Đó là rặng dã quỳ được trồng ven đường dẫn vào bản Thành Lập, bản duy nhất của phường nội đô trung tâm thành phố. Con đường bê tông nhỏ, ngoằn ngoèo đủ để hai xe máy tránh nhau được điểm tô bởi rặng dã quỳ hai bên xanh tốt. Mỗi thu sang, khi heo may chớm về là lúc rặng cây đổi màu từ xanh sang sắc vàng rực rỡ. Đây là thời điểm nhộn nhịp của con đường nhỏ trong năm khi người dân trong thành phố đổ dồn vào đây để chụp ảnh với sắc dã quỳ hoang hoải.
Là một nhiếp ảnh gia, cả tuần nay Thắng phủ phục ở con đường nhỏ để mong chụp được những bức ảnh đẹp về rặng dã quỳ – một loài hoa rất đặc trưng của Tây Bắc vào đông. Cái nghề chụp ảnh này phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Không có nắng thì nước ảnh âm u. Nắng lên muộn góc cao quá thừa nắng cũng không được vì làm cho màu sắc cỏ cây hoa lá bị nhạt. Góc xiên khoai tầm 45 độ buổi sáng và buổi chiều là thuận lợi nhất nên chụp ảnh là phải trông trời, trông đất, trông mây để chọn thời điểm. Yêu những khắc thời, Thắng rất kiên nhẫn với việc chờ đợi. Đôi khi với anh đợi chờ là hạnh phúc, nó thấp thỏm, hồi hộp đầy cảm xúc.
Cái giá của sự chờ đợi có lúc thật ngọt ngào khi trời không phụ lòng người. Vào một buổi sáng cuối tuần, anh dậy hơi muộn so với mọi ngày, thấy có nắng anh khoác máy trên lung phi xe máy đi thẳng vào rặng dã quỳ. Lúc này ánh bình minh vừa nó rạng những tia nắng óng ánh trên cành lá. Những bông dã quỳ vàng rực đầy sức sống càng đẹp hơn khi những giọt sương đêm phản chiếu ánh nắng đang rắc sao lấp lánh. Là là mặt nước ao phía dưới chân rặng hoa có một làn sương mỏng manh lơ lửng huyền ảo.
Đúng lúc đó, có một đám cưới của người Mông rước dâu đi qua. Trang phục thổ cẩm rực rỡ của phụ nữ, sắc áo chàm khỏe khoắn của nam giới đang xúng xính đi bỗng dừng lại giữa đường hoa. Từ những lu cở gùi sau lưng, đoàn người bỏ các món ăn gồm thịt lợn, gà, xôi, rượu làm lễ vật bày trên lá chuối giữa đường làm lý. Ông mối già quỳ xuống cúng bái theo phong tục truyền thống để mời các vị thần. Mọi người xúm lại quanh cô dâu, chú rể và ông mối bên mâm lễ vật cúng chúc phúc cho đôi lứa. Sau lễ cúng hơn chục mâm cỗ được dọn dọc con đường uốn lượn. Cả đoàn rước dâu ăn uống theo tục lệ truyền thống. Hình ảnh đoàn người giữa rặng hoa trong ánh bình minh làm không gian con đường trở lên đẹp hơn bao giờ hết. Trong tiếng khèn rộn ràng, khung cảnh đó đúng nghĩa của một bình minh lứa đôi hạnh phúc. Thắng bấm máy liên tục, chạy góc này góc khác thật nhanh để bắt được những khoảng khắc đẹp nhất. Hiếm khi anh gặp được một khoảng khắc giao hòa giữa thiên nhiên và con người hoàn toàn tự nhiên như thế. Không một chút sắp đặt hay diễn gì cả.
Dưới chân rặng dã quỳ, nơi bãi lấy đất của nhà máy gạch đã bỏ hoang tạo một hủm sâu ngăn cách, ông Di đang một tay chống gậy, một tay đẩy chiếc xe rùa chở phế liệu theo một lối mòn nhỏ muốn lên đường để đi bán. Nghe tiếng nhạc rộn ràng, ông Di dừng bước ngước nhìn đám rước dâu. Ông đứng lại chờ khi nào đoàn người ăn uống xong đi tiếp mới dám đẩy xe lên đường. Ông không được mời dự đám cưới nên không dám cắt ngang đoàn rước dâu.
***
Bức ảnh của Thắng đã giành hạng mục cao tại triển lãm khu vực. Nó được đặt tên rất lãng mạn: Mùa dã quỳ hạnh phúc. Dưới ánh bình minh rực rỡ nắng chiếu xiên qua rặng dã quỳ, đám rước dâu đầy mầu sắc truyền thống đang vui tươi trong niềm hân hoan, hạnh phúc. Sắc dã quỳ vàng và thổ cẩm làm rực lên một màu tươi mới khiến người xem không còn ý niệm về một ngày mùa đông đìu hiu, se sắt. Bức ảnh nhận được vô số những lời khen của mọi người khiến Thắng rất hãnh diện. Đời người nghệ sỹ như anh cũng chỉ mong chộp được vài khoảng khắc xuất thần là hạnh phúc lắm.
