“Báu vật sống” lưu truyền văn hóa phi vật thể

Văn hóa 20 dân tộc ở tỉnh ta phong phú, đa dạng và được các thế hệ gìn giữ từ lâu đời. Trong đó, không thể không kể đến những lớp trầm tích văn hóa phi vật thể được thế hệ cha ông truyền lại cho con, cháu. Sự truyền miệng đã khiến lớp người tâm huyết với văn hóa, không ngừng truyền dạy trở thành dấu “gạch nối” không thể thiếu để văn hóa phi vật thể không mai một theo thời gian. Nghệ nhân ưu tú là danh hiệu cao quý được nhà nước trao tặng cho 4 nghệ nhân tỉnh ta. Hiện nay, còn hàng trăm nghệ nhân chưa có danh hiệu ở các xã, bản vẫn miệt mài nghiên cứu, lưu truyền văn hóa phi vật thể. Việc làm thầm lặng này chỉ vì mục đích lưu giữ tài sản văn hóa các dân tộc cho đời sau, cần được các cơ quan hữu quan, xã hội công nhận, vinh danh.

Giữ mạch nguồn văn hóa

Song song với tiến trình phát triển kinh tế của tỉnh, giữ gìn nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc cũng được chú trọng. May mắn tỉnh ta có vốn “tài sản” quý là các nghệ nhân, với vốn hiểu biết và niềm yêu dào dạt với nguồn cội, họ dành trọn tâm huyết, cuộc đời truyền lại cho thế hệ sau, phát huy di sản văn hóa phi vật thể.

Hơn 60 năm gắn bó với nghề làm đàn tính tẩu và truyền dạy cách sử dụng nhạc cụ này cũng là ngần ấy năm nghệ nhân (đã khuất) Nông Văn Nhay âm thầm bảo tồn vốn tinh hoa dân tộc Thái xã Mường So (huyện Phong Thổ). Tiếng đàn tính tẩu quyện trong điệu xòe, câu hát then đã trở thành không gian văn hóa phi vật thể không thể thiếu trong ngày hội, lễ tết của dân tộc Thái. Vượt ra biên giới của tỉnh, làn điệu then, đàn tính của xã Mường So đã đến Liên hoan nghệ thuật hát then – đàn tính các dân tộc Tày – Nùng – Thái và được cả nước biết tới. Di sản văn hóa này chứa đựng đời sống tinh thần bao đời của bà con sinh sống bên dòng Nậm So và đến nay, những lớp học trò của ông Nông Văn Nhay như là ông Nông Quốc Chấn (bản Phiêng Đanh, xã Mường So) vẫn đang tiếp tục làm đàn, dạy cho thế hệ trẻ cách đánh đàn, điều chỉnh âm điệu trầm bổng.

Nhắc đến các điệu xòe rộn rã tại lễ hội: Kin Lẩu Khẩu Mẩu, Then Kin Pang, Nàng Han thì phải nhắc đến nghệ nhân Hoàng Ngọc Sứu. Bản Nà Củng, xã Mường So (huyện Phong Thổ) là “cái nôi” tưới tắm cho tâm hồn ông các làn điệu truyền thống. Hơn 40 năm truyền dạy các bài múa: xòe, nón, xoỏng, khăn cho đội văn nghệ bản cũng là bấy nhiêu năm ngọn lửa đam mê trong ông chưa từng vơi cạn. Hàng chục bài múa truyền thống được phục dựng của ông đã góp phần thúc đẩy phong trào văn nghệ trong khu vực các xã, bản lân cận. Ông Sứu còn dày công sưu tầm tục ngữ, thành ngữ, truyền thuyết của dân tộc Thái, góp phần bảo tồn, lưu giữ vốn quý cho thế hệ trẻ.

Ở huyện Sìn Hồ, trong những “Cây cao bóng cả” phải kể đến ông Tẩn Kim Phu (khu phố 6, thị trấn Sìn Hồ). Để những câu chuyện cổ tích không thất truyền, ông sưu tầm, biên soạn thành 2 tập sách, góp phần đa dạng tủ sách văn hóa dân gian của tỉnh và được nhiều nhà trường giới thiệu đến học sinh. Ông Phu còn là người hiểu biết vốn chữ nôm Dao của dân tộc, dạy cho nhiều thế hệ biết loại chữ nôm Dao này sử dụng trong cuộc sống. Với vốn am hiểu phong tục tốt đẹp của dân tộc trong lễ cưới, lễ tang, ông Phu đã viết thành sách và được Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, Hội Văn học thiểu số các dân tộc Việt Nam in, xuất bản.

