THƯƠNG NHỚ DÂU TẰM

Người dân quê tôi dệt sợi từ quả bông chứ không từ kén tằm. Cho nên trong bản trồng nhiều dâu tằm nhưng không phải để lấy lá. Những rặng dâu khi ấy gắn liền với những kí ức tuổi thơ nơi miền biên giới của chúng tôi.

Bà nội hay bảo người Giáy mình còn nghèo, nhưng thấy con cháu chịu thương chịu khó, ngoan ngoãn, bình an là bà mừng rồi. Bà hay nhắc chúng tôi giúp bố mẹ việc nhà từ thái chuối, hái lá sắn cho lợn, cho thỏ rồi học hành chăm chỉ, đúng giờ. Cho nên con đường đất đi bộ để tới trường dù xa mà chúng tôi chẳng bao giờ muộn học. Bà hay nắm cho mỗi đứa một gói xôi, vừa đi vừa ăn đến trường cho chắc dạ, không bao giờ lo đi học bị đói. Bà thương đến cả đàn cá nhỏ dưới ao. Bà nhắc bố trồng quanh bờ ao những cành dâu để đàn cá được bóng mát mà trú giữa trưa nắng.

Tháng tư về chập chờn ngoài ngõ, đón tiết trời có cái nắng ẩm rơi vãi khắp nơi trong bản. Đó cũng là khi những quả dâu tằm trở thành những kỉ niệm không thể nào quên.

Khi thấy lấp ló trong rặng dâu những quả ương ương nửa xanh nửa đỏ là lũ trẻ chúng tôi đã vội đưa tay mà nhấm nháp cái vị chua mát giữa trưa hè. Có khi hái được nhiều thì hẹn nhau ra trái nhà ngồi chấm muối. Mẹ bảo, các con phải để dâu chín hơn hãy hái cho ngọt. Nhớ phần bà quả chín mọng. Một tuần sau, chúng tôi mới ra bờ ao thì ôi chao. Sao mà nhiều dâu đến thế. Những quả dâu mới chín thì màu đỏ, chín hơn thì đỏ đậm. Đến khi chín hẳn thì dâu chuyển qua màu tím đậm. Bà bảo trèo hái dâu cẩn thận kẻo ngã xuống ao. Thế rồi vẫn có đứa ngã thật. Rồi cả lũ nhảy xuống ao tắm “ùm”. Những buổi trưa mát rượi tâm hồn tuổi thơ tôi. Tắm xong cả lũ lại chuyển qua “chiến lợi phẩm” là rổ dâu vừa hái. Chúng tôi chọn quả ngon mời bà. Bà chỉ thử vài quả khen ngon rồi đưa bảo chúng tôi ăn hết cho “nhanh lớn”. Chúng tôi vừa ăn vừa quệt vào nhau vì miệng và tay đứa nào cũng tím ngắt. Ăn xong thì cũng là lúc trên mặt nhau nguệch ngoạc màu dâu chín. Cả lũ cười khoái chí, tiếng cười lanh lảnh giữa trưa hè. Tuổi thơ bình yên thế trôi qua. Cho đến khi mỗi đứa lớn lên, đi học xa, không còn về nhà hái dâu nữa.

Ngày bà ốm, tôi trở về nhà. Những cành dâu ở bờ rào, bờ ao sai trĩu quả, không ai hái. Bà nghĩ tôi vẫn thích như thời xưa bé nên bảo cháu ra hái về mà ăn không phí. Tôi đùa bà: cháu không ăn thì có lũ cá ăn hộ, cá càng thích chứ sao bà. Bà mắng yêu “chị giống y bố chị”. Rồi tôi hái một rổ quả chín mọng. Tôi bảo bà: ngày xưa nghèo chẳng có tiền mua đường về ngâm. Cháu lên phố học, thấy trên đó có nước dâu ngon lắm. Để cháu ngâm cho bà và cả nhà uống thử. Bà khen ngon. Giữa ngày hè nắng nóng mà có nước quả này thì thích. Cháu mang lên trên trường mà uống, cho các bạn uống cùng cho vui. Tôi mang lên trường, các bạn trên phố trầm trồ về món quê mùa dân dã mà ngon quá đỗi. Tôi bảo bản tôi nhiều lắm, mời các bạn có dịp về chơi.

Ngày bà mất, tôi trở về nhà. Nhưng giờ không còn rặng dâu và cái ao cũ nữa. Bà từng bảo nhà mình hiến cái ao làm đường cho dân bản là việc tốt. Nên cả nhà ai cũng nghe theo bà, chẳng ai tiếc cái ao và rặng dâu. Tôi chỉ thương nhớ. Rồi hì hụi trồng lại một hàng rào dâu mới. Chỉ năm tới thôi là quả lại xum xuê. Để nhìn mà nhớ tuổi thơ và bà nội yêu kính. “Kỉ niệm sẽ chẳng là gì nếu thời gian vội xoá, nhưng sẽ là tất cả nếu lòng người khắc ghi”.

Thùy Giang

 

 

 

 


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.