : Minh Hưng

           Tuy con cái đỗ đạt, thăng quan tiến chức nhưng ông cậu lão hầu như chẳng được đi đâu khỏi lũy tre làng. Mặc dù trước đây ông từng làm hiệu trưởng trường tiểu học của xã, nhưng bây giờ, cách nghĩ, cách làm thâm căn cố đế cũng chẳng hơn gì mấy ông nông dân thời trước. Cái lối nhìn đời của ông vừa cổ hủ, vừa bảo thủ, duy ý trí đến khó chịu. Những người trong xóm, ai cũng ít nhiều được hưởng lộc rơi lộc vãi của nhà ông, nên ai cũng nói theo ông, nghĩ theo ông, thành ra đã sang thế kỷ hai mốt gần hai chục năm rồi nhưng về xóm, lão thấy chẳng khác mấy với những năm sáu mươi của thế kỷ trước. Người ta vẫn đun rơm đun dạ để lấy tro bón ruộng theo gương cụ Nghĩa; người ta vẫn dùng hố xí theo kiểu bắc ván đổ tro để lấy phân bón ruộng vì nhà cụ Nghĩa vẫn làm thế; người ta vẫn dùng gầu kéo nước từ giếng khơi sâu hàng chục mét lên chứ không nhà nào lắp máy bơm, vì nhà cụ Nghĩa còn chưa lắp… Chính vì cái oai của cụ nên nhà nào có đám ma, đám cưới cũng đều nhờ cụ làm đại diện cho. Của đáng tội, trước đây, khi còn khỏe, còn minh mẫn thì cụ ăn nói cũng được. Nhưng bây giờ, cụ đã thọ bát tuần nên lắm lúc nhầm lẫn tai hại, đám cưới nhầm thành đám ma, đám ma nhầm ra đám cưới. Cũng đã có lần, ông Văn trong họ cưới con trai, lặng lẽ nhờ ông anh họ trên tỉnh về đại diện cho, thế là sau đó cụ giận hàng năm không thèm bắt chuyện, thành ra từ đó không ai dám nhờ người khác nữa.

Vợ và các con, rồi các em còn đang công tác chưa được nghỉ, các cháu đang đi học, thế là lão Dương một mình lên xe về quê dự đám cưới thằng cháu con cô em gái. Lão là người có số đi đó đi đây, nên cứ hay đem quê người mà so sánh với quê mình. Mỗi năm một hai lần về nhưng cảm nhận của lão về quê hương chẳng mấy đổi thay, nó cứ lì rì chậm chạp lẽo đẽo theo sau những miền quê khác. Có lần, nhân một chuyến du ngoạn, lão dẫn một đoàn bạn bè về quê thăm. Hôm ấy, xe vào đến xóm thì mấy con bò nhà cô em gái lão đứng nghênh ngang chặn đường và thi nhau rạng chân phóng uế. Tay Phụ trong đoàn ứng khẩu ngay hai câu thơ bút tre làm lão tím mặt:”Hoan hô anh Nguyễn Công Dương/ Anh về bò đứng đấy đường đón anh”. Rồi khi ra đi, nghe mọi người nhận xét về quê mình mà lão thấy xấu hổ. Từ đấy, lão cạch chẳng bao giờ dám đưa ai về cùng nữa.

Đường xá thuận tiện, đi xe đêm nên chỉ tám giờ sáng là lão đã có mặt ở quê. Mùa hội hè đình đám, trên đồng vắng tanh không một bóng người. Trong nhà cô em gái của lão đã thấy lao xao nhộn nhịp, chả là các bậc trưởng lão trong họ đang tập trung họp bàn chuẩn bị cho đám cưới của thằng cháu Bắc. Cuộc họp chưa bắt đầu vì biết lão Dương sắp về đến, mọi người có ý đợi. Chiếc tắc xi đỗ xịch trước sân, mọi người chạy ùa cả ra, chào hỏi nhốn nháo. Lão chẳng kịp trả lời ai, chỉ biết cười thật tươi và giơ tay huơ như kiểu chào của các thí sinh trên sân khấu. Mang hết hành lý, quà cáp xuống khỏi xe, lão trả tiền rồi mời cậu lái xe vào nhà nhưng cậu ta từ chối. Lão vào vội trong nhà để chào hỏi các trưởng lão. Thấy toàn các đại diện của bên nội, lão chạnh lòng nghĩ thương cô em gái. Cha mẹ và các em đều cùng lão đi xây dựng vùng kinh tế mới, nay các cụ đều đã theo hầu tiên tổ, nằm lại ở trên ấy. Các em đều đang bận công tác không về được. Như thế, bên nhà ngoại chỉ có lão là đại diện duy nhất. Lão đi bắt tay từng người. Cậu Nghĩa của lão, nếu tính họ hàng thì gần với lão hơn nhưng lại là người cao niên nhất bên họ nhà chú em rể của lão. Ở quê là vậy, họ hai ba mang là chuyện thường tình.

– Cháu chào cậu. Cậu mợ vẫn khỏe chứ ạ!