Trong buổi triển lãm, Thắng thấy có một người đứng lâu bên bức ảnh của mình với một vẻ trầm tư rất lạ. Người đó đã xem bức ảnh của Thắng, rồi bước đi xem những bức ảnh khác, sau đó ông ta quay lại nhìn bức ảnh của Thắng chăm chú. Không hiểu ông ấy nhìn gì mà kỹ như vậy. Thắng bước lại gần, ông già có vẻ không để ý đến sự xuất hiện của anh vẫn chăm chăm nhìn bức ảnh.
– Cháu chào bác!
Ông già quay lại nhìn Thắng. Nhìn bộ quần áo anh mặc, khoác chiếc máy ảnh trên vai ông nhận ra ngay anh là một tay nhiếp ảnh. Với vẻ mặt hớn hở của anh, ông cũng đoán biết ra anh là ai rồi hỏi:
– Cậu là tác giả của bức ảnh này?
– Dạ vâng. Cháu thấy bác xem rất kỹ. Bác có góp ý gì cho cháu không ạ. Thắng hỏi vậy thôi, chứ mục đích của anh là mong ông già đưa ra một lời khen.
– Cậu có thể dẫn tôi đến nơi cậu chụp ảnh được chứ? Tôi muốn tìm hiểu hoàn cảnh của cái người đang đứng ngoài rìa bức ảnh này.
Thắng thực sự bối rối về lời đề nghị của người khách lạ. Anh nhìn lại cái chấm nhỏ bên rìa bức ảnh dưới chân rặng dã quỳ. Nó đã bị hiệu ứng xóa phông làm mờ đi một chút để rõ chủ đề bức ảnh. Nhưng nhìn kỹ vẫn nhận ra được đó là một người tay chống gậy, tay vịn vào chiếc xe rùa chở phế liệu. Thắng biết ông ấy, cả tuần trời săn ảnh trong bản Thành Lập anh vẫn nhìn thấy ông ấy đi lại từ một túp lều nhỏ bên bờ cái ao nước tù được hình thành từ hố lấy đất của lò gạch cũ ra ngoài đường bản. Buổi sáng nếu đến sớm sẽ gặp một thằng nhỏ từ đó đi học, buổi chiều thằng nhỏ khoác cặp sách về. Thắng cũng chỉ nhìn thấy hai người ấy đi lại hàng ngày như vậy nhưng mải mê với việc chụp ảnh đường hoa nên Thắng cũng không có ý định tìm hiểu kỹ.
Thắng nhìn lại bố cục bức ảnh. Bỗng nhiên anh thấy bực bội, sao anh lại sơ suất trong chỉnh sửa để lọt hình ảnh ông lão vào đây làm xấu bức ảnh của anh. Tất cả bức ảnh toát lên sự hân hoan, hạnh phúc, đủ đầy mà lại để sót hình ảnh một người ăn mặc rách rưới, xấu xí vào khung hình. Anh bỗng đỏ bừng mặt.
– Nếu cậu chọn người đàn ông khốn khổ kia làm chủ đề để sáng tác, tôi nghĩ cậu sẽ đạt được thành công hơn nữa. Lúc đó bức ảnh sẽ có tên “bên rìa hạnh phúc”. Bởi theo lẽ thường trong bản, làng có đám cưới thì tất cả mọi người sẽ được mời. Tại sao chỉ có một mình ông ấy không được mời đứng dưới chân rặng hoa ngước nhìn cộng đồng hân hoan. Nó nhức nhối lắm. Nhân văn ở đâu?
Nghe vị khách nói Thắng đang bực tức bỗng tỉnh ngộ. Nhớ lại hình ảnh túp lều nhỏ, nằm rìa bản nơi đất của lò gạch cũ. Nó hiển hiện ở đó nhưng lại không thuộc vào bất kỳ một chỉnh thể nào. Nó đứng đó trong sự cô đơn, lạc lõi. Thắng bỗng nghĩ khác về đám cưới kia, thấy buồn về bản làng đó, cũng là con người, sao họ lỡ đối xử với nhau như vậy?
Triển lãm kết thúc đã cận tết âm lịch, Thắng mang theo tâm trạng vu vơ trở về nhà với những suy nghĩ rất mông lung và một lời hứa tìm hiểu câu chuyện về một hoàn cảnh bên rìa hạnh phúc.
***
Vừa về đến thành phố, ý chí thôi thúc Thắng quay lại bản Thành Lập ngay. Buổi chiều tà trong ánh hoàng hôn héo hắt, cơn gió đông xào xạc thổi qua rặng dã quỳ hoang hoải khi những bông hoa cuối cùng đã tàn tạ để lại một màu xám đen. Con đường chiều cô đơn không một bóng người. Men theo lối mòn nhỏ, Thắng tìm đến túp lều nhỏ của hai ông cháu. Gặp thằng bé đang rửa rau bên ao nước tù, nó ngước lên ngẩn tò te chằm chằm nhìn Thắng có vẻ lo lắng.