Nghệ nhân dân gian ở tỉnh ta hiện nay chủ yếu sống ở các xã, bản, như là gốc gác, cội rễ của đại ngàn. Tuy chưa được truy tặng danh hiệu nhưng họ vẫn cần mẫn lưu truyền những nét đẹp văn hóa mình biết. Điểm chung của các nghệ nhân là khả năng am hiểu các lĩnh vực văn hóa truyền thống, được Nhân dân nể trọng, có thể truyền dạy lại cho cộng đồng. Điển hình như nghệ nhân dân gian Hù Cố Xuân (bản Seo Hai, xã Can Hồ, huyện Mường Tè) dạy đội văn nghệ của bản hát múa những bài dân ca dân tộc Si La. Ông Lò Văn Chiến (phường Đông Phong, thành phố Lai Châu) nghiên cứu lễ tang, lễ cưới, ẩm thực dân tộc Pú Nả; ông Điêu Văn Thuyển (huyện Phong Thổ) dạy chữ Thái cho thế hệ trẻ…

Nghệ nhân ưu tú Hoàng Ngọc Sứu (xã Mường So, huyện Phong Thổ) dạy Đội văn nghệ bản Nà Củng múa nón.

Cần tôn vinh nghệ nhân dân gian

Có thể khẳng định sự truyền miệng của các nghệ nhân đang là hình thức bảo tồn văn hóa hiệu quả ở tỉnh ta. Mỗi nghệ nhân là một kho tàng văn hóa cần được xã hội tôn vinh và được các thế hệ trẻ tiếp thu, đón nhận, tiếp bước trong quá trình giữ gìn cội nguồn văn hóa dân tộc mình. Tuy nhiên, lớp nghệ nhân dân gian giàu vốn hiểu biết đang mỗi ngày một già cỗi, nhiều người lần lượt mất đi, là nỗi mất mát lớn của tỉnh như bà Vương Thị Mín (phường Đoàn Kết, thành phố Lai Châu), ông Nông Văn Nhay (huyện Phong Thổ)…

Trên thế giới hiện nay, UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc) đưa ra khái niệm “báu vật nhân văn sống” nhằm tôn vinh, công nhận các nghệ nhân gìn giữ, truyền đời di sản văn hóa. Ở nước ta, Chính phủ quy định trong Luật Di sản Văn hóa cũng nhắc đến các chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân. Được biết ở tỉnh ta, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã lập 10 bộ hồ sơ, trong đó có 7 bộ hồ sơ nghệ nhân đủ tiêu chuẩn đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Nghệ nhân ưu tú. Đầu năm 2016, tỉnh ta đã trao tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú (Theo Quyết định số 2533/QĐ-CTN của Chủ tịch nước ngày 13/11/2015 về việc phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ nhân ưu tú” cho 4 nghệ nhân: Tẩn Kim Phu (huyện Sìn Hồ); Hoàng Ngọc Sứu, Nông Văn Nảo (huyện Phong Thổ); truy tặng nghệ nhân ưu tú cho ông Nông Văn Nhay (huyện Phong Thổ). Danh hiệu này tôn vinh những cống hiến không mệt mỏi của những nghệ nhân dân gian, góp phần bảo tồn các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội và tín ngưỡng của các dân tộc Lai Châu. Những nghệ nhân đủ điều kiện song chưa được công nhận có thể do các công trình nghiên cứu chưa in ấn, xuất bản thành sách, đĩa, đạt một số giải thưởng nhất định và đang được các cơ quan hữu quan tỉnh ta tiếp tục hoàn thiện để thời gian tới tiếp tục đề nghị trao tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú.

Không phải là nói quá khi ví nghệ nhân dân gian tựa như “linh hồn” của mỗi dân tộc. Nguy cơ mai một sẽ được đẩy lùi nếu như các cơ quan hữu quan, chính quyền địa phương có thể phát huy ưu thế của nghệ dân trong xã hội. Cùng với đó là chú trọng công tác tôn vinh, chính sách đãi ngộ với nghệ nhân dân gian bởi hiện nay còn hàng trăm nghệ nhân của chúng ta đang lặng thầm cống hiến tâm sức song chưa được công nhận. Sự phối hợp của các cơ quan liên quan với nghệ nhân dân gian cũng rất quan trọng để phục dựng các lễ hội đúng theo phong tục truyền thống. Cùng với đó là thống kê các di sản văn hóa phi vật thể để duy trì và gìn giữ. Quan trọng nhất là vận động giới trẻ, các thế hệ đi sau tiếp bước, không ngừng học hỏi, được nghệ nhân truyền lại vốn kiến thức quý báu hoặc ghi chép lại thành những pho văn hóa sống. Có như thế, văn hóa các dân tộc mới trường tồn, không mai một theo thời gian…

Hải Yến


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.