– Vưỡn! Nhưng mà này. Ở bên này là anh phải gọi tôi là ông, gọi thay con anh thì phải là cụ đấy nhá!

Ông cậu mặt lạnh tanh, dỗ dỗ đầu gậy xuống nền nhà phủ đầu thằng cháu vừa ở xa về. Lão Dương giật thột, chống chế:

– Nhưng mà cậu với cháu họ gần nhau hơn chứ ạ!

– Không nhưng gì hết! Nhập gia tùy tục.

Mấy ông ngồi đấy cũng nhao nhao:”Nhập gia tùy tục. Cụ Nghĩa dạy đúng đấy bác ạ!”. Lão Dương đành xuống thang:

– Vâng! Con xin nghe lời cụ dạy ạ!

Ông cậu lên giọng kẻ cả:

– Anh đã về đến nơi, là đại diện bên ngoại, mời anh ngồi để ta bàn công việc cho đám cưới thằng cu Bắc. Bố thằng Bắc đâu rồi! Ra đây trình bày kế hoạch để cụ và mọi người tham gia nào!

Chú Thành – em rể của lão dạ dài một tiếng rồi tất tưởi chạy từ dưới bếp lên, móc tờ giấy học trò trong túi quần ra, lập bập trình bày việc thành lập các ban bệ cho đám cưới của con trai. Nghe ra đã khá đầy đủ, nhưng khi chú em lão chưa dứt lời thì cụ Nghĩa đã đặt vội chén chè xanh uống dở rồi phán ngay:

– Mấy cái ban kia như thế là ổn rồi nhưng ban đại diện như thế là không được. Họ nội nhà mình có thiếu người đâu mà phải đưa anh Dương vào đấy. Tôi còn sống sờ sờ đây nhá!..

Thành vội xoa tay rối rít:

– Dạ! Thưa cụ, chúng con không có ý gì đâu ạ! Chỉ là thấy cụ đã già, đi xa mấy chục cây số sợ cụ mệt. Với lại bác Dương cháu là chuyên gia đám cưới ở trên Tây Bắc hàng chục năm nay, đã đứng ra tổ chức rồi đại diện cho hàng trăm đám, nên chúng con muốn nhờ bác ấy đại diện cho đấy ạ!

– Chuyên… gia…! Ghê nhỉ? Ở trên cái đất đồng rừng ấy thì chuyên gia cái gì! Đất lề quê thói. Việc ấy chưa đến lượt các anh!

Nghe đến đây thì lão Dương đã nóng mặt lắm rồi. Cái cục tức như cái nắm đấm tắc ứ ở cổ. Lão không ngờ ông cậu lão lại dám có những ý nghĩ coi thường người khác và coi thường miền quê mới của lão đến như vậy. Giá vào lúc khác thì thế nào lão cũng phải nói để ông cậu hiểu và cho bõ tức. Nhưng hôm nay, chuẩn bị cho ngày trọng đại của thằng cháu… Lão nhẹ nhàng đứng dậy:

– Thưa cụ! Thưa các ông bà và anh em! Đấy chỉ là dự kiến của chú Thành thôi. Cháu về đây là để dự đám cưới của cháu Bắc chứ cũng không định tham gia gì vào công việc của họ nhà ta đâu ạ. Các cụ còn khỏe ngày nào thì cứ giúp cho con cháu. Chúng cháu còn nhiều cơ hội lắm ạ! Có điều là trên chỗ cháu bây giờ, đường sá đi lại thuận tiện nên không khó khăn gì cả. Cháu ở giữa thị trấn huyện, phố phường rộng lớn, nhà cửa khang trang không kém gì phố huyện nhà mình. Nếu có điều kiện, mời các cụ, các ông bà lên chỗ cháu chơi thì sẽ hiểu thôi ạ!

Tuy đã kìm nén, nhưng giọng nói của lão vẫn lộ ra những thanh âm bất bình. Chắc nhiều người nhận ra sự bất bình ấy, nên họ đưa mắt nhìn nhau. Có tiếng đằng hắng, rồi ông Văn xuất hiện. Ông Văn chỉ hơn lão Dương mấy tuổi, cũng là họ hai mang. Trước đây, ngày ông còn làm cán bộ trên sở giao thông, anh em ít khi gặp nhau. Từ ngày ông nghỉ hưu, về làng ở hẳn thì lần nào lão về cũng gặp. Anh em hay tâm sự với nhau về làng quê và họ đều thấy bất lực vì cái sự trì trệ truyền đời mà chẳng biết làm gì?

Bước vào đến cửa, ông Văn ngả cái mũ dạ, ôm vào bụng rồi cúi gập người chào rất lâu theo kiểu phong kiến:

– Xin chào các cụ, chào các ông các bà ạ!

Mọi người xôn xao chào lại. Riêng cụ Nghĩa chỉ liếc nhìn một cái rồi quay ngay vào trong. Ông Văn nhìn lên, cặp môi dày có cái môi dưới cứ tưỡn ra như cười cợt của ông cùng với ánh mắt nheo nheo nghịch ngợm làm cho người ta cứ liên tưởng đến một người không đứng đắn. Vừa nhận ra lão Dương, ông liền lao đến bắt tay:

– Chú mới về à? Khỏe không? Ái chà béo trắng ra thế này, chả bù cho cánh nông dân chúng tớ.