– Cho chú hỏi ông có nhà không?
– Dạ có, ông cháu đau chân nằm trong nhà.
Nhà có lẽ là khái niệm chung nhất cho những chỗ chui ra chui vào sinh hoạt hàng ngày của con người. Nhưng cái mà Thắng bước vào trong không thể gọi là ngôi nhà. Gọi là túp lều thì đúng hơn. Nó tạm bợ, tuềnh toàng, thiếu thốn.
– Cháu chào ông.
– Chào anh. Anh tìm ai vậy.
– Mấy tháng trước cháu có đến bản này chụp ảnh rặng hoa dã quỳ. Cháu có gặp ông và em vài lần. Cháu quay lại tìm ông ạ… Cháu muốn hiểu rõ hoàn cảnh của ông để tìm cách giúp ông có cuộc sống tốt hơn.
Thắng kể chuyện hôm vào đây chụp ảnh có gặp đám cưới rước dâu đi qua. Khi Thắng hỏi tại sao hai ông cháu không đi dự đám cưới trong bản. Ông lão bỗng trầm ngâm:
– Một người già neo đơn còn nuôi cháu mồ côi như tôi không nên đến những nơi hạnh phúc như đám cưới, đám mừng nhà mới – những người trong bản nói với tôi như vậy.
Ông Di nghĩ về đám cưới của con trai mình, nó cũng rước dâu trên con đường đầy hoa vào một ngày mùa đông có nắng. Đó là khi mùa màng đã thu hoạch xong, ông đón con dâu về nhà. Đó là ngày ông thấy mình hạnh phúc nhất khi đứa con trai duy nhất đi lấy vợ. Hai vợ chồng ông hiếm muộn mãi mới sinh được thằng Vư, nuôi nấng nó trưởng thành đến khi dựng vợ cho nó thì còn gì vui bằng. Năm sau, vợ nó lại sinh hạ được cho gia đình ông thằng cháu trai, cả nhà vui mừng khi đón thêm thành viên mới trong gia đình. Những tưởng niềm vui nhân đôi, mọi điều tốt đẹp nhất đến với gia đình ông… Nhưng nào ngờ khi cháu ông chưa đầy tháng thì con trai ông gặp tai nạn giao thông qua đời. Vợ ông vì buồn đau quá cũng lâm bệnh chết theo con. Lo tang con, tang vợ, ông bán hết trâu, bán ruộng mới đủ tiền làm lý theo phong tục. Nhìn lại ngôi nhà đủ đầy mà hai vợ chồng gây dựng bấy lâu chỉ còn cái xác nhà không chống hoác long ông càng buồn rười rượi. Bố chồng con dâu rau cháo nuôi thằng cháu nhỏ. Đến khi thằng Đại cháu ông được sáu tháng tuổi con dâu nói xin đi làm thuê kiếm tiền và đi từ đó đến nay không về. Người ta nói mảnh đất nhà ông ở có ma nên khuyên ông hãy chuyển nhà đi nơi khác. Ruộng nương bán hết, ông không biết dựng nhà ở đâu bèn xuống khu lò gạch cũ đã bỏ hoang này dựng một túp lều nho nhỏ tá túc.
Khi thằng Đại còn nhỏ ông bế nó ra chợ Đoàn Kết vừa làm thuê vừa xin ăn. Biết hoàn cảnh của hai ông cháu, các tiểu thương bán hàng trong chợ đùm bọc bằng cách thuê ông bốc vác, xách nước, làm những việc vặt rồi trả công cho ông khi thì cân gạo, người cho lạng thịt, người mớ rau, cái bánh, thùng mì tôm… không biết từ khi nào hai ông cháu trở thành một thành viên của khu chợ nhỏ. Bằng tình thương của những người trong chợ, thằng Đại lớn lên và giờ đã đi học tiểu học. Giờ nó đã lớn nên ngoài giờ đi học hoặc cuối tuần nó đã biết cùng ông đi nhặt phế liệu bán kiếm tiền. Nhờ trời thương, người giúp ông cháu cứ thế nương tựa cũng đủ sống qua ngày…
Ánh hoàng hôn cuối cùng tắt lịm sau rặng núi, sương đêm theo gió kéo lạnh giá đến bao phủ không gian. Thằng Đại đã nấu cơm xong. Nó châm ngọn đèn dầu le lói thắp sáng căn phòng. Thắng biếu ông cháu chút quà mua vội rồi chào ra về với những ý định nung nấu về việc sẽ dành tiền giải thưởng của bức ảnh vừa nhận được và kêu gọi bạn bè mỗi người giúp một chút để sửa sang cho hai ông cháu có ngôi nhà nhỏ kín đáo đón tết ấm áp hơn. Phải khẩn trương vì chỉ còn gần chục ngày nữa là đến tết. Xa xôi hơn, cũng phải tính đến tương lai cho thằng Đại khi ông Di đã già biết sống được bao lâu nữa. Những quyết tâm đó khiến lòng anh nhẹ tênh giữa gió đông tê tái.
Trương Huy