– Em vừa mới về được mươi phút thôi mà. Bác thì nông dân cái gì?

– Ờ thì nghỉ hưu về quê cả chục năm rồi, chả nông dân thì là cái gì nữa?

– Thôi! Ta tập trung vào bàn công việc đã nhá! – Cụ Nghĩa cất giọng có vẻ khó chịu.

– Ấy chết! xin kính cụ cứ tiếp tục ạ! Thông cảm, anh em chúng con lâu ngày mới gặp lại nhau! – Ông Văn chắp tay xá về phía cụ Nghĩa kèm theo tiếng cười hềnh hệch rất khó tả.

– Ai có ý kiến gì thì tham gia đi!

Cụ Nghĩa nhìn khắp lượt những người có mặt rồi hỏi. Lão An, nãy giờ ngồi im như thóc trong bồ, bây giờ mới gục gặc cái đầu trọc lốc, lên tiếng:

– Theo tôi ấy là cứ đề nghị cụ Nghĩa làm đại diện cho nhà trai. Ăn nói ở cái làng này thì ai hơn cụ được.

Mấy người cũng lao xao đồng ý. Cụ Nghĩa vân vê mấy sợi râu rồi gật gù có vẻ đắc chí lắm. Nhưng bỗng ông Văn đứng dậy chắp tay như đang khấn:

– Con xin lỗi cụ và các ông các bà! Ý kiến của con hơi khác một tý ạ! Con nghĩ là cụ già yếu rồi, đi lại xa thế thì có vất quá không ạ! Sao ta không đề nghị bác Dương của cháu đại diện cho thì có tốt không?

Mọi người đưa mắt nhìn nhau. Thành vội chạy sang nói nhỏ vào tai ông Văn:

– Ông ơi! Lúc nãy em đã… Nhưng cụ…

Lão Dương cũng giơ tay xua xua:

– Thôi bác ạ! Cụ còn khỏe ngày nào cứ để cho cụ giúp con cháu. Dịp khác em sẽ làm mà!

Chợt cụ Nghĩa chống gậy đứng dậy, thái độ tỏ rõ là không hài lòng:

– Thôi! Các vị cứ bàn đi, thống nhất rồi bảo tôi một tiếng. Tôi về có tý việc.

– Cụ ở lại, chốc nữa mời rượu với nhà cháu ạ!

– Thôi! Các vị cứ tự nhiên. Không phải tìm tôi đâu nhá!

Thành chạy lại giữ, mọi người cũng nhao nhao mỗi người một câu, nhưng cụ Nghĩa vẫn kiên quyết chống gậy vùng vằng ra về. Không khí trong nhà bỗng chùng cả xuống. Thành thở dài:

– Thế là cụ phật ý rồi, căng đấy các bác ạ!

Ông Văn lại hềnh hệch cười:

– Xin lỗi các vị nhá! Cụ ấy bỏ về là may đấy! Này, vài chén vào là lẫn lộn hết. Đi thiên hạ, người ta cười cho thối mũi ra đấy! – Rồi ông vỗ vai lão Dương – Chú chuẩn bị tinh thần mà đại diện cho thằng cháu, đừng có ngại. Cụ ấy có giận thì cũng vài tháng thôi mà.

Thành cũng  đồng ý với ông Văn, nhưng số còn lại cứ ậm ờ cho qua chuyện, chẳng có chính kiến gì. Đến bữa, hai mâm cơm rượu được bưng lên. Vợ chồng Thành chạy đi chạy lại mấy lần mời nhưng cụ Nghĩa nhất định không sang. Tuy không khí có vẻ không thực sự vui, nhưng mấy chén rượu vào, tiếng mời tiếng chúc bỗng chốc lại huyên náo.

Buổi chiều cánh dịch vụ đám cưới mới chở đồ đến dựng rạp. Bộ phận hậu cần lục tục kéo đến bắc bếp đun nước, rồi vào chuồng bắt lợn chọc tiết. Tiếng gà quang quác, tiếng gọi nhau í ới. Mấy bà têm trầu trải hẳn một cái chiếu sang sân hàng xóm ngồi để không vướng bận đến mọi người. Lão Dương lăng xăng chạy hết bộ phận này sang bộ phận khác, thăm hỏi người này, bắt tay người kia. Ai cũng họ hàng, không nội thì ngoại, không gần thì xa. Mấy bà thím, bà dì cùng trang lứa với mẹ lão cứ xụt xịt ôn nghèo kể khổ những chuyện ngày trước, làm cho lão chẳng dứt ra được.

Ngày mai đám cưới mới chính thức được tổ chức. Tiếng loa đài ầm ĩ làm cho người ta không để ý đến cái xe ô tô đã vào đậu trong ngõ từ lúc nào.

Chợt thấy lành lạnh gai người, lão Dương giơ tay xem đồng hồ, mới ba giờ chiều mà bóng núi đã che gần hết sân.

Thanh Phương


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.